So với kế hoạch ban đầu, Liên hoan Phim (LHP) việt nam lần thứ XXII dự định tổ chức tại Huế đã phải lùi lịch từ tháng 9 xuống tháng 11 vì dịch Covid. Tuy nhiên, ban tổ chức vẫn phải tính toán nhiều phương án cho LHP lần này.
Chật vật vì dịch
Là kiện quan trọng của ngành điện ảnh, LHP Việt Nam được tổ chức 2 năm một lần nhằm biểu dương các tác phẩm điện ảnh, vinh danh các nghệ sĩ điện ảnh có thành tựu nghệ thuật nổi bật trong thời gian từ sau LHP lần trước tới LHP lần này. Xen kẽ giữa hai lần tổ chức của LHP Việt Nam là LHP quốc tế Hà Nội. Tuy nhiên, năm 2020 LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VI đã phải hoãn khi dịch bệnh bùng phát khắp thế giới. Năm nay, LHP Việt Nam lần tsự hứ XXII được khởi động khá sớm với Đề án “Tổ chức Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII” được Bộ VHTTDL phê duyệt từ tháng 3/2021. Với chủ đề “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn”, LHP được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều nét mới khi trở lại Cố đô Huế sau hơn 20 năm kể từ LHP Việt Nam lần thứ 12 (năm 1999).
Nghi thức kéo cờ tại LHP Việt Nam
Ban Tổ chức cũng xác định LHP là sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc gia, đặc biệt triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. LHP cũng là dịp để các nghệ sĩ và những người làm công tác điện ảnh tiếp tục triển khai đề án xây dựng, quảng bá Thương hiệu quốc gia Liên hoan Phim Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030.
Để chủ động nguồn phim phục vụ cho các chương trình phim dự thi gồm: Phim truyện điện ảnh, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình… Cục Điện ảnh đã gửi các thông báo của LHP đến các hãng, công ty, đơn vị sản xuất phim từ rất sớm. Thông báo số 2 gửi đi từ ngày 7/4 và thông báo số 3 đã được gửi đi ngày 26/7 trong đó quy định: Phim tham dự LHP Việt Nam lần thứ XXII được cấp giấy phép phổ biến hoặc có Quyết định phát sóng trên Đài Truyền hình trong khoảng thời gian từ ngày 11.9.2019 đến 10.8.2021. Thời hạn nhận hồ sơ đăng ký phim tham dự LHP đến hết ngày 15.8.2021. Ban tổ chức sẽ thành lập Hội đồng tuyển chọn phim tham dự LHP, dự kiến làm việc từ ngày 20.8.
Riêng Chương trình toàn cảnh (Panorama) bao gồm các phim Việt Nam đương đại được sản xuất trong khoảng thời gian từ LHP Việt Nam lần thứ XXI đến LHP Việt Nam lần thứ XXII nhưng không nằm trong Chương trình phim dự thi.
Khán giả – yếu tố góp phần làm nên thành công của một LHP
Đặc biệt, LHP sẽ có chương trình phim Việt Nam có bối cảnh được quay tại Thừa Thiên Huế qua các thời kỳ qua đó giới thiệu về Huế, thành phố Festival, thành phố di sản văn hóa, du lịch độc đáo.
Ngoài các chương trình phim dự thi, phim toàn cảnh… LHP còn có hai hội thảo với những vấn đề nổi cộm đặt ra trong tình hình hiện nay. Hội thảo với chủ đề: Bản sắc văn hóa Việt Nam trong tác phẩm điện ảnh và hội thảo: Xúc tiến, quảng bá điện ảnh từ giá trị di sản văn hóa, du lịch trong hợp tác, cung cấp dịch vụ làm phim.
Ngoài ra, LHP còn có các chương trình giao lưu giữa nghệ sĩ điện ảnh với khán giả, học sinh, sinh viên; giao lưu giữa Nghệ sĩ điện ảnh với công nhân các khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế. Triển lãm: Thừa Thiên Huế – Điểm đến của các nhà làm phim cùng với chương trình chiếu phim ngoài trời kết hợp trình diễn thời trang áo dài và giao lưu nghệ sĩ.
Chuẩn bị nhiều phương án
Dù đã được chuẩn bị từ sớm và đẩy thời gian tổ chức lên trước hai tháng nhằm tránh mùa mưa tại Huế nhưng do đợt dịch lần thứ 4 bùng phát tại nhiều tỉnh thành nên LHP Việt Nam lần thứ XXII đã phải dời lịch. Lễ khai mạc dự kiến sẽ diễn ra ngày 19.11, lễ bế mạc và trao giải dự kiến diễn ra vào ngày 22.11.
Tổ chức LHP Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cũng buộc Cục Điện ảnh phải bám sát tình hình thực tiễn để triển khai những nội dung cụ thể. Cục Điện ảnh đã dự kiến các phương án tổ chức LHP Việt Nam lần thứ XXII theo quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ban tổ chức đã dự phòng nhiều phương án như tổ chức truyền thống kết hợp với các phương tiện truyền tải trực tuyến hoặc phương án tổ chức online.
Lực lượng tình nguyện viên chụp ảnh cùng sao
Cùng với việc dời lịch, một số hạng mục, chương trình dự kiến sẽ được rút gọn, giảm nhẹ nhằm đạt được tiêu chí hiệu quả, an toàn. Theo đó, một số nội dung như triển lãm, hội thảo có thể sẽ lược bớt. Các chương trình chiếu phim dự kiến sẽ chiếu giãn cách trong rạp hoặc trực tuyến với những phim thỏa thuận được chiếu trực tuyến.
Dự kiến, chương trình phim dự thi (phim truyện điện ảnh, phim tài liệu, phim khoa học và phim hoạt hình) sẽ chiếu cho BGK chấm thi tại Hà Nội và chiếu giãn cách trong rạp chiếu phim, chiếu trực tuyến cho khán giả với những phim thỏa thuận được chiếu trực tuyến. Chương trình toàn cảnh (Panorama) cũng sẽ được chiếu giãn cách trong rạp và chiếu trực tuyến cho khán giả. Hai sự kiện chính trong LHP là Lễ khai mạc và Lễ bế mạc, trao giải thưởng sẽ được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Phát thanh – Truyền hình Thừa Thiên Huế, đồng thời tổ chức giãn cách trong khán phòng và trực tuyến trên các nền tảng số để khán giả theo dõi.
Các hoạt động quảng bá, truyền thông, giao lưu trực tuyến với các nhà làm phim có thể sẽ chuyển đổi hình thức từ các hội thảo trực tiếp sang trực tuyến nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp. LHP dự kiến hạn chế khách mời, giữ khoảng cách người tham gia các sự kiện…
Nếu LHP được tổ chức theo phương thức trực tuyến thì đây sẽ là lần đầu tiên LHP Việt Nam được tổ chức với hình thức này. Để tổ chức LHP theo hình thức trực tuyến, Cục Điện ảnh sẽ phải tìm các đối tác cung cấp nền tảng kỹ thuật số, phối hợp truyền tải trực tuyến các hoạt động chiếu phim và sự kiện thảm đỏ, Lễ khai mạc, Lễ bế mạc và trao giải của LHP. Dù chọn phương án nào thì với các nghệ sĩ LHP Việt Nam vẫn là sự kiện quan trọng để hướng về.
THỦY TRẦN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 475, tháng 9-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Sự trở lại của các Bond Girl
Giá trị phù điêu đất nung tại điện Ngưng Hy
Tom Hardy: Chiến thắng chính mình