Sex và quan niệm tình yêu trong tác phẩm haruki murakami


Sex trong tác phẩm văn học đang là vấn đề được giới bình luận văn học trong nước và thế giới quan tâm đặc biệt. Hiện nay, các tác phẩm văn học mang yếu tố sex của các nhà văn Pháp, Mỹ, Trung Quốc… và Nhật Bản được xuất bản ồ ạt ở Việt Nam. Hai tác giả nổi bật của Nhật Bản có sách bán chạy nhất ở Việt Nam hiện nay là Haruki Murakami và Banana Yoshimoto.

Cuộc Hội thảo tại Trung tâm Việt Nhật – Đại học Ngoại thương Hà Nội (17-3-2009), với sự tham gia của các nhà văn, dịch giả, các nhà phê bình, nghiên cứu có uy tín trong và ngoài nước, đã tranh luận sôi nổi, cởi mở về nhiều vấn đề xung quanh hai hiện tượng văn học này. Thu hút sự quan tâm của khá nhiều độc giả đó là “sex trong tác phẩm của Murakami”. Đáng chú ý nhất có lẽ là nhận định của nhà nghiên cứu Nhật Chiêu: “Dịch Murakami ở Việt Nam có làm đồi trụy hóa người Việt Nam không? Có người được tặng sách Murakami còn phản ứng tại sao tặng sách bậy bạ, vì cho rằng mình là người đứng đắn. Đừng đổ lỗi cho Murakami. Nhiều người thấy yếu tố tình dục trong tác phẩm của Murakami phản cảm là do sự khác biệt của hai nền văn hóa. Ở Nhật không có đề tài cấm kỵ nên nói về chuyện đó khá thoải mái. Trong khi các độc giả Việt Nam cho rằng Murakami “bậy bạ” vì quá quen với “sự cấm kỵ” rồi. Cho nên, có lẽ là văn chương Việt Nam phải bước ra khỏi “sự cấm kỵ” mà xưa nay ít khai thác đến”(1). Ý kiến trên đã thâu tóm được tinh thần chung của buổi hội thảo. Đó là việc phải nhìn nhận đúng đắn về vấn đề sex trong tác phẩm của Murakami cũng như tìm ra hướng đi thích hợp để văn học nước nhà có thể mở cửa hội nhập với xu hướng văn chương thế giới qua việc “nhìn Murakami để đối chiếu với bản thân”, bởi nhìn người cũng là để nhìn lại mình. Bài viết xin góp thêm một góc nhìn về cách lý giải yếu tố sex trong tác phẩm của Murakami- một vấn đề mang tính thời sự của văn học đương đại thế giới.

 

Murakami là nhà văn Nhật Bản nổi tiếng không chỉ ở Nhật. Tác phẩm của ông thu hút nhiều nhất sự quan tâm của dư luận và độc giả: “Không có nhiều tác giả cùng thời với ông mà tác phẩm lôi cuốn được độc giả trẻ trực tiếp đến như thế, không chỉ trong nước ông mà còn trên khắp thế giới” (Báo The Guardian – Anh). Điều gì đã làm cho tác phẩm của Murakami trở thành những hiện tượng best seller như vậy? Tài năng của nhà văn và đề tài sex trong tác phẩm của ông đang được người đọc quan tâm tìm hiểu. Thật sự, đã có lúc Murakami không được đón tiếp một cách thân thiện ngay trên chính quê hương của mình. Người ta đã phê phán văn chương Murakami là “xa rời truyền thống”, và “nặng mùi bơ” (Kenzaburo Oe). Câu trả lời xin dành cho tất cả những ai yêu thích Murakami, những người trực tiếp đọc ông và thấu hiểu thông điệp nhà văn muốn gửi gắm trong từng trang sách, bởi “hiểu được Murakami, thì cũng như đang hiểu chính bản thân mình, nếm trải tất cả những gì đã mất trong cuộc đời mình”(2). Murakami đã gửi những thông điệp đến độc giả bằng những mã giao cảm riêng. Sex chính là một phương tiện đắc lực, hữu hiệu để nhà văn bộc lộ quan niệm nghệ thuật của mình: “Bạo lực và sex- hai yếu tố này có thể coi là những cánh cửa quan trọng để bước vào thế giới tâm linh của con người”(3).

Murakami không phải là người đầu tiên thể nghiệm sex trong văn học. Trước ông, có rất nhiều nhà văn đã đề cập đến vấn đề này. Mặt khác, với đặc trưng là nền văn học phát triển khá sớm và cởi mở, sắc dục là một trong những đề tài cơ bản, nổi bật của truyền thống văn học Phù Tang. Yếu tố sắc dục có cội nguồn từ văn hóa dân gian, qua những huyền thoại, truyền thuyết cổ xưa của người Nhật. Một truyền thuyết kể lại rằng: Trước đây, vũ trụ chỉ là một dải phù sa mênh mông cho đến khi có hai vị thần lấy giáo khuấy động phù sa làm nổi lên hòn đảo Avagi ở vịnh Idơ. Anh là Idanagi và em gái là Igadami, được coi là hai thủy tổ của muôn loài. Hai anh em ngắm nhau và thích thú. Cô em mạnh dạn nói: “Em cảm thấy trong người thiếu thiếu cái gì”. Anh trả lời: “Còn anh cảm thấy thừa thừa cái gì”. Hai anh em nhập cuộc ái ân và về sau đẻ ra quần đảo Nhật Bản. Đến nay, còn có hai đảo nhỏ gọi là “hai hòn đá vợ chồng”, “hòn trống mái”(4). Truyền thuyết này cho thấy ngay từ đầu, dân tộc Nhật đã sớm tri nhận về sự kết hợp âm – dương để tạo ra nguồn gốc sự sống. Tình dục trở thành hằng số tâm lý trong văn hóa, văn học Nhật Bản. Từ TK X, văn học Heian đã ghi dấu ấn định hướng cảm hứng chủ đạo cho nền văn học Phù Tang, đó là nền văn học sắc tìnhnữ tính. Kawabata- nhà văn sinh ra bởi vẻ đẹp Nhật Bản đánh giá: “Thời kỳ Heian đã đặt nền móng cho truyền thống vẻ đẹp Nhật Bản, và trong suốt tám thế kỷ đã ảnh hưởng đến truyền thống văn học Nhật Bản, xác định tính chất của nó. Genji monogatari là đỉnh cao văn xuôi Nhật Bản tất cả mọi thời đại. Cho đến nay, vẫn chưa có gì sánh ngang nó. Kể từ khi xuất hiện Genji monogatari, văn học Nhật Bản bao giờ cũng hướng đến nó”(5). Văn học Nhật Bản là nền văn học đề cao cái đẹp và đề cao tình cảm. Yếu tố ấy làm nên sự khác biệt của văn học Nhật với các nền văn học khác.

Văn học Phù Tang còn được gọi là nền văn học sắc tình. Sắc tình là một trong những đặc điểm của văn hóa truyền thống và văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến hiện đại. Nói sắc tình nghĩa là nói đến tình yêu mang yếu tố nhục cảm, thể xác trong văn học. Từ sắc tình mới có sắc dục. Tất cả đều được đặt trong quan niệm thẩm mỹ của người Nhật, bởi thiên hướng, bản chất cố hữu của họ là luôn nhìn tất cả sự vật bằng con mắt của nhà nghệ sĩ. Vì vậy, tình dục trong tác phẩm văn chương cũng không nằm ngoài lăng kính ấy. Thuật ngữ sắc tình hay sắc dục đã nói lên được tính chất cốt lõi của đề tài nhạy cảm này trong văn học Phù Tang.

Yếu tố sắc dục được ghi dấu lần đầu trong văn học Nhật Bản với kiệt tác Truyện Genji của nữ sĩ Murasaki. Đây là tác phẩm viết về tầng lớp quý tộc phong kiến Heian với những biểu hiện của sắc dục rất đậm nét. Trong Truyện Genji, có khá nhiều đoạn miêu tả cảnh ái ân nam nữ. Nhân vật chính là hoàng tử hào hoa, đa tình Genji đã có quan hệ luyến ái với nhiều người. Các thế hệ nhà văn sau đó đã phát huy truyền thống từ “mẫu gốc” này. Nổi bật nhất là Ihara Shaikaku – người được mệnh danh là “nhà văn của sắc tình Nhật Bản”(6) với tác phẩm Năm cô gái si tình (TK XVII). Trong đó, yếu tố sắc dục được đề cao và được miêu tả đậm đặc. Đến thời kỳ hiện đại, nhất là giai đoạn sau khi Mỹ chiếm đóng Nhật Bản, các nhà văn trẻ, do có sự tiếp xúc, ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa phương Tây, đã nâng yếu tố sex lên một bình diện mới. Có thể kể đến một số cây bút nổi bật trong thời kỳ này như: Môri Ôgai (1862-1922), Tanizaki Yunichirô (1886-1965), Kawabata Yasunari (1899-1972)…

Murakami rõ ràng không phải là nhà văn đầu tiên viết về tình dục (sex). Nhưng ông chính là nhà văn Nhật Bản đầu tiên coi sex như một phương tiện nghệ thuật chuyển tải quan điểm nghệ thuật hết sức độc đáo. Và có lẽ cũng chỉ với Murakami, yếu tố sex mới được luận giải đạt hiệu quả thẩm mỹ cao như vậy.

Có thể nói, so với các nhà văn cùng thời, Murakami viết về sex rất tự nhiên, chân thực và thẳng thắn. Đọc Rừng Nauy hay bất kỳ tác phẩm nào của ông đều có thể bắt gặp những trang viết về sex hay và tinh tế. Không ít người cho rằng Murakami là “kẻ cuồng dâm” bởi tác phẩm của ông đề cập quá nhiều đến chuyện tình dục. Và cũng có người cho văn Murakami là đồi trụy, không phải loại văn chương nghệ thuật. Trả lời khi được hỏi tại sao trong tác phẩm của mình, ông thường viết về sex, nhà văn thẳng thắn: “Tôi thích viết về tình dục vì đó là một phần rất quan trọng của cuộc sống”(7).

Để viết về sex tinh tế và thuyết phục, thật khó! Murakami rất hiện đại và táo bạo trong cách nhìn nhận, mô tả sex. Ông mạnh dạn phơi bày một vấn đề tế nhị và nhạy cảm trong đời sống của người phương Đông ra ánh sáng. Không xa lạ gì, từ xưa đến nay, văn hóa phương Đông chịu sự chi phối, quy định của tư tưởng phong kiến rất nặng nề. Dù Nhật Bản có là một đất nước “đi trước”, và cũng khá cởi mở đối với vấn đề này, nhưng không nhiều nhà văn dám nghĩ, dám làm như Murakami. Nhìn nhận về sex tự nhiên, chân thực, không né tránh, xem nó là một nhu cầu không thể thiếu như cơm ăn, nước uống hàng ngày chính là biểu hiện rõ nhất lối nghĩ hiện đại của Murakami. Ngay từ nhỏ, Murakami đã có dấu hiệu của một tài năng lớn, dự báo cho sự phá cách trong tương lai. Sinh ra trong một gia đình vốn có truyền thống văn chương, cha là một giáo viên dạy văn nhưng Murakami không mấy mặn mà với những tác phẩm văn học cổ Nhật Bản. Ông say mê và đọc ngấu nghiến những cuốn sách của các nhà văn phương Tây như Balzac, Dostoevsky, Chekhov, Flaubert, Dicken… Có lẽ những tiền đề ban đầu ấy đã góp phần tạo ra một gương mặt nhà văn Nhật Bản hiện đại Murakami như ngày nay với quan điểm hết sức mới mẻ trong văn chương.

Sex trong tác phẩm Murakami có một ý nghĩa đặc biệt vì nó nói lên quan niệm tình yêu của ông.

Trên những trang văn của Murakami, tình yêu luôn gắn liền với tình dục. Và không ít người trong thời đại ngày nay đã hiểu về tình yêu như vậy, khi mà họ đã đạt tới nhận thức khoa học nhất định về vai trò của tình dục trong đời sống con người. Yamada, nữ văn sĩ Nhật Bản, tác giả cuốn Đôi mắt ấy vẫn ở trên giường đã nói về quan điểm của mình: “Người ta bảo tôi thích viết về sex, nhưng cái tôi muốn viết không phải là sex… Tôi muốn viết về những cái được sinh ra từ sex, vì vậy mà tôi phải miêu tả nó một cách chi tiết… Khi bạn yêu cơ thể ai đó, ấy là bạn đã yêu tâm hồn người ta rồi”(8). Quả là một triết lý bất ngờ, mới mẻ và sâu sắc. Cơ thể con người thực sự có ngôn ngữ riêng của nó. Làm sao ta có thể nói ta yêu một ai đó chỉ bằng nỗi nhớ nhung, bằng suy tư mà không khi nào, không lần nào thực sự có ấn tượng về một làn da hay mùi hương cơ thể của người yêu? Với Murakami, tình yêu phải là sự tổng hòa của hai yếu tố ấy. Những mối tình trong tác phẩm của ông đều gắn với tình dục với các mức độ biểu hiện khác nhau: từ tình yêu của tuổi mới lớn với những rung động thơ ngây đầu đời như mối tình của Toru Watanabe và Naoko trong Rừng Nauy đến tình yêu của những người đã trưởng thành như Hajime và Shimamotosan trong Phía nam biên giới, phía tây mặt trời,… Nhưng Murakami không bao giờ miêu tả sex bừa bãi, mà luôn có chủ đích nghệ thuật. Giống như Kawabata, nhà văn tiền bối của mình, Murakami viết về tình dục nhưng văn phong của ông không mang tính dục, trái lại, vẫn thơm ngát hương đời. Murakami thường miêu tả sex trong những hoàn cảnh, tình huống tự nhiên, chân thực, với nhiều tầng nghĩa ẩn dụ tinh tế.

Phía nam biên giới, phía tây mặt trời miêu tả cuộc gặp lại nhau sau hơn hai mươi năm xa cách của hai nhân vật chính: Shimamotosan và Hajime. Mối tình thơ trẻ từ thời tiểu học của họ sống dậy vẹn nguyên như thuở ban đầu. Yếu tố sex được Murakami miêu tả mãnh liệt trong tình huống ấy. Hajime và Shimamotosan đã có dịp sống với con người thật đã mất đi từ lâu của mình bằng một đêm ân ái tuyệt vời. Để rồi sau đó, cả hai chẳng bao giờ có thể gặp lại nhau. Mỗi người lại đi trên những con đường khác biệt. Phải chăng Murakami muốn đưa ra triết lý: khi chạm đến ngưỡng cửa của sự hợp nhất thân xác, dù chỉ một lần trong đời, hai con người ấy mới thực sự chạm đến tình yêu mà họ đã mong mỏi, khát khao, kiếm tìm và rồi cuối cùng đánh mất nó, dâng hiến nó cho cuộc đời?

Mối tình đẹp và buồn của Toru Watanabe ở tuổi hai mươi với Naoko trong Rừng Nauy cũng vậy. Murakami đã vẽ nên một khung cảnh lãng mạn, thơ mộng: mưa tháng tư rả rích, vào ngày sinh nhật lần thứ 20 của Naoko, trong giai điệu bài hát Rừng Nauy của nhóm Beatle, chỉ có hai con người cô độc và mất mát tìm đến nhau. Mối tình trong sáng, đẹp đẽ ấy làm rúng động tâm hồn độc giả biết bao thế hệ. “Rừng Nauy sẽ là cuốn sách thanh xuân bất diệt, bầu bạn với hết thế hệ này qua thế hệ khác”(9). Với mối tình ấy, Murakami đã nhắn gửi thông điệp: “Trong nỗi ưu tư và cô đơn như một định mệnh đã cài đặt nơi những người mới lớn, trong sự tuyệt vọng của những tâm hồn trong sáng sẵn sàng hy sinh thân mình để khỏi thỏa hiệp với cuộc sống thế gian” thì “tình yêu là nơi trú ngụ duy nhất. Tình yêu và sự giải phóng của xác thân bao bọc lấy nó, làm cho người đàn ông và người đàn bà có thể yêu nhau với tất cả những gì có thể trước cuộc đời ngắn ngủi và quý giá”(10). Đó cũng là chất nhân văn, nhân bản trong những trang văn viết về sex của Murakami. Trịnh Lữ, dịch giả cuốn Rừng Nauy đã nói lên cảm nhận của mình: “Trong Rừng Nauy, thân xác là nơi trú ngụ và phương tiện biểu cảm tự nhiên nhất của tình yêu. Không những hoàn toàn không phải là một “dâm thư”, mà ngược lại, Rừng Nauy là cuốn tiểu thuyết bắt người đọc phải nhận thức được sự ngu xuẩn của mọi thứ dâm tính trong thị trường văn chương, phim ảnh, và trong chính ý nghĩ của con người. Rừng Nauy chinh phục được độc giả trên toàn thế giới vì nó đã giúp giới trẻ (và cả những người không còn trẻ nữa) nhận ra cái cao cả theo nghĩa triết học và tự nhiên của tình yêu”(11).

Với Murakami, sex không chỉ nói lên quan niệm tình yêu của ông và cả thế hệ 6X, 7X trong TK XX mà ông còn miêu tả sex như một nơi trú ngụ để con người giải tỏa nỗi buồn, nỗi cô đơn và sự khủng hoảng cùng cực về mặt tinh thần. Hai chữ cô đơn dường như đè nặng lên tâm hồn của những người trẻ tuổi, không chỉ ngày ấy mà cả bây giờ. Khi mà khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, khi cuộc sống đã đạt tới một mức độ tự động hóa gần như tối đa do những thành quả của khoa học mang lại, thì con người ngày càng cảm thấy cô đơn và mất phương hướng. Không riêng gì thế hệ trẻ ở Nhật Bản, chúng ta có thể bắt gặp điều đó ở bất kỳ một quốc gia phát triển nào. Tiểu thuyết Hạt cơ bản của Michel Houellebecq diễn tả mối lo ngại, sự bàng hoàng trước nỗi cô đơn và mất mát về tinh thần của các nhân vật trong tác phẩm. Sự mất phương hướng, vô định khi nhận ra quá trình tuột dốc không phanh của các giá trị văn hóa truyền thống, cơn cuồng loạn của chủ nghĩa tiêu dùng, tính hủy diệt của các chuẩn mực đạo đức tự do kiểu phương Tây và cả phong trào giải phóng tình dục… Tất cả đã đẩy con người đến những thái cực tăm tối nhất của cuộc sống: những bãi tắm khỏa thân, những cuộc làm tình tập thể, sự trụy lạc trong đời sống tinh thần… Họ khát khao có được một chút hơi ấm tình người, để yêu thương và được yêu thương, để được sống với chính con người thực của mình… Nhưng kết cục mà họ nhận được là gì? Chỉ là những bi kịch tất yếu, không lối thoát: nỗi ám ảnh bởi sự cô đơn và cái chết. Turo Watanabe đã nhận ra một chân lý sau cái chết vì tự sát ở tuổi 17 của người bạn thân Kizuki: “Cái chết là có thật. Nó không phải là đối nghịch của sự sống mà là một phần của sự sống”(12). Cả một thế hệ cứ loay hoay đi tìm kiếm, cả một thế hệ sống trong trạng thái tinh thần “điên cuồng rồi chợt tỉnh, say đắm rồi bơ vơ” (Hoài Thanh)… Murakami đã phản ánh hiện thực ấy bằng con mắt của chính người trong cuộc. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên có lý khi cho rằng: “Sex với liều lượng như trong Rừng Nauy là nằm trong ý đồ nghệ thuật của nhà văn: những sự chung đụng thể xác không cứu vãn nổi tâm hồn của những con người cô đơn… Viết về lớp trẻ của Nhật những năm 60, 70 mà không có tình dục là không thành thật”(13). Đó cũng là lý do khiến những người trẻ tuổi thích đọc tác phẩm của ông.

Nhưng nếu chỉ nói tình yêu gắn liền với tình dục thì chưa đủ hiểu quan niệm tình yêu của Murakami. Với nhà văn, tình yêu không chỉ gắn liền với tình dục mà còn phải là sự hòa hợp, đồng điệu tuyệt đối của hai nửa tâm hồn. Nói cách khác, trong tình yêu, con người không chỉ hòa hợp về thân xác mà quan trọng hơn là sự hợp nhất về tâm hồn. Trong Rừng Nauy, mặc dù Watanabe đã có quan hệ với rất nhiều phụ nữ, nhưng với Naoko, anh chỉ làm tình duy nhất một lần trong đời và giữ một tình yêu sâu sắc, thuần khiết cho đến khi cô tự sát vào năm 21 tuổi. Phải chăng đối với Toru Watanabe, tình yêu dành cho Naoko là điều thiêng liêng, thánh thiện và trong suốt, nó vượt qua những ranh giới tầm thường, khiến anh không thể chạm đến lần thứ hai? Tình yêu đầu đời ấy, hình hài người con gái yểu mệnh ấy phải chăng là hiện thân của cái đẹp mong manh, ẩn tàng và dễ vỡ, của thực tại và ảo ảnh, hạnh phúc và khổ đau trong cuộc đời chàng trai trẻ Watanabe? Miêu tả mối tình của Miss Saeki với người tình tuổi 15 của bà trong Kafka bên bờ biển, Murakami bộc lộ suy tư chiêm nghiệm: “Suốt đời chúng ta long đong lận đận đi tìm cái nửa kia của chúng ta một cách tuyệt vọng. Nhưng Miss Saeki và chàng trai của mình thì không phải làm thế. Họ sinh ra đã có cái nửa kia ngay trước mặt mình”(14). Thậm chí, ngay cả khi xây dựng mối tình đồng tính của Miu và Sumire trong tác phẩm Người tình Sputnik, nhà văn cũng muốn khẳng định: thà là một tình cảm “đặc biệt” giữa hai người phụ nữ tâm hồn họ thật sự thuộc về nhau còn hơn là mối quan hệ giữa một người đàn ông và một người đàn bà chỉ mang tính bản năng và nhu cầu sinh lý. Tình yêu chân chính là bản hòa tấu của sự cảm thông, thấu hiểu và san sẻ. Thế giới tình yêu mà Murakami đã tạo dựng cho các nhân vật của mình là cõi vĩnh cửu, mà ở đó “cuộc đời là vô hạn về độ dài, tình yêu là vô hạn trong đồng cảm và niềm vui là vô hạn trong viên mãn” (Emily Bronty).

Sex đóng một vai trò chủ lực giúp Murakami truyền tải những thông điệp quan trọng đến người đọc và cũng là phương tiện để nhà văn bộc lộ nội tâm, cá tính sáng tạo độc đáo của mình. Với quan niệm tình yêu như thế, làm sao có thể khẳng định Murakami là “xa rời truyền thống”? Nhận định Murakami “xa rời truyền thống” rõ ràng có phần phiến diện và chủ quan. Sự khác biệt giữa Murakami với các nhà văn trước là ở chỗ ông miêu tả sex độc đáo, chân thực, chi tiết và đậm đặc hơn rất nhiều. Nhưng điều quan trọng, đằng sau đó là cả một nhân sinh quan, quan niệm về nghệ thuật mạnh mẽ, sáng rõ mà không hề né tránh của Murakami. Nó chân thực như chính con người ông. Có lẽ Murakami đã chinh phục được hàng triệu độc giả trên khắp thế giới là vì vậy.

Xu hướng của văn học hiện đại thế giới, trong đó có Nhật Bản, là đi tìm những hình thức biểu hiện mới cho những đề tài truyền thống như: chiến tranh, hòa bình, tình yêu, thân phận con người, nỗi cô đơn, hạnh phúc, khổ đau và cái chết… Murakami đã chọn sex là phương tiện nghệ thuật để chuyển tải những quan niệm, triết lý của ông về con người, tình yêu và cuộc sống. Tài năng của Muarakami đã giúp nhà văn diễn đạt tế vi thế giới tâm hồn, tình cảm của con người hiện đại, giúp độc giả phân biệt và lựa chọn các phương tiện nghệ thuật mới lạ được nhà văn sáng tạo nhằm chuyển tải những vấn đề trọng tâm của thời đại. Việc khuyến khích các nhà văn sáng tạo các phương tiện mới (như trường hợp của Murakami) để văn học có thể phát triển và không tụt hậu là điều nên làm. Bởi “làm nghèo những phương tiện diễn đạt tư tưởng, tình cảm của con người trong tác phẩm – đó cũng chính là làm nghèo đi nghệ thuật”(15). Với những gì đã thể hiện, “Murakami không chỉ là nhà văn lớn của Nhật Bản mà còn là một nhà văn lớn của thời đại”(16).

_______________

1, 3, 7, 8, 13. Trang web: Evan.com.vn

2, 9, 10, 11. Haruki Murakami, Rừng Nauy, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2008.

14. Haruki Murakami, Kafka bên bờ biển, Nxb Văn học, Hà Nội, 2007.

16. Haruki Murakami, Người tình Sputnik, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2008.

5. Kawabata Yasunari, Sinh ra từ vẻ đẹp Nhật Bản, diễn từ Nobel văn chương 1968, Đoàn Tử Huyến dịch từ bản tiếng Nga Evan.com.vn

15. Lê Ngọc Trà, Văn chương, thẩm mỹ và văn hóa, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007.

4. Hữu Ngọc, Dạo chơi vườn văn Nhật Bản, Nxb Văn nghệ, TP.HCM, 2006.

               6. Nhật Chiêu, Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1868, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2003.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 304, tháng 10-2009

Tác giả : Nguyễn Bích Nhã Trúc

4/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *