Mặt nạ châu phi


 

Người nghệ sĩ bộ lạc

Quá trình đào tạo của người nghệ sĩ bộ lạc châu Phi có thể kéo dài nhiều năm, bao gồm kiến thức về kỹ thuật chạm trổ truyền thống và cách áp dụng chúng vào những đồ vật tôn giáo và xã hội mà người nghệ sĩ sáng tạo. Nghề nghiệp của anh có thể học được bằng cách tập sự trong xưởng của một bậc thầy chạm trổ, hay nhiều khi những kỹ năng này được truyền từ cha sang con qua nhiều thế hệ gia đình.

Người nghệ sĩ có một vị trí được nể trọng trong xã hội bộ lạc châu Phi. Công việc của anh là cung cấp những mặt nạ và tượng điêu khắc đủ loại dùng trong các nghi lễ tôn giáo. Tác phẩm của anh được đánh giá về mặt tâm linh nhiều hơn là chất lượng mỹ thuật của nó.

Ban đầu, khi các họa sĩ và các nhà sưu tập phương Tây quan tâm đến nghệ thuật châu Phi, họ không đánh giá đúng chức năng tâm linh và xã hội của nó. Nghệ thuật châu Phi đơn giản được cho là một loại hình thô sơ có sức tác động thị giác mạnh.

Vào đầu TK XX, các nghệ sĩ châu Âu tìm kiếm những hình thức diễn đạt mới đầy thách thức hơn là chỉ đơn giản minh họa, thế giới những ý tưởng và kỹ thuật của họ thay đổi nhanh chóng. Những kỹ thuật truyền thống của hiện thực và luật phối cảnh dường như đã đựơc tận dụng và có thể đoán trước được.

Giải pháp của họ là rút ra những hình tượng từ những nền văn hóa khác và hòa tan chúng với uy lực của châu Âu để làm mới những truyền thống đã mệt mỏi của nghệ thuật phương Tây. Những triển vọng mới mà các nền văn hóa này cung ứng mở ra nhiều cánh cửa của sự phát triển dẫn đến sự giao thoa về ý tưởng và phong cách tạo thành thế giới nghệ thuật của chúng ta ngày nay.

Năng lực biểu hiện của nghệ thuật châu Phi là cơ sở đối với cuộc cách mạng này và đối với sự phát triển những phong cách của các nghệ sĩ đổi mới đầu tiên thụôc trường phái lập thể, biểu hiện và dã thú.

Ngày nay, những phẩm chất tốt đẹp của nghệ thuật bộ lạc châu Phi, cũng như những phẩm chất nghệ thuật của bất kỳ lục địa nào, đã được hiểu rõ hơn và đạt được vị trí đích thực của chúng trong nghệ thuật của nhân loại.

Nhưng buồn thay, hầu hết tác phẩm nghệ thuật truyền thống châu Phi hiện được sản xuất vì mục đích thương mại và du lịch. Mặc dù một số những phẩm vật này là những kiểu mẫu chứng tỏ tài nghệ thủ công, các nhà sưu tập nói rằng nhiều tác phẩm thiếu tính chất tâm linh, một tính chất đối kháng với động cơ lợi nhuận.

Nghệ thuật mà không có “chiều tâm linh”, theo ý nghĩa rộng nhất của thuật ngữ này, thì không bao giờ vượt quá mức độ của một tác phẩm thủ công và không thể truyền đạt những cảm xúc hưng phấn được sinh ra từ sâu thẳm của cảm hứng bí ẩn.

 

Chức năng của một mặt nạ châu Phi

Hồi đầu TK XX, những họa sĩ lừng danh như Pablo Picasso và Andre Derain đã có được cảm hứng từ những mẫu thiết kế trừu tượng táo bạo mà họ khám phá nơi các mặt nạ bộ lạc châu Phi. Họ sưu tập và sử dụng những tác phẩm nghệ thuật này để đổi mới phong cách của họ. Thực tế là họ sử dụng văn hóa châu Phi để làm mới truyền thống đã mệt mỏi của hội họa hình thể trong nghệ thuật châu Âu.

Kết quả là hiện nay ta có khuynh hướng ngưỡng mộ những kiểu mẫu dữ dội và hoa văn trừu tượng của mặt nạ châu Phi thông qua mắt nhìn của người phương Tây. Chúng ta thưởng thức chúng ở các cuộc triển lãm hay trên các vách tường của nhà bảo tàng, tách rời chúng khỏi ý nghĩa nguyên thủy và sức mạnh ma thuật của chúng. Tuy nhiên, mặt nạ châu Phi không phải được tạo ra để nhìn ngắm.

Mặt nạ châu Phi nên được xem là một phần của trang phục lễ hội. Chúng được dùng trong các sự kiện xã hội cũng như tôn giáo để tái hiện những vị thần tổ tiên hay để khống chế những lực lượng thiện và ác trong cộng đồng. Chúng đến với đời sống, được làm chủ bởi vị thần của chúng trong khi biểu diễn vũ điệu, và được nâng cao bởi âm nhạc cũng như bởi không khí của sự kiện. Sự kết hợp hình tượng người và thú vật nhằm hợp nhất con người với môi trường tự nhiên. Mối liên kết với tự nhiên này rất quan trọng trong cộng đồng châu Phi và qua nhiều thế hệ, mặt nạ luôn được dùng để miêu tả mối quan hệ này.

 

Vật liệu của một mặt nạ châu Phi

Các mặt nạ châu Phi được làm bằng nhiều loại vật liệu khác nhau như gỗ, đồng thiếc, đồng thau, đồng đỏ, ngà, đất nung, gốm men, sợi cọ và vải. Chúng thường được trang trí bằng vỏ ốc, các loại hạt màu, xương, da thú và xơ thực vật.

Tuy nhiên phần lớn các mặt nạ và tượng điêu khắc được làm bằng gỗ vì hai lý do: Nguồn gỗ phong phú từ cây rừng; Người điêu khắc tin rằng cây có một linh hồn và gỗ cây làm mặt nạ là nơi trú ngụ tự nhiên nhất của linh hồn đó.

Trước khi cây được đốn ngã, có thể có một cuộc cúng tế được tổ chức để thể hiện sự tôn trọng linh hồn của cây và để xin phép được chạm khắc. Cuộc sống lệ thuộc thiên nhiên và siêu nhiên truyền cảm hứng cho người nghệ sĩ và cộng đồng của anh. Loại nghi thức này phổ biến trong nhiều nền văn hóa có mối quan hệ mật thiết với thiên nhiên.

Những mặt nạ gỗ thường được tô màu bằng thuốc nhuộm tự nhiên làm từ các loại rau củ, thực vật, hạt giống, vỏ cây, đất và côn trùng. Đôi khi mặt nạ được vẩy máu thiêng để gia tăng sức mạnh tâm linh.

Những dụng cụ dùng để tạc và chạm trổ – lưỡi rìu truyền thống – thì cũng mang ý nghĩa tâm linh. Khi những dụng cụ được chuyển giao qua nhiều thế hệ, đôi khi chúng thừa kế tinh thần và kỹ năng của những bậc tiền bối. Chúng, cũng như người nghệ sĩ, thuật chạm trổ của anh ta và cái cây từ đó chúng trở thành, đều là thành phần hợp thành nhất thể của thiên nhiên – đó là quan điểm sinh thái thấm nhuần toàn bộ văn hóa bộ lạc châu Phi.

 

Việc sử dụng hoa văn trong các mặt nạ châu Phi

Hoa văn dữ dội, dù là được sơn phết hay chạm trổ, là một yếu tố mạnh mẽ và ấn tượng nơi mẫu thiết kế mặt nạ châu Phi. Hầu hết các hoa văn trên mặt nạ có khuynh hướng theo dạng hình học, cân đối và được sử dụng theo nhiều cách:

Hoa văn thường được sử dụng như một hình thức thông tin được cộng đồng chấp nhận.

Những đường song song, đường ziczac, hình chữ thập, những đường xoắn ốc uốn lượn, được thể hiện bằng những vết rạch hay hình xâm, thường được sử dụng để trang điểm bề mặt của mặt nạ. Những hình này có thể biểu thị vị trí xã hội hay chứa đựng sức mạnh tôn giáo hoặc ma thuật.

Những hoa văn hình học thỉnh thoảng được dùng để phân biệt mặt nạ nam và mặt nạ nữ.

Hệ thống đường kẻ hình vuông và hình tam giác thường được khắc để trang trí nhiều phần của một mẫu thiết kế.

Những kiểu tóc tết bím phức tạp trang trí cho phần chỏm đầu.

Những đường chéo bện nhau và những hình hình học là những chi tiết thường thấy trên các mặt nạ châu Phi. Với sự lan tỏa của đức tin Hồi giáo ở châu Phi, một số mẫu thiết kế này cho thấy sức ảnh hưởng của những ý tưởng trang trí thuộc dòng nghệ thuật Hồi giáo.

 

Những yếu tố phong cách trong mặt nạ châu Phi

Có hai lực lượng ảnh hưởng đến phong cách của một mặt nạ bộ lạc châu Phi: Phong cách truyền thống tuân theo qui định tín ngưỡng và xã hội của cộng đồng; Sức tưởng tượng của cá nhân nghệ sĩ điêu khắc.

Những nghệ sĩ bộ lạc châu Phi không cố gắng sáng tạo một biểu hiện hoàn hảo chủ đề của họ. Mặc dù có một số chân dung hiện thực được làm ra, nhiều mặt nạ thể hiện những phẩm chất trừu tượng hơn như đức tính cao thượng, vẻ đẹp, lòng can đảm, sự hóm hỉnh và khôi hài. Họ tạo ra những mặt nạ được lý tưởng hóa, nhấn mạnh những yếu tố mà họ cho là quan trọng nhất.

Bố cục thường là sự đối xứng nghiêm chỉnh của đường nét, hình dạng và hình thể nơi con người và mặt nạ gợi lên sự toàn vẹn và sự đứng đắn.

Kết cấu khéo léo, chi tiết kỹ lưỡng và chất lượng của tác phẩm hoàn chỉnh là rất quan trọng đối với người nghệ sĩ bộ lạc châu Phi. Bề mặt tác phẩm được đánh bóng kỹ tượng trưng cho làn da tươi trẻ phản ánh ý tưởng về vẻ đẹp và sự trinh khiết, trong khi đó một bề mặt tác phẩm thô ráp sẽ nói lên nỗi sợ hãi và tính xấu ác. Nhiều chân dung điêu khắc châu Phi trình bày hình thể con người lý tưởng trong vẻ hoàn hảo và sung mãn về sức khoẻ, sức mạnh thể chất, và tôn vinh khả năng sinh sản hay nam tính.

Những mặt nạ châu Phi có nhiều hình dạng. Chúng có thể là hình bầu dục, hình tròn, hình tam giác, hình thon dài, thú vật hoặc là con người, hay kết hợp các hình thể này.

         Sự đơn giản hóa và trừu tượng về những yếu tố thị giác trong nghệ thuật của mặt nạ châu Phi nhấn mạnh năng lực gây ấn tượng của nó. Khi chúng ta xem một triển lãm nghệ thuật của các tác giả trường phái biểu hiện của TK XX, chúng ta nghĩ nó thuộc về phong cách nghệ thuật châu Âu. Tuy nhiên khi xem xét các yếu tố của nghệ thuật châu Phi, thì ta biết đâu là nơi sinh ra những phong cách biểu hiện thị giác này.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 303, tháng 9-2009

Tác giả : Võ Hoàng

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *