Các cung điện của vua chúa phương Đông xưa thường sử dụng hai màu đỏ và vàng, bởi theo triết lý phương Đông, màu vàng trong âm dương ngũ hành đại diện cho phương vị trung ương, thuộc thổ, là nguồn gốc của vạn vật. Màu đỏ là hỏa, chủ về sự rạng rỡ. Hai màu vàng, đỏ thể hiện nơi tôn nghiêm tuyệt đối của các bậc Đế Vương, trung tâm thiên hạ.
1. Màu vàng và đỏ theo quan niệm triết lý Phật giáo
Có lẽ khi nhắc tới Phật giáo, một trong những tôn giáo lớn của phương Đông, ta liên tưởng ngay tới màu vàng, một trong những màu sắc chính của tôn giáo này. Ngoài ra, ta còn liên tưởng ngay tới những tòa tháp nguy nga tráng lệ màu vàng óng, những tượng Phật ngồi trên những tòa sen màu vàng, những vị sư, tăng khoác áo tu màu vàng, hay những chiếc áo cà sa óng ánh đỏ vàng kim tuyến của Trung Hoa.
“Từ nhiều thế kỷ, một kiến thức thiên bẩm rõ rệt về chất hóa học vô cơ đã cho phép các nhà sư Phật giáo sản xuất được những chiếc cà sa, tiện lợi, hợp lý có màu vàng tưoi sáng rực rỡ lâu phai. Vậy thì họ đã dùng chất gì để nhuộm?”. Những chiếc y vàng có màu sắc riêng biệt đặc thù của giới tăng sĩ Phật giáo chủ yếu được làm bằng loại vải bông thô nhuộm trong một dung dịch đặc biệt lấy từ gỗ cây Jak – tiếng Việt gọi là cây mít.
Theo quan điểm của Đông phương, màu vàng tượng trưng cho trí tuệ và tình thương. Nhưng đằng sau sự kiện về màu y vàng lại ẩn chứa một nền văn hóa và lịch sử khác lạ. Theo quan điểm Phật giáo, việc nhuộm y là một biểu tượng mang ý nghĩa về sự phi mọi ý niệm trần tục của những màu sắc thế gian. Đó là màu của sự bất hoại để xác định cho người phàm tục biết rằng người mặc nó không gợi nên một giá trị nào về sự thu hút trần gian.
Qua thời gian, khi giới tăng sĩ dần dần định cư hẳn tại một tu viện, người ta định ra một màu chuẩn và những cấu trúc ráp nối các mảnh vải để xác định thứ bậc tu hành hay tông phái mà nhà sư này tùy thuộc.
Ngày nay, ngoài sắc y vàng mà mọi người thấy ở khắp nơi, còn có y màu nâu đỏ chủ yếu được các nhà sư xuất thế ẩn dật mặc. Khi đức Phật chủ trương từ bỏ những ham muốn trần tục và đề xướng con đường Trung đạo, ánh đạo vàng của Ngài đã tỏa sáng như màu sắc thanh thoát cao thượng của chiếc y vàng.
Đặc biệt trong tư tưởng Phật giáo, hoa sen được tôn quý và chiếm vị trí rất quan trọng. Bởi vậy hình ảnh của Đức Phật luôn gắn với hình ảnh ngài ngồi trên một tòa sen vàng. Tinh thần “cư trần bất nhiễm trần” đó cũng chính là ý nghĩa của hoa sen, biểu trưng cho những giá trị đạo đức, sự thuần khiết và thánh thiện, sự duy trì và phát triển của Phật pháp, trí tuệ, dẫn đến niết bàn. Trong các công trình kiến trúc Phật giáo ở Việt Nam, sen luôn trở thành hình tượng nghệ thuật. Một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu lấy cảm hứng từ hoa sen là chùa Một Cột. Theo truyền thuyết, ngôi chùa này được hình thành từ một giấc mộng đài sen của vua Lý Thái Tông (Cảm hứng từ mộng là các loại tâm lý nghệ thuật của các dân tộc phương Đông). Chùa có hình dáng hoa sen, mọc lên từ hồ nước, chỉ với một cột – một cọng sen, tượng trưng sự giác ngộ, đạt được sự trong sáng và giải thoát được bùn nhơ…
2. Màu vàng và đỏ trong kiến trúc tôn giáo phương Đông
Ngoài y phục màu vàng còn có những công trình kiến trúc màu vàng hết sức độc đáo. Một trong những công trình nổi tiếng về sự tráng lệ, rực rỡ được biết đến đó là chùa Vàng – Agko, tháp Shwedagon, được dát vàng ở Myanma, một quốc gia mà Phật giáo đã truyền đến rất sớm và trở thành quốc giáo. Truyền thuyết cho rằng Phật giáo đã du nhập xứ này từ khi Phật Thích Ca còn sống, hai đệ tử là Tapussa và Bhallika đã mang được 8 sợi tóc của Phật về và hiện các di tích vẫn còn giữ tại các chùa tháp. Dữ liệu được xác minh chắc chắn là các đoàn truyền giáo thời vua Asoka đã đến Myanma vào TK III TCN. Yangon (hay Rangoon) và vùng phụ cận là trung tâm Phật giáo lớn còn giữ lại được rất nhiều đền đài, trong đó có tháp Shwedagon, ngôi đền lớn nhất tại đây, toàn bộ được dát vàng và trang trí rất nhiều gỗ, đá quý. Chu vi của ngôi tháp là 1.420 feet và cao 326 feet. Xung quanh có 64 đền nhỏ. Truyền thuyết cho rằng đền này có hơn 2500 năm được xây từ thời Thích Ca còn tại thế. Độ cao nguyên thủy của đền là 66 feet nhưng sau nhiều lần trùng tu nó đã đạt được độ cao hiện tại.
Không những trong các công trình kiến trúc Phật giáo cổ mà ngày nay người ta còn cho xây dựng những công trình kiến trúc Phật giáo màu vàng, cũng rất độc đáo, nhưng trên tinh thần phát huy những quan niệm cổ. Chẳng hạn một trong những công trình nguy nga tráng lệ nhất xây dựng gần đây nổi tiếng khắp thế giới là Phật đài Dhammakaya. Phật đài Dhammakaya được kiến tạo theo hình tháp tròn theo truyền thống của Phật giáo Theravada, vòm đỉnh tròn ở trên gồm có 300.000 tượng (và 700.000 tượng còn lại sẽ được tôn trí bên trong tháp) mỗi tượng Phật cao 18 cm, nặng khoảng 2,5kg, được đúc bằng loại đồng pha vàng, được nung nóng từ 1.200 độ bách phân. Công việc đúc tượng Phật này rất kỳ công, được kết hợp từ kiến thức rút tỉa được từ thời văn minh đồ đồng Ban Chiang ở tỉnh Udon Thani, Thái Lan. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy một pho tượng bằng đồng mà người ta tin rằng đã được đúc từ hơn 5000 năm trước. Với khí hậu Thái Lan, một xứ ẩm ướt với lượng mưa acid khá nhiều trong năm, Ban kỹ sư đã quyết định sử dụng kim loại titanium và phủ một lớp vàng bên ngoài để bảo vệ pho tượng chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt tại xứ sở này trên dưới 1000 năm.
3. Màu vàng và đỏ trong kiến trúc Kinh thành Huế
Ở Việt Nam, Kinh Thành Huế cũng phần nào được xây dựng dựa trên những ảnh hưởng của kiến trúc Trung Hoa. Hai màu đỏ và vàng vẫn là hai màu chính nổi bật trong các công trình kiến trúc cung điện, điển hình là kiến trúc cung đình Huế, một công trình kiến trúc vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn cho đến nay. Đây là sản phẩm đã tiếp thu và kế thừa kiến trúc truyền thống Lý, Trần, Lê, đồng thời tiếp thu tinh hoa mỹ thuật Trung Hoa nhưng Việt hóa một cách có ý thức của các nghệ nhân từ các miền Nam Bắc quy tụ về xây dựng Kinh đô, kể cả những người thợ gốc Minh Hương Trung Quốc và Chămpa, phù hợp với tâm lý bản địa, đem lại những đặc trưng bản sắc kiến trúc Huế.
Năm 1802 vua Gia Long khởi công xây dựng Hoàng thành và Tử Cấm thành. Năm 1805 mới bắt đầu xây dựng Kinh thành, quy mô diện tích rất lớn, 520ha, chu vi 10km.
Một số các kiến trúc chính ở đây cũng sử dụng ngói vàng giống Tử Cấm Thành của Trung Hoa, điển hình như điện Long An, Thái Hòa, Tử Cấm Thành (Huế), Ngọ Môn, miếu Hoàng Khảo…
Trên phương diện kiến trúc cổ, đây là một công trình có giá trị thẩm mỹ cao của nhà Nguyễn. Kiến trúc điện Long An là một tòa nhà kép, dạng trùng thiềm điệp ốc, hệ thống vì kèo trần vỏ cua được chạm trổ tinh tế. Không gian rộng, có chiều sâu, tạo sự thâm nghiêm chung quanh tòa nhà. Tòa nhà tuyệt đối không xây vách mà chỉ dựng tòan cửa kính để tiếp nhận ánh sáng. Điện Long An được trang trí hình ảnh và thơ văn nhiều nhất. Nội thất có bảy mươi mốt ô hộc trang trí theo lối nhất thi nhất họa với chất liệu óng ả cẩn xà cừ, ngà xương. Đặc biệt trên hệ thống bản đố trong nhà, hai bên có hai vách gỗ, có 56 chữ nho được sắp xếp hình bát quái và dùng hồi văn liên hoàn, có thể đọc thành 64 bài thơ thất ngôn và ngũ ngôn khác nhau do vua Thiệu Trị sáng tác. Điện Long An là một công trình nguy nga tráng lệ và thanh nhã bởi những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, được xem là một cung điện đẹp nhất ở Huế và Việt Nam. Về quan niệm thẩm mỹ, cơ bản vẫn sử dụng hai màu vàng và đỏ là chính. Chẳng hạn như điện Thái Hòa. Phần mái sử dụng ngói vàng. Bên trong nội thất của cung điện cũng được sử dụng hai màu đỏ và vàng làm hai màu chủ đạo.
Thế Miếu được xây dựng trên mặt bằng 1500m2, cũng là tòa nhà kép theo kiểu trùng thiềm, trùng lương như Điện Thái Hòa. Ngói màu vàng, tường màu đỏ, cách sử dụng màu sắc trong kiến trúc khá giống với Tử Cấm Thành của Trung Hoa, nổi bật giữa một không gian rộng lớn. Tiền doanh (nhà trước) có 11 gian và chính doanh (nhà sau) có 9 gian. Hai doanh nối liền với nhau bằng trần vỏ cua. Tất cả có chung một đoạn đường mà ngăn riêng từng thất – tức là cùng một tòa nhà mà chia ra.
4. Màu vàng và đỏ trong các không gian kiến trúc đình, chùa Việt Nam
Có thể thấy rằng, hầu hết các công trình kiến trúc Phật giáo ở Việt Nam cũng thường sử dụng hai màu sắc này (trong các ngôi chùa, ngoài ra còn sử dụng nhiều trong các đền, đình, miếu mạo) như là hai sắc màu chính để trang trí cho các không gian tâm linh. Khi đặt chân vào bất kỳ ngôi chùa hay đình, đền, miếu ở Việt Nam, nhất là những ngôi chùa cổ, ta thường có cảm giác thanh tịnh.Cảm giác này được tạo nên bởi sự kết hợp hài hòa của những sắc màu, những chữ, những hoa văn thếp vàng trên nền đỏ son, đỏ sẫm hay đỏ trầm của những hoành phi, câu đối, những cột, kèo, hay những ban, bệ thờ. Màu vàng mạ, màu đỏ son của sơn ta kết hợp cùng với những màu nâu trầm, đen cánh gián, tất cả hòa quyện vào nhau, tôn nhau tạo nên một không gian trầm mặc. Có những pho tượng được hoàn toàn mạ vàng, có những pho tượng dùng sơn ta điểm suyết đôi chỗ, dậy lên màu đỏ hay màu vàng mạ của những y phục lấp lánh.
Ngoài những công trình kiến trúc Phật giáo, ta còn thấy hai màu vàng và đỏ được sử dụng rất nhiều trong các kiến trúc đền, đình, miếu, nhà thờ họ. Chất liệu để tạo nên hai màu này thường là thếp vàng và đỏ sơn ta, ta có hai màu là màu đỏ son và đen cánh gián, về màu vàng thì chủ yếu là vàng ta được làm mỏng rồi thếp lên, thường gọi là quỳ vàng. Chỉ với ba màu: đỏ và vàng làm chủ đạo, còn lại là màu đen cánh gián đã tạo nên những không gian tâm linh rất tôn nghiêm, tỏ rõ sự tôn kính đối với các vị thánh thần, một số vị xuất sứ từ Trung Hoa, một số vị là những vị vua chúa, quan, tướng đã có công với đất nước, nhân dân. Hầu hết từ ban, bệ cho tới các hoành phi câu đối, án hương, hay các trang phục của các vị thánh thần đều sử dụng hai màu vàng và đỏ để trang trí. Màu đen cánh gián cũng được sử dụng, nhưng hầu hết được dùng khá hạn chế.
5. Màu sắc trong hội họa trang trí chùa Khơme Nam Bộ
Ngôi chùa Khơme ở đồng bằng sông Cửu Long là một công trình kiến trúc có nhiều giá trị về mặt thẩm mỹ, là không gian thiêng liêng nhất tập hợp khả năng kinh tế, chính trị, văn hóa nghệ thuật. Ngoài chức năng thỏa mãn những nhu cầu sinh hoạt của đời sống, ngôi chùa Khơme còn có khả năng đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ cho nhân dân. Ngôi chùa là một tập hợp toàn vẹn nhất của các yếu tố tạo hình, kết chặt và hỗ trợ lẫn nhau trong một thể thống nhất.
Đóng góp dựng chùa, nuôi chùa coi như một khoán ước đảm bảo hạnh phúc cho cuộc đời hiện tại và vĩnh hằng mai sau, bởi vậy, người Khơme không tiếc công sức cho nhà chùa, tất cả vật liệu quý cùng với sự khéo léo của đôi tay đều dành cho chùa, vì thế mà tự nhiên chùa trở thành trung tâm của phum, sóc.
Người Khơme là một tộc người có biệt tài nghệ thuật, với một bản năng hiệu nghiệm về hình dáng, một sự nhạy cảm chắc chắn về trang trí, một khiếu thẩm mỹ hết sức độc đáo. Nghệ thuật chạm nổi, với những bức chạm sinh động trên những cánh cửa chùa Kl’eang (Sóc Trăng), trên các đầu hồi chùa, trên các mi cửa… cùng với nghệ thuật tượng tròn gồm tượng thần, Phật, người đồng hóa với thần, tượng thú (rắn từ ba đến chín đầu, sư tử, voi…), thể hiện rõ sự phát triển sớm về tư tưởng thẩm mỹ cũng như chất lượng nghệ thuật và nghệ thuật chạm khắc, tạc tượng của nhân dân Khơme từ bao đời nay.
Nghệ thuật kiến trúc Khơme ở đồng bằng sông Cửu Long còn lưu lại đến ngày nay tập trung vào hơn 600 ngôi chùa cổ kính ẩn hiện dưới cây dừa xanh tốt. Nhiều ngôi chùa có niên đại rất sớm như: chùa Âng, chùa Samrôngêk, chùa Phướng ở Trà Vinh, chùa Kl’eang ở Sóc Trăng có niên đại khoảng 4 đến 6 trăm năm trở lại đây và nhiều chùa có niên đại muộn hơn được xây dựng theo một nguyên tắc nhất định, nhưng tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của từng phum mà có sự lớn nhỏ khác nhau.
Trong ngôi chùa, không chỉ điêu khắc – trang trí mới làm nổi bật lên tinh thần thẩm mỹ mà hội họa cũng góp phần không nhỏ trong tinh thần đó.
Những bức tranh trong chính điện được lấy cảm hứng từ đề tài Phật thoại, nói về cuộc đời của đức Phật từ khi sinh ra đến khi vào cõi niết bàn. Ngoài ra còn có những tích truyện trong dân gian, thần thoại như: anh hùng ca Riêmkê, những cảnh triết lý về cuộc đời, những cảnh sinh hoạt trong cuộc sống.
Hội họa ở đây có nhiều hình thức khác nhau, nhưng có thể chia làm hai loại chính: Loại tranh truyện kể thể hiện đề tài Phật giáo, thần thoại, chiếm hầu hết diện tích các mặt tường của chính điện. Loại hoa văn trang trí gồm những khung trang trí hình vuông, hình tròn, hình chữ nhật, các hình thiên thần, vũ nữ, rồng rắn, các loại hoa văn… Những môtíp này được thể hiện đa dạng và phong phú. Hầu hết các bích họa trong chùa thường vẽ về đề tài Phật giáo, tiểu sử đức Phật và có ghi chú từng cảnh một. Ngoài ra còn có những bức tranh phản ánh triết lý nhân sinh, nguyên lý nhân quả của Phật giáo, cho ta thấy cái nhìn mộc mạc của người Khơme về cuộc đời, về vũ trụ quan cũng như sinh hoạt hàng ngày gắn liền với một đức tin trong sáng.
Nội dung các đề tài, chủ đề đều lấy tâm điểm ca ngợi sự toàn năng, toàn diện, những triết lý thâm sâu của đức Phật. Những nhân vật trong trường ca Riêmkê như: Preah Ream, Sêda, Hanuman, Chằn, Tiên… biến thành những môtíp độc đáo. Với loại hoa văn trang trí, thường lấy từ thiên nhiên phong phú, những đóa hoa sen, hoa reang, hoa mai, các lá bồ đề, hoa cúc… đều được thể hiện với một trình độ cao bằng những màu sắc rực rỡ. Sự tự do không hạn chế các màu, nhưng ở đây chỉ có 6 màu được chuyên dùng. Đây là 6 màu cờ của Phật giáo và cũng tượng trưng cho mỗi kiếp của Phật. Màu xanh lam: nói về cuộc đời đức Phật khi còn là Bồ tát đã ra tay cứu độ chúng sinh. Màu trắng: có ý nghĩa trong kiếp này Phật cưỡi voi trắng đi gây mưa cứu nạn chúng sinh. Màu cá vàng: tượng trưng cho lòng hỉ xả khi ma quỷ muốn ăn thịt, Phật đã róc thịt mình cho ma quỷ ăn. Màu đỏ: là màu máu, kể lại chuyện trong một kiếp khác Phật đã mổ ngực mình để lấy trái tim làm thuốc khi mẹ bị rắn cắn. Cuối cùng là màu ánh lửa: thể hiện trên lá cờ là sự sắp xếp năm màu trên liền nhau theo hàng dọc, màu này nói lên một kiếp của Phật khi còn là con thỏ đã hy sinh nhảy vào lửa nướng mình dâng cho Đế Thích thể hiện sự bố thí tuyệt đối của Phật.
Ngày nay, các bức họa ở các chùa Khơme hầu hết được sửa chữa hoặc vẽ mới với các màu nguyên chất ít pha trộn. Họ rất thích sử dụng màu phản quang phối hợp với nhau trong tranh, ít dùng lối chuyển sắc độ theo sự chủ sắc hay trọng tâm, nên màu sắc trong tranh thường sặc sỡ. Nhìn chung lối hội họa trong chùa Khơme vẫn đem lại sự hấp dẫn, phản ánh cá tính, tình cảm của người vẽ cũng như thị hiếu thẩm mỹ của nhân dân Khơme.
Có thể nói, trải qua hàng thế kỷ, với bao nhiêu tiếp biến văn hóa và chính trị, cùng những biến động to lớn của lịch sử, hai màu vàng và đỏ trong quan niệm thẩm mỹ, văn hóa của người phương Đông dường như là một nét tinh thần đặc biệt. Nó như ăn vào máu của người phương Đông, đặc biệt là người Trung Hoa, người Việt Nam cùng một số quốc gia khác bị ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa. Tôi còn nhớ một câu nói của giáo sư Đặng Quý Khoa rằng: “Khả năng cảm nhận của người phương Đông về các tông màu nóng, chẳng hạn như tông màu vàng hay tông màu đỏ thường dễ hơn là các tông màu lạnh”. Tôi cho điều này là đúng, bởi vì, như đã thấy, hầu hết trong các công trình kiến trúc cổ cũng như mỹ thuật cổ đều sử dụng tông màu nóng, mà hai màu chính thường được sử dụng rất nhiều là vàng và đỏ và cố định về màu sắc như vậy hàng thế kỷ, vì thế mà nó đã ảnh hưởng sâu vào tâm thức của con người. Mặc dù các tông màu lạnh cũng được sử dụng, nhưng thường thì rất hạn chế: màu xanh lam hay màu xanh ngọc thường được trang trí cho trần nhà của cung thất, hay một số những đồ dùng nhằm tạo cảm giác mát mẻ thư giãn.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 300, tháng 6-2009
Tác giả : Đỗ Lê Cương
Bài viết cùng chủ đề:
SỰ HÒA NHẬP LỐI SỐNG ĐÔ THỊ CỦA DÂN NHẬP CƯ TẠI TP.HCM
Lý giải động từ tiếc trong ca dao việt nam
Quá trình bản địa hóa jataka trong truyện kể dân gian lào