Vai trò người phụ nữ trong xã hội ấn độ cổ đại


Nhắc đến Ấn Độ, người ta thường nghĩ tới một đất nước của trầm tích văn hóa có lịch sử 5.000 năm, vừa lâu đời, cổ kính lại rất giàu có và sống động. Đây cũng là miền đất từng có những luật lệ hà khắc đối với phụ nữ như: tục hỏa thiêu, con gái về nhà chồng phải mang theo của hồi môn… Chế độ đẳng cấp như một chiếc gông cùm vùi dập cuộc đời của họ. Thế nhưng mọi ý nghĩ chủ quan đó có lẽ không còn cơ sở tồn tại khi chúng ta cầm trên tay cuốn Sự trở về của những người Aryan (1) của Bhagwan Gidwani.

Cuốn sách được nhà xuất bản Penguin ở Ấn Độ và Canada phát hành năm 1994, là tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng. Dựa trên việc nghiên cứu các tài liệu học thuật, khảo cổ đồ sộ; quá trình truyền miệng các bài ca thuộc lòng từ nhiều vùng đất khác nhau, cuốn sách trình bày nguồn gốc người Aryan ở Tây Bắc Ấn Độ và cuộc hành trình về hướng Tây đầy thử thách của một vài cá nhân trong số đó. Cuối cùng, là sự trở về Ấn Độ của họ.

Nếu chỉ dựa vào nhan đề, nhiều người cho rằng nó chỉ kể chuyện về người Aryan. Thực tế, cuốn sách đi sâu vào thời kỳ tiền Aryan cho đến sự ra đời, khởi đầu của đạo Hindu và mở ra câu chuyện về quá trình văn minh hóa Ấn Độ. Cuốn sách đồng thời thể hiện một cách nhìn hiện tại về nghệ thuật, văn hóa, âm nhạc, tư duy trừu tượng, hiểu biết triết học, giá trị tinh thần của người Ấn Độ cổ đại. Nói chung, cuốn sách có sức hấp dẫn lớn với người đọc. Nó cũng đáp ứng nhu cầu nhận thức về nền tảng và các giá trị vĩnh cửu của văn hóa Ấn Độ của thế hệ trẻ ngày nay. Có thể nói, nội dung của cuốn sách rất rộng lớn và trong phạm vi bài viết nhỏ này, người viết chỉ muốn tập trung giới thiệu về vị trí của người phụ nữ trong xã hội Ấn Độ cổ đại, được đề cập trong sách dưới các khía cạnh như: sự sáng tạo vũ trụ là do thượng đế song trước ngài là một người mẹ; từ dùng để chỉ thần thánh trong các văn bản Ấn Độ cổ đại không phải là ngài mà là ; sự bình đẳng giữa phụ nữ và đàn ông trên mọi lĩnh vực; 5 điều mà chú rể buộc phải thề nguyện với vợ trước khi kết hôn; sự phân biệt, đối xử và chống lại đàn ông.

Sự trở về của những người Aryan trích dẫn ý của Sindhu Putra, nhà lãnh đạo tinh thần dân tộc từ 5.000 năm trước CN, trả lời câu hỏi “Ai đã sáng tạo ra vũ trụ và thượng đế?” – “Thượng đế tạo ra vũ trụ, nhưng trước người là mẹ!”. Đó là câu trả lời của ông. Câu trả lời này tương đồng với Bài thánh ca của sự sáng tạo (Hymn of Creation) từ kinh Vệ đà (2) được trích dẫn trong sách, đề cập đến một số sự kiện như: sự sáng tạo của người mẹ đầu tiên; người mẹ đầu tiên như là đấng sáng tạo của thượng đế; tương lai chuyển thành quá khứ; thời gian và không gian cũng được tái tạo bởi người mẹ đầu tiên và vì thế, bà trở thành nhỏ bé, là người cuối cùng trong khi thượng đế lại to lớn hơn và đầu tiên. Nội dung này tựa như một bài diễn thuyết đầy chất thơ cho thấy, lòng trắc ẩn là thuộc tính vĩ đại nhất của Thượng Đế, được liên hệ nhiều hơn với thiên tính nữ. Như vậy, hẳn nhiên là phải có một người mẹ đã xuất hiện trước người?

Cuốn sách trích dẫn lời cầu nguyện của người cổ đại 5.000 năm trước CN trong các buổi lễ. Theo đó, các từ dùng để chỉ thần thánh, khi được dịch sang tiếng Anh, thường là từ chỉ phái nữ (3). Tác giả cuốn sách nói rõ rằng, cách sử dụng từ ngữ như vậy vừa là chuyện tiện lợi về mặt ngôn ngữ vừa thể hiện niềm tin được nhấn mạnh rằng: bà là vị thần vũ trụ, vừa là đấng sáng tạo vừa là sự sáng tạo. Cho nên, bà mang trong mình thuộc tính của tất cả: là tuổi trẻ, người giúp việc, cũng đồng thời là trẻ thơ, người già… Nói tóm lại, bà bao gồm trong bản thân mình toàn bộ vũ trụ.

Cuốn sách cho thấy địa vị cao của những người phụ nữ ở Ấn Độ thời cổ đại: phụ nữ bình đẳng tuyệt đối với đàn ông trên các lĩnh vực, dân sự, chính trị, hành chính, nghệ thuật, triết học, kiến trúc, giáo dục và hệ thống luật pháp. Cuốn sách có những câu chuyện về nhiều người phụ nữ, từ 8.000 năm tới 5.000 năm trước CN, đã đạt được danh tiếng và vinh quang như Devi Leilama, người đầu tiên thành lập các Hiệp hội nghề nghiệp ở Ấn Độ và là thủ lĩnh thị tộc (năm 5.333 trước CN); Dhanawatri cùng với chồng của bà (Sage Dhanawantar) là thầy thuốc lỗi lạc nhất năm 5.000 trước CN, đã thành lập một hệ thống y khoa và phẫu thuật toàn diện… Năm 6.000 năm trước CN, Leelavati đã thiết lập những hiểu biết toán học ở đất nước này, dẫn tới sự hình thành công thức của hệ thống số thập phân nhiều thế kỷ sau. Cũng có một vài câu chuyện về những người phụ nữ đã lãnh đạo các đoàn quân Aryan tới nhiều quốc gia khác.

Các dẫn chứng phong phú về địa vị cao của người phụ nữ trên nhiều lĩnh vực quan trọng ở Ấn Độ thời cổ đại trong sách được bổ trợ khi chúng ta tìm hiểu thêm về chủ đề này ở những tác phẩm khác. Đặc biệt, chuyện Devi Leilama thành lập Các hiệp hội nghề nghiệp rất nổi tiếng; chuyện Dhanawatri và chồng của bà cũng có thể xác định được – họ giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành một hệ thống y học có tổ chức tốt ở thời kỳ cổ đại. Và mấy ai không biết đến Leelavati, nhà toán học lừng danh?

Phong tục cưới xin của Ấn Độ cổ đại được đề cập đến một cách ấn tượng trong sách qua lời thề nguyền của chú rể với cô dâu trong đám cưới: sự bền vững, lòng hiếu thảo, khoái lạc, của cải, tài sản và con cái. Cuốn sách còn làm sáng tỏ một điều: từng có sự phân biệt đối xử trong thời kỳ trước kinh Vệ đà, có lẽ chống lại đàn ông, chẳng hạn chuyện đàn ông nghỉ hưu giống những nhà tu hành khổ hạnh ở tuổi 60, trong khi một người phụ nữ được tự do. Bào chữa cho tập quán này, Gidwani trích dẫn lời của Karkarta Bharat (người đứng đầu tối cao của bộ tộc Sindhu, năm 5.060 trước CN): “Một người đàn bà không thể bị yêu cầu nghỉ hưu bởi vì công việc của họ chẳng bao giờ ngừng cả. Từ việc trở thành một người vợ, cô ấy chuyển mình thật mượt mà, không hề nghĩ đến cá nhân; và trong vai trò của một người mẹ, người bà, họ cho đi tất cả bản thân mình trong việc phục vụ những thế hệ sau đó cho tới lúc không còn tồn tại. Mặt khác, bi kịch của người đàn ông là anh ta sống cho bản thân mình; và nếu anh ta yêu con cái mình thì anh ta chỉ yêu chúng đơn thuần như sự mở rộng cái tôi cá nhân. Càng già, anh ta càng đòi hỏi nhiều hơn với những ý tưởng cứng nhắc và tâm hồn đóng kín. Tất cả những gì lớn lên bên trong anh ta chỉ là sự thèm khát quyền lực, trong khi tuổi tác tăng lên làm cho anh ta bất lực, không thể vận dụng nó một cách oai phong. Hạnh phúc dành cho người đàn ông phụ thuộc vào những gì anh ta có thể nhận; còn đối với một người đàn bà, hạnh phúc là những gì người ta có thể cho đi. Nghỉ hưu ở độ tuổi 60, vì vậy, nhằm mục đích cứu vớt người đàn ông khỏi chính cái tôi cá nhân và giúp bảo vệ xã hội” (4). Tất nhiên, cũng có dẫn chứng về những người phụ nữ trở thành nhà tu hành khổ hạnh thời cổ đại, nhưng đó là sự tự nguyện dựa trên tiếng nói và sự thôi thúc từ bên trong.

Sự trở về của những người Aryan còn nhiều nữa những ví dụ về vị trí trung tâm và hình ảnh của người phụ nữ trong thời Ấn Độ cổ đại, đặc biệt là quyền của phụ nữ đối với tài sản, chuyện khuyến khích các góa phụ tái hôn và sự trừng phạt nghiêm khắc những tội ác chống lại phụ nữ. Điều này cho thấy sự tôn trọng của xã hội đối với một nửa nhân loại! Cuốn sách gửi gắm một thông điệp cho thế hệ sau rằng: gánh nặng của hồi môn, tục thiêu sống phụ nữ vì danh dự và những thứ đại loại như vậy không phải là di sản của nền văn minh cổ đại.

nguồn: http://indo-us.sulekha.com

_______________

1. Cuốn sách có tiêu đề nguyên văn The Return of the Aryans, dày 944 trang và được hoàn thành trong vòng 18 năm.

2. Kinh Vệ đà (Veda) được xem như là cội gốc của giáo phái Bà la môn và là suối nguồn của văn minh Ấn Độ, các phần kinh cổ nhất có từ TK XV trước CN.

3. Đây là một trích đoạn: “Let us think of the Splendor/ Of Her that is One-Supreme/ She that is one without second/ That She may inspire our minds/ Our words, thoughts and deeds…”. Đại ý: Chúng ta cùng hướng ý nghĩ về đấng tối cao/ Người là duy nhất/ Người có thể truyền cảm hứng cho tâm trí chúng ta/ Ngôn từ, tư duy và hành động của chúng ta… Trong đó, những từ chỉ đấng tối cao là She, hoặc Her, từ chỉ phái nữ trong tiếng Anh.

            4. Bhagwan Gidwani, sđd, tr.6.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 333, tháng 3-2012

Tác giả : Jadunath Trivedi (Hà Đan dịch)

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *