Dưới ánh sáng lý thuyết tưởng tượng của G.Bachelar kết hợp với phương pháp phân tích cấu trúc – xã hội học, Đỗ Lai Thúy đã tiếp cận Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều (1) từ những góc độ khác nhau để đọc ra nhiều thông điệp sâu sắc sau những câu thơ tha thiết, diết da, mang hơi ấm nồng nàn của lửa. Bằng lối viết tinh tế, tài hoa, khúc chiết, phóng túng, linh hoạt, vượt qua lối phê bình đơn điệu, cũ kỹ chỉ đáp ứng lối đọc truyền thống theo cảm tính, thụ động, nhà phê bình đã trở thành người đọc tích cực, đối sánh kinh nghiệm của bản thân với kinh nghiệm của tác giả từ đó không những tự tìm thấy mà còn giúp người đọc tìm thấy ý nghĩa dôi thêm của tác phẩm.
Trong nghiên cứu phân tâm học, nếu S.Freud (1856-1939) chú trọng vào vô thức cá nhân, C.G.Jung (1876-1961) xoáy vào vô thức cộng đồng thì G.Bachelar (1884-1962) tập trung vào vấn đề bản chất và hoạt động tưởng tượng trong văn học.Theo G.Bachelar, “bản thân con người thuộc về một chất liệu và những giấc mơ của họ mang tính chất của chất liệu ấy, trước khi nó mang dáng vẻ của những cái mà họ chiêm ngưỡng được”(2). Thuyết tưởng tượng của G.Bachelar cho rằng hoạt động tưởng tượng của con người phát triển trên hai trục cơ bản: tưởng tượng hình thức và tưởng tượng vật liệu. Ông chú trọng nghiên cứu tưởng tượng vật liệu trên bốn yếu tố chính của vũ trụ theo triết học cổ đại: nước – đất – lửa – không khí, và coi đây như là chất liệu của giấc mơ con người. Người nghệ sĩ chìm trong mơ mộng về bốn yếu tố vật chất ấy và sáng tạo ra những hình tượng. Mơ mộng, tưởng tượng bao giờ cũng mang nghĩa và đa nghĩa, là vô tận và nguồn gốc của thơ. Tiếp cận Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều – một trong những nhà nho tài tử tiêu biểu nhất của văn học trung đại Việt Nam, Đỗ Lai Thúy vận dụng lý thuyết tưởng tượng của G.Bachelard để đọc ra và suy ngẫm về những triết lý thông qua tam giác hình tượng: bóng – nguồn sáng (lửa) – hình.
Nghiên cứu Cung oán ngâm khúc, đã có nhiều ý kiến cho rằng tác phẩm nói lên tâm trạng ai oán của một cung phi sống trong hoàng cung, và bàn đến những mâu thuẫn giữa tác giả và nhân vật hoặc giữa cuộc đời Nguyễn Gia Thiều và triết lý sống của ông. Đỗ Lai Thúy đã bám sát đặc trưng ước lệ của thơ trung đại và thể loại ngâm khúc để đưa ra ý kiến khác: “Thi nhân mượn đời cung nữ để nói đời mình… Cô cung nữ kia chỉ là sự thác lời của Nguyễn Gia Thiều… Ông dám vượt qua “phép biện chứng tâm hồn” của thứ tâm lý học mặt phẳng để đến với những phi lý của tâm lý học các bề sâu”(3). Như vậy, nhân vật chính của Cung oán ngâm khúc được xác định không phải cô cung nữ mà chính là hình tượng tác giả- cái bóng. Từ đây, trí tưởng tượng của tác giả và nhà phê bình cộng hưởng, hình tượng tác giả sống dậy với những nỗi sầu nhân thế và triết lý bi quan thông qua những kiếm tìm đầy bay bổng, mơ mộng nhưng cũng đầy sáng tạo của nhà phê bình.
Quan điểm phân tích tâm lý của C.G.Jung cho rằng trong tâm thức của mình ai cũng có một cái bóng (bóng âm), một thực thể tâm lý tâm linh, tồn tại một cách vô thức, cái bóng là ảnh xạ của một bản ngã vô thức. Cái bóng ấy làm ta nhạy cảm hơn với những ảnh hưởng của cuộc sống, làm thức dậy trong con người những khuynh hướng tiềm sinh, khuất lấp. Từ quan niệm này Đỗ Lai Thúy đọc thấy Nguyễn Gia Thiều đã tìm đến một triết lý sống trong đạo Phật: Tính chất hư vô của cuộc đời. “Người cung nữ, bởi vậy, chỉ là cái bóng của Nguyễn Gia Thiều. Trong cô đơn ông tự tạo ra để đối thoại…”(4). Dưới sự quan sát tỷ mỉ của nhà nghiên cứu, dạng hình tượng bóng xuất hiện liên tục trong tác phẩm (bóng dương, bóng thỏ, bóng đèn, bóng nguyệt, bóng bội hoàn, bóng huỳnh, bóng câu, bóng râm, chiếc bóng, bào ảnh, nhân ảnh,…). Thế giới bóng của Nguyễn Gia Thiều được cảm nhận một cách sinh động, đa hình đầy biến điệu và mới mẻ qua tưởng tượng bay bổng của Đỗ Lai Thúy: “Bóng của Nguyễn Gia Thiều đổ vào tác phẩm là người cung nữ, những chiếc bóng của người cung nữ, bóng của những đồ vật, đồ vật soi chiếu vào nhau, bóng lồng bóng, bóng của bóng, bóng bội nhân như trong nhà kính vạn gương, tạo ra một ý niệm trùng phức về cái bóng. Đó là chưa kể đến thi ảnh của bóng, cũng là một thứ bóng. Có thể nói, trong Cung oán ngâm khúc cái bóng là lăng kính của Nguyễn Gia Thiều, cái nhìn thế giới của ông, cái nhìn nghệ thuật của ông”(5). Lối phê bình kết hợp nhuần nhuyễn giữa phương pháp nghiên cứu phân tâm học và thi pháp học của Đỗ Lai Thúy đã mang lại sức gợi lớn để người đọc tiếp tục hành trình khám phá thông điệp của hình ảnh nghệ thuật. Tự phân thân mình để mà mơ tưởng, để đối thoại với chính mình phải chăng con người ấy đang ở tận cùng của trạng thái cô đơn? Và phải chăng nỗi cô đơn của Nguyễn Gia Thiều là nỗi cô đơn bất tận, tầng tầng, lớp lớp khôn nguôi của con người sống trong một thế giới đầy bi kịch, bất trắc và biến ảo? Nhân vật bóng xuất hiện trùng trùng điệp điệp trong không gian nghệ thuật phải chăng chứng tỏ thế giới này đang bị bao phủ bởi ảo giác? Đó là một thế giới ảo – cuộc đời là một tấn tuồng ảo hóa? Quan niệm hư vô về cuộc đời của Nguyễn Gia Thiều cho thấy sự hoang mang trước thế sự của trí thức thời Lê – Trịnh?,…
Tiếp tục mạch tưởng tượng và suy ngẫm về ba yếu tố khác liên quan chặt chẽ với bóng là nguồn sáng, hình và nền, Đỗ Lai Thúy đã phát hiện ra nhiều suy tưởng triết học của Nguyễn Gia Thiều được thể hiện qua cấu trúc tam vị nhất thể này. Ông cho rằng: “Như một bức họa, ba yếu tố này là ánh sáng, là mảng khối nền, là nhịp điệu cơ bản để làm nổi bật lên nhân vật chính của tác phẩm là cái bóng”(6). Điều thú vị ở đây là nhà phê bình đã nhận ra mỗi yếu tố vật chất hiện diện lại tự phân thân thành hai đối cực: lửa bên ngoài và lửa bên trong; lửa tự nhiên và lửa nhân tạo; Hình vô tri và hình hữu tri; nền mặt phẳng (tường, vách) và nền ba chiều (phòng, cung cấm)… chính tài năng sắp đặt này của Nguyễn Gia Thiều đã tạo nên một “cấu trúc song song và đối ứng” cho thi phẩm, thế giới hình và thế giới bóng, thế giới thực và thế giới ảo lồng vào nhau, soi chiếu nhau, cấu trúc đối ứng này được thể hiện “xuyên suốt tác phẩm, cả ở tư tưởng lẫn nghệ thuật, từ diện vi mô đến vĩ mô”(7). Đó là đối cực trong kết cấu của tác phẩm, đối ứng giữa thi ca và triết học, đối ngẫu trong ngôn ngữ của thi phẩm – thông qua những hình thức đối mang tính nội dung người ta có thể mặc sức bay bổng cùng những thông điệp tầng tầng lớp lớp ẩn chìm. Đúng như phân tâm học của G.Bachelar đã khẳng định, cấu trúc đối ứng của thi phẩm cho phép người đọc hình dung một sự hô ứng với tài năng đa dạng và khối mâu thuẫn lớn tồn tại trong con người tác giả Cung oán ngâm khúc. Trải nghiệm sau bao khổ đau, dâu bể của cuộc đời Nguyễn Gia Thiều đã tìm đến với một quan điểm nhân sinh: dẫu buồn bực oán thán, kết án về cuộc đời phù du, hư vô, đau khổ, nhưng cuộc đời vẫn đáng để cho con người sống và tham dự hết mình. “Những người biết nhập thế một cách hư vô và hư vô một cách nhập thế như vậy sẽ bớt ham hố, bớt ích kỷ, không cần đạt mục đích bằng mọi giá, bởi vì, xét cho cùng, mọi thứ đều là hư vô, nhưng cũng vì tất cả là hư vô nên anh ta dám sống hết mình với một thái độ thanh thản. Hư vô không làm cho cuộc sống mất đi ý nghĩa, mà trái lại, mang đến cho cuộc đời một ý nghĩa mới: cuộc sống được thanh lọc sẽ trở nên lành mạnh hơn, trong trẻo hơn”(8). Đỗ Lai Thúy gọi triết lý của Nguyễn Gia Thiều là “sự tự ý thức… một đặc tính chỉ có ở con người. Một đặc tính người phổ quát. Đó là tính nhân loại của Cung oán ngâm khúc”(9). Có lẽ dưới ánh sáng thuyết “phân tâm học về lửa” của G.Bachelard, nhà nghiên cứu đã thấu tỏ sâu sắc tiếng vọng từ những câu thơ tha thiết như có lửa của Nguyễn Gia Thiều, nó ẩn chứa bao thông điệp, thấm đượm vẻ thiêng liêng của triết lý cõi người. Cũng như người cung nữ tự đốt cháy mình đến cùng, khi thiêu rụi hết chỉ còn tro than, trong hành trình đi đến nhận thức về hư vô, Nguyễn Gia Thiều dẫu đã cô đơn tột đỉnh vẫn mong được phân thân thành người khác để tự quan sát lại mình, để cắt nghĩa về cái có lý và phi lý, cái có thể và không thể trước mênh mang bể khổ cõi đời, từ đó có một sự ứng xử đúng đắn với nó. Thì ra trong thẳm sâu tiềm thức của thi nhân tài tử bậc nhất này, ngọn lửa của tình yêu đời, yêu cuộc sống và khát vọng được sống ý nghĩa luôn cháy sáng. Và có phải vậy chăng nên chiếc bóng của Nguyễn Gia Thiều đã trở thành bất tử mặc dù hình của nó đã tan biến vào cõi hư vô?
Mộng tưởng, suy ngẫm cùng những dòng phê bình mới lạ, những trang viết đạt đến giá trị vừa là khoa học vừa là nghệ thuật của Đỗ Lai Thúy, người đọc không thể không nhận thấy thành công đáng kể trong ứng dụng lý thuyết phân tâm học: ông đã vừa lý giải văn bản, vừa sáng tạo văn bản, vừa là nhà khoa học, vừa là một nghệ sĩ. Đỗ Lai Thúy với những trang văn tinh tế, tài hoa, khúc chiết, phóng túng, linh hoạt đã vượt qua lối phê bình đơn điệu, cũ kỹ chỉ đáp ứng lối đọc truyền thống theo cảm tính, thụ động, nhà phê bình đã trở thành người đọc tích cực, đối sánh kinh nghiệm của bản thân với kinh nghiệm của tác giả từ đó không những tự tìm thấy mà còn giúp người đọc tìm thấy ý nghĩa dôi thêm của tác phẩm. Nguyễn Gia Thiều đối thoại với bóng chỉ là một minh chứng nhỏ trong sự đóng góp đầy trí tuệ và tâm huyết của Đỗ Lai Thúy: Làm hồi sinh ở Việt Nam một phương pháp giàu tiềm năng ứng dụng nghiên cứu văn học nghệ thuật nói riêng và các ngành thuộc khoa học xã hội nói chung: phương pháp nghiên cứu phân tâm học.
_______________
1. Đọc Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Gia Thiều đối thoại với bóng trong Bút pháp của ham muốn, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2009.
2. Nhiều tác giả, Nghiên cứu văn học Việt Nam những khả năng và thách thức, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2009, tr.176.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 313, tháng 7-2010
Tác giả : Cao Thị Hồng
Bài viết cùng chủ đề:
Tiểu thuyết kiếp người 3 – lạnh nhìn từ góc độ thi pháp thể loại
Cảm thức cô đơn trong linh sơn của cao hành kiện
Cảm thức thời gian trong ngàn cánh hạc của yasunari kawabata