Dân quốc với bộ tác phẩm mỹ thuật chèo


Một hôm họa sĩ – NSƯT Dân Quốc đến thăm tôi, tay xách khệ nệ một túi nặng. Tôi nghĩ bụng rằng ông bạn lại cho mình kỷ vật của một chuyến đi vẽ nào đó đây. Dân Quốc lặng lẽ mở túi bê ra một chiếc hộp trắng sang trọng cẩn thận đặt trước mặt tôi. Niềm vui ánh lên trên đôi mắt, họa sĩ xúc động nói: “Đây là toàn bộ tài sản em có được từ khi theo thầy nhập môn nghề Tổ (nghệ thuật chèo), em mong được thầy góp ý để hoàn thiện…”. Tôi phân vân chưa đoán ra chuyện gì. Chiếc hộp được tự tay tác giả mở ra, trong đó xếp sáu quyển sách hình dày dặn được làm cẩn thận và công phu. Thật bất ngờ, tôi thốt lên một tiếng ngạc nhiên, thì ra đây là hầu như toàn bộ những tác phẩm của Dân Quốc dành cho mỹ thuật chèo trong suốt 40 năm qua. Tất cả đều được phục hồi, gia công, biên tập, trình bày và chế bản rất đẹp. Đó là một điều đặc biệt mà chưa một họa sĩ sân khấu nào làm được. Tôi cảm phục niềm đam mê trong trái tim một người nghệ sĩ ở tuổi ngót nghét bảy mươi, trước niềm tin sự trường tồn bất diệt của nghệ thuật chèo – một di sản đặc sắc trong kho tàng văn hóa Việt Nam.

Tôi trân trọng lật từng trang, càng xem càng hấp dẫn đến ngỡ ngàng.

 

Phần trang trí (quyển 1) có thể thấy toàn bộ các tác phẩm đều thấm đẫm chất thơ, một chất thơ của những huyền thoại. Ý đồ của từng lớp trò được mạnh dạn khái quát thành những hình tượng mang tính ẩn dụ, biểu tượng. Một mảnh trăng tròn đầy chiếm lĩnh cả không gian sân khấu biểu tượng cho hạnh phúc tái hợp trong tích trò Trương Viên. Ở trang trí cho Lọ nước thần, yếu tố lãng mạn đậm đà với những dải mây ngũ sắc. Chủ trương tìm tòi trở về với sàn diễn khoáng đạt của chèo sân đình đã giúp họa sĩ sáng tạo kiểu trang trí rất mực đơn giản, nhưng vẫn không kém phần đặc sắc, độc đáo, mới lạ như trang trí Nàng Thiệt Thê.

Ở trang trí những vở chèo hiện đại (quyển 2) tác giả đã khai thác hội họa truyền thống như sơn mài, sơn khắc (vở Ni cô Đàm Vân), tranh lụa (vở Ngôi sao Hạ Long, Bão rừng), tranh xé giấy (vởNhớ về Bắc Mã), khắc gỗ màu (vở Cô hàng rau)… Nét vẽ của Dân Quốc thanh thoát, màu dùng phần lớn là nguyên chất, tươi rói ngợi nhớ những bức tranh dân gian truyền thống.

Phần phục trang (quyển 3, 4) lại càng phong phú với mấy trăm makét phục trang cho các vở diễn với đủ loại đề tài, từ tích cổ đến các vở chèo dân gian, lịch sử, hiện đại, tất cả đều góp phần khắc họa đậm nét hình tượng nhân vật và vẻ đẹp của trang phục sân khấu chèo. Đặc biệt những bức ảnh chụp các nhân vật với trang phục cụ thể trên sàn diễn đã làm nổi bật ý tưởng từ sáng tạo đến hiện thực sân khấu.

Đáng quý hơn, quyển 5 cho thấy sáng tạo của họa sĩ trong việc chắt lọc những hoa văn, họa tiết được khai thác từ kho tàng mỹ thuật truyền thống, vừa mang dấu ấn văn hóa – lịch sử, vừa đậm đà phong cách chèo truyền thống.

Quyển 6 trình bày những tranh áp phích chèo của Dân Quốc. Những hình tượng nhân vật quen thuộc của sân khấu chèo hiện ra trong tư thế duyên dáng nhất với những bộ trang phục đậm đà màu sắc dân tộc, gợi nhớ lại những ngày hội chèo tưng bừng náo nhiệt.

Những trang sách hình xem mãi mà không chán mắt là nhờ vào thành quả công phu tìm tòi sáng tạo bằng ngôn ngữ nghệ thuật hội họa sân khấu của họa sĩ.

Có thể nói Dân Quốc là người có tâm huyết với chèo. Đúng nhưng chưa đủ. Sự vững vàng của họa sĩ chủ yếu là dựa vào kiến thức, vốn hiểu biết thâm sâu về chèo cổ. Những tác phẩm của Dân Quốc đa dạng về phong cách, có tác phẩm bình thường, có tác phẩm nổi trội được giải thưởng trong và ngoài nước, song nhìn chung có một sợi chỉ hồng xuyên suốt các tác phẩm, đó là sự nhuần nhuyễn “chất chèo”. Điều này thật đáng quý khi đặt trong bối cảnh hỗn tạp về phong cách nghệ thuật thường xảy ra trong mỹ thuật sân khấu chèo những thập kỷ gần đây.

Gấp lại trang sách cuối cùng trong lòng tôi xốn xang những ấn tượng tốt đẹp, tôi ôm lấy người bạn nghề chúc mừng những thành tựu sáng tạo gần cả một đời người. Tôi càng vui thêm khi được biết cuốn sách Mỹ thuật Chèo truyền thống của Dân Quốc được trao Huy chương Bạc tại cuộc bình chọn sách hay năm 2008. Đây là cuốn sách quý có giá trị truyền nghề thiết thực cho những họa sĩ nào muốn gia nhập làng chèo. Nếu không có những cuốn sách như vậy từ trong gan ruột, làm sao họa sĩ có nổi những sáng tạo trong mấy chục năm qua để tập hợp thành bộ sách hình ngày hôm nay.

Dân Quốc ngồi bên bộ sách như người nông dân bên cạnh vựa thóc vừa thu hái. Với bộ quần áo tuềnh toàng, bộ râu tóc lởm chởm đã bạc từ quá sớm, Dân Quốc vui vẻ cười, nụ cười đôn hậu và khiêm nhường. Tuổi già là mùa đông đối với nhiều người, nhưng đối với người nghệ sĩ như Dân Quốc lại là vụ mùa bội thu.

       Tôi mong ước bộ sách hình Dân Quốc với bộ tác phẩm chèo được xuất bản và phát hành rộng rãi. Ngoài giá trị nghệ thuật, bộ sách còn phản ánh một cách sinh động tiến trình lịch sử của nghệ thuật chèo trong nửa thế kỷ qua bằng ngôn ngữ hội họa. Điều này, nếu chỉ bằng ngôn từ thì không thể nào đạt tới được.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 301, tháng 7-2009

Tác giả : Trần Bảng

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *