Ngựa là vật nuôi đã được thuần chủng hàng từ ngàn năm nay, khi con người đã biết cải tạo thiên nhiên để phục vụ lợi ích cho mình. Đặt bên cạnh các loài vật nuôi như trâu, bò, lợn, gà,… ngựa là con vật có đặc tính vượt trội cả về hình dáng, sức lực, tốc độ, chuyển động nhanh nhất và cũng là con vật thông minh, hiền dịu, dễ điều khiển nhất. Cho đến ngày nay, người ta vẫn dùng mã lực như một đơn vị đo lường lực kéo của máy móc hiện đại. Ví dụ vậy để thấy ưu điểm nội lực riêng có ở giống nòi này đối với cuộc sống con người trước đây, hôm nay và cả mai sau. Vì thế, ngựa đã đi vào thi ca, nghệ thuật tạo hình khá phong phú và có sức truyền cảm rất sâu sắc đối với nhân loại nói chung.
Trong lịch sử mỹ thuật thế giới, ngựa là hình tượng được nhiều họa sĩ tập trung miêu tả với đa dạng các chất liệu, sơn dầu, thuốc nước, bột màu,… ở Việt Nam và một số nước châu á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, sau này phát triển với nhiều chất liệu, lụa, sơn mài,…, Họa sĩ Trung Quốc sử dụng mực nho như chất liệu phổ biến nhất để miêu tả cảnh vật, trong đó có ngựa. Các danh họa Âu châu nổi tiếng như Leonardo da Vinci, Michelangelo, Repin,…, trước khi vẽ ngựa, thường nghiên cứu rất kỹ càng như các cơ, hàm, mông, đùi, bụng, chân, xương, các bước chuyển động di chuyển đi, chạy, phi khá kỳ công sau đó mới tiến hành biểu hiện. Chưa đủ, các họa sĩ phải ký họa thực tế các dáng và màu sắc ngựa, các thế đứng, các thế giao tiếp đồng loại, ngay cả việc biểu cảm, động tác vẫy đuôi,… trước khi cấu trúc, bố cục, dựng hình.
Nhiều bức tranh ngựa chiến mà các danh họa thế giới miêu tả đã trở thành biểu tượng của địa phương, như ở Sankt Peterburg của Nga, Paris của Pháp, Italia, Đức,… Nói về tranh ngựa thì có nhiều loại. Có những tác phẩm hội họa, đồ họa thể hiện cảnh đàn ngựa ung dung, thư nhàn trên cánh đồng cỏ hay trong các thắng cảnh du lịch, những chú ngựa thân thiện với con người. Có tranh mô tả cảnh ngựa kéo xe cho gia tộc hoàng cung, quý ông, quý bà những nhà giàu có ở phương Tây, phần nào tương đồng với cảnh cỗ ngựa xe võng lọng ở kinh thành phong kiến phương Đông trong lễ vinh quy bái tổ quan trạng sau khoa thi đỗ đạt…
Trung Quốc có nhiều họa sĩ tài danh về vẽ ngựa, song tiêu biểu và nổi bật có danh họa Từ Bi Hồng (1895 – 1953). Ông có cái nhìn đặc biệt sâu sắc về tổng thể tình cảm, dáng thế, hành động của con ngựa thực trong đời sống xã hội. Trên thế giới, có lẽ chưa ai vượt qua được biệt tài vẽ ngựa như danh họa Từ Bi Hồng. Tranh ngựa của ông vẽ rất phóng khoáng, tự nhiên, không gò ép vào một khuôn khổ nào, mỗi con ngựa có cách tạo hình riêng, làm nổi bật đặc điểm từng cá thể nhưng người xem vẫn cảm thấy như nó đang sống trong một bầy đàn với thiên nhiên hoang dã. Nhìn tranh ông, người ta cảm thấy như ngựa bay trong không gian có tiếng rít của gió, tiếng lốc cốc của vó ngựa, tiếng thì thầm đùa giỡn của ngựa trên thảo nguyên và có cả hình cờ bay ở bờm ngựa, đuôi ngựa trong những ngày hội. Với bút pháp điêu luyện và sự hiểu biết rất sâu về đời sống của ngựa, cách miêu tả của ông ở góc độ nào của con ngựa cũng sinh động. Hàng trăm tác phẩm mà ông vẽ về ngựa, dù được nhìn thẳng, nghiêng, sau, chéo góc,… đều thấy con vật này có da có thịt, không tĩnh mà luôn luôn chuyển động, làm người xem không chán mắt. Người ta ví tranh ngựa của Từ Bi Hồng như những làn mây nhiều màu sắc bay trong không trung và chuyển động không ngừng, mỗi nét mỗi dáng, mỗi thế và cách thể hiện chi tiết đều hoàn hảo, không tìm thấy điểm khuyết mặc dù khó tránh khỏi nhược điểm của chất liệu này màu nước. Từ Bi Hồng đã làm sống lại hình tượng con ngựa trong tranh, được hàng triệu người trên thế giới ngưỡng mộ. Với cách sử dụng chất liệu điêu luyện và hợp lý trong từng nét vẽ, ông đã tạo dựng được hình tượng con ngựa có sức truyền cảm kỳ lạ đến với mọi lứa tuổi, đem lại cho con ngựa một thần thái đặc biệt sống động, cuốn hút và cũng hết sức bí ẩn với hàng bao thế hệ người xem. Tranh ngựa của họa sĩ Từ Bi Hồng cũng được nhiều nước in ấn, xuất bản, phục vụ trang trí và nhất là những ngày tết cổ truyền, không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở nhiều nước châu Á khác, như Ấn Độ, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam…
Ở Việt Nam ngày xưa và cho đến những năm trong thời kỳ bao cấp, cứ mỗi dịp tết đến xuân về, người dân từ thành thị đến miền núi, hải đảo thường sắm tranh tết về trang trí đón xuân, trong đó có tranh con ngựa. Nói đến tranh tết về ngựa thì có nhiều dòng tranh. Ở Huế, do ảnh hưởng đến việc thờ cúng tâm linh của vùng kinh đô mà các nghề vẽ tranh, in tranh con ngựa khá phổ biến. Vào tháng chạp âm lịch hằng năm, tranh dân gian vẽ con vật, hoa trái, câu đối đã được chủ nhân làm tranh xuất đi khắp vùng, và không thể thiếu tranh ông ngựa. Ông ngựa có màu hồng hoặc trắng, thường là một cặp được bày đối diện nhau, đem lại cho không gian đón tết trong gia đình một vẻ vừa trang nghiêm, linh thiêng mà cũng vừa gần gụi. Ở miền Bắc, có dòng tranh Đông Hồ khá phong phú hình ảnh ngựa. Tranh Đông Hồ vẽ ngựa rất sinh động và có cốt truyện, dễ tạo ra một không khí bình tranh sôi nổi trong chúng dân mỗi dịp đi chơi chợ tết. Những hình ảnh Quang Trung cưỡi ngựa, song ngựa dùng trang trí hai bên bàn thờ gia tiên đã tạo không khí cho ngày tết thêm đầm ấm, vui tươi. Vào các năm Ngọ, người ta còn in hình ngựa lên giấy cứng rồi cắt dán lên cành đào, trưng trong nhà hoặc ngoài sân. Trong cách biểu hiện của tranh dân gian Việt Nam, người ta thường dùng màu của thực vật lá cây, than, son vì thế tranh có màu sắc nét mà êm dịu, không lòe loẹt nên người xem dễ cảm thụ được vẻ hiền dịu, thân thiện của con ngựa. Hình ảnh con ngựa đã đi vào tiềm thức của nhân dân một cách rất tự nhiên và bản thân người làm tranh tết về con ngựa cũng đam mê với nghệ thuật tạo hình về con vật quý giá này.
Ngày nay, hình tượng con ngựa vẫn là những đề tài sáng tác tranh rất hấp dẫn của các họa sĩ vì đây là con vật dễ gần, công dụng cho đời sống xã hội rất phong phú, bản thân nó cấu trúc tạo hình cũng rất đẹp cả về mặt hình thể và màu sắc. Những năm chống ngoại xâm, các anh hùng hào kiệt dùng ngựa để tham gia trận mạc. Thời kỳ chống Pháp xâm lược ở chiến khu Việt Bắc, Hồ Chí Minh nhiều lần cưỡi ngựa đi công tác và con ngựa đã trở thành bạn đồng hành, sớm hôm lên đèo lội suối, cùng các chiến sĩ bộ đội ta hành quân đánh giặc. Thực tế ấy đã trở thành một chủ đề cho nhiều họa sĩ cảm hứng sáng tác. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện lưu giữ hàng trăm bức tranh về cuộc đấu tranh kiến quốc và giải phóng dân tộc, minh chứng cho một thời lịch sử hào hùng mà trong đó, hình ảnh con ngựa đã như một bạn đồng hành của biết bao thế hệ người dân và người lính…
Một năm Ngọ nữa lại đang đến theo vòng xoay tự nhiên của thời gian. Luôn luôn, con ngựa vẫn là biểu tượng cho cái đẹp, cái thế vươn lên theo xu thế phát triển của văn minh nhân loại. Hình ảnh ấy chứa đựng khát vọng sống mạnh mẽ, tự do, một tinh thần sống phóng khoáng, đem lại cho con người niềm phấn chấn, tự tin vào một năm mới tốt đẹp hơn.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 355, tháng 1-2014
Tác giả : Hoàng Hoa Mai
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%