Nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc “Chào năm mới 2022”, chương trình Giới thiệu tinh hoa nghề thủ công truyền thống qua nét đặc sắc từ nghề dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc diễn ra từ ngày 1 đến 3-1-2022 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Sáng ngày 1-1-2022, nghi thức cúng vợt sợi bông của đồng bào dân tộc Ba Na, tỉnh Gia Lai đã được tái hiện cùng quy trình tạo nên một sản phẩm dệt như: kỹ thuật bật bông, cán bông, nhuộm màu, se sợi, dệt…, trưng bày giới thiệu các sản phẩm thổ cẩm đã thu hút đông đảo sự quan tâm của du khách.
Cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, dân tộc Ba Na có đời sống văn hóa tinh thần phong phú và giàu bản sắc. Bản sắc đó thể hiện ở nhiều mặt cuộc sống, từ dệt vải cho đến dựng nhà, các lễ hội, phong tục hôn nhân gia đình… Tới nay, cuộc sống nhiều biến đổi song những gì thuộc về bản sắc thì vẫn được giữ gìn, phát huy.
Đối với người Ba Na, nghề dệt thổ cẩm được xếp vào một trong các di sản văn hóa phi vật thể, nổi tiếng với hoa văn tinh xảo, mang ý nghĩa nhân sinh quan sâu sắc. Những người làm nên loại thổ cẩm giàu sức cuốn hút này, luôn mong muốn thổ cẩm của họ mở rộng được thị trường tiêu thụ và để tạo nên được một tấm vải thổ cẩm có giá trị cả về ý nghĩa vật chất và tinh thần.
Để những thước vải thổ cẩm bền đẹp, đồng bào dân tộc Ba Na có Nghi thức cúng vợt sợi bông vô cùng độc đáo. Việc thực hiện Nghi thức này nhằm xin phép tổ tiên, Yàng, thần đất cho gia đình người Ba Na được tạo sợi bông, nhuộm màu chỉ… Người Ba Na tin tưởng rằng, có sự chứng kiến của tổ tiên và thần linh việc làm ấy sẽ được thuận lợi, sợi bông sẽ bền chắc, sợi chỉ không phai màu.
Không chỉ đẹp về hình thức trang trí, trong mỗi sản phẩm dệt truyền thống của người Ba Na còn ẩn chứa sắc thái văn hóa, thể hiện tâm hồn phong phú của người Ba Na.
Các cô gái Ba Na đều được bà và mẹ chỉ cho cách dệt vải, dệt thổ cẩm từ lúc 12-13 tuổi. Để khi đi lấy chồng, các cô phải tự dệt cho mình một bộ y phục thật đẹp ra mắt mọi người. Để dệt bộ y phục này, các cô gái phải tốn rất nhiều công sức và tâm huyết. Do đó, hầu như mọi phụ nữ Ba Na đều biết dệt thổ cẩm.
Đầu tiên, họ tạo ra khung dệt thủ công đơn giản bằng cây. Tuy đơn giản là vậy, nhưng các cô gái có thể dệt nên những thảm vải với các hoa văn rõ nét và những sợi dọc sợi ngang đan vào nhau sắc sảo.
Người Ba Na thường sử dụng các màu: đen, đỏ, vàng, tạo ấn tượng mạnh mẽ. Mỗi màu lại có tiếng nói riêng, màu đen tượng trưng cho đất rừng trù phú, màu đỏ của khát vọng và tình yêu, màu vàng tượng trưng cho ánh sáng.
Thổ cẩm của người Ba Na thường có màu tươi sáng, rực rỡ, bay bổng như thể hiện ước mơ, khát vọng và ẩn chứa trong các sản phẩm là cả tâm hồn nghệ sĩ của người thợ dệt. Họa tiết trên các sản phẩm thổ cẩm của người Ba Na thường trang trí đối xứng, phản ánh quan niệm triết lý về vũ trụ, triết lý âm dương, trời đất, thiên nhiên.
Bên cạnh đó là các hoạt động hằng ngày, cuối tuần của 13 cộng đồng dân tộc, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm… giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Tin, ảnh: TUẤN MINH
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z