Nghĩ về việc bảo tồn nghệ thuật múa rối nước việt nam

Tháng 3 – 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập ngành rối Việt Nam mà đơn vị xương sống chính là Nhà hát múa rối Việt Nam. Mong muốn của Người là “cần có đoàn múa rối chuyên nghiệp để các cháu thiếu nhi thêm niềm vui, thêm tiếng cười” (1). 60 năm, một chặng đường đủ dài song hành cùng lịch sử dân tộc đã cho thấy vai trò của nghệ thuật múa rối trong việc làm phong phú đời sống tinh thần của các thế hệ khán giả cả nuớc. Ngành rối không chỉ bảo tồn, phát huy các giá trị cốt lõi của nghệ thuật múa rối nước dân gian mà còn xây dựng, phát triển sân khấu múa rối cạn, tiệm cận với nghệ thuật múa rối trên thế giới.


Tuy nhiên, kể từ khi mở cửa, múa rối nước Việt Nam cùng với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác đứng trước những thách thức lớn về khán giả, sự thay đổi thẩm mỹ, chất lượng cũng như số lượng kịch mục. Cuộc hội thảo (2) hiếm hoi về thực trạng nghệ thuật rối nước hiện nay và hướng bảo tồn, phát huy bộ môn nghệ thuật này do Nhà hát múa rối Việt Nam tổ chức đã chỉ ra những khó khăn không dễ tháo gỡ để nghệ thuật múa rối tiếp tục có những đóng góp tích cực, lâu dài cho đời sống tinh thần của công chúng.

1. Thực trạng của múa rối nước

Múa rối nước được cho là khởi xuất từ thời nhà Lý, gắn liền với cuộc sống thôn dã ở đồng bằng Bắc Bộ và nền văn minh lúa nước. Trải qua hơn nghìn năm tồn tại, chắc chắn trong dân gian cũng có hàng trăm trò diễn khác nhau với những phiên bản đa dạng, phong phú.

Cho đến nay, có một thực trạng mà nhiều tham luận trong hội thảo thống nhất đánh giá là sự nghèo hóa số lượng các tiết mục dân gian. Hầu hết các đoàn nghệ thuật rối nước ở Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM đều chỉ quẩn quanh với 16 (tích) trò rối nước dân gian. Nói như NSND Nguyễn Hoàng Tuấn, Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long (Hà Nội): “Có lẽ chưa có tác phẩm sân khấu nào như tác phẩm 16 – 17 trò rối nước được nhân bản nhiều và rập khuôn giống nhau đến thế. Nó giống nhau từ kịch bản, đường nét biểu diễn, lời thoại nhân vật đến tạo hình con rối, âm nhạc thể hiện. Nó được làm lại theo dạng truyền nghề, rập khuôn máy móc, ít sáng tạo nhưng lại tam sao thất bản”. Cả nước hiện có 6 nhà hát, đoàn múa rối chuyên nghiệp, khoảng 20 phường rối nước dân gian, chủ yếu ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Do sự phát triển của ngành du lịch, nhất là việc đón du khách quốc tế cũng như nhu cầu giải trí của du khách địa phương, một số tỉnh miền Trung, Nam Bộ cũng hình thành các phường rối nước. Song duy nhất TP.HCM có nhà hát múa rối nước, được thành lập cách đây 19 năm dưới tên gọi Nhà hát múa rối nước TP.HCM. Nhưng hiện nay, nhà hát múa rối này đã được sáp nhập với đoàn xiếc thành phố, chung tên thành Nhà hát nghệ thuật phương Nam…

Theo TS nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái thì ông Nguyễn Huy Hồng đã sưu tầm đuợc không phải 16 – 17 trò rối dân gian mà khoảng 250 trò. Câu hỏi mà bà đặt ra là: “Lẽ nào ta lại quay lưng hoặc không khai thác tử tế những trò rối cổ truyền ấy để làm phong phú kịch mục? Lẽ nào đó không phải là con đường tìm về nguồn cội của rối nước Việt Nam?”.

Một vấn đề lớn khác trong thực trạng nghệ thuật múa rối nước hiện nay là sự dễ dãi trong cách thức biểu diễn và xây dựng tiết mục. Từ việc làm con rối một cách cẩu thả đến việc dùng băng đĩa ghi âm, phát lại phần âm nhạc nền cho tiết mục, thay vì có đội biểu diễn trực tiếp như truyền thống. Dàn dựng kịch bản “chạy theo tích truyện mà quên trò trong khi trò là yếu tố quan trọng nhất của nghệ thuật múa rối nước” (3), hay “để lộ cả những yếu tố kỹ thuật điều khiển con rối ngay tại một nhà hát được cho là chuyên nghiệp và thu hút đông đảo khách du lịch nước ngoài nhất hiện nay” (4).

Nguyên nhân của thực trạng này được lý giải do không có kinh phí hoạt động, có quá ít lịch biểu diễn hoặc ngược lại, không dám giảm số lượng chương trình biểu diễn vì sức ép của doanh thu, yêu cầu tự chủ tài chính. Theo nghệ nhân Phạm Văn Tòng, trưởng phường múa rối xã Hồng Phong, tỉnh Hải Dương, riêng “kinh phí tạo hình con rối hay nhân vật rối với giá khoảng 100 triệu đồng/con là một thách thức quá lớn đối với các phường rối dân gian, nên rất khó dựng trò, vở mới” hoặc đầu tư chi phí mua con rối tử tế để phục vụ lưu diễn lâu dài.

Nhiều diễn giả tham dự hội thảo lo lắng tình trạng kép về nhân lực: vừa không có lực lượng nghệ sĩ, diễn viên trẻ kế cận, vừa tồn tại tình trạng lão hóa diễn viên rất nhanh. Tình trạng này xảy ra từ các đoàn múa rối chuyên nghiệp đến tất cả các phường rối nước dân gian. Nghệ nhân Phạm Văn Tòng cho rằng mức thu nhập của các thành viên trong phường “còn quá khiêm tốn, không đảm bảo cuộc sống hiện tại. Hầu hết các phường, nghệ nhân đều ở độ tuổi trung niên. Ở tỉnh lẻ, hàng năm phục vụ (khán giả) rất ít nên các phường múa rối có thu nhập không đều”. Lớp trẻ “mặc dù có nhiều người yêu văn hóa nghệ thuật múa rối nước nhưng ít muốn tham gia vì cuộc sống mưu sinh”. Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long thẳng thắn lên tiếng: “Chúng ta vẫn động viên, khích lệ các nghệ sĩ tư duy sáng tạo đổi mới vậy mà đến 5 – 6 suất diễn một ngày, sức lực bị bào mòn, mệt mỏi, nhàm chán tạo thành một sức ì rất lớn. Tình trạng lão hóa này đã xảy ra ở các thế hệ nghệ sĩ trẻ”.

Ở tầm vĩ mô về quy hoạch đào tạo diễn viên chuyên ngành múa rối nước, bà Ngô Thanh Thủy, Giám đốc Nhà hát múa rối nước Việt Nam chỉ ra sự vô lý lâu nay trong đào tạo diễn viên ngành này. Đến bây giờ vẫn chưa có một cơ sở, một tổ chức nào nghiên cứu nghiêm túc về bộ môn múa rối nước để có một chương trình đào tạo bài bản, chuyên nghiệp.

Nghệ sĩ Vương Tất Lợi, Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam chỉ ra sự lúng túng trong quan niệm về tạo hình con rối: con rối là đạo cụ biểu diễn đơn thuần hay là một tác phẩm điêu khắc tạo hình. Ông cho thấy sự lúng túng trong quan niệm này dẫn đến sự dễ dãi trong tạo hình con rối, làm giảm đi vẻ đẹp, sức hấp dẫn ngoại hình của con rối đối với khán giả. Ngoài ra, nhiều tham luận còn quan tâm tới việc xây dựng kịch mục làm sao vừa cập nhật cuộc sống hiện đại, vừa không đánh mất bản sắc của nghệ thuật rối nước.

2. Giải pháp bảo tồn, phát huy

Vấn đề tài chính được hầu hết các tham luận đưa ra như một điều kiện tiên quyết để giải quyết tình trạng nghèo nàn kịch mục, con rối đơn điệu, thiếu đội ngũ kế cận, thiếu sự chuyên nghiệp trong hầu hết các khía cạnh của quy trình biểu diễn… Bên cạnh việc đề xuất sự hỗ trợ của Nhà nước, xã hội hóa các đơn vị biểu diễn, một số tham luận cũng thẳng thắn đề cập đến việc quy hoạch lại mạng lưới biểu diễn này như: sáp nhập, thu gọn bộ máy nhân sự, giảm bớt số lượng các đơn vị nghiệp dư, giữ lại những đơn vị tinh lọc…

Nhà nghiên cứu Trần Trí Trắc cho rằng nghệ thuật múa rối nước độc nhất vô nhị của Việt Nam, đã và đang được thế giới biết đến như một “thương hiệu văn hóa”, “cần phải được nâng lên tầm sức mạnh mềm của quốc gia trong hội nhập quốc tế”. Theo hướng này, ông cho rằng cần phải có một sự đổi mới toàn diện trong tư duy, tổ chức và hoạt động của ngành. Phải hòa nhập vào một tổ chức thống nhất là Liên nhà hát múa rối nước Việt Nam, dưới hình thức xã hội hóa tiên tiến theo mô hình “nhà nước, nghệ sĩ, nhân dân, các công ty lữ hành du lịch cùng làm”. Nhà nghiên cứu còn chỉ rõ trong mô hình liên nhà hát này, có ba đơn vị nhà hát là nhà hát bảo tàng (giữ gìn, khai thác, bảo vệ, bảo tồn, bảo tàng… vốn cổ của nghệ thuật múa rối nước), nhà hát cách tân (đổi mới, nâng cao nghệ thuật múa rối nước phù hợp với quy luật phát triển của thế giới phẳng) và nhà hát thử nghiệm (dành cho những ý tưởng sáng tạo đột phá, làm cơ sở cho những tác phẩm mới của nhà hát cách tân).

Việc cải biến một số khía cạnh của nghệ thuật múa rối nước truyền thống cũng được đặt ra như một cách làm tăng thêm sức hấp dẫn với công chúng địa phương. Với đặc tính nhạy bén, năng động của người phương Nam, đoàn múa rối nước của Nhà hát nghệ thuật phương Nam lâu nay đã thử nghiệm thay phần âm nhạc đậm tính dân gian Bắc Bộ trong kịch mục của mình bằng các giai điệu phương Nam. Theo Giám đốc Nguyễn Đức Thế, nhà hát đã “chuyển hóa bộ môn nghệ thuật dân gian dân tộc này thành bản sắc phương Nam qua các vở diễn như: Thánh Gióng, Truyền thuyết nàng Neaki, Một ngày ven đô… Đặc biệt, vở Cây tre trăm đốt đã có đậm đặc các yếu tố như: đờn ca tài tử, cải lương. Bên cạnh đó, nhà hát còn có nhiều tìm tòi, cải tiến cho thủy đình con rối, cảnh trí, âm nhạc để khẳng định phong cách phía Nam trên các vở mới, tạo ra đặc sản Nam Bộ hóa trên nền tảng cổ truyền”. Nhạc sĩ Đào Đăng Hoàn, Cục phó Cục nghệ thuật biểu diễn, Bộ VHTTDL, cũng khuyến khích những tìm tòi thử nghiệm theo hướng kết hợp với văn hóa đặc sắc vùng miền địa phương. Múa rối nước được khởi thủy từ đồng bằng châu thổ sông Hồng với các làn điệu dân ca và hát chèo. Nhưng trong quá trình tiếp biến văn hóa, sự lan tỏa của nghệ thuật rối nước đến nhiều địa phương chứng tỏ sức hấp dẫn của nó với đông đảo công chúng trên mọi miền đất nước. Chính vì thế, rối nước không chỉ nên được nhìn nhận như một trò lạ hấp dẫn công chúng và du khách nhất thời mà nên được coi như một hình thức nghệ thuật mở, có thể kết hợp với đặc trưng nghệ thuật địa phương, từ âm nhạc, múa đến tạo hình.

Đào tạo khán giả cũng là phương cách được một số tham luận đưa ra nhằm hướng đến việc xây dựng các thế hệ công chúng hiện tại và tương lai của múa rối nước. Nghệ nhân Nguyễn Thế Nghị, trưởng phường rối nước Đào Thục (Hà Nội) đưa ra những con số so sánh như một nghịch cảnh: “Nước ta hiện có tới 90% cư dân nông nghiệp, vẫn hàng ngày tiếp xúc với ao hồ, sông nước ruộng đồng, quá quen thuộc với môi trường nước nhưng cũng thật khó hiểu là có đến hơn 90% người dân trong số hơn 90 triệu người Việt Nam vẫn chưa có cơ hội xem múa rối nước”. Theo TS Lê Thị Thu Hiền, Vụ phó Vụ đào tạo, Bộ VHTTDL, việc đào tạo khán giả nên được coi là một trong nhiều giải pháp đồng bộ có tính lâu dài trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa rối nước. Chính vì thế, “cần nghiên cứu, đưa kiến thức, nội dung nghệ thuật múa rối nước vào chương trình giáo dục học đường”, giúp học sinh phổ thông hiểu và dần dần yêu quý, có cảm xúc thẩm mỹ với nghệ thuật này. Từ thực tế làm nghề, nghệ nhân Trần Thị Thân, trưởng phường rối Nghĩa Hưng, Nam Định, cho rằng, khán giả địa phương của múa rối nước chủ yếu là thiếu nhi và các cụ già, “đây là lực lượng khán giả tiềm năng dồi dào nhưng kinh tế ít, sức khỏe kém, không đi xa được”. Theo bà, “Bộ VHTTDL kết hợp với Bộ GDĐT xây dựng đề án đưa múa rối nước vào biểu diễn tại các trường tiểu học, đưa về làng xã để các cụ cao tuổi, người thu nhập thấp có điều kiện được xem bộ môn nghệ thuật này”.

Sự phát triển hiện đại của khoa học công nghệ và nhu cầu giải trí mới trong xã hội đương thời luôn đặt ra những vấn đề lớn trong việc bảo tồn các giá trị nghệ thuật truyền thống. Vai trò của các bộ môn nghệ thuật này đối với việc gìn giữ bản sắc văn hóa là vô cùng quan trọng. Làm thế nào để có được một sự hài hòa, cân bằng giữa việc giữ gìn tinh hoa vốn cổ, phát huy được các giá trị của chúng trong cuộc sống đương đại là câu hỏi không dễ dàng. Chúng ta từng đối diện với nguy cơ mất chiếu chèo truyền thống khi các đội chèo địa phương tan rã, các đoàn chèo chuyên nghiệp ra sức cải biên, tăng cường tính hiện đại cho các vở diễn, đến mức sao lãng việc tập luyện giữ gìn vốn cổ. Ca trù có nguy cơ thất truyền. Dân ca quan họ thì bị biến tướng do không gian nông nghiệp, nông thôn bao chứa nó đã và đang dần biến mất. Nghệ thuật tuồng cũng đối diện với nguy cơ sẽ không còn các thế hệ nghệ sĩ tài năng, lưu giữ được tinh túy của bộ môn này… Hiện nay, nghệ thuật múa rối nước Việt Nam cũng đứng trước những thách thức quá lớn trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát triển trong cuộc sống của công chúng đương đại trong và ngoài nước.

Mọi giải pháp nhằm cải thiện tình hình tồn tại hay không tồn tại của các bộ môn nghệ thuật truyền thống sẽ luôn mang tính tình thế, tạm thời nếu hạt nhân cốt lõi của công cuộc này là con người không còn tình yêu thực sự với nghề. Một nhà nghiên cứu rối nước đích thực như cụ Nguyễn Huy Hồng, từ bỏ cuộc sống yên ổn ở nội thành Hà Nội để về quê Phú Xuyên (Hà Tây trước đây), mở Trung tâm Thực nghiệm Múa rối, ngay trên mảnh đất hơn 500m² của gia đình, bao gồm cả bảo tàng, thủy đình, thư viện, lớp học, với hàng trăm, hàng ngàn hiện vật con rối, tài liệu, ảnh chụp, sách vở chỉ liên quan đến rối. Nếu thiếu tình yêu nghệ thuật và động lực tự thân thì không một nguồn tài trợ nào đủ kích thích ông gắn bó với công việc lặng thầm, tốn kém này.

Hy vọng rằng hội thảo về bảo tồn và phát triển nghệ thuật rối nước trong thời kỳ hội nhập như một cú hích cho những người yêu nghề tiếp tục yêu nghề hơn nữa, cùng nhau tìm cách tháo gỡ các khó khăn trước mắt, để con đường bảo tồn, phát huy bộ môn nghệ thuật này thêm rộng mở.

_______________

1. Nguyễn Tiến Dũng, Bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa rối nước trong thời kỳ hội nhập, tham luận tại hội thảo, ngày 22 – 7 – 2016.

2. Hội thảo Bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa rối nước trong thời kỳ hội nhập diễn ra tại Nhà hát múa rối Việt Nam, ngày 22 – 7 – 2016, có sự tham gia của 20 diễn giả gồm: các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình sân khấu, các nhà quản lý nghệ thuật biểu diễn, lãnh đạo các nhà hát và đoàn, phường rối trong cả nước cùng nhiều nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát múa rối Việt Nam.

3. Đào Đăng Hoàn, Múa rối nước dân gian truyền thống, thực trạng, giải pháp bảo tồn và phát triển, tham luận tại hội thảo.

4. Phát biểu của ông Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tại hội thảo.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 387, tháng 9-2016

Tác giả : HOÀNG AN ĐÔNG

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *