Nhà hát chèo việt nam, anh cả đỏ của ngành chèo


Nhà hát Chèo Việt Nam (tiền thân từ tổ chèo của Đoàn văn công Trung ương) được thành lập vào năm 1951 tại chiến khu Việt Bắc. Kể từ khi thành lập đến nay, nhà hát đã trải qua nhiều giai đoạn, lúc thăng, lúc trầm, lúc phải chiều nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của thời đại và khán giả. Làm sao để nghệ thuật sân khấu chèo có thể hòa mình vào dòng chảy văn hóa đương đại, nhưng vẫn giữ được những đặc trưng ngôn ngữ của thể loại chèo là nhiệm vụ trọng tâm trong phương hướng hoạt động của nhà hát.

 Trong những năm gần đây, Ban lãnh đạo Nhà hát Chèo Việt Nam đã khẳng định phương hướng bảo tồn, kế thừa, phát huy, quảng bá, đổi mới nội dung để hấp dẫn khán giả, nhưng không được trượt ra khỏi những nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật chèo truyền thống.

Năm 2012, Nhà hát Chèo Việt Nam đã được Nhà văn hóa thế giới (Maison des cultures du monde) mời sang trình diễn vở Quan Âm Thị Kính tại Paris. Đây là lần đầu tiên tất cả các lời thoại và nội dung phần hát của nhân vật được dịch sang tiếng Pháp. Khi diễn viên diễn đến đâu, màn hình sân khấu chạy chữ đến đó. Việc này đã xóa đi rào cản về ngôn ngữ và giúp cho khán giả Pháp hiểu được toàn bộ nội dung của vở diễn. Hai đêm diễn chèo tại Paris đã để lại tiếng vang lớn trong lòng khán giả Pháp.

Cuối năm 2013, Nhà hát Chèo Việt Nam đã phục dựng và xây dựng chương trình Năm cung chèo: Năm cung chèo 1 là chương trình âm nhạc giới thiệu những trích đoạn trong các vở chèo truyền thống, được nhiều nghệ sĩ trình diễn theo chuẩn mực của sân khấu chèo cổ, gồm màn giao đãi và các tiết mục trích trong vở Quan Âm Thị Kính, Kim Nham, Lưu Bình Dương Lễ, Tuần Ty – Đào Huế; tiếp nối Năm cung chèo 1Năm cung chèo 2 được thể hiện bằng ngôn ngữ không lời của các nhạc cụ truyền thống như trống, sáo, tranh, bầu, nhị… Đây là cách biểu hiện mới, không cần lời ca nhưng người nghe vẫn thấy bóng dáng hình ảnh của những nhân vật quen thuộc trong sân khấu chèo như Thị Mầu, Châu Long, Lưu Bình, Súy Vân…

Năm 2013, Nhà hát Chèo Việt Nam trình làng vở Đường trường duyên phận của tác giả Trần Đình Văn và Bắc Lệ đền thiêng của tác giả Triệu Trung Kiên. Vở chèo được dàn dựng theo tích cổ Bà chúa thượng ngàn, xoay quanh việc gìn giữ tập tục thờ Mẫu và hát văn ở ngôi đền Bắc Lệ trên đất Lạng Sơn trong những năm thực dân Pháp đô hộ. Đây là một trong những vở chèo được giới chuyên môn đánh giá là đã hoàn thành được sứ mệnh của mình, đưa nhiều yếu tố hot của thời đại vào trong các làn điệu truyền thống, biến hóa nó để hòa nhập nhưng không hòa tan, không làm lẫn chèo với các thể loại nghệ thuật sân khấu truyền thống khác.


 Quý khán giả tặng hoa chúc mừng các nghệ sĩ sau buổi biểu diễn. Ảnh Phạm Lự  

Cuối tháng 5-2015, nhân dịp kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt – Mỹ, đoàn diễn viên Nhà hát Chèo Việt Nam đã có chuyến giao lưu biểu diễn ở Mỹ. Một chiếu chèo được trình diễn ở sân trường Đại học Harvard. Bên cạnh đó, các diễn viên còn giao lưu, trao đổi tại Harvard Faculty Club. Nhiều giáo sư danh tiếng của Harvard như Stephen Walt, Thomas Patterson… và các giáo sư nổi tiếng về âm nhạc ở nhạc viện hàng đầu New England Conservatory, nghệ sĩ opera, nhạc trưởng của dàn nhạc giao hưởng ở Boston đều đến dự. Chuyến đi đã mang lại niềm tự hào, phấn khích cho các diễn viên Nhà hát Chèo Việt Nam nói riêng và cả ngành chèo Việt Nam nói chung.

Năm 2016, Nhà hát Chèo Việt Nam dàn dựng 4 vở diễn, trong đó có 2 vở diễn với kịch bản mới là Dây tràng hạt thần kỳ của tác giả Trần Đình Ngôn, Giai điệu tổ quốc của Vương Huyền Cơ, phục dựng lại 2 vở chèo từ những năm 60 TK XX là Súy Vân của tác giả Hàn Thế Du, Lọ nước thần của tác giả Trần Vượng.

Vào ngày 1 – 9 – 2016, chương trình Năm cung chèo đã được đưa vào trình diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội. Số phận các nhân vật điển hình trong nghệ thuật chèo, những màn dẹp đám – vỡ nước, tán bối cúng phật và nhiều giá chầu văn ông Hoàng Mười, cô bé Đông Cuông… đã tạo nên một bức tranh nghệ thuật đa màu sắc cho chương trình. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Chèo Việt Nam còn đem đến những giai điệu độc tấu, hòa tấu những nhạc cụ truyền thống dân tộc đặc sắc: độc tấu đàn nguyệt Dạ khúc nguyệt cầm, độc tấu đàn tranh Tâm sự Mỵ Nương, độc tấu tiêu Tự sự Súy Vân, hòa tấu trống đế… Những tràng pháo tay không ngớt trong khán phòng của Nhà hát Lớn đã chứng tỏ chất lượng nghệ thuật của buổi diễn đáp ứng được thị hiếu thưởng thức của lớp khán giả ngày nay dành cho bộ môn nghệ thuật truyền thống này.

Con đường hoạt động nghệ thuật phía trước của Nhà hát Chèo Việt Nam vẫn còn đầy chông gai, thử thách. Và định hướng của Ban lãnh đạo Nhà hát Chèo Việt Nam mong muốn xây dựng những chương trình để khán giả đến được xem chèo chứ không phải xem một loại hình nghệ thuật nào khác là một hướng đi đúng đắn. Hướng đi ấy đã và đang tạo ra được những dấu ấn nhất định trong đời sống nghệ thuật của ngành chèo hiện nay.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 388, tháng 10-2016

Tác giả : THỦY TIÊN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *