Ai là cha đẻ nền văn học thiếu nhi?


 

Mấy năm nay, mảng văn hóa nước ngoài bị thu hẹp đáng kể trên mặt báo Việt Nam, nhất là dịp Tết cổ truyền. Trong bối cảnh đó, thật mừng là một số tờ do số trang rất nhiều, dành một đôi chỗ rộng rãi cho một vài sự kiện văn hóa bên ngoài biên giới Việt Nam. Ví như tờ Giáo dục & Thời đại số 157 đăng một bài dài nhan đề Charles Perrault – Cha đẻ của nền văn học thiếu nhi. Tiêu đề ấy rõ là không ổn. Nhưng cứ đọc xem sao đã. Càng đọc, chúng tôi càng hoang mang và thất vọng. Xin không bàn đến việc người viết hình như không đặt ra ý nghĩa chủ chốt của bài, vì vậy, chuyện nọ xọ chuyện kia, chúng hầu không liên quan gì với nhau, tác giả chỉ cốt kéo bài càng lê thê càng tốt. Xin miễn không nêu sự thiếu nghiêm túc tìm hiểu chí ít cũng đầy đủ để vẽ nên một chân dung văn học bậc thầy… Chỉ xin cảnh báo về việc hồn nhiên tỏ ra thông thái nhưng là “thông thái rởm”, thực chất là xem thường kiến thức và xem thường người nghe hay người đọc. Thật ấn tượng, một phát kiến tầm cỡ, đó là tìm được cha đẻ của nền văn học thiếu nhi. Xin hỏi tác giả bài báo, đây là nền văn học thiếu nhi nào, của toàn thế giới hay của đất nước quê hương của Charles Perrault? Chắc chắn không ít học sinh, thậm chí sinh viên, đọc xong bài viết, phải tìm hiểu thêm mới biết Charles Perrault (1628-1703) là người Pháp, đồng hương của La Fontaine (1621-1695) chẳng hạn. Đương nhiên, đến đây, có thể tạm hiểu nhà văn này khai sáng nền văn học thiếu nhi Pháp. Song le, bất cứ nền văn học nào cũng bao gồm hai bộ phận, văn học viết và văn học dân gian. Vậy căn cứ vào bài báo, Charles Perrault sinh ra nền văn học viết cho thiếu nhi của Pháp, như TH khẳng định: “Quả thật, tập truyện cổ tích của Perrault là cuốn sách đầu tiên viết cho thiếu nhi, và cho dù tác giả của nó là ai đi chăng nữa thì cũng là người khai sinh một khuynh hướng lớn trong nền văn học thế giới – người sáng lập nền văn học thiếu nhi” (trích vài viết đang được đề cập). Thực tế ở Pháp, trước Perrault, đã có nhiều người viết cho thiếu nhi, một trong những người nổi tiếng nhất là Jean de La Fontaine, với tập Truyện ngụ ngôn chọn lọc chuyển thành thơ, công bố thành sách năm 1665. Không thua kém truyện cổ tích của Perrault (tập Chuyện đời xưa của ông in lần đầu năm 1697), bộ truyện ngụ ngôn của La Fontaine làm say mê mãi mãi các thế thệ bạn đọc toàn cầu. Như vậy, tương tự Jean de La Fontaine, Charles Perrault có đóng góp lớn cho văn học thiếu nhi ở Pháp thời ấy và văn học hành tinh về sau. Nói ông là cha đẻ của mảng văn học viết của văn học thiếu nhi Pháp thôi cũng là hồ đồ.

Thông thường, các cây bút viết cho thiếu nhi, nhất là thời xưa, ít nhiều đều chịu ảnh hưởng của văn học dân gian, đặc biệt là văn học truyền miệng. Charles Perrault cũng không ngoại lệ. Rõ rệt hơn văn học cho người lớn, văn học thiếu nhi của mọi quốc gia đều rất đậm chất dân gian. Chất dân gian ở đây biểu lộ cụ thể qua hàng loạt câu đố, bài đồng dao, truyện cổ tích mà một đôi chủ đề, như của truyện Tấm Cám, phổ biến khắp các châu lục. Những sáng tác truyền khẩu này đương nhiên ra đời từ rất lâu trước khi các cây bút chuyên nghiệp hư cấu nên các truyện cổ tích của họ. Một thiên tài kể chuyện số một thế giới như Han Christian Andersen (1805-1875) của Đan Mạch cũng không thay thế nổi cho dù chút đỉnh vô số kho báu văn học thiếu nhi dân gian của nhân loại. Tóm lại, cha đẻ của văn học dành cho tuổi thơ của tất cả các nước và của loài người là nhân dân lao động, với các tác giả vô danh thời thượng cổ, có thể trong thời gian con người chưa có chữ viết. Xin quay lại với câu được trích dẫn bên trên từ bài báo trên Số Tết Giáo dục & Thời đại. Nghĩa câu đó khá lập lờ, dù người viết không cố tình. Cứ theo văn bản mà hiểu, văn học thiếu nhi là một phần của văn học thế giới. Đã hẳn. Song, nó còn là một “khuynh hướng lớn” của nền văn học này?! Một sự nhầm lẫn hồn nhiên! Các khuynh hướng, trào lưu hay trường phái là những cách thức cảm nhận và thể hiện hiện thực khác nhau. Chúng tồn tại đa dạng đậm nhạt trong các nền văn học. Nếu nói mỗi nền văn học, trong đó có văn học thiếu nhi, là một vùng đất, thì các khuynh hướng, trào lưu hay trường phái là sông suối núi rừng trên đất ấy vậy. Lịch sử văn học xưa nay cho thấy rằng một tác giả có thể khơi nguồn cho một khuynh hướng hay trào lưu, chứ không phải cho một nền văn học. Xin lưu ý, viết lấy được đang là một khuynh hướng “đáng gờm” trong khu vực báo chí đặc trách về thông tin quốc tế, chủ yếu trong văn hóa nghệ thuật. Có dịp, chúng tôi sẽ đi sâu vào hiện tượng đáng buồn này. Vấn đề hôm nay liên quan đến một cơ quan ngôn luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xin nêu lên câu hỏi chưa có lời giải: việc hồn nhiên bất cần tự trọng và lịch sự, rẻ rúng kiến thức và núp bóng kiến thức như vậy phải chăng là một dịch bệnh vô hình từng ngày từng giờ xói mòn văn chương, giết chết tình yêu văn chương, biến công tác dạy và học văn thành một trò chơi phù phiếm và lố bịch. Không khó để nhận chân rằng những bài văn ngô nghê trong các kỳ thi đại học khởi phát một phần từ sự vô cảm văn chương đang thích thú tự phô trương ngạo nghễ trong những “công trình đồ sộ” hay những bài viết tưởng chừng thâm thúy như bài vừa được nói qua, lảy tình cờ trong một dịp cần nghiêm chỉnh và trang trọng, Tết Nguyên đán, từ một ấn phẩm đáng nể là báo Giáo dục & Thời đại.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 297, tháng 3-2009

Tác giả : Thành Tâm

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *