Âm nhạc giao hưởng châu âu vài nét phác


 

Nhạc giao hưởng (symphonic music)

Thuật ngữ này bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp với ý nghĩa là hòa hợp âm hưởng. Nội hàm của nó để chỉ những tác phẩm viết cho dàn nhạc giao hưởng biểu diễn trong một phòng hòa nhạc lớn. Mỗi loại nhạc cụ trong dàn nhạc có một âm sắc riêng. Khi thưởng thức thể loại này, do sự pha trộn nhiều âm sắc của các loại nhạc cụ, người thưởng thức sẽ thấy được sự phong phú muôn màu, muôn vẻ của tác phẩm. Nhạc giao hưởng gồm có các loại: liên khúc giao hưởng (bản giao hưởng), tổ khúc giao hưởng, côngxectô (concerto), uvéctuya (ouverture), thơ giao hưởng, rapxôđi (rhapsodie) và phăngtedi (fantaisie) giao hưởng…

Nhạc giao hưởng đầu tiên xuất hiện trong nhạc kịch của Alessandro Scarlatti (1660-1725) thuộc trường phái Naples của Ý. Khi đó, giao hưởng là khúc nhạc mở màn cho nhạc kịch với cấu trúc gồm 3 chương tương phản: nhanh – chậm, nhanh (presto – adagio – presto). Tuy nhiên, Joseph Haydn (1732-1809) – nhạc sĩ thiên tài người Áo, mới được coi là cha đẻ ra bản giao hưởng viết cho dàn nhạc biểu diễn độc lập. Trước J.Haydn cũng đã có hình thức sơ khai của thể loại này như các bản concerto grosso Brandenburg của Johann Sebastian Bach (1685-1750) nhạc sĩ vĩ đại người Đức, hay trong các bản giao hưởng dài của các nhạc sĩ ở Mannheim (cháu của J.S.Bach). Những tác phẩm giao hưởng sơ khai này chủ yếu là bản hòa tấu cho các nhạc cụ dây, đôi khi có bổ sung thêm một vài nhạc cụ hơi. Phải đến J.Haydn, những nguyên tắc viết giao hưởng mới được khẳng định. Giao hưởng của ông thường có từ 3 đến 4 chương tương phản sử dụng liên khúc sonata, trong đó có một chương viết ở hình thức sonata.

Chương một thường viết ở nhịp độ nhanh và cấu trúc hình thức sonata nên thường gọi là chương sonata allegro. Đây là chương trung tâm tư tưởng của tác phẩm, với các chủ đề âm nhạc tương phản nhau tạo ra sự kịch tính trong quá trình phát triển.

Chương hai thường tương phản với chương một, có nhịp độ chậm, trữ tình, diễn tả những cảm xúc suy tư, sâu lắng trong thế giới nội tâm của con người.

Chương ba với nhịp độ nhanh, diễn tả những cảm xúc vui tươi, nhảy múa, liên quan đến cảnh trí sinh hoạt, hội hè. Tính vũ khúc được xây dựng từ chất liệu âm nhạc của Mơnuyê (Menuet) – điệu nhảy cung đình Pháp – nên còn gọi là chương Mơnuyê.

Chương bốn (kết) được diễn tấu với nhịp độ rất nhanh. Đây là chương có chức năng tổng hợp và tạo tính thống nhất cho toàn bộ tác phẩm, thường được xây dựng ở hình thức sonata hoặc rondo soanta. Phần lớn chương này, nội dung của nó thường những bức tranh ngày hội của quần chúng.

Thông qua các tác phẩm, ông đã quy định thành phần của dàn nhạc giao hưởng gồm 4 bộ nhạc cụ: Bộ dây (violin I, violin II, viola, cello, contrebass, còn gọi là double bass); bộ gỗ (flute, oboe, basson); bộ đồng (french horn, trumpet, thỉnh thoảng trong tác phẩm của J.Haydn có sử dụng thêm trombone); bộ gõ (2 timpani);

Đây là những nhạc cụ chính trong dàn nhạc giao hưởng của J.Haydn. Các nhạc sĩ kế tiếp sau ông, đã liên tục bổ sung thêm thành phần nhạc cụ vào dàn nhạc giao hưởng, làm cho dàn nhạc ngày càng thêm phong phú với nhiều âm sắc khác nhau. Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791) bổ sung thêm kèn clarinet vào biên chế dàn nhạc giao hưởng; Ludwig Van Beethoven (1770-1827), đưa trombone thành nhạc cụ chính thức của dàn nhạc giao hưởng. Ngoài ra, có sự thay đổi cơ cấu các chương, như từ bản giao hưởng số 02 của L.V. Beethoven, đã thay chương ba Mơnuyê bằng Skeczô (Scherzo).

Dàn nhạc giao hưởng cũng được phân làm hai loại: dàn nhạc nhỏ và dàn nhac lớn. Căn cứ vào số lượng nhạc cụ hơi tham gia dàn nhạc để người ta bố trí các nhạc cụ khác cho phù hợp. Dàn nhạc một quản, các nhạc cụ hơi mỗi loại chỉ có một cây. J. Haydn và W.A. Mozart thường dùng dàn nhạc giao hưởng nhỏ hai quản, còn L.V. Beethoven hay dùng dàn nhạc giao hưởng lớn từ ba đến bốn quản.

Có thể thấy rằng, TK XVIII, trong lịch sử âm nhạc châu Âu, nghệ thuật giao hưởng đã định hình và phát triển mạnh mẽ. J. Haydn đã để lại cho nhân loại hơn một trăm tác phẩm giao hưởng là khuôn mẫu cổ điển để các nhạc sĩ lớp sau kế thừa và phát triển. Trong các tác phẩm giao hưởng của ông, thường toát lên niềm tin vào cuộc sống, những ước mơ khát vọng về một tương lai tươi sáng. Chính vì lẽ đó, nên hầu hết tác phẩm giao hưởng của ông đều viết ở giọng trưởng, không có tiêu đề mà chỉ đánh số. Đỉnh cao trong sáng tác của ông là 12 bản giao hưởng cuối đời – viết trong những năm sống ở Luân Đôn (Anh) – còn gọi là 12 bản giao hưởng Luân Đôn.

Kế thừa khuôn mẫu giao hưởng của J. Haydn, nhạc sĩ W.A. Mozart, mặc dù với quãng đời ngắn ngủi và gặp nhiều bất hạnh, nhưng đã để lại cho nhân loại 41 bản giao hưởng. Những tác phẩm của ông thể hiện sự cân đối hài hòa đầy chất thơ ca, tràn đầy niềm lạc quan. Tác phẩm nổi tiếng nhất là bản số 40, viết ở cung sol thứ. Chương một viết ở hình thức sonata allegro với hai chủ đề tương phản. Chủ đề thứ nhất là một giai điệu thắm đượm chất trữ tình bi thương, chủ đề thứ hai tươi sáng hơn, như thể hiện niềm lạc quan tin tưởng vào cuộc sống. Chương hai chậm (andante cantabile) có tính chất suy tưởng. Chương ba Mơnuyê, nhưng khác với cấu trúc của J.Haydn. Chương này không chỉ đơn thuần mang tính chất vũ khúc mà còn thể hiện tính kịch với những âm hưởng mạnh mẽ, khẳng định. Chương kết của tác phẩm lại mang tính kịch căng thẳng, tâm trạng đầy xáo động, nên gần gũi với chương một. Giao hưởng số 40 của W.A. Mozart là một trong những tác phẩm giao hưởng bất hủ cùng thời gian.

Khác với J.Haydn và W.A. Mozart, L.V. Beethoven đã hoàn thiện âm nhạc giao hưởng của trường phái cổ điên Viên, đồng thời mở ra một hướng phát triển mới cho nghệ thuật giao hưởng châu Âu. Tác phẩm giao hưởng của L.V. Beethoven thường có quy mô đồ sộ, bởi tính hoành tráng, anh hùng ca, kịch tính nhưng cũng sâu sắc trong nội dung. Những chủ đề đấu tranh, anh hùng, chiến thắng, niềm tin bất diệt luôn tỏa sáng trong các bản giao hưởng của ông. Âm nhạc của L.V. Beethoven thể hiện tư tưởng của thời đại, khát vọng của quần chúng. Ông viết giao hưởng không nhiều, chỉ có 9 tác phẩm, nhưng mỗi giao hưởng lại mang một dáng vẻ riêng. Bản số 1, là tác phẩm đầu tay nên còn chịu nhiều ảnh hưởng phong cách sáng tác của các nhạc sĩ tiền bối. Giao hưởng số 2 đã có sự đổi mới, khi thay chương Mơnuyê bằng chương Scherzo. Các giao hưởng tiếp theo, ông đều có những cách tân táo bạo, nhiều bản đã đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật giao hưởng thế giới. Chẳng hạn, bản số 3 (Anh hùng), chương hai là Hành khúc tang lễ, đây là sự khác biệt với cách viết của các nhạc sĩ đi trước; bản số 05 (Định mệnh) với những hình tượng tương phản, xung đột kịch tính mạnh mẽ, ông đã khai thác triệt để hiệu quả của dàn kèn đồng tạo nên âm hưởng hào hùng, kêu gọi, hiệu triệu; bản số 6 (Đồng quê), tính chất trữ tình trong sáng, tác phẩm này là tiền đề cho âm nhạc lãng mạn có tiêu đề của TK XIX. Đặc biệt bản số 9 (Hướng tới niềm vui) lần đầu tiên thấy sự tham gia của dàn hợp xướng. Có thể nói, giao hưởng của L.V. Beethoven là những mốc son tuyệt đẹp đánh dấu sự kết thúc của trường phái âm nhạc cổ điển Viên trên đỉnh cao rực rỡ.

Ngoài các bản giao hưởng viết theo liên khúc sonata, trường phái âm nhạc cổ điển Viên còn có thể loại concerto cũng viết theo cơ cấu này. Concerto là thể loại âm nhạc viết cho một hoặc vài nhạc cụ hòa tấu với dàn nhạc giao hưởng. Khác với giao hưởng, concerto thường chỉ có ba chương, chương một viết ở hình thức sonata allegro. Concerto thường có hai lần trình bày: lần đầu dàn nhạc diễn tấu, lần hai do nhạc cụ độc tấu hoặc ngược lại. Đặc biệt trước tái hiện chủ đề âm nhạc hay kết của tác phẩm, thường có đoạn nhạc cadenza do nghệ sĩ độc tấu ngẫu hứng nhằm phô trương kỹ thuật diễn tấu.

Sau những tác phẩm giao hưởng kinh điển bất hủ của các nhạc sĩ thuộc trường phái cổ điển Viên, đến TK XIX hàng loạt thể loại mới viết cho dàn nhạc giao hưởng đã ra đời:

Ouverture (khúc khởi nhạc), tác phẩm cho dàn nhạc giao hưởng hòa tấu độc lập, đây là sáng tạo của Felix Mendelssohn Bartholdy (1809-1847) – nhạc sĩ người Đức. Tác phẩm này chỉ một chương và có tiêu đề, cấu trúc ở hình thức sonata. Bản đầu tiên của F.Mendelssohn viết ở thể loại này là ouverture Giấc mộng đêm hè.

Symphonic poem (giao hưởng thơ), là tác phẩm giao hưởng một chương viết cho dàn nhạc giao hưởng, có tiêu đề. Chủ đề thường được lấy những hình tượng cụ thể từ tác phẩm văn học, hội họa, lịch sử, thơ ca. Giao hưởng thơ là một trong những thể loại chính của âm nhạc có tiêu đề. Người sáng tạo ra nó là Franz Liszt (1811-1886) – nhạc sĩ người Hungary. Tác phẩm tiêu biểu của ông viết cho thể loại này là Les preludes (Những khúc nhạc dạo đầu).

Symphonic suite (tổ khúc giao hưởng), là những khúc nhạc viết cho dàn nhạc liên kết thống nhất với nhau bằng nội dung một câu chuyện. Thể loại này được phát triển từ âm nhạc có tiêu đề và sử dụng nhiều phương pháp diễn tả khác nhau để phù hợp với sự đa dạng muôn màu của nội dung. Tiêu biểu là tổ khúc giao hưởng Peer Gynt của Edwad Grieg (1843-1907) – nhạc sĩ người Na Uy. Trong một số tác phẩm thì tổ khúc giao hưởng là sự kết hợp nhiều phần, mỗi phần là một giao hưởng thơ như Tổ quốc tôi của nhạc sĩ người Séc Bedrich Smetana (1824-1884); hay tổ khúc giao hưởng gần với cấu trúc liên khúc sonata giao hưởng và có sử dụng leitmotiv (âm hình chủ đạo) như Scheherazade của nhạc sĩ người Nga Nicolai Rimsky Korsakov (1844-1908).

Chất liệu dân gian là nguồn cảm hứng để xây dựng chủ đề âm nhạc giao hưởng

Lịch sử sáng tác âm nhạc trên thế giới qua các giai đoạn phát triển đã cho thấy, kho tàng âm nhạc dân gian chính là nguồn chất liệu quý giá để các nhạc sĩ khai thác sáng tạo tác phẩm. Qua nghiên cứu chặng đường phát triển của âm nhạc giao hưởng thì điều đó càng được khẳng định. Chỉ xem xét nhóm các nhạc sĩ thuộc trường phái cổ điển Viên TK XVIII đã cho thấy tầm quan trọng của chất liệu dân gian trong tác của họ.

Đối với J.Haydn “dân ca, dân vũ là linh hồn trong những bản giao hưởng của ông”(1). Trong sáng tác, ông đã khai thác những làn điệu dân ca, dân vũ của Đức, Áo cũng như các dân tộc khác để đưa vào tác phẩm. Chẳng hạn, giao hưởng số 103, ông đã lấy chất liệu của làn điệu dân ca Khorvat (một vùng thuộc Nam Tư giáp biên giới Áo) để xây dựng chủ đề chương 2.

Nhạc của W.A. Mozart thì “nổi bật lên những làn điệu của nền âm nhạc dân gian Áo kết hợp tinh tế với những chất liệu âm nhạc dân gian độc đáo của các nước châu Âu (nhất là dân ca ý)”, “Sự sáng sủa, đơn giản, giàu hình tượng, xuất phát từ nguồn gốc âm nhạc dân gian Áo, Đức và các bài hát du dương Ý đã làm cho giai điệu của W.A. Mozart trở nên tuyệt diệu, có tính nghệ thuật cao, có chiều sâu nội tâm phong phú và sức biểu hiện mạnh mẽ” (2).

Là đại diện cuối cùng của trường phái cổ điển Viên, L.V. Beethoven cũng không nằm ngoài dòng tư tưởng sáng tạo trên. Trong tác phẩm của ông, những chất liệu dân gian cũng chính là nguồn cội để sáng tác, tiêu biểu như những chủ đề dân ca Nga trong các tứ tấu số 7, số 8, số 9 được viết tặng cho sứ thần Nga năm 1806-1807. Hay, trong chương III (menuetto) giao hưởng số 8 giọng fa trưởng thì “ở chương này nổi lên một làn điệu dân ca Áo ở vùng Têphơlit”(3). Các nhạc sĩ trường phái cổ điển Viên ngoài việc sử dụng chất liệu dân ca, dân vũ với mục đích làm phong phú cho tác phẩm, họ còn là người tuyên truyền cho âm nhạc dân gian của nhiều dân tộc trên thế giới.

Các nhạc sĩ trường phái âm nhạc lãng mạn TK XIX, cũng đề cao tính dân tộc trong sáng tạo. Do đó, họ rất chú ý đến các làn điệu dân ca, dân vũ, các phong tục sinh hoạt và nghệ thuật đặc sắc của dân tộc mình. Chính những bài dân ca, dân vũ là cơ sở cho những tác phẩm bất hủ ra đời, là tiếng nói khẳng định nghệ thuật âm nhạc riêng của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Điển hình như Mikhail Ivanovich Glinka (1804-1857) – nhạc sĩ người Nga – đã sử dụng chất liệu dân gian Nga trong bản ouvecture Kamarinskaia. Tác phẩm này ông đã xây dựng hai chủ đề từ bài dân ca Nga dùng cho lễ cưới Sau núi, núi cao và chủ đề dân vũ Kamarinskaia.

Trên con đường phát triển, âm nhạc giao hưởng từ châu Âu đã lan tỏa đến khắp các châu lục khác. Cũng từ đó, âm nhạc giao hưởng ngày càng trở nên phong phú nhiều màu sắc hơn, bởi nó chứa đựng nguồn chất liệu dân gian của nhiều dân tộc trên thế giới, điển hình như: âm hưởng ngũ cung điệu Spirichuen của người da đen ở Mỹ trong tác phẩm giao hưởng Từ thế giới mới – bản số 9 (Symphony No.9 – From the New World) của nhạc sĩ người Séc Antonin Dvorak, (1841-1904). Có thể thấy trong tác phẩm này, nhạc sĩ khai thác triệt để chất liệu dân gian của hai châu lục khác nhau: âm nhạc dân gian của người da đen ở Mỹ và âm nhạc Xlavơ ở châu Âu, đã tạo cho tác phẩm màu sắc sinh động và mới lạ.

Ngày nay, nghệ thuật âm nhạc giao hưởng của châu Âu không còn mới mẻ và xa lạ với nhiều dân tộc trên thế giới. Tuy nhiên, âm nhạc giao hưởng vẫn là món ăn tinh thần tương đối kén chọn khán thính giả, nó đòi hỏi người thưởng thức phải am hiểu và có một số kiến thức nhất định về thể loại âm nhạc này. Chính vì vậy, mặc dù đã tồn tại và phát triển trên 200 năm, nhưng âm nhạc giao hưởng vẫn không phải là dòng nhạc phổ biến và có sức lan tỏa mạnh như một số dòng âm nhạc khác.

_______________

1, 2, 3. Thế Vinh – Nguyễn Thị Nhung, Lịch sử âm nhạc thế giới (tập II), Nhạc viện Hà Nội xb, 1985, tr.45, 63, 135.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 296, tháng 2-2009

Tác giả : Trịnh Hoài Thu

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *