Ấn tượng vở rối Thân phận nàng Kiều

Cảnh trong vở rối Thân phận nàng Kiều – Ảnh: Liên Hương

  Sau gần hai tháng kể từ ngày khởi công xây dựng, vào ngày 24-8-2019, vở diễn Thân phận nàng Kiều, được mong đợi trong suốt thời gian qua của Nhà hát Múa rối Việt Nam, đã ra mắt khán giả thật ấn tượng. Tác giả kịch bản là NSƯT Lê Chức và nhà văn Nguyễn Hiếu; chuyển thể kịch bản sang nghệ thuật múa rối: đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng.

  Truyện Kiều là một kiệt tác văn học của Việt Nam và thế giới. Từ bao đời nay, Truyện Kiều đã đi vào đời sống qua lời ăn tiếng nói, qua các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian. “Nàng Kiều có định mệnh riêng của mình và lại là tiền định cho bao sáng tác theo nguyên bản, biến tấu theo cảm thức khác nhau của lứa tuổi, trình độ, mục đích, thời điểm” (1). Với Nhà hát Múa rối Việt Nam, đây lại là một trạng thái tiếp nhận cảm xúc và sáng tạo với một ngôn ngữ khác nữa. Đó là từ thi ca của đại thi hào Nguyễn Du, từ ý tưởng văn học của nhà văn Nguyễn Hiếu cùng NSƯT Lê Chức đã được chuyển sang ngôn ngữ của nghệ thuật múa rối.

  Dựa trên tác phẩm kinh điển Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du, vở diễn Thân phận nàng Kiều được chuyển thể sang sân khấu múa rối mang đầy tính đột phá, sáng tạo và thử nghiệm mới. Vở diễn tái hiện, khắc họa tính cách một số nhân vật tiêu biểu trong Truyện Kiều, đặc biệt, nhân vật chính nàng Kiều được nghệ thuật hóa bằng ngôn ngữ múa rối, đặt trong nhiều biến cố của gia đình, xã hội, trải qua những diễn biến tâm trạng hết sức tinh tế, biện chứng. Vẻ đẹp của nàng Kiều được khắc họa qua gương mặt, trang phục, qua những hành động, qua cây đàn để thể hiện thế giới nội tâm phong phú, lòng khát khao hướng thiện. Sự cách điệu hóa của đôi mắt nàng Kiều đã bao quát cả chủ đề của tác phẩm, thương thay một kiếp phận tài hoa trong xã hội mà quyền làm người luôn bị chà đạp. Sự xuất hiện của nhân vật Nguyễn Du thông qua hình ảnh cây bút lông thư pháp trên sâu khấu cũng là điểm nhấn trong vở diễn lần này. Nguyễn Du như đang chứng kiến toàn bộ cuộc đời nàng Kiều, như đang tham gia vào cuộc sống của chúng ta hôm nay. Mọi tình tiết, cảnh trí trong vở diễn được xử lý bằng các mảng miếng, trò diễn múa rối hấp dẫn trong không gian, ánh sáng mới lạ, trên nền nhạc truyền thống kết hợp với đương đại.

  Theo nhà văn Nguyễn Hiếu, thông điệp mà ekip muốn gửi gắm qua vở diễn là: “Con người muốn sống thì đều phải vươn lên, vươn lên mãi đến khi chúng ta đạt được. Tất nhiên trong sự vươn lên ấy cũng có sự bất hạnh, có nhiều nỗi vất vả”. Từ thơ sang đến văn xuôi đã khó, từ thơ sang ngôn ngữ của múa rối còn khó hơn. Chính vì vậy, thể hiện rõ trong vở diễn là yếu tố điển hình, tượng trưng mạnh mẽ. Nhà văn Nguyễn Hiếu chia sẻ, vở diễn dùng thủ pháp dàn đồng ca của Hy Lạp, theo hình thức rối, liên tiếp tạo nên những mảng miếng để ghép lại. Đồng thời, những câu thơ đắt giá nhất trong Truyện Kiều cũng được đưa lên sân khấu múa rối một cách tự nhiên nhất.

  Về cách tạo hình con rối, họa sĩ Lê Đình Nguyên cho biết, khác với các loại hình nghệ thuật khác, “Kiều trong rối phải chuyển tải một thông điệp thời đại, một lối tạo hình khác. Đó là tạo hình mang tính ước lệ. Tất cả phải chuyển thể sang tạo hình của rối nên rất phiêu”. Mang tính ước lệ nhưng khi nhân vật xuất hiện, khán giả sẽ nhận ra ngay, như Từ Hải với “Râu hùm, hàm én, mày ngài”, nhân vật Thúc Sinh với hình ảnh trái tim rực đỏ trước ngực… Đặc biệt, nhân vật Hoạn Thư không có khuôn mặt mà mọi hành động, cảm xúc được thể hiện qua một chiếc quạt.

  Với mục đích đổi mới hình thức, khám phá nhận thức của văn hóa nói chung và nghệ thuật sân khấu nói riêng, sân khấu thử nghiệm muốn làm rõ sự khác nhau giữa ngôn ngữ, hình thể, cấu trúc để tạo ra khái niệm nhận thức mới, nhằm làm giàu thêm ngôn ngữ nghệ thuật sân khấu, góp phần đáp ứng sự mong mỏi của khán giả trong xu thế hội nhập và phát triển. Theo NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, đưa Truyện Kiều và hình tượng nàng Kiều lên sân khấu múa rối, đặc biệt đến với Liên hoan Sân khấu quốc tế thử nghiệm để khán giả trong và ngoài nước tiếp nhận được hồn cốt của tác phẩm, hình tượng nhân vật, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có sự tinh tế, xử lý khôn khéo từ kịch bản đến tạo hình sân khấu và nhân vật.

  Được biết, NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, đã ấp ủ dựng vở diễn này từ năm 2007. Và đến hôm nay, đạo diễn đã thực sự tìm được chiếc chìa khóa để ngôn ngữ múa rối chuyển tải được kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du. Vở diễn đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ khán giả và lời khen ngợi từ Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cùng các lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.

  Hy vọng rằng vở diễn Thân phận nàng Kiều sẽ góp thêm tiếng nói của loại hình múa rối và giành được thành tích cao tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ IV-2019 sắp tới.

_____________

  1. Lời mở đầu vở diễn Thân phận nàng Kiều.

 

Tác giả: Nguyễn Liên Hương

Nguồn: Tạp chí VHNT số 423, tháng 9 – 2019

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *