Không quá để tâm vào tỷ suất người xem hay quảng cáo, với đạo diễn Vũ Trường Khoa, mỗi bộ phim khi làm anh đều gắng hết sức. Tâm niệm đó được anh duy trì trong suốt chặng đường làm phim của mình.
Có trong tay kha khá giải thưởng cùng danh sách phim hot mà đạo diễn nào cũng ao ước như Những công dân tập thể, Cả một đời ân oán, Sống chung với mẹ chồng, Hoa hồng trên ngực trái, Hướng dương ngược nắng, Ngày mai bình yên... nhưng Vũ Trường Khoa lại xem đó như chuyện phải thế và không có gì to tát.
Nổi tiếng từ những bộ phim truyền hình, nhiều người tưởng anh sẽ thích lập ngôn, coi nghệ thuật như thánh đường hay miệt mài đuổi bắt sự sáng tạo. Nhưng với Vũ Trường Khoa, mọi chuyện đều được anh nhìn nhận theo hướng tích cực, nhẹ nhàng. Hỏi sâu hơn về nghề, về công việc “bếp núc” của phim truyền hình mới biết đối với mỗi bộ phim, điều đầu tiên khiến anh gắn bó, sáng tạo và “lăn” hết mình là khi câu chuyện, nhân vật chạm được đến cảm xúc, khơi lên sự yêu ghét, thương cảm, xa xót hay bực tức. Với nguồn cảm hứng đó, anh bắt tay vào làm và hiếm khi để ý phim thuộc thể loại nào hay mang phong cách gì? Với Vũ Trường Khoa, câu chuyện, nhân vật sẽ quyết định việc anh dùng các thủ pháp, cách dựng, đẩy tình huống… như thế nào để truyền tải được sự rung động, hấp dẫn đến cho khán giả. Khác với nhiều đạo diễn mong muốn định hình một phong cách nghệ thuật riêng, với Vũ Trường Khoa, anh cho biết: “Với tôi có rung cảm, có xúc động là làm mà ít đi để ý tới chuyện phải định hình phong cách. Một câu chuyện, nhân vật làm mình xúc động thì với vốn hiểu biết, với nghề nghiệp, mình sẽ cố gắng chọn lựa hình thức phù hợp để làm sao tải được nhiều nhất cảm xúc mà mình hiểu, mình yêu với bộ phim đến khán giả”.
Mang tâm thế ấy, hàng loạt các bộ phim được “cộp mác” Vũ Trường Khoa đã đến với khán giả và được chào đón không chỉ bởi sự hấp dẫn của câu chuyện mà còn là sự kỹ càng của người làm nghề được biểu hiện trong từng góc máy, chi tiết, góc cảnh, lời thoại của nhân vật… Trong Hoa hồng trên ngực trái, nhiều đoạn Thái đánh mắng vợ đẩy cảm xúc của khán giả dâng cao khi chứng kiến người đàn ông vì nhân tình mà phụ bạc vợ được quay rất cận, rất kỹ. Trong Cả một đời ân oán, sự cao ngạo, lấn lướt của người vợ chính và sự nhún nhường, nhẫn nhịn của người vợ không hôn thú cũng được đạo diễn khắc họa trong rất nhiều cảnh. Nó cũng là nguyên nhân dẫn tới sự oán hận và bi kịch cho những đứa con sau này. Với sự tận lực, chăm chút cho từng chi tiết nhỏ, nhiều bộ phim của anh đã chạm đến cảm xúc khán giả và lọt vào nhiều bảng xếp hạng, những giải thưởng trong các kỳ trao giải. Hỏi anh đã có bao nhiêu giải thưởng khi làm nghề, anh chỉ cười nói cũng không nhớ hết khi với mỗi bộ phim anh luôn cố gắng tận tâm hết mức và thành công, sự nổi tiếng là thứ đến sau những nỗ lực không ngừng nghỉ ấy.
Phim Ngày mai bình yên
Khi xu hướng phim truyền hình có độ dài ngày càng lớn, đạo diễn Vũ Trường Khoa luôn bận rộn với phim nối tiếp phim. Ở nhiều thời điểm, anh chưa kịp làm xong bộ phim này đã phải bắt tay vào với phim khác. Khi mang câu chuyện tiền bạc, cát xê cho mỗi phim để hỏi, anh cũng chỉ ậm ừ và khẳng định dù tiền nhiều hay ít anh vẫn luôn làm phim một cách kỹ lưỡng.
Tận tụy, lăn xả với công việc, Vũ Trường Khoa cũng khá mát tay khi cộng tác với nhiều đạo diễn trong các bộ phim truyền hình dài tập. Anh đã tạo nên những cặp bài trùng ăn ý như với đạo diễn Trọng Trinh trong Cả một đời ân oán, với nghệ sĩ Công Lý trong Những cô gái trong thành phố, Hoa hồng trên ngực trái, Hướng dương ngược nắng… Anh quan niệm, không nhất thiết một phim là một đạo diễn. Công tác làm phim là của tập thể, cốt làm sao đưa ra được phương án tốt nhất. Nhiều cái đầu, bao giờ cũng có những lựa chọn tối ưu hơn một cái đầu.
Với Vũ Trường Khoa, anh luôn tâm niệm: “Bộ phim là sự cộng hưởng của nhiều người với mỗi người mỗi việc. Sự thành công của một bộ phim là công sức của cả một tập thể trong đó mỗi người đều phải làm tốt phần việc của mình”. Nhìn vào danh sách phim do anh làm đạo diễn, có phim là kịch bản trong nước, có phim được làm từ kịch bản Việt hóa, phim hợp tác với nước ngoài. Trong khi phim truyền hình Việt vẫn chưa vươn xa khỏi biên giới, Vũ Trường Khoa là một trong số ít đạo diễn đã mấy lần kéo quân ra nước ngoài làm phim như Khúc hát mặt trời quay một số cảnh tại Nhật Bản, Hai phía chân trời, Tình khúc Bạch Dương có nhiều cảnh quay lại Nga… Áp lực về kinh phí, về điều kiện kỹ thuật chưa cao khiến đạo diễn phải tính toán làm sao để tận dụng tối đa những ngày quay trên đất bạn. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, anh từng đề cao các phim kịch bản trong nước khi quan niệm mỗi đất nước có nền văn hóa riêng và phim ảnh phải bắt rễ ăn sâu trên nền văn hóa ấy nhưng theo thời gian, từ thực tế làm phim Vũ Trường Khoa đã có cái nhìn cởi mở hơn. Với một loạt phim thành công, anh cũng không quá chú trọng tới việc phim đó được viết bởi các biên kịch trong nước hay được một êkip Việt hóa lại. Anh cho biết: “Mỗi câu chuyện tự nó đã nói lên tất cả. Không quá quan trọng nó là phim chuyển thể hay nguyên gốc. Nếu một câu chuyện hay tự bản thân nó đã hấp dẫn. Với nhiều bộ phim chuyển thể thì câu chuyện chỉ là cái sườn còn mình phải đắp thêm chi tiết, hành động, văn hóa bản địa thì mới chạm đến được người xem”. Sự thay đổi đó được bồi đắp qua thời gian, qua sự thành công từ loạt phim Việt hóa ăn khách như Cả một đời ân oán, Sống chung với mẹ chồng, Hướng dương ngược nắng… mà anh đã đổ vào đó biết bao tâm sức.
Trong phim của Vũ Trường Khoa, diễn viên cũng là một mảng mà anh đặt vào đó nhiều tâm sức. Ở nhiều phim ngay từ khi triển khai kịch bản, anh đã phải tính đến những gương mặt phù hợp với nhân vật. Khi diễn viên nhận lời và đọc kịch bản, anh lại cùng êkip trao đổi để chỉnh sửa, cố gắng đẩy lên thành những mẫu nhân vật điển hình sinh động, gần gũi nhất với cuộc sống. Trong Cả một đời ân oán, sự vào vai xuất sắc của dàn diễn viên đã mang lại thành công cho phim. Phim có một Mỹ Uyên sắc sảo, một Lan Phương ghê gớm, một Hồng Diễm dịu dàng, cam chịu hay một Hồng Đăng đau khổ, đầy mặc cảm… đã làm nên những sắc mầu phong phú. Khác với nhiều đạo diễn, trong hầu hết phim của Vũ Trường Khoa anh đều cố gắng lựa chọn một cái kết tươi sáng, nhân văn. Nó như một quan niệm của riêng anh khi sau tất cả là hy vọng, là mong muốn thiện lương mà mỗi người đều hướng tới.
Là một đạo diễn khá kiệm lời, ít nói về mình nhưng nhiều phim của anh lại luôn gây bão. Dường như bao sức lực, những đam mê, khao khát ở anh đều dành cho phim để rồi có Cả một đời ân oán, Sống chung với mẹ chồng, Hướng dương ngược nắng hay trước đó là các bộ phim gây được tiếng vang như Hôn nhân trong ngõ hẹp, Hai phía chân trời, Khi đàn ông góa vợ bật khóc, Những công dân tập thể… Anh chia sẻ: “Tôi không bao giờ biết rating trên sóng là bao nhiêu, nhiều hay ít. Với bản thân tôi, khi nhận làm phim luôn nỗ lực hết sức, dù kết quả có thế nào mình cũng không hối tiếc”. Là đạo diễn lăn lộn với nghề, nhiều bộ phim anh làm bám sát hơi thở, nhịp đập của cuộc sống dù đó là câu chuyện trong một gia đình hay rộng hơn là tác động đến cả một xã hội. Không ngừng sáng tạo trong công việc và luôn làm với tâm thế “nỗ lực hết sức”, với Vũ Trường Khoa thành công hay chuỗi thành công là điều đã được đoán trước.
HÀ PHƯƠNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 478, tháng 10-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Sự trở lại của các Bond Girl
Giá trị phù điêu đất nung tại điện Ngưng Hy
Tom Hardy: Chiến thắng chính mình