Tiếp nhận dòng chảy văn hóa của nhân loại, Nho giáo vào Việt Nam như một tất yếu của lịch sử. Trong suốt quá trình tồn tại, nó đã có ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội nước ta, trong đó, đạo đức Nho giáo có ảnh hưởng đến đạo đức người phụ nữ Việt Nam nói chung, người phụ nữ ở nông thôn nói riêng ở cả hai chiều cạnh tích cực và tiêu cực.
Đạo đức Nho giáo tác động đến người phụ nữ Việt Nam, xét từ những yếu tố tích cực, nhân văn, góp phần giáo dục lòng nhân ái, vị tha, bao dung, trọng tình nghĩa, điều này thể hiện trong các quan hệ xã hội, quan hệ giữa người với người; góp phần giáo dục ý thức tôn trọng kỷ cương, nền nếp gia đình, củng cố tinh thần trách nhiệm với gia đình, làng xóm, cộng đồng và để ổn định trật tự xã hội… Đạo đức Nho giáo góp phần giáo dục người phụ nữ hoàn thiện vẻ đẹp hình thức và nội dung với công, dung, ngôn, hạnh để đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội.
Bên cạnh những yếu tố tích cực, đạo đức Nho giáo còn tồn tại nhiều yếu tố bảo thủ, tiêu cực. Những yếu tố tiêu cực ấy đã gây tác hại lớn trong suốt thời gian dài ở Việt Nam, đặc biệt cuộc sống trong xã hội phong kiến Việt Nam xưa, nhất là tư tưởng địa vị, ngôi thứ với tôn ti trật tự nặng nề. Không chỉ thế, các vấn đề như đầu óc gia trưởng, bệnh gia đình chủ nghĩa, tư tưởng trọng nam, khinh nữ, sinh con trai con gái, sự coi thường người phụ nữ trong gia đình và xã hội, tình trạng bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới, thiếu bình đẳng trong phân chia tài sản, cản trở chính sách hôn nhân tự do… đã ăn sâu vào tiềm thức của con người ở thời kỳ này.
Tư tưởng trọng nam, khinh nữ với những tàn dư của nó vẫn còn tồn tại dai dẳng, biểu hiện trong cách nghĩ và hành vi lối sống của người Việt Nam. Chính điều này là rào cản đối với phụ nữ, nhất là phụ nữ ở nông thôn trong việc tham gia quản lý, hoạt động xã hội, tiếp cận và hưởng thụ các quyền trên lĩnh vực kinh tế. Với việc đề cao tuyệt đối vai trò của người đàn ông, người chồng trong gia đình mà người phụ nữ tự cho mình phải phụ thuộc vào chồng, chấp nhận lép vế so với chồng. Từ đó tạo ra quan niệm an phận thủ thường, sự cam chịu, thụ động, lệ thuộc vào chồng, làm cản trở sự phát triển của họ. Người phụ nữ chấp nhận cách sống như vậy nên cuộc sống vất vả, toàn tâm toàn ý chăm lo vun vén gia đình, chăm sóc con cái để chồng có thời gian nghỉ ngơi mà không một lời kêu ca, trách móc. Việc chia sẻ công việc trong gia đình tuyệt nhiên không có.
Ở nhiều vùng nông thôn, phụ nữ là lao động chính làm kinh tế trong gia đình nhưng họ lại không có quyền quyết các công việc lớn của gia đình và bản thân người phụ nữ phản ứng yếu ớt trước vấn đề bạo lực gia đình… Chính vì thế, ở nông thôn, phụ nữ bị xếp xuống vị trí thứ yếu, họ không có cơ hội tham gia vào các hoạt động kinh tế, xã hội. Ở nhiều nơi, tư tưởng trọng nam, khinh nữ vẫn còn tồn tại khá nặng nề, đã hạn chế, ràng buộc, cột chặt người phụ nữ vào gia đình. Nhiều quan niệm cũ vẫn chi phối tư duy, nhận thức của người phụ nữ nông thôn, họ chấp nhận hoặc phản ứng một cách thụ động trước những hành vi bạo lực hoặc sự phân biệt đối xử trong gia đình, với tâm lý tự ti, an phận, chịu đựng… (1). Những tâm lý này cản trở rất nhiều đối với sự phát triển của người phụ nữ. Ngoài ra, một bộ phận phụ nữ nông thôn chưa có sự cố gắng vươn lên, chưa nhận thức hết vai trò của mình, chưa chịu thay đổi cách nhìn, cách nghĩ nên những thay đổi cho chị em phụ nữ ở các vùng nông thôn chưa nhiều.
Đạo đức Nho giáo còn là rào cản, gây bất bình đẳng giới trong việc tiếp cận và hưởng thụ các quyền trên lĩnh vực văn hóa và xã hội. Với quan niệm Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô, con trai có quyền và được ưu tiên quyền được đi học, còn con gái phải ở nhà học mẹ công việc nội trợ, bếp núc để quán xuyến gia đình khi lập gia thất… hậu quả của quan niệm này gây bất bình đẳng giới trên lĩnh vực văn hóa, xã hội. Biểu hiện rõ nhất của tình trạng này là phụ nữ gặp nhiều trở ngại khi tiếp cận quyền và hưởng thụ các quyền về văn hóa, xã hội (2). Hiện nay, Đảng và Nhà nước đã có nhiều đổi mới trong việc chỉ đạo thực hiện chính sách pháp luật thúc đẩy bình đẳng giới, nhưng do nhiều yếu tố, phụ nữ vẫn chịu thiệt thòi so với nam giới trên nhiều lĩnh vực văn hóa, giáo dục.
Trong điều kiện hiện nay, để phát huy ảnh hưởng tích cực, khắc phục, hạn chế tiêu cực của đạo đức Nho giáo đối với việc xây dựng đạo đức, lối sống của người phụ nữ nông thôn cần phải thực hiện các giải pháp sau:
Tạo sự chuyển biến nhận thức về vị trí, vai trò và chuẩn mực đạo đức của phụ nữ ở nông thôn hiện nay
Đây là việc làm vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài, cần có sự tham gia của toàn xã hội, tiến hành cải cách thể chế để thiết lập quyền bình đẳng giới. Cải cách pháp lý sẽ tăng cường bình đẳng giới rõ nét thông qua luật hôn nhân gia đình, luật chống bạo hành, bạo lực, quyền về đất đai, luật lao động, luật bình đẳng giới. Việc này tạo môi trường cho sự bình đẳng giới trên các phương diện khác nhau như giáo dục, y tế và tham gia vào lĩnh vực chính trị. Đẩy mạnh phát triển kinh tế nhằm khuyến khích sự tham gia của phụ nữ và phân bố nguồn lực công bằng hơn. Phát triển kinh tế có xu hướng nhằm tăng năng suất lao động và tạo dựng nhiều cơ hội việc làm cho phụ nữ để họ có thu nhập cao hơn, có mức sống tốt hơn. Thực hiện những biện pháp thiết thực nhằm khắc phục sự phân biệt giới trong việc làm chủ các nguồn lực lao động và tiếng nói chính trị. Nhà nước nên thiết lập một môi trường thể chế để đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng đến các nguồn lực, dịch vụ công cộng cho cả nam và nữ. Các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến tới tất cả đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân về vai trò, vị trí quan trọng của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực xã hội cũng như trong gia đình.
Cùng với đó, bản thân người phụ nữ phải tự biết nâng cao vị trí, vai trò của mình như Hồ Chí Minh đã nói: “giành quyền bình đẳng, chống sự phân biệt đối xử với phụ nữ, không phải ai làm hộ cho phụ nữ mà chính họ phải vươn lên tự giải phóng, đứng lên đấu tranh giành cho quyền lợi về mình” (3); phải ý thức đầy đủ được vai trò về giới của mình, qua đó nắm bắt các cơ hội, cùng với xã hội hướng tới cách ứng xử bình đẳng giới. Muốn vậy, phụ nữ hiện nay cần phải rèn luyện sức khỏe; có nghề nghiệp ổn định; cần cù, chịu khó, năng động, tháo vát, dám nghĩ, dám làm, chịu khó học hỏi, nhạy bén với những cái mới; có tri thức văn hóa, được thể hiện ở trình độ học vấn, ngoại ngữ, tin học, kiến thức văn hóa chung; tự giáo dục đạo đức, tự biết khẳng định mình, khẳng định vị trí, vai trò của mình bằng chính năng lực, trình độ của bản thân, quyết tâm chống những tàn dư, những ảnh hưởng xấu của tư tưởng đạo đức Nho giáo… biết kế thừa những giá trị tốt đẹp về văn hóa, truyền thống và hiện đại của dân tộc.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa ở nông thôn, cải tạo các phong tục, tập quán lạc hậu nhằm giải phóng người phụ nữ ở nông thôn hiện nay
Phát triển kinh tế là tiền đề bảo đảm cho đời sống vật chất từ đó tạo ra đời sống tinh thần cho toàn xã hội, trong đó có phụ nữ, từ đó tạo điều kiện để các giá trị đạo đức truyền thống và những giá trị tích cực trong đạo đức Nho giáo, đạo đức người phụ nữ được lưu giữ và phát huy đúng hướng. Đây còn là việc cải tạo triệt để cơ sở kinh tế – xã hội của Nho giáo, xóa bỏ tàn dư tư tưởng tiêu cực của đạo đức Nho giáo. Thực hiện giải pháp này, cần nâng cao nhận thức cho bản thân người phụ nữ về vai trò của việc phát triển kinh tế nhằm nâng cao địa vị, vai trò của người phụ nữ; phát triển kinh tế hộ gia đình; ưu tiên đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn… Cùng với phát triển kinh tế cần đẩy mạnh phát triển văn hóa, đồng thời cần loại bỏ phong tục, tập quán lạc hậu của đạo đức Nho giáo đối với phụ nữ, nhằm giải phóng phụ nữ ở nông thôn Việt Nam hiện nay. Điều này đỏi hỏi phải phát huy bình đẳng giới tiến tới từng bước xóa bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ ở trong gia đình và ngoài xã hội; thông qua tổ chức các lễ hội truyền thống nhằm đề cao vị trí, vai trò của phụ nữ; hình thành phong tục, tập quán mới phù hợp với yêu cầu của xã hội hiện đại.
Nâng cao vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ và các tổ chức chính trị – xã hội nhằm khắc phục ảnh hưởng tiêu cực, phát huy ảnh hưởng tích cực của đạo đức Nho giáo đối với phụ nữ ở nông thôn hiện nay
Sự phát triển của phụ nữ là thước đo sự phát triển toàn diện của xã hội, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị – xã hội… trực tiếp và đặc biệt quan trọng là vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp. Đây là tổ chức quần chúng rộng rãi, nơi tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ. Đồng thời là nơi xây dựng và tổ chức các chương trình, các phong trào vì sự tiến bộ của phụ nữ. Hiện nay, để phát huy tốt vai trò của tổ chức này trong sự phát triển của phụ nữ, về phía các cấp ủy Đảng và chính quyền cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến tới tất cả đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân về vai trò, vị trí của người phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực xã hội cũng như trong gia đình, để từ đó góp phần thay đổi nhanh, mạnh hơn nữa những định kiến vốn đã, đang tồn tại trong không ít người. Bên cạnh đó, ở các cấp cần phải quan tâm đầu tư đào tạo đội ngũ cán bộ hội viên toàn diện về mọi mặt, có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ tốt công tác của ngành. Đồng thời, phải đảm bảo điều kiện vật chất, trang thiết bị cần thiết cho hoạt động giáo dục tuyên truyền của hội đối với phụ nữ. Cán bộ hội viên các cấp phải không ngừng nỗ lực, phấn đấu vươn lên trong công tác và học tập để có đủ trình độ năng lực, kinh nghiệm, hoạt động có hiệu quả công việc của ngành, phát huy tính năng động, sáng tạo của hội trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Phát huy tính tích cực xã hội của phụ nữ, hoàn thiện cơ chế, chính sách và hệ thống pháp luật thực hiện bình đẳng giới
Tính tích cực xã hội của phụ nữ là tính chủ động sáng tạo và lòng hăng hái quan tâm trong những hành động có ý nghĩa về mặt xã hội trong tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó là tính tích cực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa tinh thần… Đây là yêu cầu cấp bách hiện nay, thực hiện điều này cần phải nâng cao nhận thức về giới cho toàn xã hội thông qua việc tuyên truyền, đào tạo, phổ cập kiến thức về giới cho mọi đối tượng nhân dân; đào tạo về giới cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt nhằm cải thiện hơn nữa sự vận dụng kiến thức về giới trong việc xây dựng các chương trình kế hoạch thúc đẩy sự tiến bộ và phát triển của phụ nữ; nâng cao ý thức tự giác rèn luyện đạo đức mới đối với người phụ nữ, điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành và khẳng định lối sống đạo đức, nhân cách cá nhân, cũng chính là quá trình từng bước giải phóng họ, đảm bảo bình đẳng giới trong công cuộc đổi mới hiện nay; thực hiện nghiêm cơ chế, luật pháp, chính sách về bình đẳng giới; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách xã hội, hoàn thiện hệ thống luật pháp về giới sao cho phù hợp với từng giai đoạn, vùng miền, địa phương cụ thể; cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các chính sách xã hội và bất bình đẳng giới đối với phụ nữ.
Thực hiện đồng bộ những giải pháp trên sẽ góp phần phát huy những ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của đạo đức Nho giáo đối với phụ nữ nông thôn. Đồng thời, giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới, xây dựng người phụ nữ Việt Nam mới trong giai đoạn hiện nay một cách hiệu quả.
______________
1, 2. Doãn Thị Chín, Đạo đức Nho giáo với phụ nữ nông thôn Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị – Hành chính, Hà Nội, 2013, tr.111, 114.
3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.525.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 389, tháng 11-2016
Tác giả : HỒ THỊ HÀ
Bài viết cùng chủ đề:
Tác động của nghề cơ khí và mộc dân dụng đối với đời sống văn hóa làng đại tự
Tư tưởng về đạo đức môi trường ở phương đông
Kiến thức văn hóa của nhà báo, thiếu và sai