Ảnh hưởng của mỹ thuật Champa trong nghệ thuật thời Nguyễn qua trang trí tại lăng Thiệu Trị

     Sơ lược về văn hóa Champa

     Sự xuất hiện của Vương quốc Champa trong lịch sử ở dải đất miền Trung Trung Bộ, Nam Bộ đã tạo nên một nền văn hóa bản địa đặc sắc, để lại nhiều di sản văn hóa nói chung, nghệ thuật nói riêng với những giá trị tồn tại trong suốt chặng đường dài của đất nước. Dựa vào niên đại của các bia ký cũng như những phân tích cụ thể các công trình kiến trúc đền tháp, tác giả H.Parmentier đã phân chia nghệ thuật Champa trải qua các thời kỳ: thời kỳ thứ nhất (TK VII – X) gồm: nghệ thuật nguyên thủy (TK VII – IX), nghệ thuật hình khối (đầu TK VIII đến đầu nửa sau TK IX), nghệ thuật hỗn hợp (từ phần thứ hai nửa sau TK IX – TK X); thời kỳ thứ hai bắt đầu từ TK XI đến kết thúc nghệ thuật cổ Champa (TK XVI) gồm nghệ thuật cổ điển, nghệ thuật biến loại nối tiếp nghệ thuật nguyên thủy của thời kỳ trước.

     Văn hóa Champa đã lưu lại dấu ấn trên một số lĩnh vực tín ngưỡng dân gian trong việc thờ cúng các vị thần có nguồn gốc Champa trên đất Huế, trong đó có dấu ấn nghệ thuật thời Nguyễn ở các lăng tẩm, đại nội. Đề cập đến vấn đề này, tác giả Ngô Văn Doanh nhận định: “Phải công nhận người Chăm là bậc thày trong nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc gạch. Nhưng cho đến ngày hôm nay, kỹ thuật xây dựng tháp Chăm vẫn còn là một điều bí ẩn đối với các nhà khoa học kiến trúc” (1). Qua đó cho chúng ta một cái nhìn khá sâu sắc về nền văn hóa Champa, từ kiến trúc, điêu khắc, hội họa, trang trí, âm nhạc.

     Dấu ấn Champa trong nghệ thuật thời Nguyễn

     Trải qua các thời kỳ lịch sử hòa vào Đại Việt từ TK XIV – XVI, cho đến thời Nguyễn (1802 – 1945), sự ảnh hưởng mỹ thuật Champa vào nghệ thuật trang trí là điều tất yếu. Ảnh hưởng từ kiến trúc cho đến hoa văn trang trí Chămpa trong nghệ thuật thời Nguyễn mà chúng ta thấy rõ nét nhất đó là các cổng tam quan. Đây là công trình kiến trúc tiêu biểu thời Nguyễn mang đậm dấu ấn Champa, một kiểu cửa mà chúng ta thường gặp ở lối vào các khu vực lăng tẩm như Đại Hồng Môn lăng Minh Mạng, Tam quan cung Trường Sanh… Các cổng tam quan này đã gợi lên dấu ấn của một ngọn tháp Champa, điều này thể hiện sự ảnh hưởng kiến trúc trong kết cấu nhiều tầng khối bậc, nhiều kiểu tháp có mái, các ô hộc trên trán tam quan. Ngoài những công trình kiến trúc tiêu biểu thời Nguyễn, chúng ta có thể thấy ảnh hưởng văn hóa Champa còn in đậm nhiều dấu ấn trong các nhạc cụ, âm nhạc, ngôn ngữ hay y phục, mà điển hình nhất là y phục cổ truyền Huế, đó là chiếc áo dài.

     Văn hóa Champa không chỉ thể hiện trên các công trình kiến trúc mà còn thể hiện ở cả màu sắc. Những giá trị nghệ thuật tạo hình đặc sắc bên cạnh khối hình còn được bổ trợ cả màu sắc, chất liệu trang trí như: gạch phủ men màu vàng, xanh, nề họa, gỗ được phủ sơn mài với nhiều hoa văn, men pháp lam được trang trí trên các bờ mái với như đám mây ngũ sắc đỡ mặt trời, bình hồ lô, bát bửu… Màu sắc đóng vai trò to lớn, làm nên những giá trị không chỉ trong chức năng thẩm mỹ mà luôn được kết hợp như một thuộc tính không tách rời, để tạo nên một nghệ thuật độc đáo còn hiện hữu cho đến ngày nay. Họa sĩ Phạm Đăng Trí đã viết trong bài Những hợp sắc tương phản của Huế trước và dĩa màu ngũ sắc Huế ngày nay: “Đỏ, lục, xanh, vàng, tím. Những màu này đi vào nghệ thuật, có khi ngược lại, những hợp sắc của tạo hình được phổ biến ra đời sống, con người tạo ra màu, để rồi màu tác động trở lại vào chính con người. Trong tác động qua lại không ngừng giữa người và màu sắc, dần dần con người đã nắm được quy luật màu sắc, tìm ra phương thức thể hiện, xây dựng những hợp sắc…” (2).

     Qua so sánh giữa bảng ngũ sắc Huế với ngũ sắc phương Đông, chúng ta thấy sự khác biệt giữa hai hệ màu đó là: màu sắc phương Đông thường xoay quanh các hệ màu như màu đỏ, vàng, xanh, trắng, đen. Mỗi màu gắn với quan niệm triết học, đạo giáo hay phong thủy như: kim tương ứng với màu trắng, mộc tương ứng với màu xanh, thủy tương ứng với màu đen, hỏa tương ứng với màu đỏ, thổ tương ứng với màu vàng. Nhưng hệ màu ngũ sắc Huế thì không có hai màu đen, trắng mà thay vào đó là màu lục, tím. Vì màu tím là một trong những màu ưa thích của người Champa, sự ảnh hưởng đó cho đến ngày nay ở Huế vẫn còn thông dụng.

     Ảnh hưởng mỹ thuật Champa trong nghệ thuật trang trí lăng Thiệu Trị

     Sự hình thành những nét đặc trưng của mỹ thuật thời Nguyễn nói chung, nghệ thuật trang trí lăng Thiệu Trị nói riêng góp phần tạo nên một hình hài của mỹ thuật Nguyễn. Những môtip trang trí quen thuộc của mỹ thuật thời Nguyễn cũng hiện diện trong nghệ thuật trang trí lăng Thiệu Trị như: tứ linh, bát bửu, bát quả, tứ thời, hoa văn sóng nước, các dải hoa dây, lá cuốn, mây lửa, hình các con thú… Trong Những người bạn cố đô Huế, một công trình nghiên cứu riêng về mỹ thuật ở Huế, linh mục L.Cadière đã nhận định: “Về mẫu thức này dẫu là cổ điển, thì chúng cũng đã được truyền lại cho chúng ta từ thời cổ đại, mà mỗi thời chúng được chỉ bởi những đặc ngữ của thời đó… Tứ hữu, tứ quý, bát bửu, như tiên, giao viên, hồi văn, diệp hóa, tất cả những từ ngữ có vẻ mơ hồ nhưng được chọn lọc này đủ sức làm khơi dậy vô số ý nghĩa qua các làn dấu bất định” (3).

     Đối với kiến trúc, cái riêng, cái lạ của toàn bộ lăng Thiệu Trị là hội tụ khá nhiều nghệ thuật tạo hình có giá trị mỹ thuật cao, với nhiều chất liệu trang trí như cổng phường môn bằng đồng được chạm khắc long ẩn vân rất tinh nhã, nghệ thuật pháp lam được trang trí trên các ô hộc phường môn, cổ diêm hay trên mái điện Biểu Đức. Tượng nghê đồng chầu hai bên đặt ở bái đính, nghệ thuật đắp nổi nề, khảm sành sứ được trang trí ở nhà bia, cùng hầu hết ngoại thất lăng hay nề họa được sử dụng một cách tinh tế, trang nhã, chạm khắc đá, sơn son thếp vàng ở điện Biểu Đức… Nhìn một cách bao quát, chúng ta thấy nghệ thuật trang trí rất phong phú về kiểu thức đề tài, tạo nên những giá trị riêng biệt của lăng cũng như những giá trị về mặt lịch sử khá độc đáo, đặc trưng, đa dạng.

Điện Biểu Đức trong quần thể lăng Thiệu Trị – Ảnh: Phạm Lự

     Qua quá trình khảo sát, so sánh, đối chiếu, chúng tôi nhận thấy rằng nghệ thuật trang trí ở lăng Thiệu Trị đã chịu ảnh hưởng khá nhiều từ mỹ thuật Chămpa như kiến trúc, điêu khắc, hội họa…, trong đó nổi bật là nghệ thuật trang trí tạo hình, từ họa tiết, chất liệu cho đến màu sắc như: nề đắp nổi có bóng dáng của phù điêu Champa, khối hình điêu khắc phù điêu nổi, dàn trải có tính kể chuyện trên các pano, ô hộc, màu vỏ cua, màu chàm được trang trí trên các đầu hồi, các hình thái lá lật… Hoa văn, họa tiết ảnh hưởng lớn nhất là mặt quỷ biến thể (mặt hổ phù), điều này cho chúng ta thấy kiểu thức đó rất gần với mặt quỷ thủy quái Makara, Kala của Champa. Kiểu thức mặt hổ phù được sử dụng khá nhiều trên các công trình kiến trúc, trang trí chính diện với góc nhìn đăng đối. Kiểu thức này được diễn tả làm nổi bật cả một đầu mái, trán bia có khi còn kết hợp với hoa lá, lá lật. Các mảng trang trí chính, trang trí phụ nhắc lại rất chặt chẽ, có sự tính toán, phân bố hợp lý, sinh động. Tính trang trí thuần chất ở kiểu thức mặt hổ phù thể hiện rất rõ trong chất liệu đá Thanh tại nhà bia hay chất liệu nề vữa trên các đầu hồi mái của bi đình, điện Biểu Đức. Tuy nhiên sự phong phú của các biến thể mặt hổ phù ở trang trí lăng Thiệu Trị lại gợi nên những vẻ đẹp thuần khiết đối với khát vọng chinh phục tự nhiên của con người, ý chí của một triều đại về sự phát triển hưng thịnh của đất nước. Điều này tác giả Trần Lâm Biền đã viết trong Một con đường tiếp cận lịch sử về kiểu thức hổ phù trang trí đặc sắc: “Linh vật hổ phù được gắn một câu chuyện khuấy biển sữa trong cuộc đấu tranh giữa thần và quỷ. Từ ý nghĩa không nuốt đuợc mặt trăng (nguyệt thực một phần) thì sẽ đuợc mùa lớn, mà hình tuợng hổ phù trở thành biểu tuợng của sự no đủ. Nó chiếm lĩnh một vị trí đáng kể trong tạo hình của các nước Đông Nam Á” (4). Từ những ý nghĩa sâu xa về triết lý sống, phồn thực, khát vọng viên mãn, trường thọ nên mặt hổ phù trở thành biểu tượng của sức mạnh trường tồn, sự chế ngự cái ác.

     Ngoài ra, sự ảnh hưởng trong trang trí ở lăng Thiệu Trị thể hiện qua các tiết điệu trên gờ mái theo kiểu nhất thi nhất họa, hoa văn mang dấu ấn từ hoa văn hoa lá Champa như ngọn lửa, mây sóng, hình chữ triện cách điệu rồng bằng đá thời nhà Thanh. Ngay cả trong pháp lam chúng ta cũng nhận ra điều đó, những hình tượng hoa văn trang trí được tô điểm bằng những màu sắc men khác nhau, trong đó chủ đạo là màu vàng với chàm (xanh ẩn tím), đỏ với bích ngọc (lục ẩn xanh), xanh với hỏa hoàng (vàng cam), phỉ thúy (xanh ẩn lục), hổ phách (cam đỏ). Chính sự phối hợp này đã làm nên cái riêng của hệ màu pháp lam, rực rỡ, lộng lẫy, vui tươi nhưng không chói chang, lòe loẹt. Có thể xem pháp lam là một loại hình độc đáo trong nghệ thuật trang trí. Những họa tiết hoa văn như đỉnh nhọn sắc thể hiện các tia lửa được trang trí khá phổ biến ở lăng Thiệu Trị, kiểu thức này ảnh hưởng của nghệ thuật Champa giai đoạn cuối. Cùng với dạng thức hoa văn này là những màu xanh chàm, vỏ cua đã tạo ra hồn khí Champa sâu sắc trong nghệ thuật trang trí lăng Thiệu Trị, phần nào gợi lên những dấu ấn xa xưa của vương quốc này, đem lại những nét mới, ẩn chứa một cách kín đáo, tinh tế trong nghệ thuật trang trí lăng Thiệu Trị. Về điều này, tác giả Nguyễn Hữu Thông trong Mỹ thuật thời Nguyễn trên đất Huế có viết: “Sự dằn vặt, trăn trở như thế ở một vùng khí hậu khắc nghiệt, lẽ đương nhiên, những người Việt mới nhập cư phải biết tìm kiếm những gì phù hợp để sinh tồn. Nhập vào văn hóa mang tính bản địa, rồi Việt hóa và phát triển, là điều mà những lớp người Nam tiến đầu tiên đã làm được” (5). Rõ ràng, điều này đã cung cấp thêm cho chúng ta thấy rõ hơn về văn hóa Champa ảnh hưởng trong nghệ thuật trang trí tại lăng Thiệu Trị.

     Nghệ thuật trang trí lăng Thiệu Trị đã đạt được những thành tựu nổi bật, thể hiện những giá trị tạo hình nghệ thuật độc đáo. Những hoa văn hay chất liệu trang trí đã phản ánh sự sâu sắc về giá trị nghệ thuật mà các nghệ nhân đã tạo ra một cách tinh tế đầy mỹ cảm, những giá trị biểu cảm nghệ thuật trang trí, kỹ thuật tinh xảo điêu luyện trong những không gian kiến trúc của lăng.

      Ở góc độ chuyên sâu hay tổng hợp đã có nhiều công trình nghiên cứu quan tâm, song cho đến thời điểm hiện tại, chủ đề này vẫn còn những khoảng trống cần được bổ sung trong nghiên cứu. Chúng ta đã đưa ra quan điểm cần phải nhìn nhận về sự ảnh hưởng của nghệ thuật Champa trong trang trí lăng Thiệu Trị qua các thành tố: chất liệu, đề tài, ý nghĩa với các giá trị thẩm mỹ, giá trị thực dụng đóng một vai trò to lớn, làm nên những giá trị không chỉ trong chức năng sử dụng mà còn như một thuộc tính không tách rời với yếu tố thẩm mỹ. Sử dụng các kiểu thức hoa văn trang trí đã làm nên tác phẩm, cũng có nghĩa là đã tạo nên cho nó tính biểu cảm, những cảm quan nghệ thuật, tạo được những ấn tượng, phong cách thể hiện, phản ánh những đặc trưng của một giai đoạn trong tiến trình phát triển của mỹ thuật.

      Ảnh hưởng nghệ thuật Champa qua nghệ thuật trang trí lăng Thiệu Trị phần nào cung cấp thêm những thông tin có giá trị về một trong những quần thể kiến trúc mang nét đặc trưng riêng biệt trong tổng thể di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO công nhận năm 1993, góp phần vào việc gìn giữ, phát huy các giá trị nghệ thuật thời Nguyễn nói chung, giá trị nghệ thuật trang trí ở lăng Thiệu Trị nói riêng. Chủ đề này được đặt ra không chỉ trên các diễn đàn hội nghị khoa học mà cả trong quá trình nhiều năm phục chế, trùng tu của Trung tâm Bảo tàng dân tộc Cố đô Huế. Có thể nói, lăng Thiệu Trị đã góp phần tạo nên diện mạo độc đáo trong hệ thống lăng tẩm thời Nguyễn, những giá trị đã được thẩm định, đánh giá, tồn tại trong quá khứ, hiện tại và sẽ còn có nhiều đặc tính mới được khai thác, phát hiện trong công cuộc xây dựng trùng tu của lăng.

      Sau cùng, từ đặc thù của nghệ thuật trang trí tại lăng Thiệu Trị, chúng ta có thể rút ra những bài học bổ ích đối với việc lưu giữ, phát huy giá trị nghệ thuật, hiệu quả thẩm mỹ hội tụ trong cac di sản văn hóa Huế. Đồng thời mang giá trị thực tiễn khi có khả năng ứng dụng những kiến thức, kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu trong sự nghiệp giảng dạy của các nhà trường, đơn vị đào tạo ở lĩnh vực mỹ thuật, nghệ thuật trong bối cảnh hiện nay.

_______________

1. Ngô Văn Doanh, Thánh địa Mỹ Sơn, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2016, tr.16.

2. Phạm Đăng Trí, Những hợp sắc tương phản của Huế trước và dĩa màu ngũ sắc Huế ngày nay, Tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật, số 5, 1984, tr.64 – 74.

3. Cadière, Những người bạn Cố đô Huế, in trong Mỹ thuật Huế, tập VI, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1998, tr.26.

4. Trần Lâm Biền, Một con đường tiếp cận lịch sử, Nxb Văn hóa dân tộc, 2000, tr.307.

5. Nguyễn Hữu Thông, Mỹ thuật thời Nguyễn trên đất Huế, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1992, tr.101.

Tác giả: Nguyễn Vũ Lân

Nguồn: Tạp chí VHNT số 418, tháng 4-2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *