Bác hồ chú trọng nâng cao dân đức


        Cùng với việc chăm lo mở mang dân trí nhằm đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, Bác Hồ hết sức chú trọng việc nâng cao dân đức. Đức là cái gốc của phẩm giá con người và vì thế, dân đức không tách rời dân trí. Có khi, do kém dân trí mà dẫn đến thiếu dân đức. Nhưng phần nhiều, và suy cho cùng, do thiếu dân đức mà sinh ra kém dân trí. Vì vậy, nâng cao dân đức là điều Bác Hồ cực kỳ coi trọng để bồi dưỡng phẩm cách tốt đẹp cho mọi công dân, từ cán bộ, đảng viên (CBĐV) đến các tầng lớp nhân dân, nhằm “làm cho nòi giống ta thêm mạnh”, từ đó nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Sau khi nước nhà giành được độc lập, vấn đề nâng cao dân đức là một nhiệm vụ trọng yếu. Ngày 3-9-1945, Bác Hồ công bố Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước VNDCCH, trong đó: nhiệm vụ thứ hai là diệt “nạn dốt”, và nhiệm vụ thứ tư là nâng cao dân đức: “Chế độ thực dân đã đầu độc dân ta với rượu và thuốc phiện. Nó đã dùng mọi thủ đoạn hòng hủ hóa dân tộc chúng ta bằng những thói xấu, lười biếng, gian giảo, tham ô và những thói xấu khác. Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập”(1). Trong các bài viết, bài nói với CBĐV và nhân dân các địa phương, lúc nào Bác cũng gắn việc thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao với việc nâng cao đạo đức cách mạng và đạo đức công dân. Có thể rút ra mấy vấn đề lớn mà Bác Hồ đã chỉ ra trong việc nâng cao dân đức.

Một là lòng yêu nước và tinh thần dũng cảm trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Tiến hành kháng chiến chống Pháp, Bác kêu gọi toàn dân: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc”(19-12-1946). Với cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bác khích lệ đồng bào: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do”(17-7-1966). Trong hòa bình xây dựng, Bác kêu gọi các tầng lớp nhân dân: “Mỗi người lao động cần có tinh thần dám nghĩ, dám làm, vươn lên hàng đầu, thành người lao động tiên tiến. Công nhân, nông dân ta và người lao động trí óc cần tin rằng chúng ta có đầy đủ sức mạnh, can đảm và thông minh để xây dựng cuộc đời mới của mình” (3-1961).

Hai là đoàn kết, xây dựng ý thức cộng đồng dân tộc. Bác viết: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi”( 1942). Bác nhắc nhở: Vừa phải đoàn kết quốc dân, vừa phải đoàn kết với bầu bạn năm châu. Nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của tinh thần đoàn kết, Bác nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”(1951). Bác căn dặn: Trong đoàn kết, phải có đấu tranh tự phê bình và phê bình “để cùng nhau tiến bộ”(1958).

Ba là cần, kiệm, liêm, chính. Đây là những đức tính cơ bản, tốt đẹp nhất của con người. Bác luôn luôn răn dạy CBĐV và nhân dân phải thường xuyên rèn luyện, phấn đấu tu dưỡng những phẩm chất này. Trong văn bản Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam DCCH, Bác nêu rõ: “Tôi đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện cần, kiệm, liêm, chính”. Trong bốn đức tính đó, Bác đặc biệt coi trọng chữ “liêm”. Bác viết: “Liêm là trong sạch, không tham lam”: Không tham tiền của, địa vị, danh tiếng; không tham ăn ngon, sống yên; không buôn gian bán lậu bóp hầu bóp cổ đồng bào; không tham ô, lãng phí;… Bác yêu cầu: “Trước hết, cán bộ phải làm gương về thực hiện chữ liêm để làm kiểu mẫu cho dân”. Và Bác nhấn mạnh : “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm sỉ, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”(2).

Bốn là phải làm tròn bổn phận công dân. Trong bài Đạo đức công dân (3), Bác viết: “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do dân làm chủ. Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân, tức là: Tuân theo pháp luật nhà nước, tuân theo kỷ luật lao động, giữ gìn trật tự chung, đóng góp (nộp thuế) đúng kỳ, đúng số để xây dựng lợi ích chung, hăng hái tham gia công việc chung, bảo vệ tài sản công cộng, bảo vệ Tổ quốc”. Trong việc “giáo dục đạo đức công dân” (chữ Bác dùng), Bác nêu rõ: “Giáo dục là chính, nhưng đối với những kẻ ngoan cố không chịu sửa đổi thì chính quyền phải dùng phép luật. Phép luật là phép luật của nhân dân, dùng để ngăn cản những hành động có hại cho nhân dân, để bảo vệ lợi ích chung của đại đa số nhân dân”.

Trong công cuộc nâng cao dân đức, Bác Hồ hết sức quan tâm việc giáo dục CBĐV về đạo đức cách mạng. Bởi vì, CBĐV phải làm gương sáng về đạo đức, thì nhân dân mới học tập và noi theo. Những bài viết tâm huyết của Người, như: Chủ nghĩa cá nhân (1948), hai bài về Đạo đức cách mạng (1955 và 1958), Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (1969) là những lời dạy cực kỳ quý báu của Bác đối với chúng ta.

Những điều Bác dạy về nâng cao dân đức đến nay vẫn nóng hổi tính thời sự bức thiết. Ngày nay, chẳng những dân trí của ta còn nhiều yếu kém, mà dân đức cũng chưa đạt được yêu cầu Bác nêu. Tham ô, lãng phí, các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và những thói hư tật xấu đang diễn ra rất nghiêm trọng. Cho nên, “giáo dục đạo đức công dân” (bao gồm cả CBĐV) luôn luôn là một nhiệm vụ trọng yếu của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội để xây dựng nước giàu, dân mạnh, nâng cao vị thế của đất nước và dân tộc ta trên trường quốc tế.

_______________

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập IV, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1984, tr.7.

2. Báo Cứu quốc, 1-6-1949.

             3. Báo Nhân dân, 15-1-1955.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 298, tháng 4-2009

Tác giả : Đào Ngọc Đệ

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *