Bài học từ nền điện ảnh Iran


Trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần V (từ 27-31/10/2018), diễn ra hội thảo chuyên đề Kinh nghiệm thành công quốc tế của điện ảnh Iran. Trước hết, xin nói ngay rằng chủ đề mà cuộc hội thảo này đưa ra thật sự rất cần thiết. Bởi lẽ, vấn đề học tập kinh nghiệm của các nước có nền điện ảnh phát triển là việc làm không bao giờ thừa. Đặc biệt, khi nhìn vào thực tế điện ảnh Việt Nam trong những năm gần đây, rõ ràng chúng ta dù muốn dù không, đã âm thầm và chua xót nhận ra những hạn chế trong việc phát triển nền điện ảnh nước ta. Số lượng phim tuy có tăng lên, nhưng chất lượng phim giảm đi rõ rệt. Số phim xuất sắc trở nên hiếm hoi. Bên cạnh một số ít phim khá, những phim có chất lượng yếu kém về tư tưởng và nghệ thuật chiếm tỷ lệ lớn gấp nhiều lần. Thiếu vắng trên màn ảnh hình tượng những nhân vật, những sự kiện mang dấu ấn dân tộc. Trong bối cảnh điện ảnh Việt đang bị thị trường hóa và thiếu đi những tác phẩm nghệ thuật thật sự, được tiếp cận một nền điện ảnh kỳ lạ như Iran để học tập là cần thiết cho những người làm điện ảnh Việt Nam.

     Với nền tảng văn hóa, khoa học, triết học sâu sắc, Iran không chỉ là một nền điện ảnh độc đáo mà còn rất tiến bộ. Bằng những bộ phim hấp dẫn, giàu tính nhân văn gây xúc động từ những điều bé nhỏ, thường nhật, các nhà làm phim Iran đã giới thiệu đất nước mình đến với thế giới một cách thuyết phục thông qua nghệ thuật điện ảnh. Iran duy trì sự độc đáo của mình một cách lâu dài và bền bỉ. Từ những thành công của điện ảnh nước mình, các đạo diễn Iran đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu để các nhà làm phim Việt Nam học hỏi.

     Phong cách sáng tạo

     Do đặc thù về văn hóa, tôn giáo, đời sống xã hội, Iran là quốc gia có nhiều quy định chặt chẽ trong lĩnh vực sáng tác văn học nghệ thuật trong đó có điện ảnh, các nghệ sĩ tuân thủ đúng các chuẩn văn hóa, đạo đức và tôn giáo nghiêm ngặt. Đạo diễn Rouhollah Hejazi cho rằng chính nhờ khâu kiểm duyệt mà thế hệ làm phim trẻ của Iran đã tìm ra những phong cách kể chuyện riêng biệt, sáng tạo. Mỗi khi gặp những khó khăn về kiểm duyệt thì bản thân họ lại thu thập được những kinh nghiệm để chuyển đổi nó bằng những cách thức sáng tạo hơn. Với niềm say mê, nhiều đạo diễn trẻ tìm kiếm cơ hội sáng tạo, bất chấp hạn chế về kinh phí, kỹ thuật và rào cản kiểm duyệt. Cụ thể, trong hội thảo, đạo diễn Shahram Mokri đã chia sẻ kinh nghiệm làm phim: tình dục và bạo lực là hai đề tài không chiếu ở điện ảnh Iran, vì vậy để nói về các vấn đề này, giới làm phim chuyển đổi hình thức sáng tạo hơn, thông qua hiệu ứng về ánh sáng, cảm xúc, âm thanh… để thể hiện mà không vi phạm các quy định về điện ảnh.

     Hiện nay, điện ảnh Iran đang phát triển đa dạng, với nhiều xu hướng và phản ánh những nội dung mới mẻ, có nhiều chủ đề nóng bỏng gắn liền với tình hình chính trị, nhưng đi sâu vào số phận con người, những trải nghiệm riêng tư với nhiều phương thức biểu đạt khác nhau, nhưng điều cốt lõi là họ không xa rời bản chất của con người và đặc trưng văn hóa của Iran với những câu chuyện hay, đầy ắp những niềm thương và chút luyến tiếc… Để kể được những câu chuyện như vậy, chỉ có thể là sự sáng tạo không ngừng nghỉ của các đạo diễn bằng tất cả tình yêu với điện ảnh.

     Đầu tư liên hoan phim có trọng điểm

     Một trong những yếu tố mang lại thành công cho điện ảnh Iran là sự nỗ lực không ngừng đưa phim đến với các liên hoan phim quốc tế. Theo nhà phê bình Mohammad Attebbai: sau cách mạng năm 1979, Chính phủ Iran nhận thấy cần hỗ trợ các hạng mục phim nghệ thuật và Quỹ Điện ảnh Farabi ra đời năm 1984. Thời điểm đó không có fax hay internet, nhằm đưa phim Iran tham dự liên hoan phim, chúng tôi sử dụng điện tín thừa hưởng từ Thế chiến II để gửi 300 bức thư đến 300 liên hoan phim và chỉ nhận được 2 thư phản hồi. Có lẽ họ cho rằng điện ảnh Iran không tồn tại. Một số phim bị các liên hoan phim từ chối, nhưng vài năm sau, họ đã chấp nhận đưa phim của chúng tôi vào trình chiếu. Từng bước như vậy, cuối những năm 1980, gần như phim Iran đã có mặt ở hạng mục chính các liên hoan phim lớn trên thế giới. Theo thống kê, năm 2015, điện ảnh Iran giành hơn 300 giải thưởng quốc tế, đến 2016 đã là 516 giải thưởng. Tính đến cuối tháng 10-2018, tổng số phim Iran từng tham gia liên hoan phim quốc tế là hơn 40.000 lượt, với hơn 4.000 giải thưởng. Từ những con số cụ thể, có thể thấy phim của Iran hầu hết đều lọt vào các hạng mục chính của các liên hoan phim quốc tế, cũng đồng nghĩa với việc chất lượng các phim của Iran được các nhà phê bình và công chúng đánh giá cao. Các nhà làm phim tích cực gửi phim đến các liên hoan phim vì được truyền cảm hứng từ thế hệ đi trước. Họ là tương lai của điện ảnh Iran, luôn tìm cách vượt qua những khó khăn mà họ gặp phải. Tuy nhiên, sự đầu tư nào cũng cần có trọng điểm. Nếu như trước đây chỉ có khoảng 300 liên hoan phim, hiện nay có tới hàng chục nghìn các liên hoan phim trên khắp thế giới. Nhiều liên hoan phim không thực chất, có liên hoan không chiếu phim đến với khán giả, thậm chí không duyệt phim, chủ yếu mở ra để thu phí nộp tác phẩm… Vì vậy, việc đưa phim đến các liên hoan phim cần phải có sự chọn lọc, đầu tư đúng chỗ để tránh bị tổn thất và mất uy tín cho nền điện ảnh của quốc gia.

     Bản lĩnh của những nhà làm phim

     Không cảnh nóng, không bạo lực, không rượu bia và không chính trị trên phim ảnh, luôn bị đặt trong tầm kiểm soát gắt gao nhưng điện ảnh Iran liên tục để lại dấu ấn tại các kỳ liên hoan phim lớn của thế giới, điều này có được là nhờ bản lĩnh của những nhà làm phim. Bản lĩnh ở đây chính là việc dám nghĩ, dám làm, không màng đến hậu quả. Dù cho những nhà làm phim cùng những tác phẩm của họ thành công vang dội ở các liên hoan phim lớn trên thế giới như Oscar, Canes, Berlin… thì họ vẫn có thể bị vào tù bất cứ lúc nào. Tất cả các nhà làm phim đều biết trước được những khó khăn, khắc nghiệt này, nhưng không gì có thể ngăn cản được họ làm phim. Các nhà làm phim Iran luôn có cách đối diện với những thách thức và hiểm nguy để tạo nên những tác phẩm điện ảnh giàu tính nhân văn. Nhận định về vấn đề này, đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ: Thành công của điện ảnh Iran đã chứng minh một điều rằng, giá trị một bộ phim phụ thuộc vào con người, chứ không phải tiền bạc. Và sức sống mãnh liệt ấy gắn liền với những thân phận gần gũi nhất, những người dân bình thường nhất với nỗi lo của họ, đấu tranh cho hiện thực và phản ánh hiện thực. Họ biết cách kể cho thế giới nghe những câu chuyện rất đỗi đời thường một cách hay, hấp dẫn và lạ. Một nền điện ảnh được làm nên bởi những đạo diễn có lòng quyết tâm và sức sáng tạo đặc biệt, vượt qua mọi rào cản, thậm chí an nguy của bản thân để bày tỏ tiếng nói cần thiết. Đó chính là lý do, Iran khiến thế giới ngả mũ thán phục và dành cho nó sự lắng nghe một cách đầy chăm chú mỗi khi nhắc đến.

     Minh chứng rõ nhất về bản lĩnh của những nhà làm phim Iran là đạo diễn Jafar Panahi đã từng bị chính quyền kết án 6 năm tù giam và 20 năm không được quay phim hay sáng tác (vì sản xuất bộ phim Offside (Việt vị) vào năm 2006 kể về một nhóm phụ nữ muốn xem thể thao nhưng bị gạt ra ngoài lề, chỉ vì là phái nữ). Khi bị đẩy vào những hoàn cảnh khó khăn ấy, mặc dù phải chịu mọi hạn chế của chính quyền, nhưng việc sáng tạo của ông lại càng trở nên thôi thúc hơn. Hay như, nữ diễn viên nổi tiếng Leila Hatami tham gia bộ phim A Seperation (Giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất 2012) đã từng bị chính quyền và dư luận bảo thủ tại quê hương yêu cầu truy tố với hình phạt quật 50 roi và bỏ tù chỉ vì tội… hôn má xã giao với ngài Gilles Jacob – Chủ tịch Liên hoan phim Cannes năm 2014… Điều này đã phản ánh sự khắc nghiệt của một nền văn hóa cổ vẫn tồn tại ở Iran ngày nay đang chi phối mọi mặt của xã hội. Trước thực trạng xã hội ấy những nhà làm phim Iran cần phải kiên định, đủ bản lĩnh để vượt qua, xây dựng một nền điện ảnh Iran phát triển, giống như đạo diễn Jafar Panahi nói: “…Tôi muốn nói rằng, nếu thế hệ đạo diễn chúng tôi để cho kiểm duyệt thao túng, thì thế hệ đạo diễn tương lai sẽ rơi vào thảm cảnh vì lúc đó Iran không còn điện ảnh nữa”.

     Từ những câu chuyện của các nhà làm phim Iran, những người có mặt trong hội thảo đều nhận thấy những suy ngẫm bổ ích cho nền điện ảnh của Việt Nam. Trong đó, vấn đề đưa phim Việt Nam ra quốc tế nhận được nhiều sự quan tâm. Nền điện ảnh của chúng ta đã có hàng trăm bộ phim ở các thể loại khác nhau được trao nhiều giải thưởng lớn và nhỏ tại các liên hoan phim khu vực và quốc tế. Nhưng thực sự chưa có những chiến lược, kế hoạch dài hơi trong giao lưu quốc tế về điện ảnh. Trong khi đó, các nền điện ảnh lớn ở châu Á như Trung Quốc, Iran, Ấn Độ… để có được thành công cả về thị trường lẫn sự danh giá tại các liên hoan phim quốc tế như ngày hôm nay đã phải mất hàng chục năm để đưa phim của mình ra biên giới. Mỗi thành công không những góp phần xây dựng thương hiệu cho nền điện ảnh nước họ mà còn có tác dụng kích thích sáng tạo, phát triển công nghiệp điện ảnh. Các nền điện ảnh chúng ta tưởng rằng khiêm tốn hơn Việt Nam về bề dày như Thái Lan, Singapore thì mấy năm gần đây đã có sự vươn lên vượt bậc, đạt những giải thưởng quốc tế…(1). Còn phim Việt Nam xuất hiện trong mạng lưới phát hành ở nước ngoài còn nhiều hạn chế, mà chủ yếu chỉ được biết đến qua các liên hoan phim quốc tế và khu vực, các tuần phim, tuần văn hóa… Số lượng khán giả xem phim Việt mới ở phạm vi rất nhỏ. Điện ảnh nước ta đang thiếu sự chuyên nghiệp trong việc quảng bá tiếp thị cho phim không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài. Như vậy, nếu cứ dừng lại ở những gì mà điện ảnh ta đã làm được, hài lòng với nó, thì đến lúc khán giả sẽ tẩy chay, quay lưng lại với điện ảnh Việt Nam.

_______________

1. Cục điện ảnh, Bàn về tính chuyên nghiệp trong điện ảnh, Kỷ yếu hội thảo Nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong sản xuất, phổ biến phim, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2008, tr.120-121.

 

Tác giả: Tuệ Sam

Nguồn: Tạp chí VHNT số 414, tháng 12 – 2018

 

 

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *