Thiết kế lễ phục Việt Nam hiện đại là một ý tưởng được đề xuất với mục đích huy động sự đóng góp của các nhà khoa học, nhà thiết kế, nhà quản lý ở những lĩnh vực khác nhau cùng tìm kiếm, sáng tạo lễ phục mới, vừa phù hợp với thời hội nhập quốc tế, vừa thể hiện bản sắc văn hóa Việt Nam. Đây là một ý tưởng mang tầm văn hóa cao, được sự hưởng ứng của nhiều tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là các nhà ngoại giao, các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, nhà thiết kế thời trang… từ 22 năm trước (1991). Chúng tôi cho rằng khát vọng và quyết tâm tìm kiếm lễ phục Việt Nam là cần thiết và cần được ủng hộ, nhưng để đạt được kết quả tốt đẹp và đi vào cuộc sống, cần phải đầu tư nghiên cứu một cách toàn diện và tiến hành một cách thận trọng.
1. Những khái niệm cơ bản
Lễ phục
Là trang phục được sử dụng trong những dịp diễn ra những hoạt động xã hội quan trọng liên quan đến phạm vi gia đình, cộng đồng hoặc quốc gia nhằm thể hiện sự tôn nghiêm, cao quý, cũng như tình cảm, ý chí và những nét đặc trưng của một cộng đồng dân cư trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Thông qua lễ phục thể hiện tôn ti trật tự của xã hội và cũng thể hiện năng lực thẩm mỹ cùng những nét đặc trưng của một cộng đồng dân cư nhất định.
Trong thời gian trước đây, lễ phục gồm có 2 thành phần chính là áo, mũ (khăn). Ngoài ra ngựa xe, võng lọng… cũng tham gia vào bộ lễ phục của một số tầng lớp trên của xã hội.
Có thể nói rằng: lễ phục là những y phục, trang phục đặc biệt, khác với những trang phục, y phục được sử dụng hàng ngày. Lễ phục cổ xưa được sử dụng trong không gian văn hóa tâm linh, tín ngưỡng: khi thực hiện nghi lễ trước trời, đất, thánh, thần hoặc trước linh hồn của người quá cố đòi hỏi con người phải thể hiện niềm tin và tình cảm của mình trong mọi suy nghĩ, hành động mà lễ phục là một trong những đòi hỏi quan trọng nhất.
Trong lễ phục xưa, có thể chia thành 2 loại: tang phục và cát phục. Tang phục là trang phục được sử dụng khi gia đình, dòng họ hoặc quốc gia có tang chế, thường có màu trắng hoặc màu xám, màu đen để thể hiện nỗi đau buồn, xót thương người quá cố. Cát phục là những bộ trang phục có màu sắc khác nhau, được trang trí hoa văn rực rỡ để sử dụng trong những dịp lễ tết, lễ hội hoặc những hoạt động xã hội vui vẻ khác.
Ví dụ: Ki mô nô là lễ phục của Nhật Bản và Han bok là lễ phục của Hàn Quốc đều giành cho cả nam và nữ với những chất liệu, kiểu dáng khác nhau. Hoặc ngày 13/7 hàng năm là lễ hội bò tót ở Tây Ban Nha, người dân dùng lễ phục trắng cùng với khăn quàng màu đỏ. Trong hội Lim (Bắc Ninh), khăn xếp, áo the và áo dài mớ ba mớ bảy là trang phục của các liền anh, liền chị quan họ.
Quốc phục
Về mặt lý thuyết, quốc phục đồng nghĩa với lễ phục nhà nước và lễ phục quốc gia, đây là trang phục tiêu biểu của quốc gia trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Quốc phục giành cho những người đứng đầu nhà nước và một số nhân vật quan trọng trong bộ máy nhà nước khi tham dự những nghi lễ quan trọng mang tầm quốc gia, quốc tế nhằm khẳng định tính độc lập, tự chủ, cũng như truyền thống văn hóa độc đáo của dân tộc.
Như vậy, quốc phục là trang phục gắn với quốc gia và đại diện cho một quốc gia, nó vừa mang theo tính dân tộc, vừa mang theo tính khu vực và quốc tế. Nhưng trên quốc phục không nhất thiết phải thể hiện đầy đủ các môtip trang trí của tất cả các tộc người trong một quốc gia đa dân tộc, mà nó là sự hội tụ, kết tinh những đặc điểm và môtip trang trí tiêu biểu nhất của một số tộc người đại diện cho quốc gia đó, có vị trí thống trị xã hội.
Rõ ràng lễ phục là một khái niệm rộng và đồng thời là những kiểu loại trang phục được sử dụng phổ biến hơn quốc phục vì nó được sử dụng ở nhiều cấp độ khác nhau (gia đình, làng, nước) và trong nhiều không gian văn hóa khác nhau. Mặc dù vậy, trong một số nghi lễ quan trọng mang tính quốc gia hoặc có đại diện quốc gia tham dự thì lễ phục và quốc phục (lễ phục quốc gia, lễ phục nhà nước) có thể đồng nhất.
Triều phục và những cuộc cải cách triều phục trong lịch sử Việt Nam
Triều phục là trang phục đặc biệt của Vua, chúa và quan lại cao cấp thời phong kiến sử dụng khi yết triều hoặc khi làm việc ở chốn cung đình. Thông qua kiểu dáng, kích thước, chất liệu, màu sắc, hoa văn… của áo và mũ cùng võng, lọng, ngựa xe… thể hiện vị trí, đẳng cấp xã hội của người mang triều phục đó. Triều phục được dần dần hoàn thiện và mỗi một triều đại phong kiến đưa ra những tiêu chí cụ thể của mình.
Ngay từ triều Lý (1009 – 1225) cách nay trên 1.000 năm, triều phục đã được xác định và qua đó đã thể hiện ý chí độc lập tự chủ của quốc gia Đại Việt.
Năm 1030, tháng 4, mùa hạ, vua Lý Thái Tôn đã định kiểu mũ áo của công hầu và văn võ (1). Đến năm Canh Thìn (1040), tháng 2, Vua đã dạy cung nữ dệt được gấm vóc và xuống chiếu quy định: từ quan tứ phẩm trở lên thì mặc áo bằng gấm, từ quan ngũ phẩm trở xuống thì mặc áo bằng vóc. Từ đây không dùng gấm vóc của nhà Tống nữa (2).
Đến năm Đinh Dậu (1057), mùa thu, tháng 8, Vua Lý Thánh Tôn ngự điện Thủy tinh cho các quan chầu, truyền các quan phải đội mũ phác đầu và đia hia mới cho vào chầu. Đội mũ phác chầu và đi hia bắt đầu từ đây (3).
Từ thời Lý, vua đã quy định triều phục cho vua chúa, quan lại vào mùa hè và mùa đông có sự khác nhau. Đến năm Nhâm Dần (1182), vua Lý Anh Tôn xuống chiếu cấm thiên hạ mặc áo sắc vàng vì màu vàng là màu long bào giành riêng cho vua.
Sang thời Trần (1225 – 1400), triều phục càng ngày càng được bổ sung và phát triển phức tạp hơn. Năm Giáp Dần (1254), tháng 5, vua Trần Thái Tôn định quy chế xe, kiệu, mũ áo và người hầu của người trong tôn thất và các quan văn, võ theo thứ bậc, phẩm hàm khác nhau: từ tôn thất đến quan ngũ phẩm đều được đi kiệu, ngựa và võng, thậm chí trên đầu đòn gánh kiệu được chạm hình phượng hoặc hình anh vũ, lọng màu xanh hoặc màu đen cũng được quy định cụ thể cho các quan tùy theo thứ bậc. Đến năm Canh Tý (1300), vua Trần Anh Tôn cho chế kiểu mũ, áo mới của quan võ. Quan văn thì đội mũ kiểu chữ đinh sắc đen, tụng quan thì đội mũ toàn hoa sắc xanh vẫn theo kiểu cũ, cửa tay áo của các quan văn võ rộng từ 9 tấc đến 1 thước 2 tấc, ống tay áo hẹp từ 8 tấc trở xuống thì không được dùng. Đến năm Tân Sửu (1301), mùa xuân, tháng giêng, vua xuống chiếu rằng các quan văn võ đều đội mũ hình chữ đinh thêm miếng lụa bọc tóc màu tía xen màu biếc (4).
Hai năm sau, sang năm Quý Mão (1303), do trang phục có sự thay đổi, trong hàng ngũ quan lại có một số người đã cắt tóc ngắn chứ không để tóc dài như trước nữa, nên vua Trần Anh Tôn đã cho phép chế thêm kiểu mới cho các vương hầu: người tóc dài đội mũ triều thiên (vì có búi tóc ở đỉnh đầu), người tóc ngắn thì đội mũ bao (là một kiểu mũ bó sát đầu, không có phần nhô cao trên đỉnh).
Vào cuối TK XIV, nhà Trần ngày càng suy yếu, các yếu tố văn hóa ngoại lai từ phương bắc cũng được du nhập vào nhiều hơn, năm Canh Tuất (1370) vua Trần Nghệ Tôn đã phải than phiền rằng: triều trước dựng nước, tự có pháp độ, không theo chế độ nhà Tống, là vì Nam Bắc đều chủ nước mình, không phải noi nhau. Khoảng năm Đại Trị (đời vua Trần Dụ Tôn) kẻ học trò mặt trắng được dùng, không hiểu ý sâu xa của sự lập pháp, đem phép cũ của tổ tông thay đổi theo tục của phương Bắc cả, như về y phục, nhạc chương không thể kể hết (5). Đến năm Giáp Dần (1374) vua Trần Duệ Tôn xuống chiếu cấm quân dân mặc áo kiểu người phương Bắc.
Khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi đứng đầu giành thắng lợi, đánh đuổi giặc Minh ra ngoài bờ cõi, lập nên nhà Hậu Lê (1427). Vào năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), hiện tượng các quan lại vào điện, đình sử dụng áo, mũ, đai, hia lộn xộn, không theo một trật tự quy củ đã trở thành một nội dung quan trọng mà vua Lê Lợi phải quan tâm chấn chỉnh. Vua Lê Thái Tổ đã giao cho đại thần Nguyễn Trãi soạn thảo quy chế về mũ, áo cho các quan lại trong triều, nhưng quy chế đó còn chưa được ban hành. Đến khi vua Lê Thái Tôn kế vị Thái Tổ, ông vẫn liên tiếp ra những quy định về triều phục và lễ phục. Năm 1434, ông cho giám sinh Quốc Tử Giám và sinh đồ ở các lộ, huyện được đội mũ Cao Sơn như các quan văn trong triều, thay cho mũ thái cổ. Đến năm 1437, các quan võ cũng được đội mũ cao sơn thay cho mũ chiết xung. Từ đây, mũ cao sơn trở thành phổ biến và thống nhất cho bá quan, văn võ. Đồng thời vua Lê cũng xuống chiếu cấm con trai, con gái của các đại thần và các quan văn, võ dùng gấm vóc màu đen và màu vàng để may trang phục, còn các màu khác thì không cấm.
Như vậy là, ngay từ thời Lê, đã phân biệt triều phục với lễ phục và đời vua nào cũng đều quan tâm đến thống nhất các loại trang phục của hoàng tộc và bá quan văn võ.
Có một sự kiện đáng lưu ý trong lịch sử liên quan đến việc cải cách triều phục: năm Đinh Tỵ (1437), vua Lê Thái Tôn lại tiếp tục giao cho quan hành khiển Nguyễn Trãi và hoạn quan Lương Đăng sửa định lại nhã nhạc và triều phục, nhưng do quan điểm trái ngược nhau mà Nguyễn Trãi đã xin trả lại mệnh ấy để cáo quan. Cùng với quá trình phong kiến hóa mạnh mẽ của nhà Lê, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng triều phục cũng được quy định ngày càng chặt chẽ: trong các nghi lễ thường triều, đại triều các quan phải mặc triều phục các màu tùy theo phẩm trật.
Nhưng cũng ở thời kỳ này, quan hành khiển Nguyễn Trãi cùng cac quan tham tri Nguyễn Tuyển, Đào Công Soạn, Nguyễn Văn Huyến, tham nghị Nguyễn Liễu đã dâng sớ tâu rằng: đặt lễ, làm nhạc tất phải đợi có người tài đức mới làm, được như Chu Công thì mới không có ai chê trách. Nay vua sai kẻ hoạn quan Lương Đăng một mình định nhã nhạc, cả nước nhục lắm ư? Vả lại, lễ nhạc của y là dối vua, lừa dưới, không bằng cứ nào đâu (6).
Tài đức của Lương Đăng bị nhiều người ngờ vực và trong lễ nhạc do Lương Đăng soạn thảo ra được vua sử dụng có những điều chưa hợp lý. Vì có quá nhiều ý kiến không đồng tình nên Lương Đăng cũng phải tấu trình lên vua và thừa nhận: thần không có học thuật, không biết quy chế đời xưa, nay làm ra quy chế này chỉ hết kiến thức của thần mà thôi, còn việc nên thi hành hay không là quyền ở bệ hạ (7).
Đến thời vua Lê Thánh Tôn, một ông vua có tài có đức, triều phục và các nghi lễ cung đình cũng được bổ sung, chỉnh sửa ngày càng tỉ mỉ, cẩn thận, cụ thể hơn: quan nhất phẩm đến tam phẩm mặc áo màu hồng; quan tứ, ngũ phẩm mặc áo màu lục, còn lại đều mặc áo màu xanh. Thậm chí, vua còn quy định kiểu y phục của các quan khi phải tiếp đón sứ thần nhà Minh: các công, hầu, bá, phò mã và các quan văn võ phải may sẵn áo có cổ bằng gai tổ oa là sắc xanh, dài cách đất 1 tấc, ống tay áo rộng 1 thước 2 tấc; còn các quan khác thì dùng chế y dài cách đất 9 tấc, ống tay hẹp như kiểu cũ. Đều phải dùng bổ tử đi hia, có màu tươi sáng, không được dùng y phục cũ, xấu (8).
Hiện nay, khi tìm hiểu về trang phục triều Nguyễn, có một số người dựa vào những tấm hình chụp vua Bảo Đại cùng các thành viên trong nội các của ông (có cả hình Ngô Đình Diệm), lúc thì sử dụng khăn xếp áo the (khăn đóng, áo dài), lúc thì vận âu phục (comple), hoặc trong một số nghi lễ trang trọng, có người mặc comple, có người mặc áo dài khăn xếp và đi đến nhận định trang phục thời kỳ này có sự tùy tiện nhốn nháo, ai muốn sử dụng trang phục kiểu gì cũng được.
Chúng ta cần đặt những bức ảnh đó trong hoàn cảnh lịch sử của nó và hiểu rằng đó là kết quả của quá trình Âu hóa, tiếp biến văn hóa ở nước ta trong giai đoạn cuối TK XIX sang đầu TK XX. Trải qua trên 50 năm sàng lọc, lựa chọn mà trang phục cũ dần mất đi, trang phục mới dần dần được khẳng định.
Thực ra ở triều Nguyễn (1802 – 1945) trong bộ luật Gia Long (Hoàng Việt luật lệ) quy định rất chi tiết, đầy đủ về triều phục. Tại điều 12 quy định: phẩm phục các quan văn võ, áo mũ nho sinh đều chiếu theo cấp bậc, phẩm trật, không được tiếm dụng. Quan viên vượt phẩm thế dùng và dân gian trái lệnh cấm mà dùng thì chiếu theo luật mà trị tội. Trong bộ luật Gia Long có quy định rõ ràng về kiểu cách, chất liệu và hoa văn trang trí trên mũ, áo bào, áo, thanh địa xiêm và ủng vớ của các quan trong triều.
Ví dụ: quan văn từ nhất phẩm đến chánh thất phẩm đội mũ tròn như dạng khăn bịt đầu; quan võ từ nhất phẩm đến chánh thất phẩm đội mũ vuông như dạng khăn bịt đầu.
Trang sức trên mũ: từ nhất phẩm trở lên, quan văn võ dùng vàng bắt cầu có thêm 2 cái hốt bằng vàng, mỗi cái cao 6 phân trở xuống, phần trên trán có 1 hoa vàng, mặt trang sức có giao long vàng giỡn hạt châu. Từ quan nhất phẩm trở lên có đậu vàng trang trí trên mũ, cấp dưới thì không được dùng.
Quan chánh tứ phẩm, tùng tứ phẩm văn võ đều dùng bạc bắt cầu, trước sau có 1 bông vàng, 2 bên có 2 cánh bọc vàng.
Áo dài (áo thụng, mặc ngoài) cho các quan đều dùng áo cổ tròn. Nhưng quan nhất phẩm trở lên dùng mãng bào màu tía. Từ quan chánh nhất phẩm đến tùng tam phẩm văn, võ đều dùng mãng bào màu xanh, lục, lam, đen, các màu tùy lúc mà dùng. Các quan có phẩm hàm thấp hơn thì dùng hoa bào hoặc sa đoạn (lụa thưa) xanh, lục, lam, đen.
Trên áo bào của quan nhất phẩm trở lên đều thêu con mãng 4 móng ở mặt trước và mặt sau của nó. Chỗ còn lại, quan văn thì thêu tiên hạc, quan võ thì thêu kỳ lân.
Chánh tam phẩm, tùng tam phẩm: quan văn thêu cẩm kê (thứ chim giống như chim trĩ), quan võ thêu sư tử, xen kẽ là bông màu đỏ.
Áo của các quan được quy định như sau: trên từ nhất phẩm, dưới đến tùng tam phẩm đều dùng cổ trắng, cài vào nhau bằng sa đoạn màu xanh, lục, lam, đen tùy lúc mà dùng. Từ chánh tứ phẩm xuống đến từ cửu phẩm, dùng màu gốc, cổ cài nhau bằng sa đoạn màu xanh, lục lam, đen tùy lúc mà dùng.
Từ tán, giai tùng thất phẩm đến tán, giai tùng cửu phẩm: ủng theo mẫu đã có, vớ (tất) dùng lụa xanh vằn. Quan chánh tam phẩm, tùng tam phẩm đều dùng ủng màu đen, đầu vuông, vớ xanh vằn.
Người thường dân chưa vào hàng quan, các việc lễ nghi có đội mão thì đều dùng phong cán màu đen, không trang sức gì, áo cài cổ màu đen, ủng vớ toàn màu đen (9).
2. Một vài suy nghĩ về thiết kế lễ phục Việt Nam hiện đại
Về nhận thức và mục đích thiết kế
Hiện nay vẫn có một số người cho rằng không nên tổ chức cuộc thi sáng tạo lễ phục hay quốc phục, bởi như vậy là mang tính chủ quan, duy ý chí cho nên rất khó thành công. Chúng ta nên sử dụng âu phục (comple) cho nam và áo dài cho nữ làm trang phục dùng trong mọi nghi lễ tầm quốc gia hay quốc tế, thậm chí ở các nghi lễ của gia đình, địa phương cũng có thể sử dụng loại trang phục đó. Đến nay đã có nhiều trưởng thôn, trưởng bản sử dụng bộ comple trong các ngày đại lễ và người dân cảm thấy quen mắt sau thời gian dài hội nhập quốc tế. Đó là xu hướng thời đại, không nên làm gì đó ngược dòng lịch sử.
Cũng có một số ý kiến muốn tiếp tục vận động, sáng tác ra những bộ trang phục khác để sử dụng trong các nghi lễ quan trọng của quốc gia. Thậm chí cũng có ý tưởng muốn thiết kế trang phục cho các nguyên thủ quốc gia, quan chức cấp cao của nhà nước để tôn vinh vẻ đẹp truyền thống của văn hóa dân tộc, đồng thời khẳng định tính độc lập, tự chủ, độ đáo của văn hóa dân tộc, qua đó cũng thể hiện ý chí tự cường của Việt Nam đang vươn lên.
Chúng tôi cho rằng: có thể chúng ta thiết kế và sáng tạo thành công một kiểu loại trang phục mới để sử dụng trong một số nghi lễ quốc gia, nhưng không nên thay thế hoàn toàn bộ trang phục comple và áo dài hiện nay, vì đó là sự lựa chọn của nhiều thế hệ người Việt và nó đã trở thành một biểu tượng của văn hóa Việt Nam trong con mắt của bạn bè quốc tế, comple và áo dài hội tụ cả yếu tố dân tộc và thời đại, cho nên thay thế nó bằng một loại trang phục khác là không nên và khó có thể thành công.
Tiếp thu kinh nghiệm từ các triều đại trước và thông qua bài học lịch sử cách đây trên 5 thế kỷ thời Nguyễn Trãi, chúng ta cần tiến hành thận trọng, có tâm và tránh áp đặt. Hãy để cho bộ trang phục nam, nữ (comple – áo dài) tồn tại song song với một số loại hình lễ phục, quốc phục khác và tùy theo từng hoàn cảnh mà sử dụng trang phục tương ứng. Đó là lựa chọn khôn ngoan, hợp quy luật và có thể thành công.
Để sáng tạo ra được một loại hình trang phục mới tượng trưng cho thời đại ngày nay cần có rất nhiều yếu tố, mà trước hết là mục đích thiết kế, sáng tạo ra bộ trang phục này cần phải được xác định một cách rõ ràng, nhất quán: trang phục này cho ai sử dụng và sẽ sử dụng trong những hoàn cảnh nào. Từ đó chúng ta mới có thể xác định được nội dung công việc cần thực hiện.
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục MTNATL, đồng thời là trưởng ban tổ chức đề án, nhiều lần nhấn mạnh đến việc đi tìm và thiết kế lễ phục. Theo ông, “lễ phục nhằm khẳng định dấu ấn và vị thế độc lập của một nền văn hiến quốc gia”(10), hoặc: “Việt Nam có quan hệ ngoại giao với trên 180 quốc gia, quan hệ thương mại với gần 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, là thành viên của trên 70 tổ chức khu vực và thế giới, có 98 cơ quan đại diện ở nước ngoài… chưa kể trong các buổi trình quốc thư, đại sứ Việt Nam tại một số quốc gia cũng cần mặc lễ phục”(11).
Họa sĩ Đoàn Thị Thanh Hương, Phó Cục trưởng Cục MTNATL cũng cho biết: “Hiện trên thế giới có 74/196 quốc gia, vùng lãnh thổ có lễ phục, thể hiện những dấu ấn văn hóa, bản sắc riêng, không trộn lẫn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan mà cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có quy chế về lễ phục, lễ phục nhà nước”(12).
Với những nội dung trình bày như trên, chúng tôi cho rằng ông Vi Kiến Thành và bà Đoàn Thị Thanh Hương đang hướng tới việc tìm kiếm, xây dựng bộ lễ phục quốc gia (lễ phục nhà nước hay quốc phục) chứ không phải là bộ lễ phục theo nghĩa rộng của từ này.
Ngược lại, ông Ngô Kim Khôi, nhà nghiên cứu mỹ thuật và dựng mẫu thời trang tại Paris lại cho rằng: quốc phục nên dùng trong những dịp văn hóa truyền thống, dịp đại hỷ của cá nhân, dòng tộc, và những nghi thức ngoại giao văn hóa, chính trị trên thế giới (13).
Ngoài ra, còn một số ý kiến khác bàn về lễ phục, nhưng không trình bày rõ những nội dung có liên quan đến lễ phục và đa số đều hướng tới việc đi tìm một bộ trang phục nào đó để sử dụng trong các nghi lễ ngoại giao nhằm khẳng định tính chất dân tộc và sự độc đáo của văn hóa Việt Nam.
Đi tìm hình mẫu cho lễ phục Việt Nam
Dù rằng trong cách tiếp cận giữa chúng ta còn có những điểm khác nhau về lễ phục, lễ phục quốc gia hay quốc phục, nhưng có một điểm khá thống nhất là đa số muốn tìm cách xây dựng được một loại hình trang phục nào đó để sử dụng trong một số nghi lễ ngoại giao mang tầm quốc gia, quốc tế. Trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta không thể xây dựng một hệ thống lễ phục quốc gia như kiểu triều phục thời phong kiến được vì như vậy quá rườm rà, tốn kém, không hợp với xu thế thời đại. Nhưng chúng ta cũng không thể chỉ sáng tạo hoặc lựa chọn một mẫu hình trang phục nào đó và lấy đó làm chuẩn mực duy nhất cho lễ phục quốc gia mà từ trên xuống dưới đều phải sử dụng khi tham gia các nghi lễ khác nhau ở trong nước hoặc nước ngoài, vì như vậy sẽ trở nên đơn điệu và nhàm chán.
Nói cách khác, chúng ta không nên khẳng định và chỉ lựa chọn khăn đóng áo dài hoặc bất kỳ một loại trang phục nào đó là đặc trưng văn hóa Việt Nam và đưa loại hình trang phục này lên tầm lễ phục nhà nước mà dẫn đến loại bỏ tất cả các kiểu loại trang phục khác. Cách làm cứng nhắc và máy móc đó khó có thể thành công vì không phản ánh hết được đặc trưng văn hóa Việt Nam là thống nhất trong đa dạng.
Trong cuộc thi thiết kế lễ phục nhà nước tới đây, chúng ta cũng cần phải nhấn mạnh đến tiêu chí đậm đà bản sắc dân tộc và những nét đặc trưng tiêu biểu đó phải được thể hiện trong chất liệu, kiểu dáng, kích thước, hoa văn trang trí của các mẫu sáng tác sao cho các mẫu lễ phục nhà nước này vừa phù hợp với thời tiết, khí hậu của Việt Nam vừa phù hợp với vóc dáng tầm thước của người Việt Nam, đồng thời hội tụ được những nét truyền thống của văn hóa Việt Nam với tinh hoa của văn hóa nhân loại. Chúng ta cần hướng tới lựa chọn những kiểu trang phục sang trọng mà không cầu kỳ, lịch lãm mà vẫn giản dị, duyên dáng.
Để cho đề án thành công, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần phải xây dựng một quy định về sử dụng lễ phục nhà nước và lễ phục nhà nước bao gồm nhiều kiểu mẫu khác nhau (có cả kiểu cũ và kiểu mới), giành chon một số đối tượng quan chức khác nhau, tùy theo điều kiện hoàn cảnh mà sử dụng cho phù hợp. Chúng ta cần phải nhớ rằng bản sắc văn hóa là sự hội tụ từ quá khứ đến hiện tại và chỉ có những cố gắng của thế hệ ngày nay không thể làm nên hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam.
Trong lịch sử, triều đại nào cũng giành sự quan tâm đặc biệt đến nghi lễ và nhã nhạc, vì đó là những nhân tố nổi bật thể hiện sức mạnh quốc gia. Dù rất muốn nhưng không phải ông vua nào cũng có thể thành công trong việc chế định nghi lễ, nhã nhạc cho vương triều của mình, bởi những điều tưởng chừng như đơn giản ấy chỉ trở thành hiện thực khi có sự kết hợp hài hòa âm dương, có sự thống nhất giữa thiên – địa – nhân, có sự giao hòa giữa trời và đất, đức và tài. Nếu thiếu đi một chữ tâm, thiên về sự phô trương, hình thức thì khó có thể thành công.
_______________
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2004, tr.287, 299, 319, 599, 659, 173, 174, 411.
9. Hoàng Việt luật lệ, tập 3, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1994, tr.434.
10, 11, 12. Báo Giao thông, số thứ năm, ngày 27-6-2013.
13. Kỷ yếu tham luận Hội thảo khoa học lễ phục, tháng 6-2013.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 353, tháng 11-2013
Tác giả : Phạm Ngọc Trung
Bài viết cùng chủ đề:
Tản mạn về truyền thống hỗn dung tín ngưỡng của người việt (p2)
Thực trạng hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình và một số định hướng trong thời gian tới
Một số rào cản trong môi trường văn hóa kinh doanh ở việt nam