Nếu muốn cảm nhận dư vị thơm bùi của một số món ăn truyền thống từ xa xưa, bạn nên dừng chân nơi những thôn quê vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ để thưởng thức những đĩa bánh đúc nhân lạc do bàn tay thơm thảo của những bà mẹ quê chế biến.
Bánh đúc nhân lạc là món ăn truyền thống của cư dân nông nghiệp, vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Từ lâu, người nông dân nơi đây đã biết sử dụng những nguyên liệu do chính bàn tay họ làm ra để làm nên món bánh đúc dân dã mà đậm đà dư vị.
Để chế biến món bánh đúc nhân lạc, người chế biến rất dễ kiếm nguyên liệu, gồm gạo tẻ, hạt lạc, nước vôi trong, đường, bột canh, tương bần. Gạo tẻ xưa kia được xay thủ công bằng cối đá, ngày nay có máy nên tiện hơn. Bột gạo được xay xong, đổ vào ngâm với nước vôi trong và một chút muối hoặc bột canh. Hạt lạc được ngâm chừng 5-6 tiếng cho nở đều rồi luộc chín, vớt ra rổ cho róc nước. Tùy sở thích có thể để nguyên hoặc tách bỏ vỏ lụa bên ngoài hạt lạc.
Khâu láng bánh rất quan trọng. Nồi láng bánh cần rộng, cao để bột bánh không trào ra ngoài. Khi láng bánh phải đều lửa, đều tay để bột bánh chín đều, không bị vón cục. Bánh đúc ăn có mịn, giòn hay không phụ thuộc khá nhiều vào khâu láng bánh. Sau khi bột bánh đã chín đều, cho vào vài thìa dầu ăn hoặc mỡ lợn để tạo độ béo cho bánh đúc trước khi đậy vung, tiếp tục đun chừng 15 phút. Khâu tiếp theo là cho nhân lạc vào bánh. Hạt lạc luộc đổ vào nồi bột bánh đã chín, khuấy đều chừng 5-7 phút là được.
Sau khi bánh chín, dùng muôi múc ra khuôn hoặc đĩa. Trước kia, người chế biến thường đổ bột bánh ra chiếc mẹt nhỏ có lót lá chuối xanh đến lúc bánh nguội dùng dao cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn. Cũng có nơi đổ bánh ra khuôn để dùng trong cỗ đám cưới cho đẹp mắt hoặc có nơi đổ bột bánh luôn ra những chiếc đĩa nhỏ và bày vào mâm cỗ.
Bánh đúc nhân lạc ăn ngon nhất khi bánh đã nguội. Khi đó, bột bánh hòa quyện với nhân lạc và vị béo của dầu ăn, vị thơm ngai ngái của nước vôi trong. Màu sắc của bánh đúc nhân lạc trắng đục, tùy vào từng loại gạo, nổi bật lên là những hạt lạc nâu đỏ (nếu để nguyên vỏ lụa) hoặc trắng (nếu bóc vỏ). Khi ăn, bánh đúc nhân lạc, người ăn sẽ cảm nhận được vị thơm bùi từ gạo, lạc, vị mát, độ mịn, độ béo của bánh. Bánh đúc nhân lạc ăn mãi không chán, có thể ăn no mà không cần ăn cơm. Nước chấm bánh đúc nhân lạc là nước mắm cốt vắt chanh thêm vài lát ớt tươi hoặc tương bần có thêm chút gừng tươi sẽ có vị ngon đậm đà.
Bánh đúc nhân lạc được cư dân vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ chế biến ăn thường ngày và không thể thiếu trong mỗi mâm cỗ. Xưa kia, dưới gốc đa làng, phiên chợ quê có những bà cụ gánh bánh đúc đi bán. Người dân ngồi luôn tại chợ để ăn bánh đúc như một thứ quà quê mỗi khi đi chợ và không quên mua thêm vài cái, gói vào lá chuối tươi mang về cho con trẻ. Chiếc bánh đúc nhân lạc dân dã mà đậm đà dư vị đã trở thành một phần ký ức không thể thiếu của những người sinh ra và lớn lên nơi thôn quê yêu dấu. Dù có đi nơi đâu, họ luôn nhớ về và không quên dư vị ngọt ngào của món bánh đúc quê hương.
NGUYỄN THẾ LƯỢNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 477, tháng 10-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Tôm đất khô ở đâu ngon nhất Hà Nội? Gợi ý 3 món ngon được làm từ tôm đất khô
Mua ruốc tôm tại Hà Nội ở đâu uy tín? Cách bảo quản ruốc tôm
Mua chả mực ở đâu ngon và chất lượng?