Báo chí trong thời đại số: những ưu điểm và hạn chế


Trong suốt tiến trình lịch sử loài người, nhu cầu tiếp cận thông tin của con người là không giới hạn và từ lâu, báo chí được xem là một kênh truyền thông hữu hiệu nhằm cung cấp thông tin tới đông đảo bạn đọc gần xa. Ở mỗi giai đoạn lịch sử, báo chí lại được cải tiến, hỗ trợ bởi các thiết bị kỹ thuật để trở nên hấp dẫn hơn về hình thức, loại hình cũng như cung cấp nhanh hơn, cập nhật hơn, đa dạng hơn về thông tin. Bài viết này tập trung đề cập đến một hình thức báo chí được sản sinh ra trong thời đại số và những ưu điểm cũng như hạn chế của nó.

Thời đại số

Thời đại số, còn được gọi là thời đại máy tính, thời đại thông tin hay thời đại truyền thông mới, là một giai đoạn trong lịch sử nhân loại được khởi đầu với sự ra đời của cuộc cách mạng kỹ thuật số hay cuộc cách mạng số hóa (digital revolution) từ những năm 60 TK XX, với phạm vi tác động toàn thế giới, do có sự chuyển đổi từ các công nghệ cơ khí và điện tử tương tự (analog electronic) sang công nghệ điện tử số. Giai đoạn này, con người đã có nhiều phát minh quan trọng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ thông tin – truyền thông (lưu trữ số hóa, mạng     internet, điện thoại di động,…), đã đưa con người vào thời đại của văn minh thông tin và hình thành xu hướng toàn cầu hóa.

Hiện nay, các công nghệ số hóa và kết nối không chỉ dừng lại ở việc kết nối nội dung thông qua các trang web, hệ thống email (internet of content) mà đã tiếp tục phát triển để kết nối các dịch vụ (Internet of service) với sự ra đời của Web 2.0 là các nền tảng và dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) thông minh; để kết nối mọi người (internet of people) với sự ra đời của các mạng truyền thông xã hội (social media) và các điện thoại, ứng dụng thông minh; và mới nhất là để kết nối vạn vật (internet of things – IoT) cùng với các khái niệm thiết bị, dữ liệu, đối tượng thông minh… Đây được cho là những biểu hiện của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (1) được xây dựng dựa trên cuộc cách mạng số hóa – được coi là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3.

Khái quát về các hình thức báo chí

Báo chí theo Từ điển tiếng Việt bao gồm báo và tạp chí, là những xuất bản phẩm định kỳ (2).

Nhìn chung, theo quan niệm từ trước đến nay, báo chí là phương tiện truyền thông đại chúng, truyền tải những thông tin thời sự có tính định kỳ đến với đông đảo công chúng. Đặc điểm nổi bật của báo chí chính là tính công khai và sự lan tỏa nhanh chóng, rộng khắp (3).

Cho đến thời điểm trước khi mạng internet ra đời, công chúng biết đến ba hình thức báo chí đó là báo in (báo giấy), báo hình và báo nói. Mỗi hình thức báo chí này lại có những ưu điểm nổi trội và cả nhược điểm, ví như:

Báo in (báo giấy, báo viết) là thể loại báo chí ra đời sớm nhất, lâu đời nhất với hình thức thể hiện trên giấy, có ưu điểm là tính phổ cập cao. Tuy nhiên, loại hình báo chí này chỉ có thể đăng tải văn bản (text) và hình ảnh tĩnh (still image), thông tin chậm, khả năng tương tác giữa người đọc và người viết kém.

Báo nói ra đời muộn hơn, vào TK XIX, mang đến cho công chúng những âm thanh sống động của cuộc sống với các thông tin được phát qua thiết bị radio, nhưng lại không thể hiện được các thông tin bằng hình ảnh hoặc các thông tin có hình ảnh minh họa.

Báo hình ưu việt hơn đó là mang đến cho người xem những hình ảnh và âm thanh chân thực của thông tin qua thiết bị thu và phát hình. Báo hình truyền tải thông tin nhanh nhưng khả năng tương tác hai chiều chưa cao.

Các hình thức báo chí nói trên, đến nay, đều đã có trang web của báo mình hoạt động trên mạng internet và dễ bị nhầm lẫn là báo điện tử.

Báo điện tử, còn được gọi là báo trực tuyến, báo mạng, báo internet hay báo mạng điện tử, là con đẻ của sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, hoạt động được nhờ các phương tiện kỹ thuật tiên tiến, số hóa, các máy tính nối mạng và các server, các phần mềm ứng dụng. Có thể nói, báo mạng điện tử là hình thức báo chí thứ tư được sinh ra từ sự kết hợp những ưu thế của báo in, báo nói, báo hình, sử dụng yếu tố công nghệ cao như một nhân tố quyết định, quy trình sản xuất và truyền tải thông tin dựa trên nền tảng mạng internet toàn cầu (4). Đây là một loại hình báo chí được xây dựng dưới hình thức một trang web, có ưu thế trong chuyển tải thông tin một cách nhanh chóng, tức thời, đa phương tiện và tương tác cao (5).

Báo mạng điện tử: những ưu điểm

Trong thời đại số hiện nay, internet được coi là kênh thông tin nhanh, có thể truyền tải các loại thông tin từ văn bản, hình ảnh tĩnh, âm thanh, video… một cách đa dạng. Mỗi hình thức báo chí như báo in, báo hình, báo nói, thậm chí cả báo điện tử, đều có những ưu điểm và hạn chế khác nhau. “Báo điện tử có tác dụng và tiện ích hơn hẳn các loại hình báo chí truyền thống, dung lượng thông tin rất lớn, tương tác thông tin nhanh, phát hành không bị trở ngại về không gian, thời gian, biên giới quốc gia. Từ khi ra đời, báo điện tử nước ta đã góp phần quan trọng vào việc phổ biến, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; mở rộng hiệu quả thông tin đối ngoại; nâng cao dân trí và thỏa mãn nhu cầu thông tin, hưởng thụ văn hóa của nhân dân…” (6). Với báo mạng điện tử, có thể nói những ưu điểm của nó chính là những đặc trưng mà nó có so với các hình thức báo chí khác, đó là: khả năng đa phương tiện, tính tức thời và phi định kỳ, tính tương tác, khả năng lưu trữ và tìm kiếm thông tin vượt trội.

Đa phương tiện là thuật ngữ có nguồn gốc từ cụm từ tiếng Anh multimedia, xuất hiện vào khoảng giữa TK XX. Đến nay, tùy thuộc vào từng ngành nghề, lĩnh vực mà khái niệm này được định nghĩa không hoàn toàn giống nhau. Với báo mạng điện tử, đa phương tiện là sự kết hợp nhiều loại phương tiện (ngôn ngữ văn tự và phi văn tự) để thực hiện và tạo nên một sản phẩm báo chí. Một sản phẩm báo chí được coi là sản phẩm đa phương tiện khi nó tích hợp nhiều trong số các phương tiện truyền tải thông tin sau: văn bản (text), hình ảnh tĩnh (still image), hình ảnh động (animation), đồ họa (graphic), âm thanh (studio), video và các chương trình tương tác  (interactive programs) (7). Tất nhiên, tùy thuộc vào nội dung và yêu cầu của từng tòa soạn mà việc sử dụng các yếu tố đa phương tiện trên một sản phẩm báo mạng điện tử cũng khác nhau.

Tính tức thời và phi định kỳ: báo in thường xuất bản định kỳ, các ấn phẩm hàng ngày thì gọi là nhật báo, các ấn bản hàng tuần thì gọi là tuần báo… Tên gọi này đã thể hiện tần suất phát hành có tính định kỳ của báo chí. Báo nói và báo hình đều có các chương trình có thời lượng nhất định và được phát vào một khung giờ nhất định. Chính vì thế, người ta sẽ đón xem hay đón nghe mỗi chương trình căn cứ vào tính định kỳ, định vị giờ phát sóng chương trình ấy. Báo chí điện tử không có thời gian xuất bản định kỳ, các bài báo thường được viết ngay tại hiện trường và thường được đăng tải lên mạng gần như cùng lúc với hoạt động đang diễn ra. Thông tin được đẩy lên mạng không phải hàng ngày mà hàng giờ, thậm chí có thể tính bằng phút. Chính vì vậy, yếu tố định kỳ của báo chí đã bị phá vỡ vì nhu cầu tiếp nhận và khả năng đáp ứng nhu cầu thông tin ấy cho công chúng đã tăng lên rất nhiều lần. Công nghệ hiện đại cùng với những tiện ích của nó đã giúp cho thông tin trên báo mạng điện tử được cập nhật nhiều và nhanh hơn so với báo hình lẫn báo tiếng và nhanh hơn gấp nhiều lần so với báo in.

Cùng với sự thay đổi về cách thức truyền đạt thông tin là sự thay đổi về cách thức cập nhật thông tin. Với các phương tiện hiện đại, sử dụng mạng internet, thông tin trên báo chí điện tử được cập nhật, được lan truyền một cách nhanh chóng hơn, nhiều hơn, đa dạng hơn. Tốc độ cập nhật thông tin nhanh như vậy là do thông tin từ khi thu nhận đến khi phát hành đều được diễn ra rất nhanh chóng, với những thao tác đơn giản. Một nhà báo có thể làm tất cả các bước, từ viết bài, biên tập, đăng tải bài viết lên báo mạng điện tử. Việc xuất bản báo mạng điện tử cũng không cần trải qua các công đoạn in ấn, phát hành tốn kém mà chỉ cần một lần phát hành cho tất cả các độc giả. Bên cạnh đó, báo mạng điện tử không bị giới hạn vào khoảng cách địa lý nên thông tin được truyền tải khắp toàn cầu và độc giả khắp mọi nơi có thể chủ động tiếp cận thông tin mọi lúc, mọi nơi chỉ với một thiết bị kết nối mạng internet như các loại máy tính, điện thoại di động thông minh…

Tương tác, theo Từ điển tiếng Việt, có nghĩa là “tác động qua lại lẫn nhau” ví dụ như quan hệ tương tác giữa hai vật hay sự tương tác giữa ánh sáng và môi trường (8). Trong các hình thức báo chí, có thể thấy tính tương tác ở báo in/báo giấy là kém nhất. Trước khi báo điện tử ra đời, việc tương tác giữa độc giả, khán/thính giả trên báo hình và báo nói diễn ra không thường xuyên và chỉ có trong những chương trình nhất định, với khung giờ phát sóng nhất định. Công nghệ đã giúp người đọc có thể chủ động tìm kiếm và lựa chọn thông tin chứ không đơn thuần nhận thông tin từ báo chí như trước. Họ có thể ngay lập tức phản hồi tới từng bài báo, từng tác giả và tòa soạn. Họ còn có thể tham gia vào quá trình cung cấp thông tin cho báo điện tử. Nhờ khả năng tương tác, báo điện tử có thể thiết lập được các diễn đàn hay thực hiện các cuộc bỏ phiếu (vote) giúp cho công tác điều tra xã hội học trở nên đơn giản, thuận tiện và nhanh chóng hơn. Ở báo mạng điện tử, việc tương tác được hiểu ở ba góc độ: tương tác có định hướng, tương tác chức năng và tương tác tùy biến (9).

Các tờ báo mạng điện tử hiện nay đều có những ứng dụng để tự động cho phép cập nhật những bài báo của mình lên các mạng xã hội. Không chỉ sử dụng các công cụ chia sẻ thông tin của Facebook, Twitter, Zing Me… mà nhiều báo điện tử như VietNamNet, VnExpress, Tuổi Trẻ Online… còn xây dựng các trang giới thiệu trên các mạng xã hội, nhằm thu hút và đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh, cập nhật của cộng đồng mạng xã hội.

Báo điện tử có khả năng lưu trữ và tìm kiếm thông tin vượt trội. Thực tế cho thấy, báo mạng điện tử có những lợi thế về dung lượng truyền tải mà báo in, báo nói và báo hình không thể có được. Báo mạng điện tử không bị giới hạn khuôn khổ, số trang nên có khả năng truyền tải thông tin không giới hạn. Vì vậy, nó có thể cung cấp một lượng thông tin rất lớn, phong phú và chi tiết. Ngoài ra, những thông tin này còn được báo mạng điện tử xâu chuỗi lại với nhau theo các chủ đề thông qua siêu liên kết, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận thông tin của độc giả. Không những thế, thông tin trên báo mạng điện tử còn được lưu trữ lâu dài và khoa học theo ngày tháng, chủ đề, chuyên mục… tạo thành cơ sở dữ liệu để bạn đọc có thể tìm kiếm nhanh chóng và hiệu quả. 

Một số hạn chế

Báo điện tử được xây dựng trên nền tảng công nghệ nên điểm mạnh cũng chính là điểm yếu của nó. Những vấn đề hạn chế liên quan đến công nghệ có thể kể đến là hạn chế về công nghệ, về tốc độ mạng thông tin và về chế độ an toàn của thông tin. Những hạn chế về công nghệ, về tốc độ mạng thông tin có thể đến từ tòa soạn báo điện tử nhưng cũng có thể đến từ độc giả. Với tòa soạn báo điện tử, nếu nền tảng công nghệ của tòa soạn không tốt, không tiên tiến thì tốc độ đường truyền không cao, dẫn đến việc bị nghẽn mạng khi lượng người truy cập đông cũng như khó khăn khi truyền tải các thông tin dạng âm thanh, video với dung lượng lớn. Mặt khác, nếu người đọc không có các thiết bị điện tử kết nối mạng internet như các loại máy tính, điện thoại di động thông mình… thì việc truy cập, đọc thông tin là việc không thể thực hiện được.

Độ an toàn của thông tin cũng bị phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ, toàn bộ nội dung thông tin gần như phụ thuộc vào sự ổn định của hệ thống máy móc. Vì báo mạng điện tử chỉ phát hành một bản duy nhất nên khi gặp các sự cố như cháy, hỏng, virút phá hoại, tin tặc tấn công… nội dung lưu trữ có thể bị chỉnh sửa, làm sai lệch hoặc bị phá hoại hoàn toàn và khó khôi phục lại.

Báo chí có chức năng cơ bản là chức năng thông tin (10), bên cạnh đó là chức năng tư tưởng, chức năng giám sát, quản lý xã hội, chức năng khai sáng, giải trí… (11), chức năng kinh doanh – dịch vụ (12). Tuy nhiên, báo điện tử có những hạn chế về độ chính xác cũng như việc nhiễu thông tin. Báo điện tử đưa ra rất nhiều thông tin nên người đọc nhiều khi bị nhiễu, mất tập trung và đôi khi, không còn khả năng lựa chọn thông tin nào tốt, đáng tin cậy cho mình. Thêm nữa, rất nhiều thông tin trên báo điện tử quá chi tiết, sa đà vào chuyện giật gân, câu khách… Nhận định về những hạn chế, yếu kém của báo điện tử trong thời gian qua, Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 22-7-2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ rõ: “Tính tư tưởng, tính định hướng chính trị, tính chiến đấu, tính khoa học, tính chuyên nghiệp ở một số tờ báo điện tử chưa cao. Một số báo thiếu cân nhắc khi đưa tin, bài về các vấn đề trong nước và thiếu chọn lọc khi khai thác tư liệu, bài viết ở bên ngoài; một số tin, bài chạy theo thị hiếu tầm thường, giật gân, câu khách. Ở một số cơ sở dịch vụ internet còn để xảy ra tình trạng lưu hành, phát tán các thông tin phản động, đồi trụy, vu khống, bôi nhọ danh dự cá nhân, gây bất bình trong nhân dân. Chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước lợi dụng internet và báo điện tử để chống phá cách mạng nước ta” (13).

Ngày nay, chỉ với một chiếc điện thoại di động thông minh sử dụng nhiều phần mềm với đầy đủ các tính năng, người ta có thể vừa soạn thảo văn bản, chụp ảnh, ghi âm, quay phim thậm chí cả dựng phim rồi ngay lập tức đưa lên mạng. Chính vì vậy, báo điện tử càng cần phải làm tốt các chức năng của mình nhưng cũng cần có những biện pháp để giảm rủi ro, hạn chế trong quá trình truyền tải thông tin đến độc giả. Đó là những thách thức không nhỏ đối với những người làm báo điện tử cũng như việc quản lý hoạt động báo chí điện tử hiện nay (14).

_________________

1. Theo quan điểm của giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch điều hành của Diễn đàn kinh tế thế giới – WEF và đang được biết đến một cách rộng rãi.

2, 8. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 1995, tr.38, 1044.

3, 12. Đỗ Chí Nghĩa (chủ biên), Báo chí và mạng xã hội, Nxb Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2014, tr. 38, 42.

4, 9. Nguyễn Thị Thoa, Tập bài giảng Nhập môn báo mạng điện tử, Khoa Phát thanh – Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, 2003, tr.7.

5, 7. Nguyễn Trí Nhiệm, Nguyễn Thị Trường Giang (đồng chủ biên), Báo mạng điện tử đặc trưng và phương pháp sáng tạo, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.12, 52.

6, 13. Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 22-7-2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát triển và quản lý báo điện tử ở nước ta hiện nay.

10. Hữu Thọ, Nghĩ về nghề báo, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997.

11. Tạ Ngọc Tấn, Cơ sở lý luận báo chí, Nxb Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2005.

14. Bài viết là kết quả của Đề tài cấp Bộ Tác động của báo chí điện tử với việc xây dựng văn hóa doanh nhân ở nước ta hiện nay thuộc Chương trình “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trước tác động của phương tiện truyền thông mới”.

 

Tác giả: Vũ Tú Quyên

Nguồn : Tạp chí VHNT số 411, tháng 9 – 2018

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *