Huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam là vùng đất biên viễn, có núi cao hiểm trở, dân cư thưa thớt, chủ yếu là người dân tộc Cơ Tu cư trú phân tán, phần lớn tập trung ven suối trong những khu rừng sâu. Trong quá trình sinh tồn và phát triển, dân tộc Cơ Tu có một kho tàng di sản văn hóa phong phú. Trong những năm qua, huyện Tây Giang đã chung sức bảo tồn giá trị di sản văn hóa tại các bản làng bằng những việc làm thiết thực như phục hồi kiến trúc nhà Gươl, bảo tồn nghề dệt, khôi phục ẩm thực, sưu tầm, biên chép về phong tục, tín ngưỡng, lễ hội, dân ca, dân vũ… Các hoạt động trên đã góp phần quan trọng vào tiến trình bảo tồn các giá trị di sản văn hóa của dân tộc Cơ Tu tại huyện Tây Giang trong xu thế phát triển hiện nay.
1. Di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc Cơ Tu ở huyện Tây Giang
Di sản văn hóa vật thể
Kiến trúc nhà ở: người Cơ Tu thường sống tập trung thành một cụm cư dân đặc thù. Họ xây dựng nhà ở thành từng khu, mỗi khu gồm vài chục ngôi nhà sàn, mái kiểu mai rùa, đứng kề nhau thành đường vòng tròn vây quanh khoảng đất bằng phẳng, tương đối rộng, được xem như sân chung. Nói đến văn hóa vật thể của tộc người Cơ Tu không thể không nhắc tới mô hình cư trú của cộng đồng – nhà làng (Gươl): “Ngôi nhà cộng đồng (Gươl) cao lớn và đẹp hơn cả, thường nổi bật tại vị trí trung độ so với những dãy nhà còn lại, hay giữa khoảng sân làng. Cách bố trí này thể hiện đặc điểm cổ truyền của làng Cơ Tu, nhằm mục đích phòng thủ, chống lại mọi vũ lực đe dọa từ bên ngoài, đồng thời thể hiện tính cố kết, tính tương trợ rất cao giữa các thành viên trong cùng một cộng đồng làng bản cụ thể” (1).
Điêu khắc: nghệ thuật điêu khắc tạo hình của người Cơ Tu được tập trung chủ yếu ở nhà Gươl, cột đâm trâu và nhà mồ. “Hình ảnh điêu khắc tiêu biểu nhất là hình người và đầu trâu” (2). Người Cơ Tu quan niệm, hình người được điêu khắc trước cửa Gươl hay nhà mồ là hình bóng của các vị thần tốt, túc trực và bảo vệ họ trước những điều xấu. Sừng trâu tượng trưng cho sức khỏe của con người với hy vọng đau ốm, bệnh tật sẽ không còn đến với họ nữa.
Trang phục và nghề dệt thủ công truyền thống: người Cơ Tu trồng bông tách hạt, tách bông, vấn bông, se sợi… Những đường nét và các họa tiết hoa văn hết sức tinh tế tạo thành dãy hoa văn đặc sắc bằng chì hoặc cườm trắng trên nền vải chàm đen thể hiện tính thẩm mỹ và tài năng sáng tạo của người phụ nữ. Người Cơ Tu đặc biệt ưa chuộng trang phục có nhiều hoa văn, do vậy trên váy, áo, khố của họ đều thể hiện nhiều mô típ hoa văn khác nhau. Có thể xem như là nghệ thuật dệt tạo hoa văn bằng cách luồn hạt cườm vào sợi chỉ dệt (chỉ tìm thấy ở người Cơ Tu). “Người Cơ Tu quan niệm rằng, màu chàm đen là màu của đất, màu đỏ là màu của mặt trời. Đây là hai màu sắc của hai vật thiêng liêng không thể thiếu trong đời sống của người Cơ Tu” (3).
Di sản văn hóa phi vật thể
Phong tục tập quán: đối với nam nữ người Cơ Tu, họ thường búi tóc, cà răng, xâu tai, xâu khắc ở vùng mặt, vùng ngực, cổ chân, cổ tay bằng nhiều hình tượng khác nhau. Đến tuổi trưởng thành, nam nữ Cơ Tu đều phải cưa mài răng cửa đến sát lợi (néo), song tục này hiện nay không còn nữa. Bên cạnh đó, họ còn tin rằng, mỗi con người đều có phần xác và phần hồn, trong đó, một hồn tốt và một hồn xấu. Việc chôn cất người chết thường đầu hướng về hướng Đông, chân hướng về hướng Tây. Việc chôn cất diễn ra rất trang trọng, sau vài năm được cải táng và chôn cất trong nhà mồ của gia đình, được thờ cúng, tưởng nhớ.
Lễ hội truyền thống: xét về tính mục đích có thể phân loại lễ hội của người Cơ Tu thành 3 hình thức: lễ hội mừng thắng lợi, lễ hội liên quan đến ngoại giao với các làng khác và tế lễ. Trong lễ hội, nghi thức tế lễ được kéo dài từ hai ngày trở lên với nhiều hình thức cúng tế và sinh hoạt phong phú như: tế trâu, múa cồng chiêng, hát lý, sinh hoạt văn nghệ… Hoạt động này được diễn ra ở nhà Gươl. Người Cơ Tu cho rằng: “Trong nghi thức tế lễ, con trâu là vật thiêng của thần linh, là sứ giả mang những ước mơ của con người bày tỏ với thần linh tốt, vật phẩm dâng cúng với mục đích là cầu sự phù hộ, cầu sự may mắn đến với cộng đồng. Với niềm tin cao cả, người trong làng bản luôn nghĩ rằng con người có thể giao hòa với đất trời, giao hòa với thế giới thần linh” (4).
Âm nhạc: với người Cơ Tu, âm nhạc là một bộ phận không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần, gắn với các lễ hội và sự kiện của bản, làng. Âm thanh từ những nhạc cụ cồng chiêng được thể hiện rất phong phú, mỗi chiếc chiêng đều mang âm sắc khác nhau, hòa thành dàn đồng ca vang vọng với âm hưởng ngân vang, gợn sóng để hòa cùng với không gian rừng núi Tây Giang.
Nghệ thuật múa: có hai thể loại chính: múa tung tung (nam) và múa da dá (nữ). Khi thực hành múa tung tung, người đàn ông đóng khố và choàng tấm khăn từ vai xuống vắt chéo trên lưng. Trong các lễ hiến tế thần linh, nam giới thường múa với đạo cụ, tay trái cầm thêm khiên, tay phải cầm kiếm hoặc cây giáo lưỡi ngắn với các động tác múa hùng dũng, nhịp nhàng. Còn múa da dá là vũ điệu lung linh uyển chuyển được ví như cây lau trước gió, như dòng suối uốn lượn quanh những khe núi ngọn đồi.
Nghệ thuật nói lý – hát lý: đây là hình thức ứng khẩu thông qua việc dùng hình tượng ẩn dụ, ví cái này để diễn đạt nghĩa của cái kia. Có thể nói, đây là cách thức giao tiếp cổ truyền, được sử dụng trong lễ hội, ngoại giao, trao đổi công việc của đồng bào. Loại hình này cũng chính là cách thức sinh hoạt tinh thần, sinh hoạt lý luận nhằm phát triển tư duy logic và ngôn ngữ của người Cơ Tu.
Văn học dân gian: trong đời sống văn hóa tinh thần, văn học nghệ thuật của người Cơ Tu phong phú với những thể loại như: truyện cổ, trường ca, thần thoại, truyền thuyết, ca dao, tục ngữ, dân ca… Ngoài ra, những câu ca dao, tục ngữ của người Cơ Tu cũng thể hiện triết lý nhân sinh sâu sắc. Họ quan niệm rằng: “Có đổ mồ hôi mới thấy ấm no”,“Dùng của ta làm ra, chớ nên lấy của người mà dùng”… Với những quan niệm cụ thể, người Cơ Tu luôn khuyên dạy nhau hướng tới những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống, chung lưng dồn sức, đoàn kết bảo vệ bản làng để cùng nhau phát triển.
Ẩm thực: người Cơ Tu không cầu kỳ trong chế biến thức ăn, thậm chí họ nêm rất ít gia vị. Nguyên liệu chủ yếu từ thiên nhiên, đặc trưng với các món ăn như: cơm lam, thịt ống nướng, thịt ống thọc nhuyễn. Bên cạnh đó, người Cơ Tu rất thích uống rượu, họ biết ủ nếp, sắn với men rượu để dùng hằng ngày và đãi khách. Đặc biệt, tại Tây Giang, người Cơ Tu biết chế rượu từ cây Tàvạt, Tàđìn.
2. Một số hoạt động bảo tồn di sản văn hóa của người Cơ Tu
Từ khi tái lập huyện Tây Giang đến nay, cơ quan quản lý và dân tộc Cơ Tu luôn coi trọng việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa truyền thống. Đây là tiềm năng và lợi thế để khai thác phát triển trong hoạt động du lịch văn hóa. Do vậy, việc bảo tồn di sản văn hóa Cơ Tu ở huyện Tây Giang có thể xem xét, đánh giá trên 2 phương diện sau:
Bảo tồn di sản văn hóa vật thể
Xây dựng nhà Gươl – một thiết chế văn hóa làng của người Cơ Tu là việc làm được đặt lên hàng đầu. Theo thống kê năm 2018, toàn huyện có 10 xã với 72 thôn thì đã có 63 thôn có nhà Gươl. Kinh phí xây dựng mỗi nhà Gươl lên tới vài trăm triệu đồng, đặc biệt, nhiều năm qua, với chủ trương xã hội hóa, huyện Tây Giang đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng Khu làng văn hóa, truyền thống Cơ Tu tại thôn Agrồng, xã A Tiêng ở trung tâm huyện Tây Giang. Ngoài nhà Gươl, tại trung tâm làng còn có 10 moong (nhà truyền thống) do nhân dân 10 xã trong huyện góp công sức xây dựng. Cách đây vài năm, UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương cho phép UBND huyện Tây Giang tổ chức nghiên cứu lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng về xây dựng Làng truyền thống Cơ Tu tại thôn Atu, xã Ch’Om (giáp nước bạn Lào). Ở đây, 40 bếp còn lại ở miền núi Quảng Nam sẽ được đưa về phục dựng và một ngôi nhà mồ với những lối kiến trúc và điêu khắc nguyên bản phong cách Cơ Tu rất đặc sắc. Theo đó, làng truyền thống Cơ Tu Tây Giang sẽ được thực hiện trên tổng diện tích khoảng trên 10ha, làm cơ sở phát huy các giá trị di sản văn hóa với hoạt động thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế.
Bên cạnh đó, nghệ thuật điêu khắc cũng được chú trọng bảo tồn và phát huy. Khi phong trào xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư ở Tây Giang được phát động, chính quyền địa phương và cộng đồng cư dân Cơ Tu đã khôi phục lại làng văn hóa truyền thống, nhà Gươl và nhà mồ điêu khắc gỗ ở trung tâm huyện, trong đó nhấn mạnh đến vai trò lớn nhất là các nghệ nhân dân gian Cơ Tu. Họ vừa làm vừa hướng dẫn, truyền nghề điêu khắc cho lớp trẻ để góp phần bảo tồn tích cực các giá trị di sản văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, vai trò của già làng, trưởng thôn cũng được phát huy, toàn huyện có 72 trưởng thôn, già làng có uy tín, đa số là cán bộ nghỉ hưu, đảng viên đã tham gia đóng góp công sức, trí tuệ vào việc lưu giữ, bảo tồn và truyền lại các giá trị văn hóa của dân tộc mình.
Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể
Năm 2012, UBND Tây Giang đã ban hành kế hoạch triển khai đề án khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Cơ Tu tầm nhìn đến năm 2020. Trong năm 2013, nhân khánh thành Khu làng văn hóa truyền thống, lần đầu tiên, huyện Tây Giang tổ chức lễ hội mừng lúa mới với quy mô toàn huyện, thu hút được sự quan tâm của đông đảo du khách.
Đối với việc sưu tầm các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc, các điệu dân ca, hát lý, Phòng Văn hóa Thông tin huyện Tây Giang đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương triển khai thường xuyên trong những năm gần đây. Thêm vào đó, các đội cồng chiêng của huyện và các xã được hình thành, đi vào hoạt động với trình độ biểu diễn ngày càng cao nhằm phục vụ các hoạt động văn hóa tiêu biểu và lễ hội truyền thống tại các địa phương trong huyện. Năm 2012, UBND huyện Tây Giang đã đầu tư hơn 400 triệu đồng từ nguồn ngân sách của huyện để mua sắm và sưu tầm một số nhạc cụ, trống, chiêng, khố, váy, trang sức, khung dệt thổ cẩm… Có một số ấn phẩm viết về vùng đất, văn hóa, con người và ngôn ngữ của dân tộc Cơ Tu ở Tây Giang được xuất bản…
Đối với truyện cổ dân gian, một số ít nghệ nhân, già làng Cơ Tu ở Tây Giang đang nắm giữ hàng chục câu chuyện cổ và mong muốn truyền lại cho thế hệ trẻ của dân tộc mình. Một nghệ nhân cho biết: “Bây giờ, bọn trẻ trong làng rất ít biết đến truyện cổ của dân tộc mình, những người biết kể chuyện của Cơ Tu như tôi cũng không còn nhiều. Vì thế, truyện cổ Cơ Tu đang dần thất truyền và đứng trước nguy cơ biến mất. Vì thế, tôi đang cố gắng biên chép lại thành tài liệu để lại cho con cháu sau này như một tài sản văn hóa của cha ông” (5). Ngoài ra, hằng năm, huyện Tây Giang còn tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực như: Ngày hội đại đoàn kết, Chợ ẩm thực Cơ Tu, Ngày hội văn hóa Cơ Tu tại Đà Nẵng, Về thăm khu địa đạo Axòo…
3. Một số khuyến nghị trong bảo tồn di sản văn hóa Cơ Tu tại huyện Tây Giang hiện nay
Trong thời gian tới, để tiếp tục tiến trình bảo tồn giá trị di sản văn hóa của dân tộc Cơ Tu ở huyện Tây Giang, chính quyền các cấp ở địa phương nàynên quan tâm và triển khai thực hiện thường xuyên các vấn đề sau:
Một là, thường xuyên nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên và người dân Cơ Tu về vai trò của di sản văn hóa truyền thống và hoạt động bảo tồn chúng trong phát triển du lịch bền vững. Đồng thời, cơ quan quản lý cấp huyện ở Tây Giang cần tăng cường hoạt động xã hội hóa các nguồn lực, đầu tư xây dựng và cũng cố các thiết chế văn hóa cơ sở.
Hai là, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực nòng cốt cho công tác bảo tồn văn hóa dân tộc Cơ Tu ở cấp huyện được xem là một trong những giải pháp quan trọng hiện nay. Đào tạo nguồn nhân lực được hướng đến là cán bộ ngành văn hóa cấp huyện, xã, thị trấn và cấp thôn, bản. Hình thức đào tạo là tổ chức các lớp ngắn hạn về nghiệp vụ, tập huấn công tác di sản và bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh công tác sưu tầm, biên soạn, quản lý lâu dài và phổ biến các giá trị di sản văn hóa phi vật thể và phi vật thể như nghệ thuật điêu khắc, ẩm thực, phong tục, tín ngưỡng, lễ hội, dân ca, dân nhạc, truyện cổ, tục ngữ, ca dao… Địa phương cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động biểu diễn nghệ thuật và truyền dạy nghề trên cơ sở khai thác, phổ biến nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình.
Bốn là, đề cao vai trò của các nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng tham gia vào truyền dạy, bồi dưỡng và tập huấn, hội thi và khuyến khích các cuộc thi như: kể chuyện cổ tích Cơ Tu dành cho con em trong các làng bản dân tộc Cơ Tu… Bên cạnh đó, ngành Văn hóa huyện nên thường xuyên phối hợp với các đơn vị báo, đài đăng tải và giới thiệu về di sản văn hóa của dân tộc Cơ Tu ở các làng bản qua hệ thống phương tiện truyền thông đại chúng, đồng thời cập nhật thông tin, hình ảnh về các bản làng của dân tộc Cơ Tu trên các trang tin điện tử của huyện, mạng xã hội…
Năm là, chú trọng việc kết hợp chặt chẽ giữa khai thác giá trị di sản văn hóa với hoạt động khai thác các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm… thông qua các đơn vị lữ hành du lịch ở Quảng Nam và các tỉnh lân cận. Đồng thời, địa phương cần tạo được mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế, giữa tăng trưởng kinh tế với các mục tiêu về phát triển văn hóa, môi trường cảnh quan, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống và thay đổi diện mạo làng bản.
Nhìn chung, công tác bảo tồn giá trị di sản văn hóa của dân tộc Cơ Tu đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận và góp phần nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào. Qua đó, bản sắc văn hóa của dân tộc Cơ Tu được kế thừa, bảo tồn trong xã hội đương đại. Đồng thời, hoạt động bảo tồn di sản văn hóa kết hợp phát triển du lịch ở vùng cao đã tạo đà cho các loại hình du lịch ở Tây Giang từng bước phát triển, thu hút du khách tham quan, trải nghiệm, đặc biệt là du khách quốc tế.
______________
1. Đinh Hồng Hải, Nhà Gươl của người Cơ Tu, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2006, tr.39.
2. Nguyễn Thị Thu Ba, Bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa Cơ Tu ở tỉnh Quảng Nam, Luận văn thạc sĩ, chuyên ngành Quản lý văn hóa, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Hà Nội, 2017, tr.15, 28.
3. Trần Tấn Vịnh, Nghề dệt và trang phục cổ truyền của dân tộc Cơ Tu, Nxb Dân trí, Hà Nội, 2010, tr.35.
4, 5. Tài liệu phỏng vấn, tháng 12-2018.
Tác giả: Đinh Công Tuấn
Nguồn: Tạp chí VHNT số 432, tháng 6-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nên đi du lịch Đà Nẵng vào tháng mấy là đẹp nhất?