1. Giá trị di sản văn hóa hát xoan
Trải qua hàng nghìn năm, từ những buổi đầu ra đời là hình thức nghi lễ hát thờ vua đến nay – một tín ngưỡng bắt nguồn từ tập quán thờ cúng tổ tiên của người Việt, hát xoan đã trường tồn trong lòng cộng đồng, được nhân dân yêu mến, đón nhận và liên tục trao truyền, phát triển từ đời này sang đời khác… và đã trở thành di sản văn hóa độc đáo, là nét sinh hoạt văn hóa mang đặc trưng riêng của người Việt nói chung và của người dân Phú Thọ nói riêng. Giá trị của di sản văn hóa hát xoan đã phản ánh được những nguyện vọng, ước mơ, tâm tư tình cảm của người dân lao động và có ảnh hưởng tích cực đến đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân xưa và nay, thông qua biểu diễn hát xoan, tinh thần đoàn kết cộng đồng tại các vùng xoan ngày càng bền chặt.
Hát xoan còn gọi là Khúc môn đình, là lối hát thờ thần, thường được tổ chức vào mùa xuân để đón chào năm mới. Hát xoan là nghệ thuật diễn xướng với đầy đủ các dạng thức nhạc hát: hát nói, hát ngâm, hát đối và lĩnh xướng. Trong hát xoan, yếu tố tín ngưỡng như một sợi chỉ xuyên suốt toàn bộ quá trình diễn xướng xoan, không chỉ ở phần hát thờ, các quả cách mà cả ở trong các tiết mục giao duyên nam nữ. Hát xoan khi trình diễn luôn được kết hợp với múa để minh họa cho lời ca và làm cho không khí của buổi diễn xướng thêm sinh động. Bộ VHTTDL đã khẳng định: Hát xoan đã trở thành “Nghệ thuật trình diễn cộng đồng, hát xoan đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa, gắn kết cộng đồng. Khi cùng nhau trình diễn hát xoan, những người thực hành xoan tìm thấy niềm vui trong sự hòa đồng, tôn trọng lẫn nhau và những nỗi vất vả, phiền muộn được giải tỏa” (1).
Hát xoan phản ánh tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và tín ngưỡng lúa nước cổ truyền của người Việt. Hát xoan thuộc loại hình dân ca nghi lễ phong tục, hát trong lễ hội làng với mục đích tín ngưỡng, hát để cầu cho dân làng và các nghề được an khang thịnh vượng. Nội dung của hát xoan phản ánh tín ngưỡng thờ Vua Hùng, tổ tiên của người Việt, một hình thức tín ngưỡng rất đặc biệt ở Việt Nam. Nghi lễ hát thờ, hát quả cách trước bàn thờ thành hoàng nhằm mời vua về dự hội và phù hộ cho dân làng được phong đăng hòa cốc, mùa màng bội thu, dân chúng khang ninh thịnh vượng. Ngôn ngữ của hát xoan vừa mang tính dân dã, vừa mang tính bác học, với các bài thơ phản ánh thiên nhiên, phản ánh cuộc sống lao động và đặc biệt là sự thể hiện lòng thành kính với các vua Hùng và thần linh có công bảo trợ cho cuộc sống của dân làng. Trải qua chặng đường dài của lịch sử, khi Nho giáo du nhập cùng tín ngưỡng thờ thành hoàng xuất hiện, hát xoan mang thêm nội dung Nho giáo, Vua Hùng được tôn làm thành hoàng, vừa là Thánh vương, Thánh tổ bảo trợ cuộc sống nhân dân. Điều này cho thấy, tín ngưỡng thờ Vua Hùng được khẳng định và phát triển trường tồn trong lòng xã hội nông nghiệp Việt Nam. Hát xoan là dân ca bản địa, hình thành từ cuộc sống sản xuất của cư dân trồng lúa nước thời đại Văn Lang phản ánh tín ngưỡng và ước vọng của người Việt cổ.
Hát xoan mang giá trị nghệ thuật độc đáo. Hát xoan là loại hình nghệ thuật tổng hợp: múa, hát, âm nhạc, thơ, trình diễn sân khấu. Trong đó có hai yếu tố quan trọng nhất là âm nhạc và múa, được kết hợp hài hòa và chặt chẽ. Hình thức thường thấy là các cô đào vừa hát, vừa múa trên chiếu trước ban thờ và có một kép nam hát dẫn cách, cứ sau một đoạn các cô đào lại hát họa theo hình thức xướng xô. Đạo cụ hát xoan đơn giản, chủ đạo là chiếc trống con, một số bài có thêm phách, quạt, trống cái… Sự kết hợp này tạo nên tính độc đáo của nghệ thuật của hát xoan. Nếu so sánh với các loại hình dân ca khác cũng mang tính tín ngưỡng như ca trù, chèo tàu, quan họ cổ… thì hát xoan có nhiều điểm tương đồng nhưng phong phú hơn bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố nghệ thuật và nội dung đa dạng. Nếu ca trù chỉ có đào hát thì hát xoan có sự giao lưu đối đáp mạnh mẽ, thể hiện sự giao lưu văn hóa giữa các làng xoan. Theo đó, có thể xem xoan là nghệ thuật diễn xướng và ca múa, xoan không có tích trò, cốt truyện như chèo và tuồng, nhưng xoan cũng không chỉ là nghệ thuật của thính giác mà còn là nghệ thuật của thị giác. Người ta tụ họp ở đình không chỉ nghe, mà còn để “xem” xoan, xem các đào xoan múa, một chương trình ca múa mừng làng chầu thánh (2).
Từ hình thức hát thờ, hát xoan được chuyển sang nghệ thuật cộng đồng. Nội dung chủ đạo của hát xoan mang tính tín ngưỡng, hát trước ban thờ để xin thần linh phù hộ. Mở đầu là phần hát lề lối gồm 4 bài hát múa mang tính chúc tụng cho dân làng dân khang vật thịnh. Tiếp theo là phần hát quả cách, gồm 14 tiết mục hát múa mang tính cầu chúc và miêu tả thiên nhiên, cuộc sống lao động và kể các tích xưa. Sau phần đầu, hát xoan được mở ra trong trong phần hát hội. Nội dung chuyển dần từ hát thờ sang hát giao duyên nam nữ và nhiều nội dung khác, thậm chí hát cả phú, lý, ghẹo… tiết tấu âm nhạc phong phú và sôi nổi hơn gồm cả múa, hát, trò chơi… Sự phát triển cả không gian và nội dung lẫn hình thức biểu diễn thu hút nhiều thành phần tham gia diễn xướng, không chỉ là phường xoan biểu diễn mà có cả thanh niên nam nữ trong làng tham gia sôi nổi hào hứng. Đây chính là nghệ thuật cộng đồng, do cộng đồng tự thể hiện, phục vụ cho chính đời sống tinh thần của cộng đồng và được cộng đồng đón nhận tự giác.
Hát xoan là quá trình sáng tạo và có sức sống mạnh mẽ. Hát xoan được nhân dân sáng tạo và nghệ thuật hóa ước vọng của mình qua lời ca và điệu múa. Tâm thức cộng đồng về cuộc sống và vạn vật được lễ nghi hóa thành các lề lối, do vậy hát xoan thuộc loại hình dân ca nghi lễ cung đình, được niêm luật hóa nghiêm ngặt trong 3 chặng hát. Công đức các Vua Hùng, ước vọng của nhân dân về cuộc sống phồn vinh và sự sinh sôi của vạn vật qua bốn mùa được thể hiện trong các lời ca và điệu múa. Mỗi phường xoan lại có cách trình diễn khác nhau, mang đặc trưng riêng của từng làng. Sự sáng tạo này mang tính chất dân gian và tính cộng đồng cao; lời ca và điệu múa không có tác giả, mà do cộng đồng sáng tạo xuất phát từ nhu cầu đời sống tâm linh, được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Hát xoan ban đầu có nguồn gốc từ 4 làng cổ ở Việt Trì, Phú Thọ, nhưng xoan không bị bó hẹp trong một cộng đồng dân cư mà có sự lan tỏa. Hiện hát xoan có mặt tại 18 xã với 30 cửa đình thuộc hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc, gọi là vùng xoan. Những năm gần đây, hát xoan còn lan tỏa rộng hơn trong hầu hết 13 huyện, thành thị của Phú Thọ và một số huyện thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Sự lan tỏa sức sống mạnh mẽ này trước hết do nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, tục giữ cửa đình và kết nghĩa của các phường xoan với một số làng. Người dân ở các làng tin rằng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, mời vua, cầu cho dân làng no ấm dưới các hình thức nghệ thuật hát thờ trong không gian thiêng sẽ đem lại sự phù hộ, che chở của thần linh cho dân khang, vật thịnh. Đó là tục lệ riêng độc đáo của hát xoan, từ tục này khiến cho hát xoan lan tỏa rộng và phát triển mạnh mẽ đến nhiều địa phương khác.
Hát xoan là hoạt động nghệ thuật có tính cộng đồng cao. Hát xoan là sản phẩm sáng tạo của cộng đồng, được phát triển phong phú trong tiến trình lịch sử và được cộng đồng bảo vệ gìn giữ. Hát xoan được kết hợp nhuần nhuyễn giữa lời ca kết hợp với động tác múa thể hiện tâm nguyện của cộng đồng, được nghệ thuật hóa thể hiện tín ngưỡng cộng đồng với Hùng Vương và các vị thần, cầu cho cuộc sống con người được no ấm, mùa màng bội thu, dân khang vật thịnh, vì vậy, nó ăn sâu bám rễ trong cộng đồng, được trao truyền từ đời này sang đời khác. Nội dung hát xoan không chỉ là hát thờ, mà còn phong phú, phù hợp đáp ứng được nhu cầu giải trí của nhân dân. Hát xoan được cộng đồng sáng tạo, thực hành và gìn giữ nên có vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng. Về nghệ thuật trình diễn, hát xoan luôn được trình diễn tập thể. Trong tất cả các chặng hát, từ hát thờ cho tới các quả cách và phần hát hội đều do tốp đào kép trình diễn. Cũng như Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, hát xoan cũng mang giá trị lòng yêu nước, cố kết cộng đồng dân tộc và giá trị tâm linh sâu sắc. Cộng đồng đã dùng nghệ thuật hát xoan để thể hiện niềm tin tín ngưỡng đối với Vua Hùng và các vị thành hoàng, cầu mong cho quốc thái, dân an, mùa màng tươi tốt.
2. Giải pháp quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa hát xoan
Một là, quản lý, bảo vệ và phát huy di sản hát xoan trong bối cảnh kinh tế thị trường và phát triển du lịch. Hiện nay, hát xoan đang bị tác động của mặt trái kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Theo đó, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm quản lý và bảo vệ di sản văn hóa hát xoan. Cụ thể, cần quy hoạch, hỗ trợ tu bổ, tôn tạo và khôi phục hệ thống di tích liên quan đến hát xoan, xây dựng không gian văn hóa hát xoan; Bảo tồn, tôn tạo, khôi phục di tích tại các phường xoan gốc và vùng lân cận, tạo kết nối những quần thể di tích đáp ứng đầy đủ yêu cầu tạo lập không gian trình diễn hát xoan và nhu cầu nghiên cứu tham quan của du khách trong và ngoài nước. Xây dựng bổ sung các công trình kiến trúc độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại các di tích hát xoan nhằm đáp ứng việc tổ chức lễ hội hằng năm và các hoạt động văn hóa dân gian thường xuyên đảm bảo hấp dẫn, linh thiêng, là điểm nhấn về văn hóa cội nguồn của tỉnh Phú Thọ. Bên cạnh đó, cần ban hành những chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội và của nhân dân trong công tác bảo tồn di sản văn hóa, như: chính sách đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích và xây dựng các công trình phục vụ du lịch để tổ chức các loại hình dịch vụ, hỗ trợ các nghệ nhân kinh phí, trang thiết bị cho quá trình gìn giữ, truyền dạy hát xoan… Ngoài ra, cần đảm bảo cho cộng đồng và các nghệ nhân tham gia tối đa vào quá trình bảo vệ hát xoan với tư cách là chủ thể sáng tạo và thực hành di sản, các nghệ nhân hát xoan và cộng đồng trực tiếp tham gia vào công tác quản lý di sản của chính họ sẽ đảm bảo sự tồn tại bền vững của di sản. Giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực do kinh tế thị trường và phát triển du lịch mang lại, khuyến khích cộng đồng tham gia trực tiếp vào các chương trình trình diễn hát xoan phục vụ khách du lịch để cho họ được trải nghiệm, tiếp nhận những giá trị của hát xoan.
Hai là, bảo vệ và phát huy giá trị của các làn điệu xoan. Việc cần thiết, trước mắt là phải đưa di sản văn hóa này trở lại với cộng đồng sinh hoạt văn hóa, bằng cách khơi dậy tình yêu, lòng tự hào đối với văn hóa truyền thống trong mỗi người dân và toàn cộng đồng. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể và người dân nhằm xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa hát xoan; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về giá trị của di sản văn hóa hát xoan, để từ đó mỗi cá nhân có ý thức bảo vệ và phát huy giá trị của hát xoan. Thực tế cho thấy, giá trị cốt lõi của di sản này chủ yếu chứa đựng ở lời ca và giai điệu hết sức mộc mạc, gắn bó trực tiếp với đời sống tín ngưỡng nông nghiệp của cư dân trồng lúa nước. Hát xoan đã đem lại cho chúng ta cảm quan thẩm mỹ về cái hay, cái đẹp trong ca từ, tiết tấu, ngôn ngữ âm nhạc, vũ điệu… của một loại hình dân ca người Việt vùng Trung du Bắc Bộ. Nội dung và ngôn ngữ của hát xoan còn cho chúng ta nhận thức về một chặng đường phát triển của xã hội Việt Nam thời phong kiến, về các mặt: tín ngưỡng, phong tục, cơ cấu giai cấp, chế độ khoa cử, phong cách văn học…; giúp chúng ta hiểu hơn về các loại hình tín ngưỡng truyền thống của người Việt như: tín ngưỡng nông nghiệp, tín ngưỡng thờ Thành hoàng, thờ Vua Hùng, thờ tổ tiên… làm cho đạo lý “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của người Việt thấm vào trong hát xoan, vào đời sống văn hóa cộng đồng và tỏa sáng đến các thế hệ mai sau. Cho nên, việc bảo vệ hát xoan tại các làng xoan cổ là giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo giữ gìn các giá trị đặc trưng của hát xoan, giữ gìn không gian văn hóa diễn xướng của di sản.
Ba là, bảo vệ và làm cho hát xoan tại các câu lạc bộ và vùng xoan được lan tỏa mạnh mẽ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ ngoài 4 phường xoan gốc, toàn tỉnh đã thành lập nhiều câu lạc bộ hát xoan, thuộc 13 huyện, thành thị. Tuy nhiên, do không có môi trường diễn xướng truyền thống, các thành viên câu lạc bộ chưa có kỹ năng và sự hiểu biết sâu sắc về hát xoan, chưa nắm bắt đầy đủ các nguyên tắc, lề lối diễn xướng nên rất dễ làm biến đổi, hoặc sai lệch các chuẩn mực, đặc biệt là chưa làm cho người dân yêu thích, say mê học hát xoan. Để tránh tình trạng hát xoan tại các câu lạc bộ bị biến đổi, các cơ quan quản lý của địa phương cần tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng, mời các nghệ nhân phường xoan gốc đến truyền dạy trực tiếp cho các thành viên và người dân địa phương. Hoặc tổ chức liên hoan các câu lạc bộ thường xuyên định kỳ hằng năm, đặc biệt là dịp giỗ Tổ Hùng Vương, tạo điều kiện cho các câu lạc bộ có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng trình diễn hát xoan. Đối với các nghệ nhân hát xoan cần được trang bị các kiến thức, thông tin, kỹ năng cần thiết trong việc quảng bá, giới thiệu các giá trị của hát xoan; đặc biệt biết tự bảo vệ di sản hát xoan trước những tác động tiêu cực, tránh việc thương mại hóa, chạy theo lợi nhuận làm mai một giá trị di sản văn hóa hát xoan.
Bốn là, bảo tồn không gian diễn xướng của hát xoan. Hát xoan không thể tồn tại nếu không bảo tồn được không gian diễn xướng. Khác với các di sản phi vật thể khác, một đặc điểm của hát xoan là luôn gắn với cửa đình, do vậy việc bảo tồn phục dựng lại các di tích gốc liên quan đến hát xoan là một yêu cầu đặt ra đối với cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng nơi có tục hát xoan truyền thống. Các di tích gắn với hát xoan do thời gian và chiến tranh tàn phá, một số di tích bị phá hủy hoàn toàn, một số di tích đã xuống cấp không đủ điều kiện, môi trường để thực hành di sản. Do vậy, trước tiên cần chú trọng phục hồi các di tích thuộc các phường xoan gốc. Trong quá trình đầu tư, tu bổ phục hồi các di tích, cần thực hiện đúng các nguyên tắc theo quy định của Luật Di sản văn hóa; trong đó, chú trọng bảo vệ các yếu tố gốc cấu thành di tích. Đối với các di tích đã bị phá hủy, cần nghiên cứu khảo sát, dựa vào các dấu tích và tham vấn cộng đồng để xác định quy mô kiến trúc phù hợp với tính chất và tập quán sinh hoạt của cộng đồng xoan. Quá trình phục dựng, cần quy hoạch đầu tư xây dựng đảm bảo các hạng mục công trình vừa là không gian thờ tự, vừa là nơi trình diễn hát xoan theo nghi thức truyền thống; vừa là nơi tổ chức các hoạt động truyền dạy hát xoan của các nghệ nhân cho thế hệ trẻ, vừa có đủ không gian trình diễn phục vụ khách du lịch.
Đối với di tích tại các làng xoan gốc, cần đầu tư từ ngân sách nhà nước và huy động mọi nguồn lực để tu bổ, phục hồi kiểu dáng kiến trúc và không gian truyền thống tạo không gian thiêng cho hát xoan được trở về với giá trị tâm linh mà cộng đồng cư dân gửi gắm qua từng làn điệu, từng câu hát trước cửa đình, gắn với lễ hội xoan và tục giữ cửa đình của các làng xoan. Còn đối với các di tích tại các địa phương vùng xoan lan tỏa, có tục kết nghĩa nước với các làng xoan gốc, cần được đầu tư, khôi phục. Bởi, “Kết nghĩa giữa họ xoan và làng nước nghĩa là kết nghĩa vì nghệ thuật, vì tục lệ tiệc hát thờ thần linh” (3). Do vậy, việc phục hồi di tích tại các làng có tục kết nghĩa với phường xoan sẽ tạo ra một môi trường văn hóa, không gian văn hóa đúng với truyền thống và ý nghĩa tâm linh của cộng đồng và tạo ra không gian văn hóa rộng lớn để di sản hát xoan tồn tại và lan tỏa cùng với đời sống tinh thần và tín ngưỡng của nhân dân.
Năm là, xây dựng chính sách bồi dưỡng nghệ nhân. Giải pháp này tạo ra động lực duy trì công tác bảo tồn và truyền dạy hát xoan cho các thế hệ tương lai. Theo đó, cần có cơ chế chính sách đối với nghệ nhân, những người đang nắm giữ và thực hành tại các cộng đồng hát xoan, tiếp tục đề nghị Nhà nước phong tặng Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú cho các cá nhân có tài năng, có đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát xoan. Tạo mọi điều kiện cho các nghệ nhân có môi trường và tạo ra thu nhập bằng chính các kỹ năng thực hành di sản của họ. Các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, du lịch địa phương cần có chính sách khuyến cáo các công ty lữ hành, các doanh nghiệp du lịch, tạo điều kiện cho các nghệ nhân tham gia trình diễn hát xoan trong các chương trình, tour du lịch của các công ty lữ hành. Bởi điều này vừa đảm bảo cho các nghệ nhân có thu nhập ổn định từ chính di sản mà họ đang nắm giữ; đồng thời, khách du lịch cũng được thưởng thức giá trị di sản do chính các nghệ nhân thể hiện, giúp cho việc bảo vệ, truyền dạy di sản của các nghệ nhân được đảm bảo. Đối với các phường xoan, câu lạc bộ hát xoan của các địa phương cần có chính sách và biện pháp hỗ trợ kinh phí luyện tập, đầu tư trang thiết bị âm thanh, nhạc cụ, trang phục cho các phường xoan, giúp cho họ có đủ các điều kiện để duy trì luyện tập và tham gia các nghi thức hát xoan theo tập quán truyền thống và các chương trình biểu diễn khác. Ngoài ra, các địa phương cần tổ chức các cuộc giao lưu văn nghệ, hội diễn, liên hoan hát xoan từ cấp xã, huyện, tỉnh khuyến khích các phường xoan và các câu lạc bộ tham gia. Đặc biệt, có cơ chế để các câu lạc bộ hát xoan được thường xuyên giao lưu với các phường xoan gốc, qua đó bồi dưỡng kỹ năng trình diễn các làn điệu xoan cổ cho các thành viên câu lạc bộ.
Thay lời kết
Giá trị của di sản văn hóa hát xoan với những giá trị đặc trưng mang dấu ấn văn hóa thời đại Hùng Vương không chỉ là tài sản của cộng đồng cư dân Phú Thọ mà còn là tài sản quý báu của dân tộc Việt Nam. Hát xoan được hình thành từ cuộc sống sản xuất của cư dân trồng lúa nước, phản ánh tín ngưỡng và ước vọng của người Việt cổ, gắn bó chặt với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Hát xoan mang một giá trị nghệ thuật độc đáo và mang tính cộng đồng cao. Việc nhận diện giá trị và đưa ra giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa hát xoan của tỉnh Phú Thọ nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, phát huy vai trò của cộng đồng với tư cách là chủ thể sáng tạo và thực hành di sản, đặc biệt là vai trò cộng đồng trong việc bảo vệ giá trị của các diễn xướng dân gian và lễ hội truyền thống gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
________________________
1. Bộ VHTTDL, Hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể hát xoan Phú Thọ đệ trình UNESCO, Hà Nội, 2016.
2, 3. Nguyễn Khắc Xương, Hát xoan Phú Thọ, Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ – Hội Văn nghệ dân gian, 2015.
Tài liệu tham khảo
1. Văn Tân, Thời đại Hùng Vương: Lịch sử – Kinh tế – Văn hóa – Xã hội, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1973.
2. Cao Khắc Thùy, Hát xoan – Hát ghẹo, dấu ấn một chặng đường, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 2012.
TS PHẠM VĂN XÂY
Nguồn: Tạp chí VHNT số 482, tháng 12-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%