Bảo tồn, phát huy nghệ thuật xòe Thái trước sự biến đổi về không gian, môi trường trình diễn


Xòe Thái là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo của đồng bào dân tộc Thái ở vùng Tây Bắc nói chung, tỉnh Lai Châu nói riêng. Nghệ thuật múa xòe đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của đồng bào dân tộc Thái ở tỉnh Lai Châu. Vấn đề di dân để xây dựng thủy điện Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương, nhưng nó cũng đặt ra thách thức không nhỏ trong việc bảo tồn giá trị di sản văn hóa. Khi môi trường và không gian sống bị thay đổi sẽ tác động tiêu cực đến phong tục, tập quán, tín ngưỡng gắn với nghệ thuật dân vũ truyền thống. Đây là một trong những nguyên nhân làm mai một, biến dạng nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có nghệ thuật xòe Thái.

1. Nhận diện không gian và môi trường trình diễn nghệ thuật xòe Thái

Theo nhà nghiên cứu Chu Xuân Diên, không gian văn hóa là chiều đồng đại của văn hóa, dùng để chỉ phạm vi không gian mà ở đó, các chủ thể xây dựng nền văn hóa của mình. Nó bao gồm 3 cấp độ: khu vực, dân tộc, vùng/địa phương. Học giả Ngô Đức Thịnh (1) cũng đã chỉ ra những yếu tố cấu thành văn hóa vùng bao gồm: hoàn cảnh tự nhiên, nguồn gốc dân cư, điều kiện lịch sử, trình độ phát triển kinh tế, xã hội, giao lưu văn hóa. Xét về chiều kích không gian văn hóa thì 4 vùng của người Thái cư trú tập trung là Mường Thanh (Điện Biên), Mường Lò (Yên Bái), Mường Than (Lai Châu), Mường Tấc (Sơn La) được coi là vùng không gian của nghệ thuật xòe Thái vùng Tây Bắc. Đối với tỉnh Lai Châu, huyện Phong Thổ được coi là cái nôi hình thành và nuôi dưỡng nghệ thuật xòe Thái (2).

Trong môi trường và không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nghệ thuật múa xòe vòng hay còn gọi là “Khắm khen căn đỉn, tay trong tay” là điệu múa truyền thống, phổ biến nhất, thường được người dân tổ chức ở bãi đất rộng, hoặc những nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Nghệ thuật dân vũ luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, bởi xã hội cổ truyền của đồng bào dân tộc Thái vốn hình thành và vận hành trên cơ sở nền tảng nông nghiệp trồng trọt, trong đó lúa gạo và trồng lúa nước chiếm vị trí chủ đạo. Trong nghi lễ, vũ công (Xao Châu) được coi là cầu nối giữa thế giới thần linh và thế giới trần tục, các điệu múa được sắp xếp theo một trình tự nhất định, gồm từ một đến ba động tác được múa đi múa lại. Điệu múa có thể kéo dài và kết thúc tùy thuộc vào không khí và sự dẫn dắt của một Then. Hầu hết các điệu múa trình diễn trong nghi lễ đều mang tính lễ thức. Nghệ thuật múa xòe luôn giữ một vị trí đặc biệt quan trọng, là cầu nối với các thần linh. Nghệ thuật xòe Thái cũng được coi là phương tiện giao tiếp, gắn kết mọi người trong cộng đồng, là sân chơi giải trí của người dân sau những ngày lao động vất vả.

Với những đặc điểm trên, có thể hiểu không gian và môi trường nghệ thuật xòe Thái bao gồm: vùng đất, đặc điểm cư trú, tập quán, tín ngưỡng, nét đặc trưng sinh hoạt văn hóa cộng đồng; giá trị nghệ thuật, yếu tố kỹ thuật múa, thể thức trình diễn; không gian trình diễn nghệ thuật múa xòe vừa mang yếu tố lịch đại, nhưng vừa có đặc điểm đồng đại. Do được hình thành và phát triển trong dân gian, nghệ thuật múa xòe của đồng bào dân tộc Thái không chỉ phản ánh trí tuệ, tài năng sáng tạo của con người mà còn có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

2. Điều kiện kinh tế và đời sống văn hóa

Tỉnh Lai Châu là một trong những địa phương có nhiều công trình nhà máy thủy điện, lớn nhất, trong số đó là nhà máy thủy điện Lai Châu, tiếp theo là thủy điện Huội Quảng, thủy điện Bản Chát. Diện tích ngập lòng hồ phải di dời là nơi sinh sống của 8.943 hộ dân, 45.111 nhân khẩu thuộc các dân tộc Thái, Khơ Mú, Hà Nhì, Si La, Cống. Trong đó, khu tái định cư của đồng bào dân tộc Thái được phân bổ trên địa bàn một số địa phương (3). Huyện Tân Uyên có 3 bản tái định cư thuộc xã Tà Mít: bản Chom Trên có 100 hộ/ 556 nhân khẩu; bản Chom Dưới 31 hộ/ 175 nhân khẩu; bản Nậm Khăn có 122 hộ/637 nhân khẩu. Huyện Than Uyên có tổng số hộ phải di chuyển là 2.179hộ/14.247 khẩu, trong đó có 51 điểm tái định cư nằm trên địa bàn 8 xã (Khoen On; Ta Gia: Tà Mung; Mường Kim; Mường Mít; Phúc Than; Tà Hừa; Mường Cang). Huyện Nậm Nhùn có tổng số 4 xã/ 22 bản tái định cư: xã Lê Lợi 7 bản/311 hộ; xã Nậm Hàng 3 bản/508 hộ; thị trấn Nậm Nhùn 4 bản; xã Mường Mô 8 bản/550 hộ. Thị trấn Phong Thổ, thuộc huyện Phong Thổ có tổng số 924 nhân khẩu tại các khu tái định cư.

Nhìn chung, cơ sở hạ tầng các khu tái định cư được quy hoạch xây dựng mới. Hệ thống đường giao thông được bê tông hóa đến từng thôn/bản, 100% các hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, 100% được sử dụng nước hợp vệ sinh. Những công trình thiết yếu như: nhà văn hóa, trường học, điện, nước được đầu tư xây dựng mới. Chính quyền địa phương cũng đã quan tâm đào tạo chuyển đổi ngành nghề cho các hộ nông nghiệp, phi nông nghiệp, nhất là các hộ nông nghiệp bị mất đất sản xuất.

Đời sống văn hóa ở khu tái định cư không ngừng được cải thiện, hầu hết các thôn/bản đều có đội văn nghệ riêng. Theo định kỳ hằng năm, chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật nhằm thu hút thế hệ trẻ có niềm đam mê nghệ thuật dân vũ trong cộng đồng tham gia, qua đó góp phần nâng cao nhận thức trong việc giữ gìn di sản văn hóa của dân tộc mình. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đã tích cực tuyên truyền cho người dân về đời sống văn hóa mới, những hủ tục lạc hậu, từng bước được xóa bỏ, thay vào đó là thực hiện lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh. Các tiêu chí “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” đã được triển khai có hiệu quả tại khu tái định cư.

3. Vấn đề bảo tồn, phát huy nghệ thuật xòe Thái ở khu tái định cư

Di dân tái định cư mở ra những triển vọng mới góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, nhưng cũng đặt ra nhiều khó khăn thách thức trong việc gìn giữ các giá trị của di sản văn hóa truyền thống. Số liệu báo cáo về nghệ thuật xòe Thái của Phòng Văn hóa Thông tin huyện Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ, Nậm Nhùn như sau (4):

Huyện Tân Uyên còn lưu giữ được 6 điệu múa xòe cổ như: khăm khen (xòe cầm tay), phá xí (bổ bốn), khắm khăn mơi lẩu (cầm khăn mời rượu), đổn hôn (điệu tiến, lùi), nhôm khăn (tung khăn), ỏm lọm tốp mư (vòng xòe vỗ tay). Những điệu xòe cổ này được các nghệ nhân coi là gốc, là khởi nguồn của các điệu xòe khác, bởi nó thể hiện đầy đủ nghệ thuật dân vũ của người Thái, do đó, cả 6 điệu xòe này vẫn đang được nhân dân duy trì.

Huyện Than Uyên còn lưu giữ được một số điệu múa: xòe Then, xòe tung khăn, xòe hoa nở, xòe chọi gà, xòe quát bó héo, xòe phá má hính, xòe sập sa, xòe sam. Một số điệu múa xòe đã bị mai một như: xòe gặt lúa, xòe bật bông, xòe đi lấy củi, xòe bắt bướm, xòe khắt lải, xòe Tẻo lăn.

Huyện Nậm Nhùn, một số điệu múa xòe đang có nguy cơ bị mai một, ít được trình diễn trong đời sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng như: xòe nghi lễ (lễ cúng của Thầy Then), xòe khăn, xòe nón, xòe quạt, xòe sạp, xòe nhạc, xòe gậy… Hiện nay, đồng bào dân tộc Thái ở các bản tái định cư chỉ tổ chức múa xòe vòng vào các dịp liên hoan văn nghệ, lễ hội, sự kiện văn hóa cộng đồng.

Huyện Phong Thổ (5) còn lưu giữ được 14 điệu múa xòe cổ, trong đó 8 tiết mục xòe vẫn được trình diễn trong cộng đồng: xe ok nả (xòe ra mắt) bài này có bài hát tập thể trước khi xòe; xe tsinh tắng (xòe tranh ghế ngồi); xe phắng mak hính (xòe lắng nghe nhạc chuông); xe phi khăn (xòe vung khăn); xe ma kin chương (xòe cho chó ăn); xe chao căn (xòe chào nhau), bài này có bài hát tập thể trước khi xòe; xe quát bok héo đôi (xòe gạt hoa héo đôi); xe manh bở (xòe con bướm). Một số điệu múa ít được trình diễn như: Khóa hong lôt, Đỉn tiếng, Huổi co khếp, Ma kin chiêng, Phăng má hính, Phảu chơng cang, Nằm nằm sắy, Đỏn đỏn khóng, Pí bó phay, Táng táng chơng, Đỏi điêu đang, Phảu chơng cang, Chon bở, Khắm khen căn đỉn.

Từ những phân tích trên cho thấy, vấn đề bảo tồn, thực hành nghệ thuật xòe Thái tại các thôn/bản tái định cư đang gặp phải những khó khăn, thách thức bởi quá trình biến đổi về môi trường, không gian sống đã tác động đến nhận thức của người dân, sùng bái các giá trị văn hóa ngoài cộng đồng, thờ ơ với di sản văn hóa truyền thống dân tộc, dẫn đến nhiều điệu múa xòe cổ đang dần bị mai một, ít được thực hành trong cộng đồng.

Di dân tái định cư đã làm gia tăng mức độ xen kẽ giữa các dân tộc, tạo nên sự đa dạng bản sắc văn hóa, nhưng cũng tạo ra xu hướng đồng hóa tự nhiên về văn hóa, làm mai một văn hóa truyền thống. Do ảnh hưởng của lực lượng lao động đến từ các vùng miền khác nhau đã tác động không nhỏ đến lối sống, phong tục tập quán, nét đặc trưng sinh hoạt văn hóa của cư dân bản địa. Nhiều gia đình trẻ chịu ảnh hưởng của yếu tố văn hóa ngoại lai, xa rời văn hóa truyền thống dân tộc, trong đó có nghệ thuật xòe Thái.

Phần lớn khu tái định cư có địa hình dốc, đất ở và sản xuất nông nghiệp có địa hình bậc thang, diện tích nhỏ hơn nơi ở cũ… đã làm ảnh hưởng đến tập quán sản xuất nông nghiệp, dẫn đến nhiều hộ gia đình trẻ thoát ly khỏi địa phương, đi làm ăn xa. Khi chất lượng đời sống không đảm bảo cũng đã tác động đến nhận thức của người dân đối với di sản văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, số lượng nghệ nhân am hiểu các điệu múa xòe cổ đang có chiều hướng suy giảm do tuổi cao sức yếu, hoặc đã mất, còn thế hệ trẻ chỉ chú trọng phát triển kinh tế, xa rời văn hóa truyền thống… đang là những khó khăn, thách thức trong việc gìn giữ, trao truyền vốn di sản quý báu cho thế hệ kế tiếp. Trong tương lai không xa, nếu không có cơ chế chính sách thỏa đáng thì loại hình nghệ thuật dân vũ truyền thống có nguy cơ bị mai một, hoặc biến dạng là điều không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, vấn đề quy hoạch, phân bố vị trí các ngôi nhà trong tương quan với không gian thôn/bản tái định cư chưa phù hợp, thân thiện với môi trường, nhà ở không gần rừng, xa nguồn nước, kiến trúc nhà sàn mái tôn, cột bê tông, chia lô giống như phố ở miền xuôi… đã làm mai một nhiều phong tục, tập quán, nghi lễ truyền thống, các hoạt động văn hóa cộng đồng gắn với nghệ thuật dân vũ truyền thống.

Ông Lâm Văn Điện – nghệ nhân ưu tú ở xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn cho biết, về cơ bản, nhiều điệu múa xòe cổ vẫn được lưu giữ trong cộng đồng, tuy nhiên, do thay đổi môi trường sống từ nơi ở cũ đến nơi ở mới (khu tái định cư) đã làm ảnh hưởng phần nào đến đời sống sinh hoạt văn hóa. Chẳng hạn, trước đây đồng bào dân tộc Thái thường tổ chức múa xòe vòng ở bãi đất rộng, mọi người nắm tay nhau thành nhiều vòng tròn với số lượng người tham gia đông đảo, thì hiện nay, mọi người tổ chức trong sân nhà văn hóa của thôn/bản với số lượng người tham gia hạn chế. Hoặc như trong lễ mừng nhà mới, những người đến dự hát chúc chủ nhà có nơi ở tốt, chủ nhà khiêm tốn đáp lại rằng nhà sập sệ, không chắc chắn; tức thì mọi người cùng nắm tay nhau vào múa vòng xòe, dậm chân thật mạnh để chứng minh nhà này rất chắc, nhiều người nhảy múa mà không bị sập, không bị nghiêng, thì hiện nay điệu múa trên ít được trình diễn bởi phần lớn nhà ở các hộ dân khu tái định cư được xây bằng bê tông kiên cố như dưới xuôi.

4. Giải pháp và khuyến nghị

Thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã tích cực triển khai nhiều chương trình, dự án nằm trong “Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Lai Châu giai đoạn 2013 – 2020, định hướng đến 2030”, trong đó công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống nói chung, nghệ thuật xòe Thái nói riêng đặc biệt được quan tâm. Tính đến nay, trên 90% thôn/bản tái định cư của đồng bào dân tộc Thái thành lập đội văn nghệ, đây là những tổ chức nòng cốt góp phần quan trọng gìn giữ nghệ thuật xòe Thái. Tuy nhiên, yếu tố kinh tế thị trường, vấn đề biến đổi môi trường và không gian sống đã tác động tiêu cực đến nhận thức, phong tục, tập quán, tín ngưỡng gắn với nghệ thuật dân vũ truyền thống. Từ những vấn đề đặt ra trong thực tiễn, chúng tôi đề xuất định hướng giải pháp – khuyến nghị như sau:

Về giải pháp:

Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền từ trung ương xuống địa phương và nêu cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ, gìn giữ các giá trị di sản nghệ thuật xòe Thái trong đời sống. Tỉnh Lai Châu chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương làm tốt công tác khuyến nông, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp đối với các hộ gia đình thiếu đất sản xuất, đặc biệt ưu tiên phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống. Khi đời sống sinh kế ổn định, người dân sẽ nâng cao nhận thức gìn giữ những giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Xây dựng bộ chỉ số đánh giá thực trạng đời sống kinh tế, xã hội, nghi lễ, tín ngưỡng gắn với nghệ thuật dân vũ tại thôn/bản tái định cư ở các huyện Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ, Nậm Nhùn nhằm đánh giá sự tác động hai chiều đến loại hình nghệ xòe Thái. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa dân ca, dân vũ, dân nhạc trong cộng đồng để có hướng bảo tồn, phát huy có hiệu quả trong đời sống.

Xây dựng một số thôn/bản được quy hoạch, thiết kế theo hướng truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, trong đó còn lưu giữ được những phong tục, tập quán, tín ngưỡng gắn bó mật thiết với nghệ thuật múa xòe. Đây là mô hình điểm để thu hút khách du lịch cộng đồng, hướng đến phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương, thân thiện môi trường, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của di sản xòe Thái.

Có chính sách xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp sưu tầm, nghiên cứu và truyền dạy nghệ thuật múa xòe. Quan tâm đào tạo lớp trẻ có niềm đam mê, gắn bó lâu dài với nghệ thuật múa xòe. Rà soát, có chính sách đãi ngộ với những người có công lưu giữ, truyền dạy nghệ thuật múa xòe trong cộng đồng.

Khuyến khích các thày cúng tiếp tục truyền nghề cho thành viên gia đình, nối nghiệp dòng họ làm nghề Then và truyền dạy múa xòe trong gia đình; khuyến khích các nghệ nhân dân gian trong cộng đồng có công sưu tầm, truyền dạy cho con cháu trong gia đình và thôn bản. Khuyến khích thành lập các CLB nghệ thuật dân tộc nhằm thu hút thế hệ trẻ tham gia, góp phần nâng cao nhận thức, niềm đam mê đối với di sản văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Một số khuyến nghị:

Đưa nghệ thuật xòe Thái vào chương trình ngoại khóa giảng dạy trong nhà trường nhằm bảo tồn loại hình nghệ thuật này một cách lâu dài, bền vững. Kiểm kê số lượng nghệ nhân, số lượng nhạc cụ sử dụng trong các điệu múa xòe, cách thức trình diễn nghệ thuật múa xòe tại các thôn/bản tái định để có kế hoạch bảo tồn và phát huy có hiệu quả trong đời sống.

Chú trọng giáo dục truyền thống lịch sử và truyền thống cách mạng cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Thực hiện các hình thức tôn vinh các nghệ sĩ, nghệ nhân tiêu biểu và có cơ chế chính sách để các nghệ nhân phổ biến, truyền dạy nghề. Thực hiện tốt công tác xã hội hóa nhằm thu hút được đông đảo các tổ chức và cá nhân tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Tuyên truyền, lồng ghép các chương trình thông tin lưu động, phổ biến đến đồng bào, đặc biệt là thế hệ trẻ nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ, gìn giữ giá trị nghệ thuật dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của dân tộc.

Tổ chức định kỳ sự kiện văn hóa – thể thao gắn với cuộc thi nghệ thuật xòe Thái tại các khu tái định cư; khôi phục các môn thể thao truyền thống như môn tó má lẹ, ném còn và các trò chơi dân gian. Đây là cơ hội để chính quyền địa phương, ngành văn hóa học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về công tác bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống.

_____________

1. Ngô Đức Thịnh, Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa Việt Nam, Nxb Trẻ, 2004, tr.64.

2. cdmuavn.edu.vn

3, 4. Số liệu của Phòng Văn hóa – Thông tin các huyện: Phong Thổ, Tân Uyên, Than Uyên, Nậm Nhùn, 2019.

5. Số liệu nghệ thuật xòe Thái của nghệ nhân Điêu Văn Thuyên, năm 2019.

Tác giả: Nguyễn Mạnh Cường

Nguồn: Tạp chí VHNT số 430, tháng 4-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *