Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng ATK Tân Trào, Định Hóa, Chợ Đồn nhìn từ cộng đồng


     ​​​​​​​Các di tích lịch sử cách mạng là tài sản quý giá của di sản văn hóa dân tộc Việt Nam, có vai trò lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân. Để các di tích lịch sử cách mạng được bảo tồn và phát huy, cộng đồng cần làm tốt vai trò to lớn của mình. Các di tích lịch sử cách mạng chỉ phát huy hết giá trị khi nó được cộng đồng chăm lo, gìn giữ, vì di sản văn hóa xuất phát từ cộng đồng và trở lại phục vụ cộng đồng. Chỉ có dựa vào sức mạnh của cộng đồng trên cơ sở: tự nguyện, đồng thuận, bình đẳng, cùng có lợi, thì công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng mới có thể đạt được hiệu quả cao, nhất là trong điều kiện hiện nay, nhằm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

     Đối với công tác tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng ATK như Tân Trào (Tuyên Quang), Định Hóa (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Kạn), cộng đồng có vai trò rất lớn. Bởi bản thân cộng đồng chính là những người thụ hưởng lợi ích từ quá trình khai thác và phát huy giá trị những di sản văn hóa này. Giá trị của di sản văn hóa được cộng đồng khai thác để phát triển thành các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu của đông đảo nhân dân và khách du lịch. Trong trường hợp này, cộng đồng chính là chủ thể tạo nên giá trị trong những sản phẩm và góp phần làm đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ tại các điểm du lịch.

 

Đình Tân Trào tại Khu di tích lịch sử Tân Trào, Tuyên Quang – Ảnh tư liệu

 

     Xác định vai trò quan trọng của cộng đồng trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn Tân Trào (Tuyên Quang), Định Hóa (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Kạn) là một việc làm thiết thực, nhiệm vụ lâu dài của các cấp, các ngành đoàn thể, Ban quản lý các di tích. Cụ thể, Ban quản lý các di tích đã tiến hành thâm nhập thực tế vào đời sống cộng đồng thông qua việc khảo sát, lập hồ sơ di tích, qua đó tích cực thực hiện nhiều đợt tuyên truyền giới thiệu cho nhân dân sinh sống trong khu vực di tích. Qua các đợt nghiên cứu, sưu tầm hiện vật trong cộng đồng các cán bộ của Ban quản lý thực hiện phối hợp với cán bộ văn hóa các huyện, xã tuyên truyền, giới thiệu về tiềm năng, giá trị của di tích đến cộng đồng địa phương, qua đó nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo tồn di tích. Bên cạnh đó, Ban quản lý cũng tiến hành tham khảo rộng rãi ý kiến của cộng đồng trong việc bảo vệ, bảo tồn di sản, tạo sự đồng thuận cao của cộng đồng trong thực hiện công tác này. Các quy định, quy chế bảo tồn di tích lịch sử cách mạng phải được phổ biến rộng rãi, được cộng đồng hiểu và chấp nhận, từ đó mới nâng cao nhận thức của họ trong công tác bảo vệ, bảo tồn di tích.

     Đối với việc khai thác và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng ATK: Tân Trào (Tuyên Quang), Định Hóa (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Kạn), cộng đồng đóng vai trò then chốt và là nguồn nhân lực chính tham gia vào công tác này. Qua khảo sát trong những năm qua, cộng đồng đã tham gia tích cực vào công tác này, góp phần giảm gánh nặng về ngân sách cho Nhà nước, đồng thời tăng cường sự hiện diện của Nhà nước trong việc định hướng cho cộng đồng tham gia vào lĩnh vực khai thác và phát huy giá trị di tích. Trong đó, mô hình quản lý mang tính chất cộng đồng tự quản và gia đình tự quản về di tích được thực hiện tương đối phổ biến và mang lại hiệu quả quản lý cao. Trong thời gian qua, tại các di tích lịch sử cách mạng ATK: Tân Trào (Tuyên Quang), Định Hóa (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Kạn) hoạt động khai thác, phát huy giá trị các di tích đã thu được nhiều kết quả khả quan: di tích ATK Tân Trào: năm 2010 đón 350.000 lượt khách, năm 2014 đón 600.000 lượt khách, năm 2015 đón 650.000 lượt khách, năm 2016 đón 700.000 lượt khách tham quan (1); di tích ATK Định Hóa: năm 2010 đón trên 2.400 đoàn và khách tự do với 580.000 lượt khách, năm 2011 đón trên 2.878 đoàn và khách tự do với trên 581.000 lượt khách, năm 2012 đón trên 2.980 đoàn và khách tự do với trên 624.000 lượt khách, năm 2013 đón trên 2.757 đoàn và khách tự do với trên 564.989 lượt khách, năm 2014 đón trên 3.000 đoàn và khách tự do với trên 672.000 lượt khách, năm 2015 đón trên 2.840 đoàn và khách tự do với trên 691.840 lượt khách, năm 2016 đón trên 2.980 đoàn và khách tự do trên 667.000 lượt khách (2)…

     Ở khía cạnh du lịch, khi nói đến các di tích lịch sử cách mạng ATK: Tân Trào (Tuyên Quang), Định Hóa (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Kạn) không thể không nhắc đến vai trò của người dân cư trú tại những địa điểm này. Hoạt động du lịch đã tạo ra những cơ hội thúc đẩy người dân nơi đây tham gia vào cung ứng các sản phẩm văn hóa du lịch. Họ là những nhà cung ứng dịch vụ du lịch cho khách tham quan như: nhà nghỉ, ăn uống, quà lưu niệm… Đến đây, khách du lịch được thưởng thức các món ăn dân dã như gà đồi, thịt trâu xào măng chua, cá bống suối, thịt lợn rừng, thịt ngựa, xôi ngũ sắc, cơm lam chấm muối vừng, bánh nếp… với nhiều loại rau thiên nhiên mang đặc trưng núi rừng như: rau bò khai, rau dớn… Ngoài ra, du khách có thể thưởng thức nhiều loại rượu đặc sản tại chỗ như rượu men lá được chưng cất theo bí quyết gia truyền của người địa phương, với vị thơm của gạo và mùi hương của men lá sẽ tạo cho du khách những vị giác mới lạ.

     Điểm nhấn du lịch hấp dẫn du khách nhớ đến các di tích lịch sử cách mạng ATK: Tân Trào (Tuyên Quang), Định Hóa (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Kạn) chính là truyền thống văn hóa đặc sắc của các dân tộc vùng Việt Bắc và cảnh quan nguyên sơ của bản làng. Theo lịch trình vào tháng Tám hằng năm, tại các di tích lịch sử cách mạng ATK: Tân Trào (Tuyên Quang), Định Hóa (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Kạn) có nhiều sự kiện kỷ niệm lớn như: đón các đoàn đại biểu của các bộ, ban, ngành về tri ân nơi khai sinh ra đơn vị, tổ chức mình. Các đoàn hành hương về nguồn, tham quan, tưởng niệm đến các di tích lịch sử cách mạng… Cũng vào thời gian này, tại các địa phương thuộc tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn diễn ra nhiều lễ hội, sự kiện văn hóa lớn (trở thành thương hiệu riêng của vùng căn cứ kháng chiến ATK Việt Bắc) thu hút đông đảo khách tham quan. Mỗi năm có hàng vạn người dân và du khách trong và ngoài nước đổ về các di tích lịch sử cách mạng ATK: Tân Trào (Tuyên Quang), Định Hóa (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Kạn) để được hòa mình vào bản sắc văn hóa các dân tộc nơi đây. Trên cơ sở khai thác bản sắc văn hóa dân tộc vùng văn hóa Việt Bắc, kết hợp với khai thác giá trị của các di tích lịch sử cách mạng, nhiều công ty du lịch tại các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn đã xây dựng thành công tour du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái gắn với tham quan di tích lịch sử cách mạng. Có thể nói đây là một trong những hoạt động nổi bật mà các di tích lịch sử cách mạng ATK như Tân Trào (Tuyên Quang), Định Hóa (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Kạn) cần nắm bắt cơ hội để phát triển, qua đó góp phần tăng cường vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích ATK gắn với cộng đồng các dân tộc nơi đây. Việc tổ chức các hoạt động này góp phần giới thiệu các di tích lịch sử cách mạng ATK: Tân Trào (Tuyên Quang), Định Hóa (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Kạn) đến với du khách trong và ngoài nước về hình ảnh quê hương, con người, đặc biệt là các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống của quê hương cách mạng.

     Như vậy, đối với các di tích lịch sử cách mạng ATK: Tân Trào (Tuyên Quang), Định Hóa (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Kạn), cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di tích. Tuy nhiên, quá trình tham gia của cộng đồng chỉ thật sự mang lại hiệu quả khi có sự tham gia định hướng của Nhà nước. Trong quá trình quản lý di tích, Nhà nước phải đặt cộng đồng là trung tâm của công tác quản lý, đây cũng là một trong những cách tiếp cận mới trong quản lý di tích hiện nay.

_____________

     1. Nguồn: Ban quản lý khu du lịch lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào.

     2. Nguồn: Ban quản lý khu di tích lịch sử sinh thái ATK Định Hóa.

 

Tác giả: Hà Thúy Mai

Nguồn: Tạp chí VHNT số 420, tháng 6-2019

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *