Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng ở tỉnh Thanh Hóa


Di tích lịch sử cách mạng là một bộ phận cấu thành hệ thống các di tích lịch sử – văn hóa, nơi lưu dấu ấn về truyền thống cách mạng vẻ vang của đất nước và con người Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; là bằng chứng sinh động nhất ghi lại những chiến công oanh liệt của dân tộc ta; góp phần tô điểm, làm sáng lên truyền thống yêu nước, đấu tranh vì độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Các di tích lịch sử cách mạng trên quê hương xứ Thanh thể hiện cốt cách, bản lĩnh, trí tuệ và sự hy sinh anh dũng của các thế hệ nhân dân Thanh Hóa trong đấu tranh chống xâm lược của các thế lực ngoại bang. Ngày nay, di tích lịch sử cách mạng không chỉ là nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội, mà còn là tư liệu vô giá trong giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, hình thành và phát triển nhân cách, con người xứ Thanh.

Thanh Hóa là địa phương luôn đồng hành cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Quá trình lịch sử đó để lại cho Thanh Hóa hơn 1.535 di tích, trong đó có 113 di tích lịch sử cách mạng (13 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 53 di tích cấp tỉnh). Hệ thống di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa rất đa dạng, phong phú, gồm có đình, đền, chùa, địa điểm, khu di tích, nhà thờ, nhà lưu niệm, tượng đài,… Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cũng như sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham mưu tích cực của ngành VHTTDL; đặc biệt là sự đồng thuận và chung tay góp sức ủng hộ cả về vật chất, tinh thần của các cơ quan, doanh nghiệp, nhân dân địa phương, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Để quản lý hiệu quả các di tích trên địa bàn tỉnh, năm 1996, Sở Văn hóa Thông tin (nay là sở VHTTDL) đã tham mưu trình tỉnh ban hành Quyết định 1692 “Về quản lý, bảo vệ, sử dụng, khai thác các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng và lễ hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”. Thực hiện các nghị quyết, nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ VHTTDL về thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa… Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở VHTTDL đã công khai quy trình, thủ tục lập hồ sơ xếp hạng, tu bổ, tôn tạo di tích để các ngành, các cấp, nhân dân biết, giám sát, kiểm tra trong chỉ đạo thực hiện. Phần lớn các hồ sơ xếp hạng cũng như tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng đều đảm bảo tính chính xác về tư liệu lịch sử, độ tin cậy khoa học qua các khâu thẩm định. Hằng năm, Sở VHTTDL tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ ở các phòng văn hóa, thông tin các huyện, thị, cán bộ văn hóa, thủ từ tại nhiều di tích ở xã, phường về công tác bảo tồn, phát huy tác dụng di tích. Nhờ đó, việc xâm hại, lấn chiếm di tích nói chung và di tích lịch sử cách mạng nói riêng được ngăn chặn kịp thời. Nhiều di tích lịch sử cách mạng và các lễ hội văn hóa, các hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn gắn liền với di tích cách mạng được tổ chức như: chiến khu du kích Ngọc Trạo, khu di tích Hàm Rồng; di tích Bác Hồ tại rừng thông Yên Trường, khu văn hóa tưởng niệm Bác Hồ thành phố Thanh Hóa, khu di tích lưu niệm đồng chí Lê Hữu Lập… Đây là những địa chỉ tham quan, học tập có sức hấp dẫn đối với nhân dân Thanh Hóa cũng như nhiều đoàn đại biểu, du khách trong và ngoài nước. Một số địa phương tiêu biểu đã làm tốt việc bảo tồn, tôn tạo, khôi phục và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng như: Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, Bỉm Sơn, Yên Định, Hậu Lộc, Thạch Thành, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Quan Hóa…

Do tính chất đặc thù của loại hình di tích lịch sử cách mạng, lại chịu nhiều tác động của điều kiện tự nhiên và sự quản lý lỏng lẻo của một số cơ quan chức năng cũng như sự thờ ơ của người dân với di tích trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, dẫn đến một số di tích đang bị hư hại, xuống cấp và thậm chí bị xuống cấp trầm trọng. Bên cạnh đó, áp lực từ sự phát triển kinh tế và tốc độ đô thị hóa ở các huyện, thành phố, thị xã đặt ra cho công tác bảo tồn và phát huy di tích lịch sử cách mạng những thách thức không nhỏ. Nhằm bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh, cần thực hiện tốt một số biện pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường quản lý nhà nước đối với các di tích lịch sử cách mạng. Đảng bộ, UBND tỉnh Thanh Hóa cần có sự đánh giá nghiêm túc, tổng thể về vị thế và tình hình quản lý các di tích. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền về bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho cán bộ và đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh Hóa. Sở VHTTDL, Ban Quản lý di tích – danh thắng Thanh Hóa cần có những đề xuất cụ thể về biện pháp quản lý phù hợp đối với từng di tích. Xây dựng cơ chế quản lý phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành với cộng đồng cư dân nơi di tích tồn tại. Đặc biệt, chú ý đến vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích; đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm, xâm hại đối với các di tích lịch sử cách mạng.     

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị của các di tích lịch sử cách mạng bằng nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt chú ý tới các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện nay, Đài Phát thanh và truyền hình Thanh Hóa, một số website, cổng thông tin điện tử… đã giới thiệu các di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu của tỉnh, được độc giả quan tâm, hưởng ứng. Tuy nhiên, cần chú trọng phát huy hoen nữa vai trò của hệ thống thông tin đại chúng, đặc biệt là thông qua các website, công thông tin điện tử, mạng xã hội để tuyên truyền, giáo dục kiến thức về Luật Di sản văn hóa đến từng người, từng gia đình và toàn thể cộng đồng chung tay, góp sức bảo vệ và làm đẹp di tích. Tiếp tục mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác di tích ở các địa phương, đặc biệt là những di tích lịch sử cách mạng trọng điểm.

Ba là, tổ chức tốt những hoạt động văn hóa tại các di tích lịch sử cách mạng như: tri ân, lễ kỷ niệm, dâng hương, dâng hoa, báo công… Các đoàn thể, tổ chức, nhà trường tại địa phương cần tổ chức cho các hội viên, đoàn viên, học sinh, sinh viên đến tham quan, nghiên cứu, học tập, tưởng niệm, tổ chức sinh hoạt truyền thống về các sự kiện cách mạng đã diễn ra tại di tích. Đẩy mạnh việc biên soạn và đưa vào chương trình giáo dục nội dung lịch sử địa phương, lịch sử cách mạng trong các nhà trường phổ thông; gắn kết giữa bài giảng với các hình thức tham quan, ngoại khóa, học tập tại các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh cũng như trên phạm vi cả nước. Qua đó, làm cho các di tích lịch sử cách mạng trở thành địa điểm thăm viếng, gặp gỡ, giao lưu; là trường học lớn để rèn luyện, giáo dục truyền thống cách mạng, góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần tự tôn dân tộc, ý thức, lý tưởng, bản lĩnh chính trị cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trên quê hương xứ Thanh.

Bốn là, tiếp tục thực hiện việc lập hồ sơ khoa học cho các di tích lịch sử cách mạng. Làm tốt công tác rà soát, bổ sung, chỉnh lý hồ sơ khoa học – pháp lý cho các di tích. Tiếp tục khảo sát, nghiên cứu, sưu tầm và bổ sung thông tin cho các hồ sơ này, sưu tầm các di vật, hiện vật có liên quan trực tiếp đến di tích để làm tăng thêm sự hấp dẫn đối với công chúng. Đối với những di tích đã bị thay đổi hoàn toàn, phải tiến hành tư liệu hóa dưới dạng ghi chép thành văn bản, ghi âm, quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn các nhân chứng…

Năm là, nâng cao chất lượng công tác chuyên môn tại các di tích lịch sử cách mạng, như: hoàn thiện việc đặt bia, biển chỉ dẫn, nghiên cứu và xây dựng không gian, cảnh quan phù hợp, có tính khoa học, nghệ thuật để tăng giá trị của di tích, tạo điều kiện thuận lợi cho công chúng khi đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu. Nội dung trưng bày của di tích cách mạng phải bảo đảm tính hấp dẫn đối với công chúng. Xây dựng nội dung trưng bày, thuyết minh, tái hiện sinh động các sự kiện cách mạng. Nâng cao trách nhiệm, năng lực, thái độ phục vụ khách tham quan của đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ nhân viên thuyết minh, hướng dẫn tại các di tích.

Sáu là, sử dụng các biện pháp và hình thức phù hợp nhằm tạo sự hấp dẫn cho các di tích; gắn bảo tồn với phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng trong phát triển du lịch tại địa phương. Kết hợp chặt chẽ với ngành Du lịch trong và ngoài tỉnh để xây dựng nhiều chương trình, các tour đến với các di tích lịch sử cách mạng.

Di tích lịch sử cách mạng là bộ phận quan trọng làm nên bản sắc văn hóa dân tộc, là tinh hoa và sắc thái văn hóa của mỗi địa phương, mỗi vùng miền. Bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh hiện nay không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cấp ủy đảng, chính quyền, mỗi ngành, mà của toàn xã hội; góp phần bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc để xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày càng giàu mạnh.

Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Hoa

Nguồn: Tạp chí VHNT số 430, tháng 4-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *