Dinh Sơn Trung (còn gọi là dinh Quản Cơ) tọa lạc tại xã Vĩnh An, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, là nơi tưởng nhớ công lao của Quản cơ Trần Văn Thành, người đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Láng Linh – Bảy Thưa, chống thực dân Pháp từ năm 1867 – 1873. Di tích này đã được Bộ VHTTDL công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Dinh Sơn Trung từ lâu đã đi vào tâm thức, quen thuộc với nhiều người dân An Giang, cũng như người dân Tây Nam Bộ.
Quản cơ Trần Văn Thành, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Láng Linh – Bảy Thưa
Quản cơ Trần Văn Thành (còn gọi là Đức Cố), sinh năm 1818, tại ấp Bình Phú, làng Bình Thạnh Đông, tổng An Lương, quận Châu Phú Hạ, tỉnh Châu Đốc (nay là xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), trong một gia đình trung nông. Ông tham gia quân đội năm 1840 tại tỉnh An Giang. Nhờ có tài văn võ, ông được tuyển dụng làm chức suất đội chỉ huy 50 binh sĩ. Từ đó, ông theo các tướng lĩnh nhà Nguyễn như: Nguyễn Tiến Lâm, Trương Minh Giảng, Lê Văn Đức, Nguyễn Công Trứ… đánh bại quân xâm lược Xiêm La. Do lập được nhiều chiến công, ông được thăng chức từ suất đội lên chánh quản cơ vào năm 1845, chỉ huy 500 binh lính đóng tại thành Châu Đốc. Trong Lịch sử khẩn hoang miền Nam, tác giả Sơn Nam viết: “Trần Văn Thành từng tham gia những trận chống quân xâm lược Xiêm, đời Thiệu Trị. Qua đời Tự Đức, thấy sự áp bức của vua quan, ông trở thành tín đồ của Đoàn Minh Huyên, bấy lâu nổi danh với tài trị bệnh, cải cách Phật giáo, bỏ những nghi thức rườm rà, nhằm huy động nông dân chống lại phong kiến” (1).
Ngày 22 – 6 – 1867, quân đội Pháp chiếm thành Châu Đốc (tỉnh An Giang ngày nay). Không khuất phục giặc, Quản cơ Trần Văn Thành huy động lực lượng về địa bàn Láng Linh – Bảy Thưa để xây dựng căn cứ. Lúc bấy giờ, ông đã tổ chức các đội quân, đặt bộ chỉ huy tại trung tâm Láng Linh – Bảy Thưa, dựng đồn lũy, trạm canh gác với phạm vi rất rộng, số lượng nghĩa quân chống Pháp lên đến hơn 1.200 người. Tại đây, ông còn xây dựng hệ thống đồn phòng vệ, có cả lò rèn đúc súng đạn, sản xuất khí giới, tích trữ lương thực cho cuộc chiến lâu dài. Đội quân của ông được trang bị gọn, nhẹ với dao găm, kiếm, súng điểu thương; tác chiến theo lối du kích, đột kích. Thời gian này, ông còn phối hợp với nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực kháng Pháp trong vùng Tứ giác Long Xuyên, gây cho đối phương nhiều tổn thất.
Lúc bấy giờ, căn cứ địa Láng Linh – Bảy Thưa là một cái gai nhọn trong mắt thực dân Pháp. Nhiều lần chúng đưa quân tấn công nhưng đều thất bại vì không chịu nổi cách đánh du kích của nghĩa quân cùng với sự giúp sức của địa lợi. Trước tình hình đó, chúng tìm mọi cách để mua chuộc ông, nhưng với tấm lòng son sắt với đất nước, nhân dân nên ông quyết không hợp tác. Sau nhiều lần chiêu dụ không thành, thực dân Pháp huy động binh lính ở Long Xuyên, Châu Đốc, Cần Thơ… tấn công nhiều hướng vào căn cứ Láng Linh – Bảy Thưa từ ngày 19 đến 20 – 3 – 1873. Quản cơ Trần Văn Thành trực tiếp chỉ huy nghĩa quân chiến đấu anh dũng. Trong trận càn quét quy mô này, thực dân Pháp không bắt được ông, từ đó không ai còn nghe thấy tin tức của ông nữa.
Cuộc khởi nghĩa Láng Linh – Bảy Thưa kéo dài 6 năm (1867 – 1873). Thực dân Pháp dốc toàn lực kiên quyết tiêu diệt Quản cơ Trần Văn Thành cùng nghĩa binh, chúng càn quét nghĩa binh từ nhiều hướng với vũ khí tối tân, lực lượng hùng hậu. Nghĩa binh không hề chùn chân, run sợ trước súng đạn kẻ thù. Dù nghĩa quân trên dưới một lòng quyết tâm chống giặc, chiến đấu với tinh thần yêu nước nhưng với giáo mác, vũ khí thô sơ nên cuộc khởi nghĩa bị đàn áp đẫm máu. Cuộc khởi nghĩa Láng Linh – Bảy Thưa là một cuộc chiến đấu bất khuất đã chứng tỏ tinh thần kiên trì, bền bỉ, dũng cảm của nhân dân An Giang nói riêng, Tây Nam Bộ nói chung.
Lịch sử xây dựng dinh Sơn Trung
Năm 1879, nhân dân địa phương đã xây dựng dinh Sơn Trung để tưởng nhớ vị anh hùng của dân tộc Quản cơ Trần Văn Thành cùng với nghĩa binh Láng Linh – Bảy Thưa đã anh dũng đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược, bảo vệ đất nước. Dinh nằm trên một gò cao, thoáng đãng. Trước dinh là cánh đồng Láng Linh bao la, thẳng tắp. Từ đây, phóng tầm mắt ra xa có thể nhìn thấy núi Két, núi Voi, núi Bà Đội… của dãy núi Thất Sơn. Dinh bị thực dân Pháp đốt vào năm 1913, 1948. Đến năm 1952, nhân dân quanh vùng đóng góp tiền của, công sức xây dựng lại dinh lần thứ ba. Từ năm 1955 – 1975, Sơn Trung là cơ sở cách mạng của xã, nơi tiếp tế cho cán bộ cách mạng hoạt động. Năm 2004, dinh tiếp tục được trùng tu, ngày càng khang trang, khởi sắc.
Cấu trúc xây dựng của dinh Sơn Trung khá đơn giản, gồm: khu chính điện là nơi thờ cúng Quản cơ Trần Văn Thành, bàn thờ tổ quốc, bàn thờ các anh hùng liệt sĩ. Đặc biệt, bàn thờ Quản cơ Trần Văn Thành có treo thanh bảo kiếm nặng 7kg bằng thép đen của ông. Cạnh đó là đầu mũi chiến thuyền, nơi ngài đứng điều quân đốc chiến. Trong nội thất, các hương án, bài vị, hoành phi, liễn đối đều được chạm khắc công phu sắc nét, sơn son thếp vàng. Các bàn thờ trong chính điện đều trang trí các tranh sơn thủy về cảnh làng quê sông nước. Phía bên trái, bên phải chính điện là Đông Lan, Tây Lan, hai nơi để cho khách tham quan nghỉ ngơi. Phía sau dinh 200m là di tích lò rèn Bảy Thưa, được phục chế, mô phỏng, tái hiện hình ảnh sản xuất, chế tạo vũ khí ngay tại vị trí cũ. Trong quá trình thi công, người ta thấy rất nhiều xỉ sắt, là dấu vết của lò rèn ngày trước. Điểm nhấn là cụm tượng Quản cơ Trần Văn Thành, 4 nghĩa binh đang ra sức rèn đúc khí giới cho nghĩa binh. Ngoài ra, dinh còn có đền Long thờ Lạc Long Quân, đền Phụng thờ Âu Cơ, đền thờ Tổ quốc, thờ Bác Hồ ở giữa.
Năm 1986, dinh Sơn Trung được Bộ VHTTDL công nhận là di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia. Năm 2003, nhân kỷ niệm 130 năm ngày Quản cơ Trần Văn Thành hy sinh, UBND huyện Châu Phú (An Giang) đã quyết định lấy ngày 21 – 2 âm lịch hằng năm là ngày lễ hội văn hóa truyền thống của huyện. Người dân kiêng kỵ, không gọi ngày giỗ vì anh hùng dân tộc Trần Văn Thành chỉ vắng bóng mà thôi. Đây là một lễ hội truyền thống văn hóa lịch sử, tâm linh của địa phương, được tổ chức rất trọng thể với nhiều hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ, các trò chơi dân gian.
Năm 2019, lễ tưởng niệm Quản cơ Trần Văn Thành cùng nghĩa quân còn có nhiều hoạt động sôi nổi như: thi tìm hiểu về lịch sử cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa – Láng Linh; cuộc đời sự nghiệp của Quản cơ Trần Văn Thành trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp; lòng yêu nước, chiến đấu của nghĩa binh Láng Linh – Bảy Thưa; trưng bày nhiều hiện vật cuộc khởi nghĩa chống Pháp Bảy Thưa – Láng Linh nổi tiếng của khu vực ĐBSCL; triển lãm ảnh nghệ thuật di sản văn hóa Việt Nam; biểu diễn lân sư rồng, trò chơi dân gian, cải lương, ca cổ tài tử… Những hoạt động này nhằm nhắc nhở nhân dân về lòng yêu nước, luôn ghi nhớ công lao, sự hy sinh to lớn của Quản cơ Trần Văn Thành, nghĩa binh Láng Linh – Bảy Thưa đã hết lòng chống thực dân Pháp cứu nước.
Kế thừa, phát huy truyền thống yêu nước của Quản cơ Trần Văn Thành, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược, nhân dân An Giang nói riêng, Nam Bộ nói chung đã một lòng theo Đảng đánh giặc, kiên cường, bất khuất, vượt qua muôn ngàn gian khổ, không sợ hy sinh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước.
Phát huy giá trị di tích lịch sử dinh Sơn Trung trong thời kỳ hội nhập hiện nay
Dinh Sơn Trung đã trở thành biểu tượng hết sức tự hào của tỉnh An Giang, cũng như của Tây Nam Bộ, mỗi năm đón hàng ngàn khách trong, ngoài nước viếng thăm. Nơi đây đã thực sự là địa chỉ đỏ trong công tác giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước, cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Để di tích này là điểm đến hấp dẫn của du khách bốn phương, các ngành chức năng của địa phương cần có một số giải pháp trước mắt, lâu dài.
Thứ nhất, quan tâm, có kế hoạch nghiên cứu đầy đủ, toàn diện về thực trạng của dinh Sơn Trung, trên cơ sở đó tiến hành công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của di tích gắn với phát triển du lịch của địa phương.
Thứ hai, xây dựng cơ chế chính sách nhằm huy động, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào việc bảo tồn, phát huy giá trị dinh Sơn Trung. Khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp đóng góp kinh phí, vật chất, nhân công cho việc trùng tu di tích, trang thiết bị phù hợp để sử dụng trong di tích.
Thứ ba, nghiên cứu để xây dựng chính sách quản lý, sử dụng các nguồn tài chính tại dinh Sơn Trung (tiền công đức, tiền tài trợ…) theo nguyên tắc công khai, minh bạch, khoa học, có hiệu quả. Ban quản lý khu di tích thường xuyên báo cáo cho các cơ quan quản lý về số lượng, mục đích sử dụng kinh phí đóng góp của người dân.
Thứ tư, tăng cường, đẩy mạnh việc giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về khu di tích, vai trò của người dân địa phương với việc bảo tồn, phát huy các giá trị của dinh Sơn Trung trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Bên cạnh đó, thường xuyên bồi dưỡng kiến thức về văn hóa, ứng xử cho cộng đồng dân cư địa phương, có thái độ ân cần, niềm nở, thân thiện với khách, phải coi mỗi người khách đến với di tích như người địa phương.
Thứ năm, khai thác thế mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, báo, đài, internet…) để đẩy mạnh quảng bá giới thiệu về dinh Sơn Trung. Kết nối các di tích, danh thắng, điểm du lịch trong huyện, tỉnh thành các tour khép kín; mở rộng khai thác đối tượng là các học sinh, sinh viên nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ.
Thứ sáu, tích cực đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên tại di tích dinh Sơn Trung có chuyên môn sâu, có tinh thần trách nhiệm cao để làm tốt việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của dinh. Đặc biệt, có chính sách trợ cấp cho người trực tiếp trông coi, quản lý di tích. Đồng thời, có chính sách cụ thể để khen thưởng, tôn vinh những người có công bảo vệ, phát huy giá trị của di tích.
Thứ bảy, cần sự hợp lực từ nhiều phía: nhà nước, doanh nghiệp, ban quản lý di tích, cộng đồng địa phương. Tập trung xây dựng cơ chế chính sách để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư khai thác di tích để phát triển du lịch.
Hy vọng trong tương lai, di tích lịch sử quốc gia này sẽ thực sự là một địa chỉ đỏ có ý nghĩa to lớn trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho các tầng lớp nhân dân, tương xứng với vị thế, tầm vóc của nó trong lịch sử dân tộc, là một điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong, ngoài nước mỗi dịp đến thăm An Giang.
_______________
1. Sơn Nam, Lịch sử khẩn hoang miền Nam, biên khảo, Nxb Trẻ, Hà Nội, 2018.
Tác giả: Võ Văn Sơn
Nguồn: Tạp chí VHNT số 422, tháng 8-2019
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%