Bảo tồn và phát huy giá trị nhà cộng đồng vùng Tây Nguyên trong giai đoạn hiện nay


Nhà cộng đồng có vai trò quan trọng trong đời sống buôn làng của các tộc người thiểu số vùng Tây Nguyên, gắn bó mật thiết với cuộc đời của mỗi người. Đó là biểu tượng về sức mạnh, sự giàu có và tình đoàn kết của mỗi buôn làng. Trong những năm gần đây, giao lưu tiếp biến văn hóa cộng với sự tiến bộ khoa học kỹ thuật, chính sách của nhà nước, nhà cộng đồng vùng Tây Nguyên đã có nhiều biến đổi.

1. Chức năng, vai trò của nhà cộng đồng truyền thống

Nhà cộng đồng truyền thống là không gian thiêng – nơi thực hành các nghi thức tín ngưỡng của cộng đồng. Đó cũng là không gian đảm nhiệm các chức năng hành chính, sản xuất, quân sự, giáo dục – nơi những người già truyền nghề, dạy dỗ thế hệ sau. Đồng thời, đây cũng là nơi thực thi luật tục, là một thiết chế xã hội đảm bảo sự ổn định của buôn làng.

Trước đây, các buôn làng Tây Nguyên đều ở giữa núi rừng khá hiểm trở, điều kiện đi lại, giao lưu khó khăn. Sự cư trú biệt lập đã dẫn đến nhu cầu cần có một thiết chế tự quản. Nhà cộng đồng ra đời, điều hành mọi công việc của buôn làng thông qua hội đồng già làng, đứng đầu là chủ làng. Vai trò của người đứng đầu ngôi nhà cộng đồng cũng không phải là một khái niệm trừu tượng. Chúng có cơ sở chắc chắn, được hình thành từ lâu đời và được các thế hệ tự giác tuân thủ, trở thành phong tục tập quán, thiết chế xã hội. Jacques Dournes (1) đã cho rằng, toàn bộ cuộc đời của các tộc người Tây Nguyên, cả vật chất lẫn tinh thần đều được khuôn theo một tập quán mà tôn giáo thẫm đẫm từ đầu đến cuối. Nhà cộng đồng cũng là nơi diễn ra những nghi thức tín ngưỡng gắn với đời sống của mỗi cá nhân. Thông qua đó, các cá nhân được giao lưu gặp gỡ với thần linh. Khi chết đi, những linh hồn tốt sẽ được về trú ngụ xung quanh ngôi nhà cộng đồng.

Nhà cộng đồng còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, lễ hội, nơi hát sử thi, múa cồng chiêng, nơi tiếp khách quý của làng.

2. Giá trị của nhà cộng đồng

Nhà cộng đồng của các dân tộc bản địa Tây Nguyên, đều có đặc điểm nổi bật ở các phương diện: lịch sử, văn hóa xã hội, khoa học và kiến trúc nghệ thuật.

Về lịch sử, văn hóa, xã hội

Sự tồn tại đến ngày nay của nhà cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên cho chúng ta biết một giai đoạn phát triển của lịch sử xã hội loài người. Giá trị lịch sử của nhà cộng đồng còn thể hiện ở các biểu tượng, phong tục tập quán, cũng như lịch sử của làng được lưu giữ trong không gian ngôi nhà.

Nhà cộng đồng là không gian diễn ra mọi hoạt động văn hóa của buôn làng vì thế, nó hàm chứa giá trị lớn về văn hóa, xã hội. Đó là kết quả đúc kết, hàm chứa các sáng tạo của con người trong môi trường sinh thái tự nhiên, là biểu hiện của văn hóa rừng và sự cố kết cộng đồng người gắn với thiên nhiên. Theo Tạ Đức trong Nguồn gốc và sự phát triển của kiến trúc biểu tượng và ngôn ngữ Đông Sơn, quan niệm: môtip “tháp” (ở đây là nhà rông) chính là một biến thể của biểu tượng cây vũ trụ trong huyền thoại khởi nguyên của nhiều tộc người. Văn hóa làng sản sinh ra văn hóa lễ hội và văn hóa nhà rông. Lễ hội lại là nơi bảo tồn các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian cổ truyền từ các lễ thức, phong tục, tập quán đến các loại hình diễn xướng dân gian, nhạc cụ dân tộc, trang phục, ngôn ngữ, ứng xử… Trên kiến trúc, điêu khắc ở nhà cộng đồng truyền thống, chúng ta có thể tìm thấy hình ảnh, các biểu tượng văn hóa, xã hội mang tính độc đáo, chứa đựng lịch sử mỗi tộc người.

Về khoa học

Ngôi nhà cộng đồng của tất cả các dân tộc Tây Nguyên đều sử dụng nguồn vật liệu tại chỗ. Với phương tiện thô sơ, nhà rông mang một kiến trúc rất độc đáo, cho thấy đầu óc sáng tạo và tư duy kỹ thuật xây dựng của các tộc người. Các dân tộc Tây Nguyên, thường có cách tính đơn vị đo lường dựa trên tỉ lệ cơ thể người, ví dụ như: 1 sải = 1,6m, thân = 0,4m, cánh tay = 0,6m. Theo đó, từ mặt đất lên đến đỉnh nóc là 8 sải. Dựa vào đó phân chia ra các thành phần nhà như của nhà rông Xơ Đăng, tỷ lệ giữa phần thân – chân (tính từ nền đất đến đỉnh cột) và phần mái (tính từ đỉnh cột trở lên) dao động từ 1:1 đến 1:4. Đây là phương pháp hoàn toàn thủ công nhưng lại rất chính xác và khoa học. Phương pháp này đóng vai trò cốt yếu trong kiến thức bản địa, là kết tinh của quá trình lao động trí óc của tộc người. Với nhiều làng, kinh nghiệm dựng nhà rông chính là tiêu chí để bầu già làng. Ai nắm giữ bí quyết dựng nhà, người đó được bầu làm già làng.

Tính khoa học của ngôi nhà cộng đồng thể hiện trong việc sử dụng vật liệu địa phương, kỹ thuật dựng nhà và thiết kế không gian. Bên trong nhà cộng đồng, tuy không sử dụng vật liệu ngăn chia nhưng các không gian lại được phân định rất rõ ràng: nơi tiếp khách quý, nơi ngồi hội họp, nơi ngủ của trai chưa vợ…

Về kiến trúc – nghệ thuật trang trí

Có thể thấy, nhà cộng đồng chính là biểu tượng kiến trúc của mỗi buôn làng, là công trình lớn nhất, tập trung toàn bộ sức mạnh, tiềm lực của làng. Nhà cộng đồng thường nằm ở vị trí trung tâm, nơi mọi người tiếp cận gần và thuận tiện nhất. Phía trước nhà bao giờ cũng có một không gian rộng lớn để dân làng tập trung hội hè và việc làng. Nguyên vật liệu để làm nhà cộng đồng đều được khai thác trong rừng, là những loại gỗ lớn tốt nhất: trắc, gụ mật, dẻ, dáng hương, giổi xanh, trâm, kiền kiền, cẩm xe… và các loại tre, lồ ô, le, các loại dây rừng, song mây đùng đỉnh. Vật liệu lợp mái là cỏ tranh, lá cọ, lá mây rừng, nứa. Công đoạn chuẩn bị nguyên vật liệu là việc quan trọng, còn gắn với tín ngưỡng, kiêng kỵ. Giá trị kiến trúc của nhà cộng đồng còn được thể hiện ở tính đa dạng của loại hình nhà với những đặc trưng tộc người, địa phương. Nhà rông của người Bana (trừ Bana An Khê), Gia rai, Xơ đăng, tùy nơi lại có quy cách khác nhau nên đã tạo ra những sắc thái riêng mang dấu ấn địa phương khá rõ nét.

Tính đa dạng trong kiến trúc của mỗi dân tộc ở Tây Nguyên còn phụ thuộc vào kết cấu của ngôi nhà. Trong kỹ thuật xây dựng nhà rông truyền thống, ngoài các đầu cột chính, xà đỡ sàn có khoét ngàm ốp vào nhau. Còn lại hầu hết các chi tiết đều được kết nối bằng dây buộc một cách chắc chắn, khéo léo, đối xứng, nhằm triệt tiêu sự xô lệch của gió về một chiều. Từng mối buộc của các tộc người cũng khác nhau.

Nghệ thuật trang trí chạm khắc ở nhà cộng đồng cũng được các nhà nghiên cứu đánh giá cao. Người ta tìm thấy trên hình tượng chạm khắc những biểu tượng nghệ thuật vừa nguyên sơ vừa độc đáo, mang tính ẩn dụ rất cao. Đó là các hình vẽ đồ họa hay hình chạm khắc cảnh người nam nữ săn bắn, trồng trọt, đánh cá, hình các loại chim, thú, cỏ, cây, hoa, lá, mặt trăng, mặt trời, đầu người, mặt người…

3. Bảo tồn và phát huy giá trị của nhà cộng đồng vùng Tây Nguyên trong giai đoạn hiện nay

Cùng với những biến đổi của văn hóa truyền thống, ngôi nhà cộng đồng của các dân tộc bản địa Tây Nguyên cũng đã, đang chịu những tác động lớn từ tiến trình hiện đại hóa, sự cộng cư, giao lưu với người Kinh và các chính sách của Nhà nước. Sự biến đổi trong hình thái kiến trúc cùng với sự mất đi các sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa đã làm giảm chức năng của nhà cộng đồng, tính gắn kết của cấu trúc buôn làng. Điều đó đặt ra các vấn đề liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị của nhà cộng đồng trong bối cảnh hiện nay.

Bảo tồn dựa trên nhu cầu của cộng đồng và do cộng đồng thực hiện

Bảo tồn và phát huy giá trị nhà cộng đồng của các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên cần xuất phát từ nhu cầu, ý muốn của chính cộng đồng bản địa và do chính cộng đồng thực hiện… Nhiều ngôi nhà cộng đồng đã được xây dựng với kinh phí đầu tư của nhà nước, thợ xây dựng là người Kinh đã cho ra đời những ngôi nhà cộng đồng mô phỏng kiến trúc truyền thống nhưng lại xây bằng kiểu bê tông cốt thép, do thợ người Kinh thi công. Phản ứng lại chủ trương này, ở nhiều nơi, người dân đã tự dựng nhà cộng đồng, chuyển toàn bộ các hoạt động văn hóa truyền thống sang. Trong khi các ngôi nhà rông được xây dựng từ chủ trương bị bỏ hoang. Từ đó cho thấy, các tác động từ bên ngoài cần được nghiên cứu kỹ, cần xây dựng dựa trên ý muốn của chủ thể văn hóa – người dân bản địa.

Bảo tồn dựa trên documenting (việc tư liệu hóa)

Đây là một hướng bảo tồn khả thi dựa trên việc tư liệu hóa chi tiết cụ thể nhất nhà cộng đồng truyền thống. Coi đó là một di sản cần bảo tồn bằng hình ảnh, văn bản ghi chép, hình vẽ, video… tất cả các bước và công đoạn để xây dựng cũng như các tư liệu về hoạt động của nhà cộng đồng truyền thống. Để sau này, khi chúng ta muốn và cần dựng lại nhà rông thì có đầy đủ tư liệu cơ sở khoa học để phục dựng. Bảo tồn ngôi nhà cộng đồng cũng cần phải tôn trọng tính đa dạng ở mỗi loại hình nhà cộng đồng: như nhà rông của người Bana, Gia rai, nhà dài của người Êđê, Mnông, Kơ – ho, Mạ ở vùng Nam Tây Nguyên. Cũng như sự khác nhau trong từng kiểu nhà rông trống (đực) và nhà rông mái (cái). Việc bảo tồn kiến trúc cần được xây dựng dựa trên các nghiên cứu kỹ lưỡng hình thái kiến trúc của từng loại hình nhà cộng đồng của các dân tộc, cách thức lựa chọn nguyên vật liệu, hình thức liên kết cũng như các tín ngưỡng, tập tục liên quan đến việc dựng nhà.

Bảo tồn dựa theo phương pháp đánh giá tiềm năng, thích nghi và phát triển tiếp nối

Trên thực tế, những biến đổi nhà cộng đồng cho thấy sự biến đổi của xã hội Tây Nguyên, khi xã hội dần mất đi những không gian, sinh hoạt cộng cảm chung. Cũng như chấp nhận sự mất đi của rất nhiều yếu tố văn hóa truyền thống của các tộc người Tây Nguyên khi mà những cơ sở và điều kiện tồn tại đã không còn nữa. Hơn nữa, biến đổi của nhà cộng đồng nằm trong một bối cảnh biến đổi rộng lớn hơn, đó là sự suy giảm của tài nguyên rừng, khiến cho việc tìm kiếm nguyên vật liệu quá khó khăn, và những tác động của chính sách nhà nước, sự sống xen kẽ, cận cư với người Kinh và sự hấp dẫn của những yếu tố kỹ thuật hiện đại. Nếu đơn vị xã hội hạt nhân (làng, bản) mở, có quan hệ tiếp xúc rộng rãi và thường xuyên với các đơn vị cư trú xung quanh và hòa nhập vào guồng máy của một thể chế chính trị xã hội lớn hơn, thì nhiều chức năng của không gian công cộng kiểu nhà rông sẽ mất dần hoặc phải thay đổi chứ không thể duy trì như vốn có được (2).

Bảo tồn trong bảo tàng

Đây cũng là hình thức bảo tồn đang tỏ ra hiệu quả trong thời gian gần đây. Hiện nay, không phải dân làng nào cũng có đủ khả năng dựng một ngôi nhà rông theo truyền thống, vì họ gặp khó khăn về nhân lực xây dựng về tài chính, về nguồn nguyên liệu để dựng nhà. Hiện nay, rừng đã không còn thuộc về dân làng, gỗ, cỏ tranh để lợp mái đã trở nên khan hiếm… Chính vì thế, dựng lại những ngôi nhà rông trong các bảo tàng – chính là cách bảo tồn, giới thiệu, quảng bá hữu hiệu khi chúng ta không còn đủ khả năng để bảo tồn nhà cộng đồng và những giá trị của nó ở chính cộng đồng sản sinh ra nó.

Bảo tồn các nhà cộng đồng truyền thống vẫn là một nhu cầu ở nhiều buôn làng Tây Nguyên, rất nhiều ngôi nhà rông đã được dựng lại do chính người dân buôn làng thực hiện bằng nguyên liệu và kỹ thuật truyền thống. Việc bảo tồn nhà cộng đồng truyền thống có chăng nên gắn với các chương trình giao đất, trồng rừng cho các buôn làng, tạo điều kiện bảo tồn nguồn cung cấp nguyên liệu. Bên cạnh đó là các chính sách phát huy giá trị văn hóa của các tộc người, chính sách đối với các nghệ nhân để đảm bảo, nuôi dưỡng cơ sở bảo tồn nhà cộng đồng truyền thống. Bảo tồn nhà cộng đồng truyền thống cần gắn với việc khôi phục sức mạnh của các thiết chế buôn làng, góp phần cùng với quản lý nhà nước phát huy sự đoàn kết, gắn bó của mỗi buôn làng trong mối cộng cảm chung.

_______________

1. Jacques Dournes, Potao – một lý thuyết về quyền lực ở người Jo Zai Đông Dương, Nxb Tri thức, 2013.

2. Ngô Văn Doanh, Nhà rông từ cái nhìn khu vực Đông Nam Á, Nhà rông – Nhà rông văn hóa, Kỷ yếu hội thảo khoa học, Kon Tum, 2004.

Tác giả: Chu Thu Hường

Nguồn: Tạp chí VHNT số 428, tháng 2-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *