Cồng chiêng Tây Nguyên. Ảnh Hà Hữu Nết
1. Về giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên
Về việc nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống – di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam trước khi có Công ước (2003) của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
Trên thực tế, trước thời điểm đó rất lâu, nhiều nhà nghiên cứu nước ta (GS Nguyễn Văn Huyên, GS Trần Văn Giàu, GS Từ Chi, GS Trần Quốc Vượng, GS Phan Huy Lê…, đã rất tâm huyết, viết nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về văn hóa truyền thống – di sản văn hóa phi vật thể của người Việt cũng như của các dân tộc thiểu số ở nước ta. Năm 1998, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, trong phần nhiệm vụ và giải pháp đã nhấn mạnh: Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (cả bác học và dân gian),… và tiến hành sớm việc kiểm kê, sưu tầm, chỉnh lý vốn văn hóa truyền thống (bao gồm văn hóa bác học và văn hóa dân gian) của người Việt và các dân tộc thiểu số… Trọng đãi những nghệ nhân bậc thày trong các ngành, nghề truyền thống. Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định: Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan; có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng; không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác.
Từ nhiều thập niên qua, Việt Nam đã thành lập các tổ chức nghiên cứu về các loại hình di sản văn hóa phi vật thể: Hội Văn nghệ dân gian (thành lập năm 1966) đã triển khai nhiều chương trình nghiên cứu, sưu tầm về văn nghệ dân gian; xây dựng tiêu chí đánh giá để phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và trao giải thưởng văn nghệ dân gian; từ năm 2000 đã tiến hành tổng kiểm kê di sản văn hóa văn nghệ dân gian của 46/54 dân tộc. Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (nay là Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam), từ đầu những năm 90 đã triển khai các hoạt động xây dựng Ngân hàng dữ liệu về di sản văn hóa phi vật thể. Trong Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa bắt đầu thực hiện từ năm 1991, Viện được giao tổ chức triển khai nhiều dự án về di sản văn hóa phi vật thể, tư liệu hóa được hàng nghìn băng đĩa, băng ghi âm, phim khoa học, tư liệu ảnh. Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian (nay là Viện Nghiên cứu Văn hóa) thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) từ năm 2001 đã thực hiện dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên”, trong đó có một số bộ sử thi có độ dài tương đương với những bộ sử thi nổi tiếng trên thế giới v.v…
Về giá trị và ý nghĩa của văn hóa cồng chiêng Tây nguyên
Khái niệm “giá trị” thuộc phạm trù triết học, còn khái niệm “văn hóa” lại thuộc phạm trù văn hóa học, có rất nhiều cách lập luận và diễn giải khác nhau. Trong bài viết này, “giá trị văn hóa”, có thể được hiểu là kết quả sáng tạo của con người tạo nên những giá trị về vật thể (di tích lịch sử – văn hóa; di vật, cổ vật) và về giá trị phi vật thể (các truyền thống và biểu đạt truyền khẩu; nghệ thuật trình diễn; tập quán xã hội, nghi lễ và lễ hội; tri thức và thực hành liên quan đến thiên nhiên và vũ trụ; nghề thủ công truyền thống), được kết tinh, trở thành bản sắc, biểu tượng, chuẩn mực trong tiến trình lịch sử của mỗi cộng đồng và sự tương tác, thích ứng với môi trường tự nhiên và xã hội nhất định nhằm thỏa mãn nhu cầu và khát vọng của cộng đồng về những gì tốt đẹp; góp phần điều tiết xã hội, các mối quan hệ giữa con người với con người, với xã hội và môi trường sinh thái nhân văn; là chỗ dựa cho việc điều chỉnh các hoạt động của cá nhân và cộng đồng, cho việc giáo dục nhân cách của con người.
Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO thông qua ngày 17-10-2003 xác định: Di sản văn hóa phi vật thể là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng và kèm theo đó là các công cụ, đồ vật là đồ tạo tác và các không gian văn hóa có liên quan mà các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân, công nhận là một phần di sản văn hóa của họ, được chuyển giao từ thế hệ này qua thế hệ khác. Di sản văn hóa phi vật thể được các cộng đồng và các nhóm người không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường và mối quan hệ qua lại giữa cộng đồng với tự nhiên và lịch sử của họ, đồng thời hình thành trong họ một ý thức về bản sắc và sự kế tục, qua đó khích lệ thêm sự tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người. Tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể như là động lực chính của đa dạng văn hóa và là một đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
Từ trước tới nay đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Xin được tổng hợp thành các nhóm giá trị như sau:
Một là, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên chứa đựng những sáng tạo nổi bật về văn hóa, nghệ thuật, kỹ thuật, cả vật thể và phi vật thể, của cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, không chỉ có giá trị tiêu biểu đối với văn hóa truyền thống Việt Nam, mà còn là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.
Không gian văn hóa truyền thống Tây Nguyên có nhiều nhạc cụ độc đáo, như đàn t’rưng, k’lôngpút,… nhưng cồng chiêng là loại nhạc cụ đặc trưng và phổ biến nhất, bởi tính độc đáo và sáng tạo về mặt kỹ thuật chỉnh chiêng và nghệ thuật trình diễn. Cồng chiêng Tây Nguyên không phải được đúc bởi người thợ thủ công của các dân tộc Tây Nguyên, nhưng bằng tài năng, sự sáng tạo và “đôi bàn tay vàng” của mình; được sống và hấp thụ bản sắc, phong tục tập quán, nghi lễ, lễ hội cổ truyền và sống trong môi trường sinh thái nhân văn của dân tộc mình, những người thợ chỉnh chiêng đã biến cồng chiêng – một sản phẩm đến từ nơi khác thành sản phẩm nghệ thuật của chính dân tộc mình. Đây là một sáng tạo tuyệt vời, vô cùng độc đáo và có thể nói là rất “bí hiểm”: biến cái của người khác thành cái của chính mình – một loại nhạc cụ có bản sắc riêng của dân tộc mình – văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Chắc chắn là không có một loại “giáo trình” chuyên biệt nào để dạy về cách chỉnh chiêng hoặc dạy cách trình diễn, về vũ điệu,… mà người dân tộc thiểu số Tây Nguyên trình diễn với một trình độ điêu luyện như một nghệ sĩ thực thụ, ứng tác một cách linh hoạt và sáng tạo đến mức chuẩn mực trong đánh cồng chiêng và chỉnh chiêng. Tính độc đáo là mỗi nghệ nhân chỉ đánh một chiếc cồng hay một chiếc chiêng có khi biên chế một dàn cồng chiêng lên đến 20 chiếc mà có thể hòa quyện âm điệu vào nhau một cách kỳ diệu, tạo nên một phổ âm thanh khi trầm hùng, khi réo rắt, lắng đọng như lời tự sự,… khiến người nghe như cảm nhận được sự hùng vĩ của đại ngàn Tây Nguyên, sự khoáng đạt, mộc mạc và chân thành của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Ngoài tính phổ quát trong kỹ thuật chỉnh chiêng và đánh cồng chiêng, các dân tộc khác nhau ở Tây Nguyên lại sử dụng cồng chiêng theo cách thức riêng để chơi những bài chiêng riêng của mình. Người thợ chỉnh chiêng, người đánh cồng chiêng học và sáng tạo từ trong cuộc sống, được nuôi dưỡng trong môi trường sinh thái văn hóa nhân văn; được kế thừa, truyền dạy thông qua chỉ dẫn, thực hành từ thế hệ này sang thế hệ khác, cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên để lại cho dân tộc mình, cho dân tộc Việt Nam một tài sản vô giá – văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Ở nước ta, bên cạnh cồng chiêng Tây Nguyên, còn có một số cộng đồng khác, trong đó tiêu biểu là cồng chiêng của dân tộc Mường (Hòa Bình), cũng được coi như là báu vật, gắn bó với ngôi nhà và cả cuộc đời của mình.
Ở nhiều nước Đông Nam Á cũng có cồng chiêng, nhưng cồng chiêng của họ không phải là vật thiêng – vật thông linh, mà là một loại nhạc cụ thường được phối hợp với các loại nhạc cụ khác trình diễn như một dàn nhạc trong sinh hoạt văn hóa dân gian hoặc trong các lễ cung đình và thường được đặt trên giá đỡ, các nghệ nhân thường ngồi để đánh cồng chiêng.
Bởi vậy, có thể coi cồng chiêng của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên là một trung tâm của văn hóa cồng chiêng khu vực Đông Nam Á.
Hai là, giá trị của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là tính cộng đồng, cộng cảm, gắn bó với thiên nhiên (lễ cúng bến nước, cầu mưa, mừng được mùa, cúng máng nước, mừng cơm mới, lễ đóng cửa kho, lễ đâm trâu,…); gắn với buôn làng, với từng gia đình (nhà rông, nhà dài, nghi thức đón khách, lễ kết nghĩa); gắn với thân phận từng con người từ lúc sinh ra (lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh), khi cưới xin cho đến lúc tiễn đưa người qua đời ra nơi chôn cất và lễ bỏ mả; gắn với các lễ hội truyền thống,… Tất cả đều mang tính thiêng trong tâm thức các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, là phương tiện kết nối cộng đồng dân tộc.
Ba là, tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, vừa kết tinh những giá trị phổ quát, tiêu biểu của văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, vừa thể hiện “cái riêng”, cái đặc thù của mỗi dân tộc.
Cồng chiêng là một loại nhạc cụ phổ biến hầu như ở tất cả các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, hiện diện trong các nghi lễ truyền thống của từng gia đình, từng cộng đồng, hàm chứa nhiều giá trị đặc sắc về văn hóa – nghệ thuật; phương pháp thể hiện, trình diễn hết sức độc đáo, mang tính ngẫu hứng, nhưng lại chuẩn mực. Cồng chiêng có thể trình diễn độc lập nhưng cũng có thể kết hợp với các loại nhạc cụ khác. Do phong tục, tập quán, tín ngưỡng có phần khác nhau, mà mỗi dân tộc cũng có những quy định khác nhau về cách tổ chức và việc sắp xếp dàn cồng chiêng. Biên chế của dàn cồng chiêng cũng rất đa dạng tùy thuộc vào tính chất và quy mô của từng sự kiện và bản sắc của từng tộc người. Nhịp điệu, độ nhanh chậm, âm sắc,… cũng rất đa dạng ở mỗi tộc người. Lại có “chiêng lễ” gắn với đời sống tâm linh, “chiêng hội” gắn với lễ hội hoặc sinh hoạt hàng ngày. Cũng đều là chiêng, nhưng mỗi dân tộc, mỗi nhánh có loại tiêu biểu riêng. Có tộc người lại chia ra chiêng mẹ, chiêng cha, chiêng con, chiêng cháu. Ngôi nhà rông – một trong những địa chỉ gắn bó với sinh hoạt văn hóa cồng chiêng của cộng đồng cũng có phần khác nhau giữa người Ba na và người Xơ đăng. Trong bài viết Văn hóa cồng chiêng Kon Tum – Sự độc đáo và đa dạng về các giá trị phi vật thể, Trần Vinh cho rằng, về số lượng của từng bộ cồng chiêng ở Kon Tum có những khác biệt và rất lạ so với các tỉnh khác trong khu vực. Đó là có bộ chiêng chỉ có 1 chiếc, 2 chiếc, 3 chiếc, 3 chiếc rưỡi (thêm một ống nứa), 4 chiếc, 5 – 6 chiếc, 7 – 9 chiếc. Đa phần chỉ có đàn ông mới được chơi cồng chiêng, song cũng có nhánh dân tộc, phụ nữ cũng được đánh chiêng và nam nữ đều cùng đánh cồng chiêng. Mỗi dân tộc lại có đặc trưng riêng, những bản nhạc cồng chiêng riêng, mang sắc thái riêng. Tác giả Nguyễn Chí Bền cho rằng, ở một số tộc người, các dàn cồng chiêng có biên chế từ 3 trở lên thường còn có chiếc trống lớn và cặp chũm chọe, riêng cồng chiêng của người Churu lại có chiếc khèn. Phần lớn đánh cồng chiêng là nam giới, nhưng cũng có tộc người ngành Bih tộc người Êđê chỉ nữ giới mới được đánh cồng; còn ở người Mạ thì cả nam, nữ đều được đánh chiêng, nhưng chia thành 2 dàn chiêng: dàn chiêng nam và dàn chiêng nữ. Ngày nay thì thường có dàn chiêng tổng hợp cả nghệ nhân nam và nữ. Có một số tộc người có dàn múa nữ đồng hành với bài nhạc chiêng. Theo nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, tùy theo từng dân tộc mà số lượng nhiều chiêng núm hay chiêng bằng trong trình diễn, cũng như việc thẩm âm cũng có tính đặc thù riêng. Dù không có thanh mẫu, nhưng khi đánh vào bất kỳ chiếc chiêng nào, nghệ nhân chỉnh chiêng cũng nhận ra chỗ đúng, chỗ sai của chiếc chiêng. Người Tây Nguyên có hai cách đánh cồng chiêng: đánh bằng dùi và đánh bằng cườm tay, tay phải kích vào mặt chiêng, tay trái lúc chặn vào, lúc rời khỏi mặt chiêng. Sự kết hợp nhuần nhuyễn 2 tay tạo ra âm chiêng hoàn chỉnh. Người trình diễn phải nắm rất chắc thời khắc gõ chiêng của mình sao cho đúng tiết tấu, đúng giai điệu, đúng âm sắc. Điều kỳ diệu là tính đồng cảm.
Bốn là, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản đầu tiên của các dân tộc thiểu số ở nước ta được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Năm 2005, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi danh là Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại (nay gọi là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại). Trong số 12 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên thuộc nhóm di sản được ghi danh sớm nhất, chỉ sau Nhã nhạc – Âm nhạc cung đình Việt Nam (2003), và là di sản đầu tiên của các dân tộc thiêu số nước ta được UNESCO ghi danh.
(Còn nữa)
Tác giả: Lưu Trần Tiêu
Nguồn: Tạp chí VHNT số 415, tháng 1 – 2019
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%