Bảo tồn và phát huy những đặc trưng văn hóa của dân tộc Cơ Lao ở Hà Giang

1. Đặc điểm chung

Ở Việt Nam, dân tộc Cơ Lao là một dân tộc có dân số ít, được xếp vào nhóm ngôn ngữ Kađai cùng với các tộc người La Chí, La Ha và Pu Péo. Người Cơ Lao được gọi theo âm Hán – Việt là Kel Lao từ những chữ Cách Liêu, Cách Lão… Sau này họ đọc chệch Kel Lao thành Cơ Lao (1). Về nguồn gốc của người Cơ Lao, GS Trần Quốc Vượng khẳng định: “Kel Lao là con cháu của người Lão hay Cưu Lão xưa ở Trường Khả” (2). Về quê hương cổ xưa, các nhà nghiên cứu đều thống nhất cho rằng Quý Châu là quê của người Cơ Lao.

Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2009, dân tộc Cơ Lao ở Việt Nam có tổng số 2.636 người, trong đó có 1.344 nam và 1.292 nữ; gồm có 3 nhóm: Cơ Lao Đỏ, Cơ Lao Trắng, Cơ Lao Xanh. Các nghiên cứu chỉ ra, việc gọi tên các nhóm dân tộc Cơ Lao là do đặc điểm trang phục đặc trưng khác nhau, như “Cơ Lao Xanh vì trước đây đàn ông của nhóm này đều mặc áo dài xanh; Cơ Lao Trắng vì theo phong tục đồng bào dùng khăn trắng chịu tang người chết; Cơ Lao Đỏ vì trước đây phụ nữ nhóm này mặc váy thêu chỉ đỏ” (3). Hiện nay, dân tộc Cơ Lao chủ yếu cư trú ở Hà Giang, tập trung ở một số xã thuộc huyện Đồng Văn, Hoàng Su Phì và phân tán, xen kẽ ở các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc…

Có thể nói, trong quá trình cộng sinh với điều kiện khắc nghiệt của vùng núi cao, dân tộc Cơ Lao đã bảo tồn và sáng tạo những giá trị văn hóa đặc sắc, phản ánh bản sắc riêng, phân biệt với các dân tộc khác. Các thành tố văn hóa tộc người được các nhóm Cơ Lao có ý thức bảo tồn, trao truyền và phát triển từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trong môi trường cộng đồng làng, dòng họ, gia đình, cũng như trong quá trình tiếp xúc với các tộc người khác, dân tộc Cơ Lao đã và đang khẳng định những sắc thái riêng, đồng thời góp phần làm phong phú cho kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam thống nhất trong đa dạng.

2. Đặc trưng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên

Người Cơ Lao có quan niệm về thế giới bên kia là thế giới tổ tiên, hay còn gọi là thế giới của những người đã chết. Họ cũng quan niệm rằng, tổ tiên có cuộc sống sinh hoạt như con người thực lúc còn sống, cũng cần đồ ăn, đồ mặc, chỗ ở… Do vậy, vào các dịp lễ, Tết, con cháu thường tổ chức cúng bái tổ tiên bằng các lễ vật như: cơm, trứng, gà, lợn, tiền âm phủ, vàng mã. Trong tháng 3 âm lịch phải tiến hành tảo mộ, tức là sửa sang nhà ở cho tổ tiên.

Giống như một số dân tộc khác, người Cơ Lao đã quan tâm đến việc thờ cúng tổ tiên, một mặt thể hiện sự kính trọng của con cháu, mặt khác nhằm mục đích cầu mong được sự phù hộ của họ. Nơi thờ cúng tổ tiên được quy định ở một vị trí nhất định trong nhà, tùy theo tập quán của từng nhóm Cơ Lao khác nhau. Nhưng cả ba nhóm Cơ Lao đều rất coi trọng nơi thờ cúng tổ tiên, đó là vị trí linh thiêng nhất trong ngôi nhà. Khác với người Cơ Lao Trắng (quy định nơi để thờ cúng tổ tiên là ở trong gian nhà phụ có bếp nấu nướng), người Cơ Lao Đỏ và Cơ Lao Xanh dựng bàn thờ tổ tiên ở trong gian nhà chính, nơi đối diện với cửa chính.

Để nhận được sự phù hộ của tổ tiên, con cháu cần thờ cúng tổ tiên trong các dịp lễ, Tết hoặc ngày mồng một và ngày rằm của các tháng âm lịch. Do vậy, hằng năm, người Cơ Lao tiến hành cúng tổ tiên vào ngày 30 Tết, thắp hương trên bàn thờ tổ tiên từ ngày mùng một đến ngày mùng ba Tết, tổ chức cúng vào các ngày 13 tháng Giêng, Thanh minh hoặc ngày 3-3 âm lịch, ngày 13 hoặc ngày 15-7 âm lịch. Ngoài ra, trong các trường hợp như làm lễ cơm mới, tổ chức lễ vào nhà mới, lễ đưa đón dâu… người Cơ Lao cũng tiến hành cúng hoặc khấn báo tổ tiên để cầu mong sự phù hộ.

Người đứng ra cúng tổ tiên thường là chủ nhà, nếu chủ nhà không biết cúng thì mời anh em trong họ hàng đến cúng giúp. Lễ vật chính phổ biến là thịt gà, cơm, xôi, bánh, nước, rượu, tiền âm phủ, hương thắp… Người Cơ Lao Đỏ có điểm đặc biệt hơn, trên cùng một bàn thờ để chung ba ống cắm hương là thờ thần trồng trọt, tổ tiên và thần chăn nuôi, nên thịt cần thái ra cho vào ba bát để bày cúng và phải thắp hương ở cả ba ống hương.

Hiện nay, do dân trí không ngừng được nâng cao, đời sống kinh tế được cải thiện nên quan niệm về thế giới tự nhiên, đặc biệt là cách cư xử với thế giới đó của người Cơ Lao đã có nhiều biến đổi. Quan niệm về thế giới gồm ba bộ phận cấu thành (trời, đất và nước), có nhiều loại thần, ma, mọi vật đều có linh hồn… chỉ còn phổ biến trong lớp người già. Lớp trẻ đã có những quan niệm mới từ những kiến thức học được ở trong nhà trường. Người Cơ Lao hiện nay không còn tổ chức nhiều nghi lễ cúng bái như trước đây. Tuy nhiên, đồng bào vẫn còn lưu giữ được những nghi lễ mang tính tộc người liên quan đến việc bảo vệ môi trường và liên kết cộng đồng trong phạm vi gia đình, dòng họ và làng bản.

3. Đặc trưng về văn hóa tổ chức cộng đồng

Theo quan niệm của người Cơ Lao, nơi chọn để lập làng phải đủ các điều kiện như: đất đai để canh tác, nguồn nước sinh hoạt, rừng, nơi làm nghĩa địa. Mỗi làng của người Cơ Lao thường có ranh giới phân biệt như: một hòn đá, một gốc cây to, một con suối hoặc một khe núi. Mốc ranh giới này được trao truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau và rất ít khi thay đổi.

Nhìn chung, người Cơ Lao thích cư trú tập trung vì họ có điều kiện giúp đỡ nhau trong sản xuất, trong các sinh hoạt cộng đồng và bảo vệ nhau khi có vấn đề cần ứng phó. Cư trú theo dòng họ là đặc điểm nổi bật nhất của người Cơ Lao. Mỗi làng có nhiều dòng họ cùng cư trú, tuy nhiên những người cùng họ thường thích ở gần nhau.

Người Cơ Lao thường có câu nói “đóng cửa là một nhà, mở cửa là một làng”, ý nói: đóng cửa lại chỉ có nhà mình, mở cửa ra là láng giềng, anh em họ hàng. Như vậy, làng của người Cơ Lao là đơn vị cư trú của các gia đình thuộc nhiều dòng họ, có mối quan hệ thân tộc hoặc thích tộc tạo ra mối quan hệ đa chiều trong nội bộ làng.

Giống như nhiều tộc người khác ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta, trong cộng đồng người Cơ Lao đã hình thành nên những quy ước, buộc mỗi gia đình phải chấp hành thực hiện như:

Quy ước về sử dụng đất đai: có hai hình thức quản lý đất đai: đất đai do làng quản lý (như đất rừng, bãi chăn thả gia súc, nghĩa địa, đường sá, nơi thờ cúng chung) và đất đai giao cho từng gia đình (như ruộng bậc thang, nương rẫy, thổ cư). Theo quy ước của nhóm Cơ Lao Đỏ, các gia đình được chia đất đến đâu thì sử dụng đến đó, ai vi phạm phải trả lại đất. Trong phạm vi cư trú của làng các đoạn sông, suối chảy qua thuộc quyền quản lý của làng, các gia đình không có quyền làm của riêng mà chỉ có quyền khai thác, sử dụng và có nghĩa vụ bảo vệ tài sản chung. Nếu ai vi phạm sẽ bị làng phạt tiền.

Quy ước về bảo vệ rừng và nguồn nước: mỗi làng của người Cơ Lao thường có một khu rừng cấm, là nơi cúng thần thổ địa (thu tỷ) vào dịp đầu năm. Theo quan niệm của họ, thu tỷ là vị thần phù hộ cho trồng trọt, chăn nuôi và sức khỏe của con người. Tín ngưỡng thờ thu tỷ có vị trí rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người Cơ Lao, nếu cúng lễ không đầy đủ sẽ đem lại nhiều điều rủi ro cho dân làng và cộng đồng. Lễ cúng này được tổ chức vào ngày mồng hai Tết. Đối với nguồn nước, theo tập quán dân tộc, hằng năm vào sáng mồng một Tết, mỗi gia đình cử một người mang 3 nén hương, giấy bản đến nguồn nước đốt hương và giấy, cầu khấn thần linh năm mới luôn khơi thông nguồn nước. Sau đó, mọi người lấy nước mang về nhà đun sôi rồi rót vào chén nhỏ đặt lên bàn thờ tổ tiên, bày tỏ lòng biết ơn và quý trọng nguồn nước, đó là mạch nguồn sống của cộng đồng.

Mỗi gia đình Cơ Lao là một đơn vị kinh tế, các thành viên trong gia đình đến tuổi lao động là những người đảm bảo đời sống cho gia đình. Tuy nhiên, do cư trú ở các vùng núi cao, điều kiện sản xuất gặp nhiều khó khăn, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, công cụ sản xuất còn thô sơ, các gia đình phải liên kết chặt chẽ với nhau về nhiều phương diện, vượt qua trở ngại để có thể sinh tồn và phát triển. Trong đời sống hằng ngày, mỗi sự kiện vui, buồn của từng gia đình cũng được cả cộng đồng cùng chia sẻ, hỏi thăm nhau. Biểu hiện của tính cộng đồng còn thể hiện ở một số mặt khác như: chung cối giã gạo, chung máy phát điện, chung rừng, chung nguồn nước ăn…

Như vậy, tính cố kết cộng đồng là một đặc điểm nổi bật của các dân tộc Việt Nam, trong đó có tộc người Cơ Lao. Tính tập thể trong lao động sản xuất không chỉ tạo chỗ dựa vật chất và tinh thần cho mỗi người Cơ Lao, mà điều quan trọng hơn là đem lại lợi ích thiết thân cho các gia đình họ.

4. Sự cần thiết phải bảo tồn những đặc trưng văn hóa của đồng bào Cơ Lao và phương hướng xây dựng chính sách

Văn hóa là sản phẩm của loài người, văn hóa được tạo ra và phát triển trong quan hệ qua lại giữa con người và xã hội. Song, chính văn hóa lại tham gia vào việc tạo nên con người, duy trì sự bền vững và trật tự xã hội. Văn hóa được biểu hiện trong các hình thức tổ chức đời sống và hành động của con người cũng như trong giá trị vật chất và tinh thần mà do con người tạo ra.

Đặc trưng về đời sống văn hóa tinh thần, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Cơ Lao đã cho thấy được truyền thống văn hóa tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, tôn trọng lịch sử, quá khứ và trọng tình nghĩa. Đồng thời, qua tìm hiểu đời sống tín ngưỡng của đồng bào Cơ Lao cũng cho thấy sự phong phú về lễ nghi cũng như sự cầu kỳ, trang trọng của các nghi thức thờ cúng tổ tiên, hay các vị thần linh trong gia đình, làng, bản. Ngoài ra, cách bày trí ban thờ tổ tiên, người Cơ Lao còn thể hiện sự ngưỡng vọng về tổ nghề, tổ nghiệp, tôn trọng thày truyền nghề cho gia đình (như thày thuốc, thày rèn, thày mộc….). Đó cũng là truyền thống ham học và tinh thần coi trọng người “thày” của dân tộc ta đã ăn sâu trong tiềm thức, không chỉ ở người Kinh, mà còn phổ biến ở dân tộc thiểu số như người Cơ Lao.

Qua tìm hiểu, phân tích cách ứng xử của người Cơ Lao trong quan hệ cộng đồng làng xã cho thấy không chỉ toát lên sự đoàn kết, giúp đỡ nhau rất bền chặt trong cuộc sống mà ở họ còn có sự tổ chức cộng đồng khá chặt chẽ và thể hiện được truyền thống về cương vực của dân tộc ta. Từ thời cha ông dựng nước, việc tôn trọng biên giới, chủ quyền và lãnh thổ, bờ cõi, cương vực đã được đặt lên hàng đầu. Ở mỗi vùng miền của các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam đều thống nhất bảo vệ chủ quyền trên một lãnh thổ chung, dù cho từng tộc người, từng bản, làng lại có ranh giới phân biệt riêng. Đó cũng là điểm đặc trưng riêng biệt của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, thống nhất trong đa dạng. Tìm hiểu về văn hóa tổ chức cộng đồng của dân tộc Cơ Lao ở Hà Giang phần nào cho chúng ta hiểu thêm về truyền thống đoàn kết, cố kết cộng đồng, cũng như tinh thần bảo vệ lãnh thổ, cương vực đã rất rõ ràng và kiên quyết từ trong lịch sử đến nay. Đó là giá trị tốt đẹp vĩnh hằng, dù môi trường có thay đổi, con người có khác đi, văn minh hơn nhưng cần tiếp tục bảo vệ và phát huy di sản văn hóa quý báu đó trong xã hội hiện nay.

Để phát huy được các giá trị văn hóa tốt đẹp đó trong xây dựng chính sách văn hóa dân tộc nói chung, chính sách dân tộc thiểu số nói riêng, cần làm gia tăng tiếng nói của chủ thể, quyền văn hóa cũng như tìm ra được điểm tích cực là thế mạnh của văn hóa tộc người, văn hóa vùng miền.

Nếu coi việc xây dựng chính sách văn hóa tộc người ở Việt Nam là xây một ngôi nhà chung thì các giá trị văn hóa tích cực nhất của các dân tộc thiểu số như nền móng vững chắc. Các giá trị văn hóa tộc người được phát huy hiệu quả thì việc xây dựng chính sách văn hóa dân tộc của Nhà nước ta mới thu được những thành tựu to lớn, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào, thực hiện những nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội trong thực tiễn.

Trong nhiều năm trở lại đây, nhiều chính sách cụ thể đã được đưa ra gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ Lao. Năm 2011, Đề án phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc Cơ Lao tỉnh Hà Giang giai đoạn 2011-2020 được phê duyệt. Theo đó, 517 hộ dân tộc Cơ Lao đang sinh sống ở các huyện Đồng Văn, Hoàng Su Phì, Yên Minh, Vị Xuyên và Bắc Quang được hưởng các chính sách hỗ trợ từ đề án này. Để thực hiện đề án, Ban Dân tộc tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa và bước đầu đem lại hiệu quả tích cực. Bên cạnh sự hỗ trợ phát triển kinh tế, vấn đề về phát triển văn hóa, thông tin, y tế, giáo dục cho đồng bào dân tộc Cơ Lao cũng được đẩy mạnh; công tác đào tạo nghề được quan tâm… các lễ hội, làng nghề từ lâu đời vẫn được bảo tồn và phát triển đến ngày nay, như: lễ cúng thần rừng, nghề đan lát, thêu dệt trang phục… Từ nguồn hỗ trợ của đề án, huyện đã thành lập “làng nghề đan lát quẩy tấu” tại xã Sính Lủng; phục dựng lại “lễ cúng thần rừng” tại 2 xã; tạo công ăn việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho người dân; đồng thời giúp cho người dân nâng cao ý thức giữ gìn và phát triển nghề truyền thống, bảo tồn văn hóa của dân tộc… Đặc biệt, để giữ gìn tiếng nói và trang phục của dân tộc, mỗi chị em phụ nữ người Cơ Lao được hỗ trợ một bộ trang phục truyền thống, sử dụng trong những sự kiện quan trọng.

Có thực trạng là một số ngôn ngữ của các dân tộc có dân số ít ngày càng mai một, bị thay thế bằng tiếng khu vực và phổ thông. Việc sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình, ngay cả ở những dân tộc thiểu số chiếm số đông, cũng đang có xu hướng giảm đi.

Trong khi đó, nhiều dân tộc thiểu số khác, như các tộc người ở Hà Giang vẫn sử dụng ở mức cao và tuyệt đối dùng ngôn ngữ của dân tộc mình trong hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, thờ cúng tổ tiên, trong tang ma, bởi họ cho rằng con người có tổ, có tông, việc sử dụng ngôn ngữ tộc người mình là nhằm thể hiện niềm tôn kính đối với tổ tiên và tổ tiên sẽ không chấp nhận lễ cúng với lời cúng thuộc ngôn ngữ khác. Nhận thấy, đây cũng là một điểm khá tương đồng trong suy nghĩ của các tộc người thiểu số ở Việt Nam mà không chỉ riêng các dân tộc ở tỉnh Hà Giang, Đảng và Nhà nước đã luôn chú trọng chính sách khuyến khích phát triển và bảo tồn ngôn ngữ dân tộc. Nhờ đó, những giá trị văn hóa cốt lõi của các tộc người sẽ được phát huy và góp phần tham gia vào xây dựng chính sách văn hóa dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Tuy nhiên, rất cần nghiên cứu, chọn lọc các giá trị văn hóa tích cực của đồng bào, mang nhiều tính tương đồng với giá trị văn hóa chung của dân tộc Việt Nam. Từ đó, huy động sức mạnh của chủ thể văn hóa, phát huy tinh thần sáng tạo và chủ động tham gia xây dựng chính sách của các dân tộc thiểu số ở vùng núi cao như người Cơ Lao ở Hà Giang.

Tóm lại, muốn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trong đờisống đương đại, trước hết cần tạo niềm tin và lòng tự hào về truyền thống tốt đẹp của chính họ ở nơi đây, tránh gây tâm lý mặc cảm văn hóa đối với họ.Cũng như, trong các thành tố văn hóa truyền thống của người Cơ Lao ở Hà Giang, có thể chắt lọc và tìm ra những điểm tích cực, có vai trò xây dựng chính sách phát triển văn hóa, xã hội của dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói chung, phát triển đời sống của dân tộc Cơ Lao nói riêng. Việc nhìn nhận, đánh giá đa chiều cho thấy giá trị tích cực của di sản văn hóa tộc người, không chỉ góp phần vào tiếng nói đa dạng của văn hóa Việt Nam, mà còn giúp khẳng định vị trí, tiếng nói chủ thể, quyền văn hóa của mỗi cộng đồng dân tộc thiểu số trong đời sống văn hóa chung.

 ______________________

1. Nguyễn Văn Huy, Bước đầu tìm hiểu mối quan hệ giữa các nhóm Cơ Lao ở Hà Giang, Thông báo Dân tộc học, số 1, 1972, tr.78.

2. Trần Quốc Vượng, Về người Lạc Việt, tập 2, Thông báo Sử học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

3. PGS, TS Phạm Quang Hoan (chủ biên), Dân tộc Cơ Lao ở Việt Nam – truyền thống và biến đổi, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2012, tr.30.

Ths NGUYỄN THỊ HẠNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 485, tháng 1-2022

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *