Trong hai ngày 4 và 5-10-2019, tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Viện Văn hóa Nghệ Thuật Quốc gia Việt Nam đã phối hợp cùng Sở VHTTDL các tỉnh: Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La tổ chức Hội thảo quốc tế Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật xòe Thái trong xã hội đương đại. Hội thảo thu hút hơn 100 chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nghệ nhân… trong và ngoài nước tham gia; nội dung các tham luận chủ yếu tập trung vào những vấn đề về quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị của nghệ thuật xòe Thái trong bối cảnh mới.
Nhắc đến những giá trị văn hóa nổi bật của vùng núi Tây Bắc, không thể không nhắc tới xòe Thái. Đây là một loại hình vũ điệu dân gian mang đậm dấu ấn của văn hóa Thái, giữ vị trí quan trọng trong đời sống của cộng đồng người Thái ở các tỉnh Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La. Có thể nói, xòe Thái chính là bản sắc văn hóa, sợi dây gắn kết cộng đồng người Thái, là một trong những cơ sở để tạo dựng các giá trị văn hóa mới trong xã hội đương đại của người Thái Tây Bắc.
Năm 2015, nghệ thuật xòe Thái đã được Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và được Chính phủ đồng ý cho xây dựng Hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO để xét duyệt vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thứ trưởng Bộ VHTTDL, PGS,TS Tạ Quang Đông nhận định: “Nghệ thuật xòe đã trở thành biểu tượng của lòng cởi mở, hiếu khách, là dấu ấn văn hóa tộc người và bản sắc văn hóa của người Thái ở vùng Tây Bắc Việt Nam” (1). Để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật xòe Thái, rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành, các nhà khoa học, nhà quản lý và của chính người dân địa phương với các giải pháp tích cực và phù hợp. Hội thảo Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật xòe Thái trong xã hội đương đại là một trong những giải pháp đó, đồng thời là cơ hội để các nhà khoa học trao đổi, đóng góp những giá trị học thuật tích cực trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật xòe Thái.
Hội thảo quốc tế Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật xòe Thái trong xã hội đương đại – Ảnh: Liên Hương
Hội thảo chia thành 3 tiểu ban, lựa chọn những tham luận có tính chất khai mở để trình bày và thảo luận.
1. Nghiên cứu di sản múa dân gian của các cộng đồng dân tộc
Múa dân gian là một loại hình vũ đạo mang tính nguyên hợp, cùng với âm nhạc, bài hát, đạo cụ, trang phục và những yếu tố văn hóa truyền thống khác, được trình diễn trong bối cảnh nghi lễ, lễ hội và sự kiện văn hóa cộng đồng (2). Trong tiểu ban I, tham luận của các học giả nước ngoài như GS, TS So, Inhwa, GS Trịnh Hiểu Vân, Vu Đào, GS, TS Liêu Quốc Nhất đã trình bày về các điệu múa truyền thống của Hàn Quốc, Trung Quốc… đó là những di sản văn hóa phi vật thể được chính phủ, các tổ chức biểu diễn, tổ chức giáo dục, công chúng… đặc biệt quan tâm.
Người Thái có một bộ phận không nhỏ sinh sống ở Trung Quốc, họ cũng có sự đồng điệu về ký ức và văn hóa với nhiều dân tộc Thái ở các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tác giả Trịnh Hiểu Vân và Vu Đào đã mô tả những thay đổi trong không gian trình diễn cũng như hình thức biểu diễn của các điệu múa dân tộc này trong xã hội đương đại. Trong hoàn cảnh xã hội mở cửa và toàn cầu hóa, sự thay đổi và triển vọng phát triển của múa Thái ở Trung Quốc giúp cho các nước khác có sự nhìn nhận sâu, rộng hơn về môn nghệ thuật dân gian độc đáo này.
Ở Vân Nam, Trung Quốc, tiêu biểu nhất trong các điệu múa của người Thái là múa chim công. Tại đây, điệu múa này đóng vai trò không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển du lịch. Học giả Liêu Quốc Nhất đã nhận định: “Các vũ công đã đưa múa dân gian của dân tộc Thái đến với cả nước và biến điệu múa chim công thành một cái tên quen thuộc của Trung Quốc”.
Bên cạnh đó, học giả người Lào, TS Souksavatd Bountheng đưa ra một nghiên cứu về điệu nhảy tện xe, có những nét tương đồng với xòe Thái và khẳng định: “Tện xe là một điệu nhảy tập thể, một vũ điệu sôi động, thể hiện tính cộng đồng cao”. Tuy tồn tại những dị biệt xoay quanh hai điệu múa này, nhưng chúng đều thể hiện những ước mơ và khát khao của người Thái dù họ sống trên bất kỳ lãnh thổ nào.
Tiếp nối các nghiên cứu mang tính lý thuyết hệ thống, các tác giả Nguyễn Đăng Hựu, Trịnh Sinh, Phạm Đặng Xuân Hương, Đỗ Thị Thu Hà đã có cái nhìn tổng quát về xòe Thái trong dòng chảy văn hóa vũ đạo, trong mối quan hệ với các điệu múa thời cổ đại, các hành vi xã hội của đội xòe…
2. Nhận diện, bảo vệ, quản lý nghệ thuật xòe Thái
Trong tiểu ban II, hội thảo lựa chọn trình bày nghiên cứu của các tác giả: Bùi Quang Thanh, Phạm Văn Lợi, Lê Anh Tuấn, Đặng Hoành Loan, Lường Thị Đại, Dương Văn Sáu, Phạm Việt Dũng, Nguyễn Thị Hải Yến, Hoàng Ngọc Sửu, Hà Lâm Kỳ, Phạm Hùng Thoan. Các tác giả nhận diện xòe Thái dưới nhiều góc độ: lịch sử, khu vực học, dân tộc học…
Khẳng định lại một lần nữa về nguồn gốc của dân tộc Thái, GS,TS Bùi Quang Thanh cho rằng: từ thượng nguồn sông Mêkông và sông Hồng (Vân Nam, Trung Quốc), người Thái đã di chuyển xuống phía Nam, mang theo kho tàng đồ sộ về văn hóa, nghệ thuật, hòa nhập với văn hóa bản địa và tồn tại tới ngày nay. Trong những giá trị cốt lõi của tộc người Thái, xòe Thái như một thứ di sản độc đáo, có sức lan tỏa, mang tính gắn kết cộng đồng hơn cả. Đối với mỗi không gian, xòe Thái lại mang một diện mạo khác, chính sự bản địa hóa đã mang lại tính đa dạng và phong phú cho loại hình văn hóa dân gian này.
Về một khía cạnh khác, PGS, TS Lê Anh Tuấn khẳng định: âm nhạc là một yếu tố quan trọng, góp phần tạo ra những đặc trưng riêng của xòe Thái, cũng là thành tố góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc Thái. Tham luận của tác giả đề cập tới sự phong phú, đa dạng của âm nhạc trong nghệ thuật xòe Thái; vai trò, ý nghĩa của âm nhạc đối với nghệ thuật xòe Thái; thực trạng của việc sử dụng âm nhạc trong xòe Thái và những giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy âm nhạc cổ truyền trong nghệ thuật xòe.
Nói đến âm nhạc trong xòe Thái trước tiên phải kể đến không gian diễn xướng then – được xem là khởi nguồn và là một trong ba không gian trình diễn chính của xòe Thái. Theo nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, các điệu múa của trai, gái bản quanh cây Pang chính là những điệu xòe mừng lễ Kin Pang, dân làng hòa vào niềm hân hoan, hạnh phúc. Dần dần, âm nhạc và nghệ thuật xòe đến với cuộc sống thường nhật, trở thành một sinh hoạt cộng đồng không thể thiếu của người Thái.
Bên cạnh đó, nhiều tham luận của các nhà quản lý văn hóa và người thực hành xòe Thái tại địa phương như Phạm Việt Dũng, Nguyễn Thị Hải Yến, Lường Thị Đại, Hoàng Ngọc Sửu… đã nhận diện trực tiếp vào giá trị và chức năng của xòe Thái trong đời sống đương đại. Theo đó, việc bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống này phải được đặt trong tổng thể các biểu hiện của văn hóa Thái. Bảo tồn xòe Thái chính là bảo tồn tín ngưỡng, âm nhạc dân gian, trang phục truyền thống…
Các tham luận thuộc tiểu ban II đã thể hiện những kết quả nghiên cứu xòe Thái từ góc độ lịch sử, cội nguồn, giá trị nghệ thuật, chức năng xã hội, đồng thời đưa ra những phương hướng, nhiệm vụ cho việc bảo vệ di sản trong cuộc sống đương đại, kết hợp với phát triển kinh tế địa phương.
3. Bàn luận và kinh nghiệm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể và nghệ thuật xòe Thái
Để những di sản văn hóa phi vật thể thực sự phát triển bền vững, cộng đồng phải nỗ lực, tự thân ý thức được vai trò của mình trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản. Các tham luận thuộc tiểu ban III tập trung vào phân tích những cơ hội và thách thức của việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể sau khi được vinh danh. Đối với Hàn Quốc, Mexico hay nhiều quốc gia trên thế giới đều gặp phải những vấn đề này. Kinh nghiệm của họ chính là bài học để chúng ta xây dựng kế hoạch cụ thể cho quá trình phát huy di sản nghệ thuật xòe Thái. Ví dụ, học giả Barley Norton đánh giá cao tiềm năng của phim trong bảo vệ di sản văn hóa. Đặc biệt, ông nhấn mạnh về sự phổ biến của phương thức nghe nhìn với văn hóa phi vật thể trong bối cảnh các phương tiện truyền thông luôn thay đổi như hiện nay.
Với tư cách một người thực hành văn hóa tại địa phương, tác giả Lò Thị Huân (Yên Bái) cũng đề xuất một số vấn đề cần quan tâm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy nghệ thuật xòe Thái. Tác giả cho rằng, mỗi địa phương cần có kế hoạch khảo sát, thu thập, tổng hợp về thực trạng về nghệ thuật xòe Thái trong cộng đồng cư dân người Thái sinh sống ở địa phương mình. Từ đó, mới có thể đề ra các giải pháp để bảo tồn, phát huy phù hợp và hiệu quả. Đặc biệt, các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá về vai trò, giá trị của nghệ thuật xòe Thái trong cộng đồng. Hằng năm, cần tổ chức các hoạt động văn hóa, hội thi Xòe để chính người dân là chủ thể tham gia trình diễn. Từ đó, mỗi người dân tự ý thức bảo vệ, nuôi dưỡng các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đây được xem là cách bảo tồn, phát huy bền vững nhất.
Kết thúc sau hai ngày hoạt động sôi nổi, Hội thảo đã đặt ra, thảo luận, giải quyết và đề xuất nhiều vấn đề khoa học và thực tiễn, tạo cơ sở để Bộ VHTTDL lập Hồ sơ quốc gia, đệ trình UNESCO xét duyệt vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là việc làm có ý nghĩa lớn trong nâng cao nhận thức về bảo vệ di sản nói chung và di sản múa dân gian, nghệ thuật xòe Thái nói riêng, thể hiện chính sách tôn trọng sự đa dạng văn hóa, không phân biệt đối xử trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của chính phủ Việt Nam. Đồng thời, đây cũng chính là cơ hội để thúc đẩy sự phát triển của xòe Thái, đưa loại hình nghệ thuật này trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế.
______________
1. Phát biểu của Thứ trưởng Bộ VHTTDL, PGS,TS Tạ Quang Đông tại hội thảo.
2. Phát biểu tổng kết và bế mạc hội thảo.
Tác giả: Nguyễn Thị Vân Anh – Nguyễn Liên Hương
Nguồn: Tạp chí VHNT số 425, tháng 11 – 2019
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%