Tối 20-11, Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII đã chính thức khép lại với Lễ bế mạc và trao giải thưởng sau 3 ngày diễn ra tại thành phố Huế. Đã có 18 giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc, 26 giải cá nhân xuất sắc được Bộ VHTTDL trao tặng ở cả 4 hạng mục phim tham dự. Buổi lễ cũng chứng kiến sự chuyển giao cờ đăng cai Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII cho UBND tỉnh Lâm Đồng.
Tham dự buổi lễ, có: Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình; Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy; Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Trưởng Ban chỉ đạo Liên hoan Phim Tạ Quang Đông; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cùng các lãnh đạo Tỉnh, Cục Điện ảnh, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế và gần 500 đại biểu, nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất, quay phim, đại diện các đơn vị thông tấn, báo chí đã tới tham dự.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu tại chương trình bế mạc LHP lần thứ XXII
Trong bài phát biểu tại Lễ Bế mạc và trao giải, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã vui mừng ghi nhận đây là một Liên hoan Phim (LHP) đặc biệt với nhiều tác phẩm điện ảnh được phổ biến trên nền tảng số đã được nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và khán giả cả nước nói chung hào hứng đón nhận. LHP Việt Nam tiếp tục khẳng định là một sự kiện nghệ thuật có dấu ấn chuyên nghiệp, thu hút được đông đảo nhà sản xuất, các nghệ sĩ, các nhà hoạt động điện ảnh và nhiều tác phẩm điện ảnh có chất lượng nghệ thuật, có giá trị nhân văn, đạt doanh thu cao.
Mặc dù có nhiều khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng với tinh thần linh hoạt, thích ứng trong điều kiện bình thường mới, Liên hoan đã nỗ lực “vượt khó” để mang đến thành công cho một kỳ Liên hoan vừa an toàn trong phòng chống dịch COVID-19, vừa đáp ứng được tiêu chí thực hiện một kỳ Liên hoan trang trọng của ngành Điện ảnh Việt Nam. Đồng thời, đây còn là sự kiện góp phần khôi phục các hoạt động văn hóa nghệ thuật trên cả nước và thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo T.Ư và Bộ VHTTDL trao giải Bông sen Vàng cho phim “Mắt biếc”
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cũng cảm kích bày tỏ: “Trong suốt những ngày qua, thành phố Huế như trút bỏ những âu lo do đại dịch, thực sự trở lại nét đẹp nên thơ của sông Hương, núi Ngự, cố đô văn hóa lịch sử với 7 di sản vật thể và phi vật thể được UNESCO vinh danh. Chúng tôi hy vọng rằng, với sự thành công của LHP lần này, Huế sẽ tiếp tục là điểm đến không thể bỏ qua của các nhà sản xuất phim, đạo diễn, diễn viên khắp mọi miền đất nước, trở thành một phim trường đặc sắc của nhiều bộ phim xuất sắc của nền điện ảnh Việt Nam trong tương lai, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”.
Trước đó, sự kiện Thảm đỏ Liên hoan đã thu hút sự chú ý của người dân xứ Huế khi có sự góp mặt của nhiều gương mặt quen thuộc trên sóng truyền hình như: NSND Lê Khanh, MC Trấn Thành, diễn viên Trương Ngọc Ánh, Bảo Hân, ca sĩ Phương Thanh, Hoa hậu Tiểu Vy, Đỗ Mỹ Linh, Lương Thùy Linh…
NSND Lê Khanh nhận giải Nữ diễn viên chính xuất sắc
Phần được trông đợi nhất – trao giải thưởng cho các cá nhân và tác phẩm xuất sắc của Liên hoan đã được công bố. Theo đó, giải thưởng cho thể loại phim truyện điện ảnh: Bông sen Vàng đã được trao cho bộ phim Mắt biếc (Công ty Cổ phần Giải trí và Giáo dục Galaxy sản xuất); Bông sen Bạc được trao cho bộ phim Bố già (Công ty Cổ phần Sản xuất phim Hoan Khuê và Công ty TNHH Trấn Thành Town sản xuất); Giải thưởng Ban Giám khảo trao cho 3 bộ phim: Ròm (Công ty Cổ phần Sản xuất phim Hoan Khuê sản xuất), phim Gái già lắm chiêu V – Những cuộc đời vương giả (Công ty TNHH Mar6 sản xuất) và phim Bình minh đỏ (Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam sản xuất).
Các tác giả kịch bản xuất sắc nhận giải
Các hạng mục khác của thể loại phim truyện điện ảnh cũng lần lượt được xướng tên, gồm: Đạo diễn xuất sắc: Trịnh Đình Lê Minh (Bằng chứng vô hình); Tác giả kịch bản xuất sắc: Trấn Thành và Vũ Ngọc Đãng (Bố già); Quay phim xuất sắc: Nguyễn Vinh Phúc (Ròm) và Dominic Pereira (Mắt biếc); Nữ diễn viên chính xuất sắc: Lê Khanh (Gái già lắm chiêu V – Những cuộc đời vương giả); Nam diễn viên chính xuất sắc: Tuấn Trần (Trần Duy Tuấn – phim Bố già); Nữ diễn viên phụ xuất sắc: Ngân Chi (Bố già, Nắng 3); Nam diễn viên phụ xuất sắc: Otis (Đỗ Nhật Trường – phim Bằng chứng vô hình); Họa sĩ thiết kế mỹ thuật xuất sắc: Phạm Hùng (Gái già lắm chiêu V – Những cuộc đời vương giả); Âm nhạc xuất sắc: Christopher Wong (Mắt biếc); Âm thanh xuất sắc: Peter Mulheron (Bằng chứng vô hình).
Bông sen Vàng phim tài liệu được trao cho phim “Ranh giới”
Ở thể loại phim Tài liệu: Bông sen Vàng được trao cho bộ phim Ranh giới, (Trung tâm Phim Tài liệu và Phóng sự, Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất); Bông sen Bạc được trao cho 2 bộ phim Phim đỏ (Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất) và phim Ánh sáng của con (Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất); Giải thưởng Ban Giám khảo trao cho 2 bộ phim: Mầm xanh đất lửa (Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất) và Nữ du kích Sông Hương (Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất).
Các hạng mục khác trong thể loại phim Tài liệu gồm có: Đạo diễn xuất sắc: Tạ Quỳnh Tư (Ranh giới, Nẻo đường hội ngộ); Tác giả kịch bản xuất sắc: Nguyễn Hạnh Lê (Kỳ tích chinh phục một dòng sông); Quay phim xuất sắc: Lê Duy Hồi và Hà Hải Long (Lá cờ trên Phu Văn Lâu); Âm thanh xuất sắc: Nhạc sĩ Chu Đức Thắng và Đào Thị Hằng (Mầm xanh đất lửa).
Bông sen Vàng phim khoa học được trao cho bộ phim “Điểm mù giao thông”
Với thể loại phim Khoa học: Bông sen Vàng được trao cho bộ phim Điểm mù giao thông (Trung tâm Phim Tài liệu và Phóng sự, Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất); Bông sen Bạc trao cho bộ phim Lũ miền núi (Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất); Giải thưởng Ban Giám khảo trao cho bộ phim Ca trù vọng tiếng ngàn năm (Ban Văn nghệ – Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất).
Các hạng mục khác của thể loại phim Khoa học gồm: Đạo diễn xuất sắc: Trịnh Quang Tùng (Lũ miền núi); Tác giả kịch bản xuất sắc: Lê Danh Trường (Tắc mạch xạ trị); Quay phim xuất sắc: Công Sơn, Dương Huy và Tuấn Anh (Ô nhiễm trắng); Âm thanh xuất sắc: Hữu Bính và Xuân Phương (Ca trù vọng tiếng ngàn năm).
Đối với thể loại phim Hoạt hình: Giải Bông sen Vàng đã được trao cho bộ phim Con chim gỗ; Giải Bông sen Bạc trao cho 2 bộ phim Người thầy của muôn đời và Ánh sáng không bao giờ tắt; Giải thưởng Ban Giám khảo trao cho 2 bộ phim Bí mật của khu vườn và Mái tơ phúc hậu.
Các hạng mục khác của thể loại phim hoạt hình gồm: Đạo diễn xuất sắc: Trần Khánh Duyên (Con chim gỗ); Tác giả kịch bản xuất sắc: Bùi Hoài Thu (Người thầy của muôn đời); Họa sĩ diễn xuất xuất sắc: Nhóm họa sĩ diễn xuất bộ phim Người thầy của muôn đời; Họa sĩ tạo hình xuất sắc Lê Bình (Bí mật của khu vườn); Âm nhạc xuất sắc: Đặng Duy Chiến (Ánh sáng không bao giờ tắt); Âm thanh xuất sắc: Nguyễn Hồng Quân (Ánh sáng không bao giờ tắt); Kỹ xảo hoạt hình xuất sắc: Nguyễn Quang Trung (Mảnh ghép của Rồng).
Tin: HƯƠNG GIANG – Ảnh: MINH KHÁNH
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z