Biến đổi văn hóa đô thị hà nội, đối tượng và quan niệm


         Trong khoảng hơn 10 năm lại đây, đô thị nước ta, trong đó có Hà Nội, phát triển với tốc độ khá nhanh vừa do tác động của kinh tế thị trường (có tính tự phát), vừa do tác động của CNH, HĐH (có tính định hướng). Trên cơ sở đó, văn hóa đô thị đã chịu nhiều tác động và biến đổi đa dạng, từ cách thức sản xuất, trao đổi đến tiêu dùng; từ nếp ăn, ở, mặc, đi lại đến cách ứng xử, cách vui chơi, giải trí; từ tổ chức gia đình đến tổ chức xã hội…

1. Đối tượng

Từ năm 1986, với việc chuyển sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt từ khi bước vào giai đoạn đẩy mạnh CNH, HĐH, từ giữa thập niên 1990, ở Hà Nội, quá trình đô thị hóa đã diễn ra với tốc độ, quy mô ngày một lớn hơn.

Trong quá trình phát triển đô thị, Hà Nội vấp phải nhiều khó khăn và mất cân đối. Đó là sự quá tải, mất cân bằng rất lớn giữa số lượng, chiều rộng của hệ thống đường bộ, cầu vượt với số lượng người và phương tiện tham gia giao thông tăng lên nhanh chóng, gây ra tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông. Đó là sự mất cân đối lớn giữa dân số đô thị tăng nhanh với mặt bằng không gian có thể phát triển đô thị và kết cấu hạ tầng đô thị rất hạn chế, non kém. Thực tế một số công trình công cộng thiết yếu của Hà Nội cũ, như khu công nghệ cao, cấp nước, nghĩa trang, khu xử lý chất thải, đầu mối giao thông lớn, đường vành đai vùng… đã phải triển khai trên đất của Hà Tây cũ, Vĩnh Phúc. Môi trường văn hóa đô thị của Hà Nội cũ thiếu hụt nhiều chỉ tiêu về giao thông tĩnh, cây xanh, thảm cỏ, dịch vụ văn hóa, nghỉ ngơi, khu vui chơi cho trẻ em, người già… Việc mở rộng quy mô không gian, địa giới hành chính Hà Nội là một đòi hỏi tất yếu để bảo đảm sự phát triển bền vững, lâu dài, nhằm nâng cao vai trò, vị thế thủ đô…

Với việc mở rộng địa giới hành chính, văn hóa đô thị Hà Nội không chỉ được thể hiện ở nội thành Hà Nội, mà cả ở Hà Đông, Sơn Tây và các thị trấn trên địa bàn Hà Nội mới. Trong điều kiện còn đang hình thành một quy hoạch không gian đô thị thống nhất của thủ đô, sự biến đổi văn hóa các đô thị Hà Nội có những đặc điểm thống nhất và cũng có những nét đặc thù của Thăng Long – Hà Nội và của xứ Đoài. Chỉ riêng về địa giới các đô thị cũng không liền kề nhau như 7 quận nội thành trước đây của Hà Nội. Hà Đông nằm liền kề với các quận nội thành, nhưng còn Sơn Tây thì nằm giữa các huyện. Ngoài ra còn phải kể đến sự hình thành các khu đô thị mới, hiện đại giữa ngoại thành, ví dụ xung quanh khu công nghệ cao Hòa Lạc và làng đại học.

Những thay đổi trong quan hệ địa – văn hóa đã và sẽ tác động không nhỏ đến quá trình biến đổi văn hóa đô thị Hà Nội. Những thay đổi đó đặt ra yêu cầu nghiên cứu biến đổi văn hóa đô thị Hà Nội không tách rời sự hội nhập văn hóa Thăng Long – Hà Nội và văn hóa xứ Đoài.

Và trong quá trình hội nhập đó, đặc trưng nổi trội của văn hóa đô thị Hà Nội có còn là nếp sống thanh lịch Thăng Long – Hà Nội không?

Nếu trong thời kỳ cơ chế tập trung – bao cấp, quá trình đô thị hóa diễn ra chậm chạp, đô thị thường gắn với các trung tâm hành chính, thì từ khi chuyển sang kinh tế thị trường, đặc biệt từ giữa thập niên 1990, sức phát triển của đô thị và sự biến đổi văn hóa đô thị chủ yếu do sự thúc đẩy của quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH, diễn ra toàn diện, sâu sắc, song không tránh khỏi theo hướng tự phát ở phương diện này hay phương diện khác, từ cách thức sản xuất, trao đổi đến tiêu dùng, từ nếp ăn, nếp ở, cách mặc, cách đi lại đến nếp ứng xử, cách vui chơi giải trí trong gia đình và ngoài xã hội,…

2. Quan niệm về văn hóa đô thị và biến đổi văn hóa đô thị

Sự khác biệt của văn hóa đô thị so với văn hóa nông thôn thể hiện ở hai đặc trưng: lối sống công cộng và phức hợp văn hóa bác học, dân gian, đại chúng. Từ khi chuyển sang kinh tế thị trường, hai đặc trưng trên ngày càng bộc lộ rõ nét tại các đô thị lớn ở nước ta, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM.

Do những đặc trưng trên đây, văn hóa đô thị dễ chuyển và dễ gắn với văn minh hơn là văn hóa nông thôn. Có nhà nghiên cứu đã nói quá rằng, văn minh là ”cái chết” của văn hóa. Văn minh đô thị không phải là ”cái chết” của văn hóa đô thị, mà chứng tỏ sức chuyển hóa, sức phát triển của văn hóa đô thị là mạnh hơn văn hóa nông thôn.

Chúng tôi quan niệm văn hóa đô thị là tổng thể các quan hệ văn hóa được vận hành theo các giá trị, chuẩn mực vật chất, tinh thần nhất định, để tôn vinh và sản sinh, truyền bá, thực hành các giá trị chân, thiện, mỹ mới, nhằm làm giàu tính người hơn trong đời sống đô thị.

Văn hóa đô thị gồm 4 hàm nghĩa sau:

Tri thức, kinh nghiệm hiểu biết về thiên nhiên, xã hội, con người.

Các giá trị văn hóa (hay chuẩn mực văn hóa với tính cách là sự áp dụng cụ thể các giá trị văn hóa vào đời sống thường nhật).

Các thể thức biểu hiện của văn hóa đô thị thông qua các cá nhân, cộng đồng (hành vi văn hóa, lối sống có văn hóa) và thông qua các loại hình văn hóa (văn học, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, sân khấu, ca nhạc, điện ảnh, nhiếp ảnh…).

Hoạt động sáng tạo, truyền bá và thực hành các giá trị văn hóa.

Các hàm nghĩa trên tương tác nhau. Hai hàm nghĩa đầu là nền tảng tích lũy từ thế hệ trước và kết quả sáng tạo, truyền bá và thực hành các giá trị văn hóa. Hàm nghĩa sau là thể chế, hình thức biểu diễn văn hóa đô thị, để thông qua đó diễn ra các hoạt động sáng tạo, truyền bá và thực hành các giá trị văn hóa.

Văn hóa đô thị bao gồm cả văn hóa bác học (hàn lâm, chuyên nghiệp), văn hóa dân gian và văn hóa đại chúng. Mỗi loại hình văn hóa lại có cách thức thể hiện bốn hàm nghĩa trên, đặc biệt ở lối sống, theo cách riêng. Văn hóa bác học đón vai trò chủ yếu sản sinh và cầm cân nảy mực các giá trị văn hóa. Văn hóa đại chúng giữ vai trò phổ cập hóa các giá trị văn hóa. Văn hóa dân gian tạo tiềm năng, môi trường nuôi dưỡng và thể hiện các giá trị văn hóa. Cả văn hóa đại chúng và văn hóa dân gian đều thể hiện cái muôn mặt đời thường của giá trị văn hóa; nhưng trong khi văn hóa dân gian thể hiện tính cố kết cộng đồng thì văn hóa đại chúng phản ánh tính lan tỏa, tính bình dân của văn hóa trong các cộng đồng. Do gắn với công nghiệp và thương mại, nên văn hóa đại chúng dễ tầm thường hóa văn hóa, dễ đóng vai trò là ”chất ma túy” văn hóa và dinh dưỡng các phản giá trị.

Văn hóa đô thị có sức biến đổi cao, đặc biệt trong điều kiện đô thị hóa đang được đẩy mạnh. Văn hóa đô thị được hình thành, phát triển trong quá trình hoạt động và tương tác xã hội của người dân đô thị. Biến đổi văn hóa đô thị, do đó có thể được hiểu một cách khái quát là quá trình thay đổi cách thức hoạt động và quan hệ văn hóa của người dân đô thị; từ đó có thể dẫn đến chỗ hình thành kiểu phát triển và cấu trúc văn hóa mới của đô thị theo những cấp độ khác nhau.

Có thể chia quá trình biến đổi này thành hai cấp độ.

Biến đổi vĩ mô: diễn ra và xuất hiện trên phạm vi rộng lớn trong khoảng thời gian dài. Động lực thúc đẩy những biến đổi vĩ mô có thể là một biến cố lớn; thí dụ việc phá thành lũy ở các thành thị trung cổ đã làm thay đổi cấu trúc đô thị không còn là thành và thị, mà trở thành không gian kinh tế văn hóa thống nhất trên cơ sở các quan hệ phân công, hiệp tác, tập trung, tích tụ các quan hệ kinh tế và văn hóa. Và cũng có những động thái khác làm biến đổi văn hóa đô thị một cách toàn diện nhưng theo cách thức từ từ, sâu sắc; ví dụ quá trình chuyển từ sinh hoạt thời chiến sang đời sống hòa bình, từ cơ chế tập trung – bao cấp sang cơ chế thị trường những năm gần đây.

Biến đổi vi mô: là những biến đổi nhỏ, diễn ra trong thời gian ngắn. Nó được tạo ra từ một lĩnh vực nào đó của đời sống văn hóa đô thị, và sức biến đổi của nó nhìn chung không lớn. Thí dụ sự thay đổi cách dùng năng lượng nấu ăn của các gia đình đô thị, từ dùng củi, than tổ ong sang dùng ga, điện.

Biến đổi văn hóa đô thị là hiện tượng phổ biến, nhưng diễn ra với quy mô, nhịp độ không giống nhau. Tốc độ biến đổi văn hóa đô thị sẽ gia tăng khi nền móng kinh tế xã hội cho sự biến đổi được tôn cao, và khi hội đủ các nhân tố tác động vào sự biến đổi đó.

Trong quá trình biến đổi, không phải mọi yếu tố văn hóa đều có nhịp độ biến đổi như nhau, mà có sự ”lệch pha” trong sự thay đổi. Thông thường trong quá trình biến đổi, các hiện tượng văn hóa vật chất thay đổi nhanh hơn các hiện tượng văn hóa tinh thần. Những biến đổi ”lệch pha” này dễ gây ra những xáo trộn, va đập và mâu thuẫn giữa các chuẩn mực văn hóa và cả hành vi ứng xử văn hóa ở người đô thị.

Trong gần hai thập niên vừa qua tốc độ biến đổi các hiện tượng văn hóa vật chất diễn ra liên tục và khá cao. Đang diễn ra sự ”lệch pha” trong quá trình biến đổi các hiện tượng văn hóa, vật chất so với sự biến đổi các hiện tượng văn hóa tinh thần. Các giá trị vật chất được tích lũy ngày càng lớn với nội dung ngày càng mới và đa dạng, có khi vượt quá khả năng tiêu hóa của tiềm lực văn hóa tinh thần. Mà ta đã biết, truyền thống bản sắc văn hóa đô thị Việt Nam vốn dựa chủ yếu vào tiềm lực văn hóa tinh thần.

Thực tế này cho thấy ảnh hưởng của biến đổi văn hóa đô thị là rất lớn, sâu sắc, có ảnh hưởng tích cực và không tích cực. Thí dụ biến đổi trong cách thức vui chơi giải trí. Từ chỗ tập trung vào sinh hoạt văn hóa gia đình, người đô thị đang tham gia tích cực hơn vào các hoạt động vui chơi giải trí nơi công cộng, như: xem phim, ca múa nhạc, hát karaoke… Một mặt, những hoạt động vui chơi giải trí nơi công cộng đã bồi dưỡng năng lực hòa nhập xã hội và bươn chải, ít ra cũng thuận lợi cho việc kiếm sống. Nhưng mặt khác, nó làm mờ nhạt mối quan hệ gia đình và nhiều khi dẫn đến sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Những người chịu thiệt thòi trong quá trình biến đổi văn hóa đô thị thường là những người có vai trò “yếu thế” hơn trong xã hội, như: phụ nữ có gia đình, người già mong được tựa vào gia đình.

Biến đổi văn hóa vừa có thể quy hoạch, vừa không thể quy hoạch được. Có thể quy hoạch được là vì, những biến đổi ấy cũng đều do con người. Quá trình biến đổi văn hóa đô thị lại chịu sự tác động của các yếu tố kinh tế, công nghệ, xã hội, chính trị. Thế nên từ việc quy hoạch, phát triển kinh tế xã hội, ở mức độ nào đó, có thể quy hoạch biến đổi văn hóa đô thị.

Còn nguyên nhân dẫn đến không thể quy hoạch hoàn toàn quá trình biến đổi, nhất là biến đổi văn hóa, một mặt, là do văn hóa có tính ổn định vì gắn với niềm tin, sở thích, biểu tượng cuộc sống (hay giá trị văn hóa) của mỗi nhóm nhỏ xã hội, mỗi tiểu cộng đồng đô thị…, ở phương diện nào đó, sẽ tạo ra sức ỳ trong quá trình biến đổi văn hóa; mặt khác, trong bối cảnh toàn cầu hóa, yếu tố kinh tế thị trường và khoa học, công nghệ có khả năng tạo ra hoặc du nhập những dạng thức văn hóa đại chúng làm biến đổi tiến trình biến đổi bình thường của đời sống văn hóa. Cả hai chiều cạnh đó đều khiến cho việc quy hoạch biến đổi văn hóa đô thị khó lượng định được.

Do quy mô, tốc độ đổi mới, phát triển khoa học công nghệ và các luồng văn hóa đại chúng rất cao, nên biến đổi văn hóa đô thị ở mức độ nào đó diễn ra có tính chu kỳ hoặc làn sóng. Biến đổi có tính chu kỳ của văn hóa đô thị, chủ yếu diễn ra gần giống chu kỳ sản xuất kinh tế, bao gồm thời gian biến đổi và thời gian không biến đổi trong những lĩnh vực văn hóa khác nhau của đời sống văn hóa đô thị;vì thế giảm bớt thời gian gián đoạn giữa biến đổi và không biến đổi sẽ tạo ra tính ổn định, tính liên tục của quá trình biến đổi văn hóa đô thị.

Biến đổi văn hóa đô thị đôi khi cũng có tính làn sóng, chủ yếu do sự tác động của làn sóng công nghệ và văn hóa đại chúng trong bối cảnh toàn cầu hóa. Thực tế khoa học công nghệ mới góp phần rất quan trọng vào việc thay đổi nhận thức và quan hệ xã hội văn hóa giữa các cá nhân. Xét trong khoảng thời gian ngắn có thể thấy làn sóng đổi mới công nghệ, ví dụ từ đánh máy chữ bằng tay chuyến sang chế bản vi tính và phôtôcoppy, đã tạo ra không chỉ làn sóng biến đổi trong lĩnh vực văn phòng, mà cả trong văn hóa ứng xử của một bộ phận cư dân đô thị. Hoặc sự tác động của các mốt thời trang, âm nhạc cũng gây ra sự biến đổi có tính làn sóng trong lối sống của giới trẻ. Sự tác động của các luồng văn hóa đại chúng, như quần bò, áo phông, trò chơi điện tử, internet, thời trang, karaoke… thường tạo ra một lớp sóng mới trong quá trình biến đổi văn hóa đô thị.

Biến đổi văn hóa đô thị trước tiên và chủ yếu thúc đẩy tiến bộ xã hội của đời sống đô thị. Tiến bộ xã hội là một nấc thang đạt được về giá trị văn hóa. Tất nhiên quan niệm giá trị văn hóa là có tính tương đối, nhưng có thể nhận diện được trước hết ở văn hóa vật thể, sau đó là văn hóa phi vật thể. Thước đo cơ bản đánh giá sự tiến bộ xã hội trong quá trình biến đổi văn hóa đô thị là mức độ bảo đảm ngày càng tốt hơn năng lực hoạt động sáng tạo và hưởng thụ các thành quả văn hóa của đa số người đô thị, đồng thời là mức độ thay đổi trình độ văn hóa văn minh của thành phố, ví dụ thành phố công nghiệp hay thành phố dịch vụ – du lịch.

Nhưng biến đổi văn hóa đô thị cũng bao hàm khả năng dẫn đến cái thoái hóa, cái phi tiến bộ. Bởi lẽ, phức hợp văn hóa đô thị gồm cả những dạng thức văn hóa đối lập, lệch pha với khuôn mẫu, cấu trúc chung của văn hóa thành phố. Thêm nữa, bản thân quá trình biến đổi là quá trình cũng có tính biến hóa phức tạp, và thường có những phương diện nào đó khó hoặc không quy hoạch được theo hướng tiến bộ. Biến đổi văn hóa bị cả những yếu tố tự phát, vô ý thức thúc đẩy, do đó không tránh khỏi sự biến đổi của cả những yếu tố thoái hóa bên cạnh hoặc đã đan xen với sự biến đổi theo hướng tiến bộ của văn hóa đô thị nói chung.

        Nhìn chung, biến đổi văn hóa đô thị không diễn ra theo một chiều đơn giản, mà thường chuyển từ trạng thái đơn giản, thuần nhất sang trạng thái phức tạp, không thuần nhất, để đạt đến sự thống nhất một cách năng động, ở trình độ cao hơn. Văn hóa đô thị là một phức hợp chịu sự tác động nhiều mặt, nhiều chiều, bản thân sự hình thành của nó là một quá trình vận động phát triển trong đó vừa có sự kế thừa, tích luỹ, trao truyền qua thời gian năm tháng, lại vừa có sự nẩy sinh, tạo mới những giá trị của hiện tại. Do đó, nghiên cứu văn hóa nói chung, văn hóa đô thị nói riêng cùng những biến đổi của nó, nhất thiết phải có sự phối kết hợp sự nghiên cứu của nhiều ngành khác nhau. Có như vậy mới thấy được những bản sắc riêng biệt của mỗi nền, mỗi lĩnh vực văn hóa; mới có thể hiểu nguồn gốc, cơ sở những giá trị, những chuẩn mực được hình thành, đúc kết, giữ gìn, trao truyền qua các thế hệ, những di sản vật thể và phi vật thể. Mặt khác, văn hóa gắn với sự thể hiện, phát huy, giải phóng những “năng lực bản chất người” trong tất cả mọi dạng hoạt động và quan hệ của con người như: kinh tế, chính trị, tôn giáo, tín ngưỡng, giao tiếp, ứng xử của từng cá nhân hay cộng đồng người, với những dạng thức, những cách biểu hiện khác nhau, phù hợp hoặc không phù hợp giữa hình thức – nội dung, hiện tượng – bản chất… Do đó, để đánh giá đầy đủ diện mạo của văn hóa nhất thiết phải có những nghiên cứu, xem xét một cách tổng thể, đồng bộ những tác động từ môi trường tự nhiên, xã hội, cả vật chất và tinh thần.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 298, tháng 4-2009

Tác giả : Phan Đăng Long

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *