Hiện nay, ở Định Hóa có 43.367 người Tày chiếm 49,2% dân số toàn huyện. Văn hóa vật thể của người Tày huyện Định Hóa tỉnh Thái Nguyên là thành tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa tộc người. Trong quá trình vận động, tiếp biến văn hóa Tày, các giá trị văn hóa vật thể truyền thống không nằm ngoài quy luật đó. Nhận diện biến đổi văn hóa Tày nói chung và văn hóa vật thể nói riêng là xác lập luận cứ khoa học, góp phần xây dựng, phát triển văn hóa trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và quốc gia hiện nay.
1. Biến đổi một số hiện tượng văn hóa vật thể
Nhà ở
Người Tày ở huyện Định Hóa còn tồn tại 2 loại hình nhà ở truyền thống là nhà sàn và nhà đất. Nhà sàn là dạng nhà truyền thống và phổ biến nhất của người Tày, thuộc kiểu nhà 3 gian 2 chái. Hệ thống cột của nhà thường được chôn thẳng xuống đất, hay một số nhà dùng đá kê dưới chân cột nhưng vẫn có một cột được chôn xuống đất. Mặt sàn nhà của người Tày thường làm cao hơn mặt đất khoảng từ 1,6-1,8m. Sàn nhà được làm từ thân tre bổ nát theo chiều dọc, rạch một đường xẻ phanh cây thành một tấm ghép lại với nhau. Trước đây, hầu hết ngôi nhà sàn được bưng bằng phên tre, nứa, ngày nay, một số gia đình có điều kiện đã bưng bằng ván gỗ. Cầu thang được đặt tại đầu ngoài của sàn nước, nằm trong khoảng trống của một góc lợp mái và chái nhà, chiếm 1/3 chiều dài của sàn nước và hướng lên cửa, tức là nằm ngang so với ngôi nhà. Bậc thang lên xuống bao giờ cũng là số lẻ 7 hay 9 tùy thuộc vào độ cao của mặt sàn bởi con số 9 và 7 thể hiện cái vía của cầu thang như 9 vía, 7 vía của con người.
Loại hình nhà ở thứ hai của người Tày ở Định Hóa là nhà đất. So với nhà sàn, nhà đất có quy mô nhỏ và đơn giản hơn. Bố cục trong ngôi nhà đất của người Tày rất đa dạng. Nhà vách đất phên nứa thường là 3 gian 2 chái. Nhà ngăn thành nhiều phòng dành riêng cho nam, nữ. Sàn gác bị thu hẹp lại trở thành gác xép là nơi để thóc lúa, hòm xiểng và những đồ lặt vặt trong gia đình. Bàn thờ đặt đối diện với cửa chính. Nơi tiếp khách thường ở trước bàn thờ, chỗ gần cửa chính. Bếp không còn ở gian nhà chính nữa mà thường để ở gian đằng sau hay gian bên cạnh. Nơi ngủ của các thành viên ở hai gian kề gian để bàn thờ. Các công trình phụ như chuồng gia súc, gia cầm được bố trí trên những khu đất xung quanh nhà. Ngày nay, với những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả đã bỏ nhà đất thay vào đó là những ngôi nhà xây hiện đại.
Vật liệu công nghiệp đang đi vào cuộc sống của đồng bào và được đồng bào chấp nhận, sử dụng như một văn hóa mới như xi măng, sắt, thép, tôn, nhôm, kính… trong việc xây nhà. Mong muốn làm nhà sàn hiện đại là một trong những xu hướng phổ biến của dân tộc Tày. Nguyên vật liệu đã được thay thế như mái ngói, mái pro xi măng thay cho mái tranh, mái lá, sàn bê tông thay cho sàn gỗ, sàn tre, cột bê tông thay cho cột gỗ. Điều này làm cho ngôi nhà được lâu bền hơn và cũng phù hợp với điều kiện tài nguyên rừng ngày càng khan hiếm.
Tổ chức làng bản
Người Tày chủ yếu sống trong các bản cạnh sông suối hay các thung lũng. Quy mô các bản Tày vừa và nhỏ, mỗi bản thường chỉ có khoảng 30-60 hộ gia đình. Trong bản đều có nhiều dòng họ cùng chung sống và quan hệ láng giềng được coi là quan hệ chủ đạo. Mỗi bản thường có nhiều chòm xóm nhỏ, phân bố tương đối biệt lập, nhưng đều hướng ra cánh đồng hoặc con đường cái chạy qua. Các tên gọi của bản thường được đệm từ: nạ (ruộng), pạc (cửa), loòng (suối), nắm (nước). Bên cạnh đó, cũng có nhiều bản được đặt theo tên tiếng Việt, do tiếp thu ảnh hưởng từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trong mỗi bản có những họ là gốc Tày cổ, nhưng cũng có những họ là gốc Kinh bị Tày hóa. Đặc biệt, từ sau những năm 60 của TK XX, thực hiện chủ trương xây dựng kinh tế mới của Đảng và Nhà nước, đã có sự biến đối trong thành phần dân cư của các thôn, bản. Tổ chức đời sống cộng đồng tiếp tục có nhiều đổi khác so với trước kia. Việc thay đổi cơ chế quản lý hành chính đã tạo nên nhiều thay đổi trong xã hội Tày. Tổ chức xã hội Tày tiếp tục phát triển theo xu hướng thống nhất với tổ chức bộ máy hành chính của nhà nước, thống nhất quyền lực với nhà nước. Xã là cấp chính quyền cơ sở, dưới xã là các thôn, đứng đầu là các trưởng thôn, trưởng bản, chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động kinh tế – văn hóa – xã hội của thôn bản đó.
Hiện nay, hầu hết các thôn, bản gần trung tâm xã hoặc gần trục giao thông đều có sự xen cư giữa người Tày với người Kinh, thậm chí, trong cùng một bản có người Tày, Kinh và Dao cư trú. Thông qua lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa tinh thần, mọi thành viên trong bản dù đồng tộc hay khác tộc đều đoàn kết với nhau.
Trang phục
Trang phục truyền thống của người Tày khá phong phú, được phân biệt theo giới tính, lứa tuổi, địa vị xã hội và theo nhóm địa phương… Y phục của nam giới được cắt may bằng vải chàm và theo một kiểu. Bộ y phục của nam giới Tày gồm áo cánh 4 thân, áo dài 5 thân, khăn đội đầu và giày vải. Chiếc áo cánh 4 thân mặc hằng ngày được may theo kiểu xẻ ngực, cổ áo tròn, cao, không có cầu vai, tà áo xẻ cao, có hàng cúc vải (7 cái) ở trước ngực và hai túi nhỏ không nắp ở phía dưới hai vạt trước. Áo dài mặc trong dịp lễ tết, hội hè, đám cưới có 5 thân, dài tới đầu gối, cài khuy bằng vải bên nách phải. Quần của nam giới Tày được may bằng vải sợi bông, màu chàm may kiểu chân què hoặc bổ đũng, dài tới mắt cá chân. Khăn đội đầu của nam giới Tày màu chàm được dệt bằng sợi bông hoặc sợi tơ tằm dài 2m, rộng 30cm, quấn lên đầu theo hình chữ nhân. Mũ của nam giới may bằng vải chàm theo kiểu mũ lưỡi trai. Đến tuổi trưởng thành, họ thường bọc răng vàng hoặc bạc.
Trang phục của nữ giới phong phú và đa dạng hơn. Y phục của nữ giới gồm áo ngắn 4 thân, áo dài 5 thân, quần, thắt lưng, khăn đội đầu. Áo ngắn của phụ nữ Tày có 4 thân, cổ tròn, xẻ ngực, cài cúc, có hai túi nhỏ ở hai vạt trước. Áo may hẹp, hơi thắt eo, ống tay áo nhỏ gần như bó sát với tay. Áo ngắn thường mặc ở nhà, khi đi làm và dùng để mặc áo lót trong áo dài khi đi chợ hoặc tham dự các lễ hội. Vào những dịp này, phụ nữ Tày thường mặc chiếc áo cánh lót trong bằng vải trắng. Xưa kia, chị em thường đeo vòng cổ, vòng tay, vòng chân và mang xà tích bằng bạc, có người đeo khuyên tai vàng.
Dưới tác động của sự phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội, việc bảo tồn, phát triển văn hóa Tày, trong đó có bộ trang phục của người phụ nữ Tày gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, các thiếu nữ Tày ít khi mặc những trang phục của dân tộc mình. Mặt khác, bộ váy Tày ngày nay cũng có những cách tân để phù hợp hơn những xu hướng mặc hiện đại. Theo đó, nhiều trang phục Tày được may từ vải công nghiệp với nhiều màu sắc đa dạng, và thường được mang đến các tiệm cắt may chứ không phải tự cắt, tự khâu như trước kia nữa. Hiện nay, các y phục truyền thống chỉ phổ biến ở các xã vùng sâu và chỉ còn những người già trong làng xã còn giữ lại được những thói quen mặc quần áo truyền thống. Những trang phục truyền thống chỉ mặc vào những dịp như đám cưới, lễ hội, lễ tết…
Văn hóa ẩm thực
Người Tày ở Định Hóa là cư dân nông nghiệp với nông phẩm chính là gạo tẻ nên cơm gạo tẻ là thành phần chủ yếu trong bữa ăn hằng ngày. Lúa nếp không được trồng cấy nhiều nên gạo nếp chỉ dùng vào những dịp đặc biệt như chế biến các loại bánh, đồ xôi… trong các dịp lễ, Tết, hội hè. Người Tày có riêng một ngày tết cốm, một số món cốm được chế biến khá công phu. Đơn giản nhất là món cốm non trộn với đỗ xanh và đường. Cốm cá là món được làm bằng thịt cá chép, cá quả thái miếng nhỏ, xào với hành mỡ rồi đổ cốm vào đảo đều, ăn khi còn nóng. Cốm thịt lại là món được làm bằng thịt vịt băm nhỏ, trộn đều với cốm sau đó lầy lá gói lại rồi dùng nước xáo luộc lên. Ngày Tết Thanh minh, người Tày có món xôi nhuộm lá cẩm màu tím hoặc màu xanh, đỏ. Tết Trung thu có xôi trám đen. Nhưng phong phú hơn vẫn là các thứ bánh chế biến từ gạo nếp và bột gạo nếp. Tết tháng Giêng là tết lớn nhất có bánh chưng, bánh khảo, bánh bỏng, chè lam. Tết Thanh Minh có bánh lá ngải, bánh rán. Tết Đoan Ngọ có bánh tro. Đến nay, các món ăn truyền thống đã có nhiều thay đổi với các loại món ăn mới giống người Việt. Món ăn truyền thống được sử dụng trong các dịp hội hè, lễ tết.
Công cụ sản xuất
Là cư dân nông nghiệp với nền kinh tế tự cung tự cấp, người Tày ở Định Hóa đã sáng tạo và áp dụng nhiều công cụ trong quá trình sản xuất lương thực, các nghề thủ công… đáp ứng nhu cầu đời sống của cộng đồng. Một trong hoạt động quan trọng của kinh tế nông nghiệp là kỹ thuật làm đất gắn với các loại, tính năng của công cụ. Trước đây, cày chìa vôi là công cụ có thể cày sâu từ 0,15-0,20 cm. Về sau, đồng bào áp dụng các loại cày cải tiến, và sử dụng loại bừa đơn hoặc bừa đôi để làm đất.
Trong quá trình trước và sau năm 1986 đến nay, công cụ thủ công giảm dần và thay bằng các hoạt động cơ khí, máy móc trong các khâu canh tác và một số lĩnh vực thủ công.
Phương tiện vận chuyển
Phương tiện đi lại và vận chuyển tại các thôn bản vùng xa chủ yếu là đi bộ cùng chiếc đòn gánh và đôi dậu (bồ đan). Vận chuyển bằng sức kéo của gia súc thì dùng ngựa hay trâu, bò. Từ vài chục năm qua, xuất hiện loại xe trâu, xe bò có bánh hơi hay bánh bằng sắt bọc cao su chạy trên đường đất, đường trải đá, rải nhựa, có sức vận chuyển mang lại hiệu quả hơn hẳn các phương tiện trước đó. Ngày nay, với khoa học kỹ thuật phát triển, có nhiều phương tiện hiện đại nhằm phục vụ việc đi lại, vận chuyển cho người dân như: xe đạp, xe gắn máy… phù hợp với hệ thống giao thông cũng như điều kiện kinh tế xã hội tại đây.
2. Yếu tố tác động đến sự biến đổi văn hóa vật thể dân tộc Tày
Yếu tố khách quan
Sự thay đổi môi trường tự nhiên tác động đến bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa
Môi trường tự nhiên, xã hội không chỉ là môi trường sống mà còn là nơi những giá trị văn hóa hay bản sắc văn hóa dân tộc hình thành, tồn tại, phát triển. Văn hóa truyền thống các tộc người Việt Nam nói chung, văn hóa truyền thống của dân tộc Tày nói riêng, là sự ứng xử vừa thích ứng, hài hòa với tự nhiên, vừa chinh phục, cải tạo tự nhiên; vừa để thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần, vừa để cảm thụ cái hay, cái đẹp từ thiên nhiên và phát triển văn hóa ứng xử với thiên nhiên.
Môi trường tự nhiên là môi sinh sống sáng tạo văn hóa của các tộc người. Các giá trị văn hóa truyền thống giàu bản sắc, đa dạng và phong phú của các tộc người thiểu số trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số là biểu hiện sinh động kết quả nhận thức, tư duy, tình cảm, tâm hồn,… của con người về thế giới tự nhiên. Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, các giá trị văn hóa vật thể của người Tày đã và đang chịu những tác động toàn diện.
Tác động của chính sách phát triển kinh tế, xã hội
Với những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước đã tác động sâu sắc tới diện mạo kinh tế, xã hội, văn hóa của đồng bào Tày, hỗ trợ phát triển thoát nghèo, lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội kết hợp với đẩy mạnh hỗ trợ vốn để nông dân có nguồn lực đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đó cũng là yếu tố tạo nên sự biến đổi về văn hóa nói chung và văn hóa của người Tày nói riêng.
Tác động của yếu tố kỹ thuật mới – kỹ thuật công nghiệp hiện đại
Hiện nay, yếu tố kỹ thuật mới – kỹ thuật công nghiệp hiện đại được ứng dụng vào sản xuất để tìm ra lương thực, thực phẩm và các thứ hàng tiêu dùng khác. Đây là sự lựa chọn, tiếp nhận nhân tố văn hóa mới của đồng bào các dân tộc theo tập quán cùng khiếu thẩm mỹ của họ.
Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật là một trong những động lực chính của sự phát triển, việc ứng dụng rộng rãi khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất và đời sống đã làm thay đổi tập quán canh tác cũng như các loại công cụ lao động mới. Điều này, làm thay đổi tập quán sinh hoạt thường nhật, cách làm nhà ở, đặc biệt là thay đổi về tập quán tín ngưỡng, lễ hội. Quan trọng hơn, chính người đồng bào cũng tự nhận thấy các tiến bộ này đã làm cho đời sống của họ ngày càng ổn định, nên đã tự giác tiếp nhận và nhân rộng ở cộng đồng. Sự thay đổi này theo hướng ngày càng hiện đại hóa, lược bỏ bớt những hủ tục lạc hậu, lễ nghi rườm rà.
Tác động của sự tăng cường giao lưu, tiếp biến giữa các nền văn hóa
Giao lưu, tiếp biến văn hóa là một sự tất yếu trong quá trình tiếp xúc giữa các nền văn hóa. Những yếu tố văn hóa nào mạnh mẽ, thể hiện trình độ phát triển cao về kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ thì trong quá trình tiếp xúc, nó luôn có sự chiếm lĩnh được vị trí quan trọng trong quá trình tương tác. Theo đó, tác động của giao lưu, tiếp biến văn hóa làm thay đổi không chỉ diện mạo của đời sống kinh tế mà là đời sống văn hóa. Theo đó, các giá trị văn hóa Tày tồn tại đã hàng nghìn năm, đang có sự biến đổi với tốc độ ngày càng nhanh chóng hơn, trong đó chủ yếu là sự giao lưu, giao thoa văn hóa với tộc người đa số là người Kinh.
Với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, sự bùng nổ thông tin và môi trường giao lưu văn hóa giữa các vùng, miền ngày càng được mở rộng, đã mang lại cho văn hóa truyền thống của người Tày nhiều mặt tích cực, song cũng gây ra những tiêu cực, đặt nền văn hóa truyền thống của người Tày trước những thách thức, nguy cơ bị mai một rất lớn.
Yếu tố chủ quan
Sự thay đổi nhận thức của người Tày ở Định Hóa trong bối cảnh, tình hình kinh tế, xã hội mới
Quá trình hội nhập, mở cửa sâu rộng tạo ra những cơ hội đa dạng cho đồng bào Tày ở Định Hóa có sự tiếp xúc với các nền văn hóa nước ngoài. Thái Nguyên là tỉnh có sự phát triển về công nghiệp hóa sớm, sự đầu tư của các công ty nước ngoài diễn ra từ nhiều năm qua. Đồng thời, Thái Nguyên là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước, hằng năm thu hút được một lượng lớn học sinh, sinh viên trong nước tham gia. Cơ hội đó đã tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh có sự tiếp xúc, giao lưu với các nền văn hóa khác nhau, đó chính là yếu tố căn bản của sự tự điều chỉnh các yếu tố văn hóa trong quá trình hội nhập.
Quá trình ảnh hưởng, tác động của các yếu tố bên ngoài hiện nay đã làm cho các giá trị văn hóa có sự biến đổi so với cái cũ. Với tư tưởng hiếu học của đồng bào Tày, họ luôn hướng con em đến với con đường tri thức, đặc biệt, trong điều kiện đổi mới đất nước, cơ hội học tập, sự thông thương làm ăn phát triển kinh tế đã tạo ra những con người nhanh nhẹn, năng động, hiểu biết. Cuộc sống nơi đô thị đã làm cho họ dần xa rời truyền thống bản làng, không muốn tìm hiểu, thực hành thường xuyên các yếu tố truyền thống.
Sự chấp nhận những giá trị văn mới trong đời sống cộng đồng
Cách tân, đổi mới trong hoạt động sản xuất là một trong các xu hướng chính trong quá trình hoạt động sản xuất của người Tày. Việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tuy chưa phổ biến nhưng ngày càng gia tăng, cụ thể, việc sử dụng các máy móc nông nghiệp ngày càng nhiều như máy cày/bừa, máy xay sát lúa gạo, máy tuốt lúa, máy bơm nước, máy gặt… Sự thay đổi về tập quán và công cụ sản xuất cũng kéo theo sự thay đổi về lối sống của người Tày, biểu hiện rất rõ trong văn hóa ẩm thực, trang phục và nhà ở. Những đồ dùng hằng ngày được sản xuất bằng kỹ thuật công nghiệp như kim chỉ, máy khâu, quần áo may sẵn… đến các đồ ăn thức uống như mì chính, mì ăn liền, các loại nước ngọt… Các đồ dùng gia đình được sản xuất bằng kỹ thuật công nghiệp như điện thắp sáng, phích nước, ti vi, tủ lạnh, bếp điện, máy bơm, xe máy, quạt điện.
3. Kết luận
Hiện nay, sự biến đổi của văn hóa người Tày chủ yếu chịu sự tác động của các nhân tố như: sự thay đổi môi trường tự nhiên tác động đến văn hóa người Tày; chính sách kinh tế, xã hội của Đảng, Nhà nước tác động đến văn hóa đồng bào thiểu số trong đó có người Tày. Cùng với đó, toàn cầu hóa, mở cửa, hội nhập quốc tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nền kinh tế thị trường cũng có tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa người Tày.
Dân tộc Tày vốn có truyền thống văn hóa bản địa rực rỡ từ lâu đời trên mảnh đất Định Hóa, nơi đã từng trải qua nhiều thời kỳ lịch sử đấu tranh giữ nước oanh liệt của cả dân tộc Việt Nam, từng là cái nôi của nhiều cuộc cách mạng, kháng chiến. Văn hóa Tày là một trong những yếu tố văn hóa đặc trưng của vùng Việt Bắc trước đây nói chung và Định Hóa nói riêng.
Trải qua quá trình phát triển lâu dài, người Tày đã tạo dựng cho mình một nền văn hóa phong phú cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhưng hiện nay, nhiều giá trị văn hóa đó đang có sự biến đổi sâu sắc trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
Văn hóa, truyền thống dân tộc Tày luôn vận động, biến đổi, phát triển. Trong tổng thể di sản văn hóa truyền thống của các tộc người ở Việt Nam, văn hóa Tày vừa có những giá trị, vừa có những phản giá trị, hủ tục lạc hậu tác động hai chiều đến bảo tồn, phát triển văn hóa. Nâng cao tính toàn diện, đồng bộ văn hóa tinh thần của người Tày là nội dung quan trọng trực tiếp của bảo tồn, phát triển văn hóa tộc người thiểu số nói riêng, nền văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung.
Tác giả: Nguyễn Thanh Thủy
Nguồn: Tạp chí VHNT số 430, tháng 4-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%