Biểu tượng bộ đội cụ hồ trong văn hóa quân sự việt nam

1. Biểu tượng bộ đội cụ Hồ

Hồ Chí Minh, Người đã khai sinh ra quân đội nhân dân Việt Nam, là hiện thân của niềm tin và sức mạnh, là người tổ chức, dẫn dắt nhân dân ta đứng lên tự giải phóng, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Người là hình ảnh tiêu biểu cho tất cả những giá trị cao đẹp của dân tộc Việt Nam, của bản sắc văn hóa Việt Nam.

Quân đội ta từ ngày đầu thành lập với 34 người cùng những vũ khí thô sơ như lưỡi lê và súng kíp đến nay đã trải qua một chặng đường dài xây dựng và phát triển. Mỗi bước trưởng thành, mỗi chiến công của quân đội đều gắn liền với sự giáo dục, rèn luyện của Hồ Chí Minh nên nhân dân gọi là bộ đội cụ Hồ – tên gọi trìu mến và đầy tin tưởng.

Hình ảnh Bộ đội cụ Hồ đã trở thành hiện tượng độc đáo trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc Việt Nam nói chung và văn hóa quân sự Việt Nam nói riêng. Trên thế giới chắc không có quân đội nào mà người lính lại gọi lãnh tụ của mình là Bác, là người cha thân yêu như quân đội nhân dân Việt Nam. Và cũng hiếm có một dân tộc nào mà hình ảnh người lính lại được toàn dân coi đó là một hình mẫu của con người trong thời đại mới, với lý tưởng cao đẹp, đạo đức trong sáng, được nhân dân hết lòng tin yêu, quý trọng, động viên mọi thế hệ con cháu kế tiếp và noi theo gương sáng của các anh như dân tộc Việt Nam.

Trải qua 70 năm chiến đấu và trưởng thành, quân đội ta với nhiều tên gọi khác nhau, nhưng tựu trung đều là người lính “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân quên mình, vì nhân dân mà chiến đấu, hy sinh”. Tất cả đã hội tụ, kết tinh thành biểu tượng cao đẹp bộ đội cụ Hồ. Biểu tượng đó đã đi vào lịch sử một cách tự nhiên và trở thành một trong những giá trị văn hóa tiêu biểu của thời đại mới, hết sức giản dị, gần gũi thân thương. Một hình ảnh cao đẹp trong lòng nhân dân Việt Nam về một mẫu người và nhân cách trong văn hóa quân sự Việt Nam, là niềm vinh dự cho tổ quốc Việt Nam đối với toàn thế giới, trở thành một giá trị văn hóa độc đáo trong dòng chảy của lịch sử dân tộc. Đó cũng là một giá trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đạt được trong việc xây dựng quân đội cách mạng, chính quy và xây dựng yếu tố con người trong lực lượng vũ trang. Giá trị ấy đã trở thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần quyết chiến, quyết thắng, trở thành những thuộc tính đặc trưng của quân đội nhân dân trong mọi hành động – những thuộc tính mà nhân dân đã khái quát và trực tiếp tôn vinh cho một danh hiệu cao quý nhất, đó là bộ đội cụ Hồ. Danh hiệu cao quý đó không chỉ là tên gọi trìu mến mà nhân dân dành cho quân đội mà còn là một vinh dự lớn đối với các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, bởi nó đã trở thành một biểu tượng trong lòng nhân dân.

Giá trị văn hóa của biểu tượng bộ đội cụ Hồ là kết tinh của sự hội tụ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong quá trình dựng nước, giữ nước hàng nghìn năm qua. Biểu tượng bộ đội cụ Hồ – danh hiệu cao quý được nhân dân ghi nhận và tôn vinh công lao, phẩm chất và nhân cách của người chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Biểu tượng này đã được nhân dân trao tặng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đây là niềm tự hào, là động lực tinh thần to lớn đối với quân đội ta, động viên cán bộ chiến sĩ không quản ngại gian khổ, hy sinh, vươn lên phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Lịch sử nhân loại hiếm thấy một đất nước, một dân tộc nào mà người lính lại được nhân dân tin yêu, mến phục đến như vậy. Những giá trị như: lòng trung thành, đức hy sinh, ý thức tổ chức kỷ luật, sự chịu đựng gian khổ, thông minh, dũng cảm, quý trọng nhân dân… của người chiến sĩ cách mạng, chính là những giá trị văn hóa đặc sắc nhất. Biểu tượng bộ đội cụ Hồ chứa đựng một cách đầy đủ và tập trung nhất những phẩm chất tốt đẹp của quân đội ta, mà mỗi chiến sĩ luôn thực hiện đúng lời dạy của Người: “Trung với Đảng, hiếu với dân. Sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Hình ảnh bộ đội cụ Hồ đã trở thành biểu tượng của nhân dân. Đó chính là giá trị nhân văn, cao cả của văn hóa quân sự Việt Nam, là sự kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong dựng nước và giữ nước của cha ông; đúc kết những tinh hoa, tập trung những phẩm chất tốt đẹp nhất của một đội quân cách mạng luôn sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Ở góc độ văn hóa, bộ đội cụ Hồ là một biểu tượng trong hệ thống các biểu tượng văn hóa quân sự mang tính điển hình, tiêu biểu và hội tụ nhiều giá trị đặc thù mang bản sắc của văn hóa quân sự Việt Nam. Điều đó cho thấy văn hóa quân sự Việt Nam khác căn bản với văn hóa quân sự của quân đội các nước khác, bởi quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, dám đánh, biết đánh, biết thắng mọi kẻ thù xâm lược.

Biểu tượng bộ đội cụ Hồ sẽ tỏa sáng mãi trong cuộc sống hôm nay và mãi mai sau. Việc giữ vững và phát huy truyền thống cách mạng của quân đội ta cũng chính là giữ vững và phát huy truyền thống bộ đội cụ Hồ trong những điều kiện lịch sử mới. Bởi hiện nay, nhiều thế lực thù địch luôn tìm cách chống phá, đánh vào uy tín của quân đội ta, cố tình phủ nhận tầm cao của văn hóa quân sự Việt Nam biểu hiện trong chiều dài lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, hòng làm mờ nhạt đi lòng tự hào về biểu tượng bộ đội cụ Hồ. Dân tộc ta đã chiến thắng tất cả các kẻ thù xâm lược và đô hộ bằng sức mạnh của văn hóa Việt Nam. Giá trị văn hóa cốt lõi của biểu tượng bộ đội cụ Hồ vừa mang tính kế thừa và phát triển, hoàn thiện các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông, tạo nên một đặc thù riêng, cô đúc tinh hoa văn hóa dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh. Sự xuất hiện của biểu tượng bộ đội cụ Hồ trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc mới trải qua 7 thập kỷ. 70 năm so với lịch sử dân tộc là không dài, nhưng chỉ bằng thời gian đó, biểu tượng bộ đội cụ Hồ đã đi vào lịch sử, vào tâm thức của từng người và trở thành niềm tự hào của dân tộc.

Nối tiếp mạch nguồn của dân tộc và tiếp thu hơi thở hiện đại quan hệ giữa người chiến sỹ với tổ quốc hôm nay là sợi dây thiêng liêng, là động lực tinh thần sẵn sàng sả thân vì đất nước. Từ khi thành lập đến nay, những chiến sĩ quân đội đã phát huy truyền thống dựng nước, giữ nước của cha ông và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, với tinh thần yêu nước nồng nàn, không quản ngại khó khăn, gian khổ, dũng cảm, kiên cường, mưu trí và sáng tạo, quyết chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, sẵn sàng hy sinh vì tổ quốc, đã viết nên những chiến công oanh liệt làm chấn động địa cầu. Và khi đất nước hòa bình thống nhất, phát huy truyền thống bộ đội cụ Hồ, cán bộ, chiến sĩ quân đội vẫn không quản ngại hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo; sẵn sàng phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, giúp dân xóa đói giảm nghèo… Biểu tượng bộ đội cụ Hồ đã đi vào lịch sử dân tộc, đi vào thơ ca, với tư thế của những người anh hùng và trở thành những tượng đài nghệ thuật kỳ vĩ, tuyệt đẹp về người lính cầm súng giữ nước trong tư thế hiên ngang, bất khuất. Sức mạnh nghìn năm lịch sử của dân tộc đã dồn lại trong các anh tạo nên một dáng đứng Việt Nam, trở thành tên gọi trìu mến, thành biểu tượng trong lòng nhân dân, một danh hiệu, một vinh dự lớn đối với những chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam.

Để phát huy giá trị văn hóa của biểu tượng bộ đội cụ Hồ trong điều kiện hiện nay, quân đội ngoài việc sẵn sàng chiến đấu cao, giáo dục chính trị tư tưởng tốt, còn phải luôn chứng tỏ là quân đội của nhân dân, hòa mình với nhân dân, được nhân dân tin cậy, yêu mến, giúp dân xây dựng đời sống văn hóa, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, vô hiệu hóa sự phá hoại của các thế lực thù địch; đề cao cảnh giác, nhận rõ bản chất âm mưu, thủ đoạn phức tạp của kẻ thù, luôn xác định mình là lực lượng tin cậy nhất của Đảng. Chỉ có như vậy, quân đội mới giữ vững và phát huy truyền thống, làm tròn sứ mệnh cao cả mà tổ quốc và nhân dân giao phó. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới hiện nay, hơn bao giờ hết việc nêu cao phẩm chất cao đẹp của bộ đội cụ Hồ và xây dựng những giá trị văn hóa quân sự cao đẹp, lòng yêu nước thiết tha của cán bộ chiến sĩ quân đội có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cấp thiết. Người lính hôm nay cần phải được thẩm thấu những giá trị văn hóa quân sự của cha ông, trở thành thuộc tính bên trong, là hệ điều tiết cho sự phát triển phẩm chất, nhân cách quân nhân cách mạng. Biểu tượng bộ đội cụ Hồ trong văn hóa quân sự Việt Nam sẽ mãi là “một giá trị độc đáo của văn hóa Việt Nam hiện đại”(1), là niềm tự hào, biểu tượng cao đẹp của dân tộc, là nguồn cội sức mạnh Việt Nam và là mẫu hình lý tưởng để giáo dục truyền thống yêu nước, giá trị nhân văn, tinh thần đoàn kết cộng đồng dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau. Biểu tượng bộ đội cụ Hồ sẽ trường tồn cùng với sự phát triển đi lên của quân đội và dân tộc Việt Nam.

 2. Văn hóa quân sự Việt Nam

Văn hóa quân sự, một biểu hiện độc đáo của văn hóa Việt Nam, là một khái niệm xuất hiện khá nhiều trong những năm gần đây. Văn hóa quân sự Việt Nam có lịch sử phát triển lâu đời, là một nhánh của dòng sông văn hóa dân tộc Việt Nam. Nói cách khác văn hóa quân sự Việt Nam là một nhánh văn hóa con nằm trong nền văn hóa mẹ. Trải qua mấy nghìn năm phát triển, gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước, văn hóa quân sự Việt Nam luôn là một dòng chảy liên tục và đạt đến trình độ nghệ thuật quân sự. Trong dòng chảy lịch sử nhiều năm dựng nước gắn chặt với nghiệp giữ nước của dân tộc đã kết tinh nên một nền văn hóa mang bản sắc Việt Nam, trong đó, không thể không nói tới văn hóa quân sự Việt Nam – một bộ phận quan trọng của văn hóa dân tộc. Người dân Việt Nam từ xưa tới nay, luôn ưa chuộng hòa bình để làm ăn sinh sống, nhưng nước ta lại có một vị trí địa lý, chính trị, quân sự rất quan trọng, cho nên các thế lực thù địch luôn dòm ngó. Do đó, dân tộc ta phải thường xuyên tiến hành các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc. Khi bất đắc dĩ phải chiến đấu tự vệ, người Việt Nam chỉ mong giành lại cuộc sống bình yên, để bảo vệ độc lập cho tổ quốc, giải phóng cho con người, cho nên rất độ lượng, không hiếu thắng – một hành động nhân văn cao cả, hướng tới mục đích chân, thiện, mỹ. Việc cầm súng để tự vệ đó là con đường duy nhất, đúng nhất mà nhân dân ta đã lựa chọn. Trong tất cả các cuộc chiến tranh yêu nước chính nghĩa, tiêu diệt địch chỉ là biện pháp nhằm đánh bại ý chí xâm lược của chúng, bởi khi không còn đường nào khác, buộc chúng ta phải cầm vũ khí thì phương châm chỉ đạo chiến tranh của ta là không tiêu diệt đến tên lính cuối cùng của đối phương “Đối với địch hàng ta phải khoan dung”(2). Bởi chúng ta “tiêu diệt địch để nhanh chóng chấm dứt chiến tranh, chấm dứt đổ máu tức là diệt một cái ác để ngăn chặn hàng ngàn cái ác tiếp theo để bảo vệ cái thiện”(3). Còn nếu không có chiến tranh, không phải đổ máu mà vẫn ngăn chặn được ý đồ xâm lược của đối phương thì chắc chắn chúng ta sẽ không phải cầm súng. Ngoài ra trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, quân đội ta đã sử dụng kết hợp cả hình thức đấu tranh phi vũ trang. Cụ thể là, trong kháng chiến chống Mỹ, chúng ta đã kết hợp phương châm chiến tranh ba mũi: “Kết hợp đánh địch ngoài chiến trường (đấu tranh quân sự) với công tác địch vận, giải thích tuyên truyền cho đối phương (đấu tranh chính trị) và kiên cường đàm phán với địch để sớm kết thúc chiến tranh (đấu tranh ngoại giao)”.

Tựu trung, văn hóa quân sự Việt Nam luôn thực hiện những cuộc chiến tranh chính nghĩa để giữ nước, không xâm phạm lãnh thổ của bất cứ quốc gia nào. Những cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc ta đã trở thành văn hóa quân sự Việt Nam, không chỉ chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc, mà còn bảo vệ văn hóa dân tộc, chiến đấu và chiến thắng bằng trí tuệ và sức mạnh toàn dân tộc, lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, luôn luôn hướng tới điều lành, tránh điều dữ và hạn chế tới mức thấp nhất, không để chiến tranh xảy ra, tìm mọi cách đè bẹp ý chí xâm lược của địch thông qua những hình thức đấu tranh phi vũ trang, “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”. Ví như hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, chúng ta đánh cho “Mỹ cút, ngụy nhào” chỉ với mục đích làm cho chúng suy sụp ý chí xâm lược, bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc và quét sạch nó đi, để xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” mà thôi.

Như vậy, có thể nói quân đội ta đã phát triển văn hóa đánh giặc lên một trình độ mới, với tinh thần cách mạng tiến công, vận dụng mọi cách đánh sáng tạo, độc đáo, mưu trí, khoa học và hiệu quả cao. Đánh nhanh thắng nhanh, đánh chắc tiến chắc, còn khi tương quan lực lượng không cân xứng, chúng ta biết đánh lâu dài, trường kỳ kháng chiến, đánh giặc bằng tất cả những lực lượng, vũ khí có thể, đồng thời còn biết cải tiến vũ khí để chiến thắng được vũ khí tối tân của địch…Bên cạnh đó, văn hóa quân sự Việt Nam luôn luôn hướng tới cái đẹp bằng cách đấu tranh kiên cường, quyết giành thắng lợi, mở đường đi tới tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đúng như khẳng định của nhà nghiên cứu Dương Xuân Đống “văn hóa quân sự Việt Nam thực chất là văn hóa giữ nước”(4) – một biểu hiện độc đáo của văn hóa Việt Nam.

Trải qua mấy nghìn năm phát triển, gắn liền với lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước, văn hóa quân sự Việt Nam luôn là một dòng chảy liên tục và đạt đến một trình độ cao trong thời đại Hồ Chí Minh. Khi bàn đến văn hóa quân sự, phải lấy biểu tượng bộ đội cụ Hồ làm tiêu điểm để quy chiếu mọi giá trị cao quý nhất của văn hóa quân sự Việt Nam, từ đó vận dụng, phát huy vai trò của văn hóa quân sự trong việc bồi dưỡng, xây dựng và nâng cao phẩm chất bộ đội cụ Hồ có ý nghĩa rất quan trọng. Trong điều kiện hiện nay, quân đội ta cần tiếp tục phát huy có chiều sâu truyền thống văn hóa, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tạo ra các giá trị văn hóa mới trong nhân cách, bản lĩnh của người chiến sĩ hôm nay. Và biểu tượng bộ đội cụ Hồ trong văn hóa quân sự Việt Nam sẽ mãi là nội dung cốt lõi, cô đúc nhất của tinh hoa văn hóa dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh. Giữ vững và tăng cường bản chất cách mạng của quân đội ta chính là giữ vững và phát huy truyền thống bộ đội cụ Hồ trong những điều kiện lịch sử mới. Bởi hiện nay, nhiều thế lực luôn cố tình phủ nhận tầm cao của văn hóa Việt Nam biểu hiện trong chiều dài lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, đặc biệt là đánh vào uy tín của quân đội ta, hòng làm mờ nhạt đi trong thanh niên lòng tự hào về biểu tượng bộ đội cụ Hồ. Do đó, người lính hôm nay cần tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trên mọi cương vị của mình, người lính nói riêng và cả dân tộc nói chung luôn nêu cao cảnh giác, không một phút lơi lỏng nhận dạng, đập tan những âm mưu đen tối của các thế lực thù địch hòng chống phá sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta bằng con đường “diễn biến hòa bình”, phi chính trị quân đội, hoặc lợi dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “tự do tôn giáo” để chống phá cách mạng nước ta ngày càng quyết liệt hơn, phủ nhận vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với quân đội và dân tộc Việt Nam. Trước tình đó, Đảng ta luôn cảnh giác, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, trong đó xác định quân đội là lực lượng nòng cốt luôn thống nhất về ý chí và hành động, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển, đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

3. Phát huy giá trị văn hóa của biểu tượng bộ đội cụ Hồ trong văn hóa quân sự Việt Nam giai đoạn hiện nay

Trước yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng và quân đội trong bối cảnh mới của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, thiết nghĩ vấn đề kế thừa và phát huy giá trị văn hóa của biểu tượng bộ đội cụ Hồ có ý nghĩa to lớn và cấp thiết, cần có những định hướng, giải pháp để đáp ứng với những yêu cầu đặt ra.

Thứ nhất, giá trị văn hóa của biểu tượng bộ đội cụ Hồ trong văn hóa quân sự Việt Nam cần tiếp tục được giữ vững và phát huy trong thời kỳ mới, chăm lo xây dựng hệ thống tổ chức đảng trong quân đội trong sạch, vững mạnh, tăng cường rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên trong quân đội thực sự là hạt nhân, là nòng cốt trong việc giữ vững và phát huy các giá trị văn hóa biểu tượng bộ đội cụ Hồ. Họ phải mẫu mực thể hiện phẩm chất bộ đội cụ Hồ ở mọi lúc, mọi nơi để làm gương sáng cho chiến sĩ noi theo, lấy biểu tượng bộ đội cụ Hồ làm động lực tinh thần, cùng nhau thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ, kể cả khi đứng trước những khó khăn, thử thách ác liệt.

Thứ hai, cán bộ, chiến sĩ trong quân đội phải rèn luyện ý chí chiến đấu bền bỉ, thắng không kiêu, bại không nản trên tất cả các mặt, rèn luyện khả năng miễn dịch với những tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường và năng lực đấu tranh phòng, chống lại những tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến phẩm chất, giá trị văn hóa của biểu tượng bộ đội cụ Hồ trong văn hóa quân sự Việt Nam. Đấu tranh kiên quyết với biểu hiện tiêu cực, gieo rắc tư tưởng, lối sống thực dụng vào nhân dân và quân đội ta của các thế lực thù địch.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tránh hô hào học tập một cách chung chung, nói nhiều hơn làm, nặng về học tập, nhẹ về làm theo; nội dung, kế hoạch học tập cần phù hợp với thực tiễn từng đơn vị hơn, chuyển mạnh từ học tập sang làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Mặt khác, cần thường xuyên kiểm điểm, nghiêm túc đánh giá rút kinh nghiệm, biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu, những tấm gương sáng trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cũng như trên các lĩnh vực học tập, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất, giúp nhân dân trong phòng, chống thiên tai bão lũ.

Thứ tư, phát huy và làm phong phú thêm những giá trị văn hóa của biểu tượng bộ đội cụ Hồ trong văn hóa quân sự Việt Nam. Mỗi cán bộ chiến sĩ lấy đó làm chuẩn mực để soi vào chính mình, tự hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ mới. Trong bối cảnh hiện nay, quân đội càng phải tiếp tục phát huy truyền thống bộ đội cụ Hồ, thực hiện tốt chức năng của đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Sẵn sàng hy sinh để bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ của đất nước, chấp nhận khó khăn gian khổ công tác ở nơi biên giới, hải đảo xa xôi, tích cực tham gia xóa đói, giảm nghèo, làm kinh tế có hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Thứ năm, nâng cao hơn nữa vai trò của nhân dân các dân tộc Việt Nam, giữ vững và phát huy giá trị văn hóa của biểu tượng bộ đội cụ Hồ trong văn hóa quân sự Việt Nam. Nguồn sức mạnh vô địch của quân đội là sức mạnh tổng hợp từ nhân dân, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sự thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân có vai trò quan trọng trong giữ vững và phát huy giá trị của văn hóa quân sự Việt Nam. Hiện nay, trước những tác động của kinh tế thị trường, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch bằng diễn biến hòa bình và trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, nhằm chia rẽ quân đội với nhân dân, thì sự thương yêu, giúp đỡ của nhân dân đối với quân đội càng có ý nghĩa quan trọng đối với việc giữ vững và phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ.

Biểu tượng bộ đội cụ Hồ trong văn hóa quân sự Việt Nam sẽ là tiền đề, động lực, sức mạnh cho những sáng tạo ra các giá trị mới, hoàn thiện nhân cách người quân nhân cách mạng, nhân cách bộ đội cụ Hồ trong điều kiện hiện nay. Phát huy giá trị văn hóa từ biểu tượng bộ đội cụ Hồ còn tạo nên sức mạnh từ lương tâm, danh dự, từ niềm tự hào trước sự tôn vinh của xã hội và nó sẽ vượt lên, cho phép đẩy lùi những tác động của mặt trái kinh tế thị trường, sự chống phá của các thế lực thù địch. Hiện nay, quân đội ta đang tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, biến nó trở thành công việc thường xuyên, thành nền nếp sinh hoạt và hoạt động của tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, của cán bộ, chiến sĩ. Đặc biệt, gần đây, cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội cụ Hồ đã thực sự góp phần đẩy mạnh xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới.

_______________

1. Nuôi dưỡng và xây dựng những giá trị văn hóa trong nhân cách người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, đề tài Bộ Quốc phòng, 1996, tr.10.

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.339.

3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.479.

4. Truyền thống văn hóa quân sự Việt Nam, đề tài khoa học Học viện Quốc phòng, 2011, tr.23.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 361, tháng 7-2014

Tác giả : Phạm Văn Xây

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *