Biểu tượng con ngài – diễn ngôn của miền sâu vô thức


Tiểu thuyết Chúa trời của những chuyện vụn vặt của nữ nhà văn gốc Ấn Arundhati Roy đã xuất sắc đạt được giải thưởng văn học danh giá Man Booker năm 1997. Sự thành công của tác phẩm không chỉ khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của dòng tiểu thuyết Ấn Độ viết bằng tiếng Anh mà còn nêu cao tiếng nói nữ quyền trong xã hội Ấn Độ hậu thuộc địa. Tiểu thuyết Chúa trời của những chuyện vụn vặt gửi đến người đọc thông điệp đậm chất nhân văn, tuy vụn vặt đời thường nhưng da diết, bi thương và đầy nước mắt. Chúng được chép lại trên đôi cánh bùng cháy của biểu tượng con ngài như một diễn ngôn kỳ dị từ miền sâu vô thức.

Biểu tượng con ngài trong tác phẩm Chúa trời của những chuyện vụn vặt gắn liền với cuộc đời nhân vật Pappachi, một nhân vật trí thức, có vai trò quan trọng trong chính phủ… Tại thời điểm ông Pappachi về hưu, Pappachi đang là hiệu trưởng của một trường đại học. Trong xã hội, ông là hình mẫu thành công, được nhiều người ngưỡng mộ. Nhưng thế giới tinh thần lại bao trùm bởi ngọn lửa triền miên, thiêu đốt nội tâm chưa bao giờ tắt. Ngọn lửa của lòng đố kỵ, sĩ diện và vô cảm. Tâm hồn ông là một con ngài đang bùng cháy.

Không gian thiên nhiên trong Chúa trời của những chuyện vụn vặt được xây dựng trên nền khung cảnh tươi đẹp của bang Kerala – miền đất nằm ở rìa Tây Nam tiểu lục địa Ấn Độ, nhìn ra biển Ả Rập. Trên bản đồ tự nhiên thế giới, Kerala là một trong tám phân vùng lý tưởng cho sự phát triển của những cánh rừng mưa nhiệt đới. Trong quá trình hình thành hệ sinh thái, nhiều loài đặc hữu, độc đáo đã được phát hiện. Trong đó, Kerala được xem là một trong những chiếc nôi của nhiều loài bướm đêm có họ hàng với loài Lymantriinae (một loài ngài) được tìm thấy ở Ấn Độ và Đông Nam Á.

Trong tác phẩm, biểu tượng con ngài là một biểu tượng tự nhiên được tác giả khai thác trên nhiều khía cạnh từ sinh học đến huyền thoại và tâm lý. Nó chiếm vị trí trung tâm cốt truyện và nói lên những góc khuất trong bi kịch tinh thần của các nhân vật. Biểu tượng con ngài của Pappachi liên tục xuất hiện ở những nút thắt của tác phẩm, như một hiện thân đầy ám ảnh về ký ức bi thương do những sang chấn tinh thần. Con ngài được hiểu như loài vật ký sinh đang miệt mài hủy hoại linh hồn con người từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Trong tiểu thuyết Chúa trời của những chuyện vụn vặt, con ngài xuất hiện trong một biến cố tại Ayemenem. Một buổi tối, khi Pappachi đang ngồi hóng mát thì con ngài rơi vào trong cốc. Phát hiện nó là một loài mới, ông đem nó về Delhi với hy vọng được hội đồng khoa học nơi đây thừa nhận, vinh danh. Thế nhưng, người ta cho rằng đây là loài ngài đã được xác định trước đây, xếp vào một loài ngài nhiệt đới. Ngay thời điểm đó, Pappachi đã hiểu rõ nguyên nhân của sự phủ nhận này. Ông không còn giữ trong tay uy thế của vị hiệu trưởng trường Đại học Pusa. Trong xã hội Ấn Độ, tiếng nói khoa học của Pappachi đã không còn sức nặng. Đối với ông – một người tôn thờ những giá trị Anh quốc, suốt đời cống hiến cho chế độ thực dân và miệt mài đuổi theo danh vọng, đây là cú sốc khủng khiếp cho nhà khoa học tuổi xế chiều. Xét cho cùng, đây là cú sốc cho danh dự của Pappachi. Nhưng cú đấm thật sự của số phận chỉ bắt đầu giáng xuống mười hai năm sau biến cố. Người ta thừa nhận kết luận trước đây là một nhầm lẫn, loài ngài này chưa có tên trong danh mục và nó cần phải được đặt theo tên nhà khoa học đã phát hiện ra. Nhưng trớ trêu thay, nó vẫn không phải là của Pappachi. Vinh dự này thuộc về nhà khoa học trẻ uy tín đương thời, người đồng nghiệp mà Pappachi ghét cay ghét đắng.

Tra cứu lại các tư liệu văn học Ấn Độ cổ đại, chúng tôi tìm thấy hình ảnh loài bướm đêm (month) từng xuất hiện trong một trường đoạn của kiệt tác Chí Tôn Ca. Con ngài được miêu tả là một loài mù quáng, tự đem thân làm mồi cho ngọn lửa khát vọng của riêng mình “như những con ngài lao thân vào ngọn lửa, con người vội vã gieo mình vào miệng hố tiêu vong” (1). Biểu tượng con ngài cảnh tỉnh loài người về những đam mê danh vọng là con đường dẫn tới sự hủy diệt. Còn theo Jung (1967) phân tích, ánh sáng mặt trời, bếp lửa là biểu tượng cho sự đam mê cuồng nhiệt và lý tưởng sống của con người. Đó là năng lượng ham muốn (Libido) của con người đã được thiêng liêng hóa (2).

Có sự trùng hợp khiến chúng tôi rất ngạc nhiên. Đó là biểu tượng con ngài với nội hàm tâm lý nêu trên cũng xuất hiện trong thần thoại Hy Lạp. Truyện kể về nàng Psyché là vợ của thần tình yêu Éos. Nàng là người phụ nữ rất xinh đẹp và “được miêu tả với đôi cánh bướm” (3). Psyche (tiếng Anh) vừa có nghĩa là tâm hồn, vừa có nghĩa là loài bướm lông. Đó là biểu tượng của linh hồn con người đang chờ đợi được chui ra khỏi kén để bắt đầu cuộc tái sinh cho đời sống vĩnh hằng. Có lẽ được gợi ý về sự tái sinh đó mà con ngài của Pappachi trong tiểu thuyết cũng tiềm sinh bền bỉ, chờ đợi cơ hội để hóa thân mạnh mẽ trong bóng tối âm u của lòng đố kỵ.

Có thể thấy rằng, giữa biểu tượng con ngài với khát vọng mù quáng, lòng kiêu hãnh bị tổn thương và ẩn ức trong tinh thần nhân vật Pappachi có một mối liên quan mật thiết. Con ngài, không phải một hình tượng được lựa chọn ngẫu nhiên, nó chính là biểu tượng trung tâm của tác phẩm. Thông qua biểu tượng con ngài, một di sản lâu đời của nỗi đau được phản chiếu, tính cách nhân vật, hệ thống niềm tin và thông điệp được biểu đạt. Dưới quan điểm của Teun Adrianus Van Dijk (4), chúng tôi xem thông điệp mà Arundhati Roy gửi gắm đã nằm trọn vẹn trong diễn ngôn của con ngài, diễn ngôn của miền sâu vô thức.

Con ngài xuất hiện trong một biến cố tại Ayemenem, nó đến trong tâm hồn Pappachi qua một khe nứt của sự tổn thương. Nó ẩn mình ở nơi đó suốt mười hai năm để chờ đợi. Và thói tị hiềm bùng phát, như một vụ biến động Alpha, loài ngài của sự tổn thương phát triển nhanh chóng thành bi kịch tinh thần. Và con ngài của ký ức mặc cảm, thất bại đã tìm thấy lòng đam mê danh vọng và thói tị hiềm – một môi trường lý tưởng để sinh con đẻ cháu. Khi đã sinh sôi, nó sẽ lớn rất nhanh, gặm nhấm miệt mài tâm hồn của Pappachi từ ngày này qua tháng nọ như một con ấu trùng háu đói. Con ngài thứ nhất đã ở lại Delhi, nhưng con của nó đã mượn tâm hồn Pappachi làm ổ.

Trong tác phẩm, ký ức đau buồn mang tên con ngài đã giày vò nhân vật Pappachi. Tuy ký ức không phải lúc nào cũng ở trong ý thức nhưng chính sự dồn nén của ông đã khiến nó trỗi dậy qua nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau “con ngài làm ông luôn trong tâm trạng đen tối và có những cơn giận bất ngờ” (5). Arundhati Roy gọi nó là “bóng ma” của con ngài có lẽ vì hai yếu tố. Thứ nhất, đó là ký ức sống lại từ vô thức. Thứ hai, nó gây khó chịu như tiếp xúc với một con ngài sinh học.

Về mặt tâm lý, con ngài là hiện thân của những ký ức buồn thương, khó chịu mà ta cố tình xua đuổi. Những ký ức, cảm xúc này đã mất đi sinh lực tinh thần và chìm vào vô thức nhưng luôn sống dậy khi có “một hình ảnh, mùi vị hoặc âm thanh gợi lên những hoàn cảnh trong quá khứ” (6). Do những yếu tố tiêu cực tiềm tàng và bất định như vậy diễn ra hằng ngày trong môi trường sống nên khả năng kiểm soát tâm lý từ bản thân ông Pappachi và người nhà gần như là không thể. Do vậy, nó vẫn “lảng vảng trong từng căn nhà ông ở… Nó giày vò ông, các con ông và các cháu ông (7). Có thể nói, bạo lực gia đình là hành vi đối xử ngược đãi với người thân, dẫn đến những tổn thất về thân thể, tâm lý của nạn nhân. Trong đó, phụ nữ và trẻ em là hai đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Trong những lần xuất hiện tiếp theo, con ngài đóng vai trò như những sang chấn tinh thần mà con và cháu Pappachi gánh chịu. Chúng ta thấy rằng con ngài không phải là một cá thể đơn nhất xuất hiện từ đầu chí cuối. Nó là các thế hệ Fn của cá thể ban đầu. Đó là một sự di truyền không ngừng nghỉ theo cấp số nhân.

Đối với người phụ nữ phải trải qua thời gian dài gánh chịu bạo lực, họ sẽ gặp phải chấn động mạnh về tâm lý. Những triệu chứng nhận biết đó là: trầm cảm, sợ sệt, hoang mang… Y khoa gọi là rối loạn tâm lý sau sang chấn. Ammu (con gái ông Pappachi), khoảng đời tuổi thơ, hôn nhân và sau hôn nhân của cô ấy đều trải qua trong bạo lực. Nguyên nhân sâu xa là từ ám ảnh của cha mình. Chúng ta nhận thấy hành vi nuôi dạy con của Ammu có nhiều thiếu sót. Cô có khuynh hướng sử dụng bạo lực và đe dọa với các con mình. Mỗi lần sử dụng bạo lực và đe dọa con cái của Ammu đều được ghi ấn bằng hình ảnh con ngài.

Bé Rahel (cháu ngoại ông Pappachi) do lớn lên trong thiếu vắng và khao khát tình thương của mẹ Ammu. Trong khi bản thân Ammu cũng là người thiếu vắng tình thương nên sự quan tâm của cô dành cho con vô cùng nhợt nhạt. Ban đêm Ammu mơ về những chú cá heo phúc lạc, ban ngày cô vẫn chăm sóc cho con. Nhưng đó là sự chăm sóc con cái chiếu lệ qua loa. Ammu vô tình để lộ nó qua từng lời nói yêu thương nhưng lạnh lẽo của một con ngài “con ngài trong trái tim Ammu nhắc một cái chân lông lá lên, rồi lại đặt chân xuống, chân nó nhỏ và lạnh buốt” (8). Trong khi đó, bé Rahel được mô tả là đứa bé sâu sắc và nhạy cảm đã dễ dàng nhận ra tình thương mẹ dành cho em chưa trọn vẹn và mỗi lúc lại vơi đi “mẹ bớt yêu mình rồi”. Ám ảnh đó đeo đuổi Rahel mãi mãi. Sau mỗi lần lầm lỗi mặc cảm thiếu vắng tình thương lại thêm đậm nét. Có lần vì sợ mẹ chia sẻ tình yêu cho người khác, em đã lỡ lời hờn dỗi mẹ “thế sao mẹ không lấy ông ấy đi” (9). Vô tình, lời nói đó Rahel chạm vào nỗi đau, rào cảng của tình yêu không đồng giai cấp trong lòng mẹ. Rahel lại nhận lấy lời đe dọa mà em sợ nhất: “họ sẽ bớt yêu con”. Con ngài lại xuất hiện: “một con ngài lạnh lẽo, túm lông trên lưng dầy đặc nhẹ nhàng đậu xuống trái tim Rahel” (10). Rahel luôn đi tìm câu trả lời cho nghi vấn trong lòng mình “người ta có cần thiết PHẢI yêu các con mình NHẤT trên đời không?” (11). Sự thiếu vắng tình thương đã trở thành những ẩn ức – một con ngài khác trong tâm hồn trẻ thơ của Rahel “một con ngài lạnh lẽo giơ cái chân lạnh lẽo” (12).

Không dừng lại đó, khuynh hướng bạo lực dường như đã vượt ngoài tầm kiểm soát. Từng ngày, từng giờ làm sâu sắc thêm những tổn thương trong tâm hồn của trẻ. Chúng ta đang nói về trường hợp Rahel chứng kiến cảnh người lái xe ra sức giết chết những con chó đi lạc trên đường. Nó khiến em càng trở nên xa lánh xã hội nhiều hơn “con ngài đậu trên trái tim Rahel cứ xoải rộng đôi cánh nhung” (13). Cách thức mà bộ máy công quyền của Ấn Độ hành xử với người dân cũng là một nguyên nhân gây ảnh hưởng đến nhân cách trẻ. Bi kịch đối với Rahel lên tột đỉnh sau cái chết của Sophie Mol (bạn của Rahel). Hai anh em Estha và Rahel bị điều tra và ép cung dữ dội. Hành động đó được phối hợp bởi bà dì Baby Kochamma và viên thanh tra chính phủ “trong phòng viên thanh tra, con ngài của Pappachi vẫn đang cử động” (14). Họ không hề quan tâm rằng trẻ con có bị tổn thương hay không.

Có thể thấy, con ngài của sự vô cảm đã sinh sôi tràn lan ngoài xã hội. Trong đó, trẻ em là nạn nhân dễ tổn thương nhất và tác hại của nó kéo dài rất dai dẳng. Cứ thế nó di truyền cho thế hệ tiếp theo. Điều này đã khiến Arundhati Roy rất suy tư. Tác giả tự hỏi bằng cách nào mà con ngài của Pappachi “lại thì thầm trong mạch máu các con ông nhỉ” (15). Đó là một vấn đề nhức nhói đặt ra cho xã hội. Sức khỏe và trí tuệ của thế hệ tương lai không thể bị tàn phá bởi những sâu bệnh của bạo lực gia đình. Trong tuyên bố về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ năm 1993 của Liên Hiệp quốc đã nhấn mạnh: “Sự tồn tại dai dẳng của nạn bạo lực là một vấn nạn đạo đức, cái giá của nó đối với các cá nhân, đối với hệ thống y tế, và đối với xã hội là rất lớn” (16). Và thông điệp mà Roy muốn gửi gắm qua biểu tượng con ngài, đó là những di chứng lan truyền âm thầm từ người lớn sang trẻ nhỏ, từ gia đình sang xã hội; hủy hoại tâm hồn con người từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Tác phẩm Chúa trời của những chuyện vụn vặt nói chung và biểu tượng con ngài nói riêng là một tín hiệu cảnh báo đầy sức nặng về hiện trạng bạo lực gia đình. Thông qua biểu tượng con ngài, Arundhati Roy, đã khéo léo chạm đến những góc khuất u tối và đau đớn nhất trong thân phận con người dưới xã hội Ấn Độ hậu thuộc địa. Biểu tượng con ngài đã kết nên những bức thư vụn vặt, da diết và đầy nước mắt – một diễn ngôn bi thương từ vô thức.

_______________

1. The Bhagavad Gita, The G, T. A. Printing Works, Mysore, 1901, tr.255.

2. C.G.Jung, Collected Works of C. G. Jung, Vol. 5, 2nd ed, Princeton University Press, New Jersey, 1967, tr.146.

3. J.Cheavalier, Từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng, Trường viết văn Nguyễn Du, Đà Nẵng, 1997, tr.112.

4. T.A. van Dijk, Text and Context: Explorations in the semantics and pragmatics of discourse, Longman, London and New York, 1992, tr.12-13.

5, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15. Arundhati Roy (Thanh Vân dịch), Chúa Trời của những chuyện vụn vặt, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 1999, tr.68, 68, 175, 145, 146, 153, 154, 148, 394, 93.

6. Phạm Minh Hạc, Tâm lý học, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2002, tr.40.

16. The United Nations, Declaration on the Elimination of Violence against Women, Offical website of The United Nations, 1993, tr.86.

Tác giả: Huỳnh Thị Diễm

Nguồn: Tạp chí VHNT số 431, tháng 5-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *