Biểu tượng quê hương, đất nước trên tiền giấy Việt Nam


Biểu tượng văn hóa được hình thành trong tâm thức của một cộng đồng trong thời gian dài, có sự thay đổi ý nghĩa tượng trưng tùy thuộc vào bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội. Đối với tiền giấy, biểu tượng là một phần quan trọng để thể hiện đặc trưng về thể chế chính trị, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia. Tiền giấy Việt Nam (1) với những biểu tượng tiêu biểu, trong đó có biểu tượng quê hương, đất nước được thể hiện đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa và tư duy thẩm mỹ của người Việt.

1. Hình ảnh, biểu tượng quê hương, đất nước trên tiền giấy Việt Nam

Các chủ đề về quê hương, đất nước trên tiền giấy Việt Nam tương đối đa dạng, gồm: hình ảnh làng quê, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử – văn hóanhững công trình công nghiệp mới. Những chủ đề này đều bắt nguồn từ những mẫu hình cụ thể ngoài đời thực, gắn với bối cảnh của đất nước, thể hiện mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước trong từng giai đoạn.

Trước năm 1975, cả nước thực hiện mục tiêu lớn của cách mạng là diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, thống nhất 2 miền Nam – Bắc, vì vậy, chủ đề làng quê xuất hiện nhiều trên các mẫu tiền nhưng chủ yếu gắn với hình ảnh con người trong chiến đấu, học tập và lao động, sản xuất (người nông dân lao động trên đồng ruộng, các lớp bình dân học vụ, công nhân làm việc, dân làng ăn mừng thắng giặc, bộ đội luyện tập và chiến đấu…). Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến đã nói: “Đây là đồng tiền của một nhà nước nhân dân, phải thể hiện được tính chất nhân dân bình dị, vẻ đẹp của thiên nhiên, con người Việt Nam” (2).

Mặt sau tờ 100 đồng “Con trâu xanh”, phát hành 1946-1947

Từ năm 1976 đến nay, hầu hết các mẫu tiền đều có hình ảnh quê hương, đất nước, với chủ đề chính là các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử – văn hóa, như: cầu Tràng Tiền, vịnh Hạ Long, Nhà sàn Bác Hồ, chợ Bến Thành, Cột cờ Hà Nội, tháp Phổ Minh…; và xuất hiện nhiều hơn chủ đề về những công trình mới như: Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Cảng cá Hạ Long, Đập thủy điện Hòa Bình, Giàn khoan Bạch Hổ… Trên các mẫu tiền cũng không lồng hình ảnh con người vào phong cảnh nữa. Đây cũng là xu hướng thiết kế tiền trên thế giới và thể hiện rõ mục tiêu quảng bá đất nước và văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Chất liệu để các họa sĩ thể hiện chủ đề quê hương, đất nước trên tiền giấy đều có sẵn ở đời thực, là hình ảnh làng quê, phong cảnh thiên nhiên và các công trình, nhà máy. Các họa sĩ phải đi đến tận nơi để nghiên cứu, hình thành ý tưởng và vượt qua cách thể hiện mang tính minh họa để chuyển tải được tinh thần, không khí của bối cảnh. Họa sĩ Nguyễn Huyến chia sẻ, ông và đồng nghiệp phải xuống công trường, xưởng máy, lúc lại về nông thôn để có được những hình ảnh sinh động nhất đưa vào mẫu vẽ. Họa sĩ Trần Tiến đã phải đến tận Huế chụp ảnh lấy mẫu và điều chỉnh một số chi tiết để thể hiện hình ảnh Cụm di tích Nghênh Lương Đình – Phu Văn Lâu trên tờ 50.000 đồng polymer…

Dù phong cách thể hiện các chủ đề về quê hương, đất nước rất đa dạng, song các họa sĩ luôn có điểm chung là phản ánh được bối cảnh đất nước và mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước trong các giai đoạn lịch sử, đồng thời quảng bá hình ảnh đất nước tươi đẹp đến với bạn bè thế giới. Các mẫu tiền sau năm 1987, nhất là bộ tiền polymer, có sự thống nhất về phong cách và phản ánh được tinh thần đổi mới, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

2. Nghệ thuật thể hiện biểu tượng quê hương, đất nước trên tiền giấy

Mỗi tờ giấy bạc đẹp phụ thuộc vào tài năng và tâm hồn của người họa sĩ. Các họa sĩ thiết kế tiền đều mang phong cách riêng, với sự tìm tòi, trải nghiệm cuộc sống và sự kế thừa tư duy thẩm mỹ của dân tộc, song đều có điểm chung trong cách thể hiện hình ảnh quê hương, đất nước là những đường nét thanh mảnh, mềm mại và rất có hồn, chứ không thô ráp hoặc quá thiên về kỹ thuật.

Mỗi tờ tiền giấy Việt Nam được ví như một tác phẩm hội họa đặc biệt. Hình ảnh phong cảnh, công trình, nhà máy đều đẹp như những bức tranh. Các họa sĩ đã tạo nên một “dáng vẻ” rất khác cho tiền Việt Nam so với các quốc gia khác. Ngay từ bộ tiền đầu tiên của nước ta, các họa sĩ đã dùng các đường nét, màu sắc giản dị, gần gũi, nhưng chau chuốt, cẩn thận để thể hiện cảnh làng quê, gắn liền với cuộc sống lao động, chiến đấu của nhân dân. Họa sĩ Nguyễn Huyến viết trong cuốn Hồi ký ngành Ngân hàng: “Đối với tôi, nguồn cảm hứng nghệ thuật chưa bao giờ lại dạt dào đến thế. Vẽ giấy bạc, chúng tôi nặng về hội họa nhiều, chỉ nghĩ vẽ sao cho đẹp, cho kỹ nét, để không thua kém giấy bạc của Pháp”. Jacques Despuech – một cựu chiến binh Pháp, cũng phải thừa nhận: “Giấy bạc của Việt Minh in bằng một thứ kỹ thuật thô sơ. Nó có nghệ thuật hội họa hơn là tiền tệ” (3).

Giai đoạn từ năm 1976 đến nay, hình ảnh quê hương, đất nước trên tiền giấy vẫn được thể hiện với những nét vẽ mềm mại, nhưng hiện đại, đơn giản hơn, phác họa lại hình ảnh quê hương, đất nước từ đời thực, cho ta cảm giác như nhìn vào những bức tranh phong cảnh với những nét đặc trưng văn hóa của Việt Nam.

Không gian thể hiện hình ảnh quê hương, đất nước Việt Nam trên các mẫu tiền trước năm 1975 thường thiên về cận cảnh, trong đó đặc tả hình ảnh con người trên nền phong cảnh. Từ sau năm 1975, không gian thể hiện có chiều sâu hơn, nhất là các mẫu tiền từ năm 1987 đến nay và bộ tiền polymer, không gian rộng mở hơn, vẫn với phong cách tả thực, nhưng có sự thống nhất cao về phong cách hiện đại, đơn giản, tự do, phù hợp với xu thế thời đại.

Màu sắc trên tiền giấy cũng thể hiện tài năng của người họa sĩ. Trên tờ tiền phải sử dụng màu sắc thế nào để không lòe loẹt, không đơn điệu hoặc chênh phô, mà phải vừa hài hòa, đảm bảo mỹ thuật, lại thể hiện được tinh thần và bản sắc văn hóa dân tộc. Có thể thấy, màu xanh, nâu được sử dụng chủ đạo ở các bộ tiền, thể hiện đặc trưng văn hóa nông nghiệp, ưa gần gũi thiên nhiên, sông nước, núi non… Sau năm 1975, bổ sung tông màu đỏ hồng là chủ đạo, đây là màu cờ Tổ quốc, màu của cách mạng, của chiến thắng.

Như vậy có thể thấy, cách thức thể hiện biểu tượng quê hương, đất nước trên tiền giấy có sự thay đổi trong các giai đoạn lịch sử, mang đậm tư duy thẩm mỹ và bản sắc văn hóa dân tộc, nhưng vẫn có sự đổi mới, tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại và xu hướng phát triển của thế giới.

3. Ý nghĩa của biểu tượng quê hương, đất nước trên tiền giấy Việt Nam

Bản thân biểu tượng đã mang tính tượng trưng, được mã hóa cảm xúc, ý tưởng và thể hiện được quan niệm, tư tưởng của một cộng đồng trong giai đoạn lịch sử nhất định. Biểu tượng quê hương, đất nước trên tiền giấy Việt Nam cũng như thế, mang giá trị văn hóa đặc sắc của người Việt và chuyển tải những thông điệp quan trọng của đất nước.

Biểu trưng cho nền văn hóa nông nghiệp

Văn hóa Việt Nam về cội nguồn là văn hóa nông nghiệp, với “làng” là đơn vị cố kết của người Việt, là “bức tường lửa” gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Tâm thức “làng” và văn hóa nông nghiệp được thể hiện rất rõ trên tiền giấy Việt Nam.

Tính đa dạng nhưng thống nhất của làng Việt ở 3 miền đất nước là điều dễ thấy, được thể hiện rất sống động trên các mẫu tiền. Làng quê Bắc Bộ trên tiền giấy luôn gắn liền với những hình ảnh điển hình như đồng ruộng, con trâu, lũy tre, con đê, đường làng, bến nước, mái chùa… Trong đó, con trâu là một hình tượng điển hình, gắn bó với đời sống của người nông dân, đã được các họa sĩ thể hiện sống động như thực, thậm chí như một bức tranh (tờ 100 đồng “Con trâu xanh” của họa sĩ Nguyễn Huyến). Những rặng tre làng cũng là biểu tượng kiên cường, bất khuất của người dân Việt Nam. Ngoài ra, những hoạt động lao động, sản xuất, sinh hoạt văn hóa cộng đồng khác của làng quê Bắc Bộ cũng được thể hiện nhiều trên các mẫu tiền. Các họa sĩ đã thể hiện được sự bình dị, chân thực, phản ánh đặc trưng làng quê Bắc Bộ được tổ chức chặt chẽ, khép kín, sống quần cư và đậm chất truyền thống.

Trong khi đó, làng quê ở miền Trung – Tây Nguyên được thể hiện có tính mở về không gian hơn, gắn liền với hình ảnh những cánh đồng trải dài theo dãy núi, những con tàu xuyên Việt, những người nông dân trên ruộng muối… hay gắn với đặc trưng nắng gió Tây Nguyên, cảnh cưỡi voi kéo gỗ, cảnh làng quê của đồng bào Thượng… Cảnh sắc làng quê miền Trung – Tây Nguyên có sự tương đồng cao với làng Bắc Bộ, nhưng có sự mở rộng hơn về ranh giới làng, từ làng đồng bằng, đến làng miền núi và vùng biển.

Còn làng quê Nam Bộ được thể hiện trên tiền giấy lại gắn với hình ảnh những cây dừa, kênh rạch, sông hồ, ghe xuồng, cảnh chợ nổi trên sông… trong không gian rộng mở, khoáng đạt. Hình tượng cây dừa và kênh rạch, sông nước xuất hiện rất nhiều lần trên các mẫu tiền là nét đặc trưng địa – văn hóa, cùng với hình ảnh những người nông dân Nam Bộ, trang phục quần áo bà ba, khăn rằn, nón lá, tham gia các hoạt động giao thương, buôn bán là đặc điểm khác biệt của làng quê Nam Bộ so với làng quê Bắc và Trung Bộ.

Mỗi vùng miền có một sắc thái văn hóa làng riêng biệt, đa dạng nhưng vẫn thống nhất với các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc là sự bình bị, gần gũi, cùng với những con người Việt Nam chân chất, mộc mạc, đoàn kết chiến đấu bảo vệ quê hương. Bên cạnh đó, hình ảnh những ngôi chùa, đình đền ở cả 3 miền đất nước cũng xuất hiện nhiều lần, tượng trưng cho sự thống nhất trong tâm thức của người Việt, thể hiện tinh thần hòa hợp trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng.

Thể hiện chiều sâu văn hóa, lịch sử và tinh thần độc lập, tự cường của dân tộc

Việt Nam là dân tộc có chiều sâu và bề dày văn hóa, lịch sử, cùng với quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước hàng ngàn năm. Điều này được thể hiện rõ nét qua biểu tượng quê hương, đất nước trên tiền giấy.

Các họa sĩ đã khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng, đúc kết, chắt lọc từ những hình ảnh tinh hoa của đất nước nhằm thể hiện ý chí quyết tâm của quân dân trong cuộc kháng chiến giành độc lập, cũng như những hình ảnh điển hình về văn hóa, kinh tế và con người Việt Nam trong giai đoạn phát triển đất nước. Đó là hình ảnh di tích cố đô Huế, Cột cờ Hà Nội hay chùa Một Cột, tháp Phổ Minh… đều hiện diện từ cội nguồn văn hóa và lịch sử của một dân tộc có mấy nghìn năm văn hiến; hay di tích lịch sử Bến Nhà Rồng – nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, đánh dấu sự khởi đầu của cách mạng Việt Nam trong TK XX…

Hình ảnh đình, chùa xuất hiện nhiều lần trên các tờ tiền cũng là hình ảnh đặc trưng trong văn hóa truyền thống, tín ngưỡng của người Việt, là nơi hội tụ đầy đủ giá trị lịch sử và văn hóa nghệ thuật của đất nước. Hình ảnh về sông nước, biển cả cũng là biểu trưng về chủ quyền đất nước, khẳng định không gian sinh tồn từ bao đời của dân tộc và niềm tự hào về non sông, gấm vóc. Đó cũng là ý tưởng được họa sĩ Hồ Trọng Minh chia sẻ về gốc tích người Việt là con Lạc cháu Hồng, giỏi sông nước, vượt sóng dữ và sự tích Lạc Long Quân – Âu Cơ thể hiện sự thống nhất dưới biển, trên rừng…

Thể hiện đất nước đổi mới, phát triển

Biểu tượng quê hương Việt Nam không chỉ mang ý nghĩa biểu trưng cho truyền thống lâu đời của dân tộc, mà còn thể hiện sự đổi mới, phát triển của đất nước. Những hình ảnh được lựa chọn thể hiện trên các mẫu tiền là cảnh lao động, sản xuất trên cánh đồng, công trường, nhà máy và những công trình công nghiệp mới của đất nước, mang những ý nghĩa, thông điệp quan trọng.

Hình ảnh cánh đồng trên tờ 200 đồng năm 1987 chính là cánh đồng “năm tấn” ở Thái Bình. Tờ 2.000 đồng năm 1988 với hình ảnh phân xưởng dệt vải chính là Nhà máy Dệt Nam Định lớn nhất Đông Dương và là nơi phát triển mạnh mẽ phong trào công nhân thời kỳ cách mạng.

Hình ảnh thủy điện Trị An trên tờ 5.000 đồng năm 1991 mang ý nghĩa là công trình mang tầm vóc quốc tế và thể hiện tình hữu nghị Việt Nam – Liên Xô. Hình ảnh Giàn khoan Bạch Hổ trên tờ 5.000 đồng năm 1987 và tờ 10.000 đồng Polymer mang ý nghĩa về sự mở rộng phát triển kinh tế ở ngành nghề mới và “thể hiện ước vọng vươn xa, vượt qua muôn trùng sóng gió của dân tộc Việt Nam” (4)… Ngoài ra còn nhiều hình ảnh khác về những công trình thủy điện, nhà máy, bến cảng được xây dựng trong quá trình phát triển đất nước. Những công trình này biểu trưng cho sự phát triển của Việt Nam trong giai đoạn mới, là thành quả của sức người, sức của và sự đổi mới kịp thời của Việt Nam trong giai đoạn toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Ý nghĩa của biểu tượng quê hương, đất nước trên tiền giấy được quy chiếu từ chiều sâu văn hóa, lịch sử của dân tộc, nhưng cũng gắn bó mật thiết với diễn biến lịch sử và sự phát triển của văn hóa, xã hội Việt Nam hiện đại, thể hiện sự giao lưu, tiếp biến và phát triển của văn hóa Việt Nam từ nền văn hóa truyền thống đến nền văn hóa cách mạng. Các giá trị văn hóa trên tiền giấy luôn là một dòng chảy thống nhất, hòa hợp giữa truyền thống và hiện đại, là “tấm thẻ văn hóa” để khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam với bạn bè thế giới.

_______________

1. Tiền giấy Việt Nam: là tiền giấy của nước CHXHCN Việt Nam, tiền thân là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phát hành từ năm 1945 đến nay.

2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Lịch sử Ngân hàng Việt Nam 1951-2016, Nxb Lao động, Hà Nội, 2016, tr.28.

3. Jacques Despuech, Le trafic des piastres (Buôn lậu tiền đồng), ed. Le Plomb, 1953, tr.109.

4. Vũ Thơ, Người thổi hồn cho tiền Việt, thanhnien.vn, 2-9-2019.

Tài liệu tham khảo

1. Trần Lâm Biền, Mỹ thuật trong trang trí truyền thống của người Việt, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2018.

2. Nguyễn Đắc Hưng, Văn hóa làng và nhân cách người Việt, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017.

3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Lịch sử đồng tiền Việt Nam, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2021.

4. Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2000

PHẠM THỊ LIÊN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 473, tháng 9-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *