Bồi dưỡng văn hóa quân nhân cho sĩ quan trẻ ở đơn vị cơ sở quân đội


Trải qua gần 75 năm xây dựng và trưởng thành, quân đội ta không ngừng lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Nằm trong dòng chảy của văn hóa truyền thống dân tộc, văn hóa quân nhân đã góp phần củng cố, bồi đắp, xây dựng nên những phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của quân đội nhân dân Việt Nam. Việc bồi dưỡng văn hóa quân nhân cho sĩ quan trẻ ở đơn vị cơ sở quân đội đã và đang đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào việc giữ vững định hướng chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sĩ quan trẻ trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện về mọi mặt.

Văn hóa quân nhân của sĩ quan trẻ ở đơn vị cơ sở quân đội là bộ phận cấu thành của văn hóa quân sự, là nền tảng vững chắc để hình thành, phát triển văn hóa quân nhân, định hướng suy nghĩ, hành động cho sĩ quan trẻ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời đây là cơ sở để điều chỉnh hành vi, thái độ, ứng xử của sĩ quan trẻ đúng với quy tắc chuẩn mực đạo đức quân nhân. Có thể khái quát nội dung bồi dưỡng văn hóa quân nhân ở đơn vị cơ sở quân đội bao gồm những vấn đề cụ thể sau:

Thứ nhất, bồi dưỡng những giá trị văn hóa quân nhân đã được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ tạo dựng, vun đắp trong suốt những năm tháng đấu tranh chống giặc ngoại xâm và trong sự nghiệp dựng xây, kiến thiết đất nước. Những giá trị văn hóa quân sự trong lịch sử là sự trải nghiệm thực tiễn chiến đấu kiên cường, bất khuất của người lính trực tiếp cầm súng ra chiến trường. Ở những tình huống hiểm nguy, người chiến sĩ vẫn hiên ngang, bất khuất, ngẩng cao đầu, lạc quan. Trong giai đoạn hiện nay, cần bồi dưỡng những phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của anh Bộ đội cụ Hồ; pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, quy định đơn vị, nét đẹp văn hóa của người quân nhân cách mạng, nói và hành động theo điều lệnh, làm việc theo chức trách.

 Thứ hai, bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc, ý thức, tinh thần, trách nhiệm cho sĩ quan trẻ. Họ phải ý thức sâu sắc được vị trí, vai trò của mình đối với nhiệm vụ được giao; phấn đấu, rèn luyện không ngừng về mọi mặt để đáp ứng với tính chất, yêu cầu của nhiệm vụ; huấn luyện sẵn sàng chiến đấu ở các đơn vị. Bồi dưỡng ý chí vượt khó, chịu đựng khó khăn, thiếu thốn cho sĩ quan trẻ để họ tự cảm nhận được những hy sinh, mất mát của thế hệ trước, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Muốn vậy, cần tích cực, chủ động học tập để nâng cao trình độ tri thức về mọi mặt, sử dụng thành thạo các loại vũ khí trang bị kỹ thuật; nắm chắc âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa của các thế lực phản động để có biện pháp phòng, chống hiệu quả.

Thứ ba, bồi dưỡng kỹ năng giải quyết có hiệu quả những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống cho sĩ quan trẻ, qua đó, củng cố, bồi đắp văn hóa quân nhân cho mỗi sĩ quan trẻ, tạo động lực để họ phấn đấu vươn lên. Kỹ năng giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống rất phong phú, đa dạng. Đó là hệ thống những mối quan hệ trong thực tiễn xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, thực hiện nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, định hướng chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền quản lý.

 Thứ tư, bồi dưỡng những quan hệ văn hóa giữa các quân nhân một cách lành mạnh, trong sáng vì sự ổn định, phát triển của đơn vị. Đây chính là thực tiễn để cụ thể hóa những nhận thức của sĩ quan trẻ về giá trị văn hóa quân nhân. Những mối quan hệ văn hóa tốt đẹp của các quân nhân trong đơn vị không chỉ tạo sự gần gũi, chân thành, tin cậy lẫn nhau, mà còn góp phần điều chỉnh những thái độ, hành vi, ứng xử cho sĩ quan trẻ, đúng với điều lệnh quản lý bộ đội, nâng tầm nhân cách về văn hóa quân nhân. C.Mác đã chỉ rõ: Bản chất con người không phải là cái gì cố hữu trừu tượng, trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những mối quan hệ xã hội. Con người càng tham gia vào hoạt động thực tiễn bao nhiêu, thì phẩm chất, nhân cách con người càng hình thành, phát triển và hoàn thiện bấy nhiêu.

Những nội dung bồi dưỡng trên được thực hiện thông qua nhiều con đường, hình thức, biện pháp khác nhau, nhưng chủ yếu thông qua học tập chính trị của sĩ quan; thông qua hoạt động thực tiễn thực hành huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, quan hệ giao tiếp, ứng xử hằng ngày trong công việc, trong cuộc sống; thông qua hội thi, hội diễn ở đơn vị. Thời gian vừa qua, việc bồi dưỡng văn hóa quân nhân cho đội ngũ sĩ quan trẻ ở đơn vị cơ sở đã được cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị đặc biệt quan tâm, có những hình thức, biện pháp bồi dưỡng hiệu quả để huy động sức mạnh của tập thể. Những văn bản, chỉ thị, hướng dẫn của Đảng, Nhà nước, Tổng Cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam được phổ biến, quán triệt đến từng sĩ quan trẻ. Nhờ đó, sĩ quan trẻ đã có những suy nghĩ, hành động đúng với quy định, điều lệnh; có thái độ giao tiếp, ứng xử đúng mực trong và ngoài đơn vị, giữa cấp trên và cấp dưới, giữa lãnh đạo và phục tùng, giữa sĩ quan trẻ với nhau, giữa sĩ quan trẻ với nhân dân. Văn hóa quân nhân đã thực sự trở thành chiếc nôi nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi sĩ quan trẻ, tạo động lực, bầu không khí dân chủ để họ vươn lên, khắc phục khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, trước tác động của mặt trái cơ chế thị trường và những tệ nạn xã hội, việc bồi dưỡng văn hóa quân nhân cho sĩ quan trẻ ở đơn vị cơ sở hiện nay vẫn còn một số hạn chế nhất định cả về nhận thức và tổ chức thực hiện. Một số cấp ủy, tổ chức đảng các cấp chưa chú trọng đến việc đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp bồi dưỡng, nặng về mệnh lệnh, hành chính, thiếu sân chơi bổ ích cho sĩ quan trẻ, trong quan hệ ứng xử giữa sĩ quan trẻ và cấp trên còn có khoảng cách, chưa gần gũi, chân thành, cởi mở. Một số sĩ quan trẻ chưa rèn luyện được ý chí vượt khó, còn ngại khó, ngại khổ, ứng xử thiếu chuẩn mực, văn hóa… Để tiếp tục bồi dưỡng văn hóa quân nhân cho sĩ quan trẻ ở đơn vị cơ sở quân đội, tác giả bài viết đề xuất một số định hướng chủ yếu như:

Trước tiên, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm những quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Đề án phát triển văn hóa đọc đến năm 2020 tầm nhìn 2030; Quy hoạch tổ chức hoạt động chiếu phim trong Quân đội nhân dân Việt Nam (2006-2016); Thông tư số 104/2014/TT-BQP (Thông tư 104) quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Chỉ thị số 355-CT/QUTW, ngày 20-4-2017, của Quân ủy Trung ương Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật trong quân đội giai đoạn hiện nay; Cuộc vận động Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong quân đội gắn với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (1992-2017); Chỉ thị số 855-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương Về đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.

Bên cạnh đó, cần tăng cường rèn luyện, bồi đắp những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quân đội cho sĩ quan trẻ. Đó là những hành động rất giản dị, gần gũi, chân thành trong công việc, cuộc sống như: giúp đỡ, chia sẻ với nhau niềm vui, nỗi buồn, tôn trọng, lắng nghe ý kiến đóng góp của đồng chí, đồng đội, không ganh đua, đố kỵ, không lợi dụng lòng tốt của đồng chí, đồng đội để đạt được mục đích. Lãnh đạo, chỉ huy đơn vị cần thường xuyên quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của sĩ quan trẻ, nắm bắt, định hướng và điều chỉnh những mối quan hệ của sĩ quan trẻ đúng với điều lệnh, điều lệ quân đội, quy định của đơn vị; quản lý chặt chẽ sĩ quan trẻ thông qua thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất, phối hợp chặt chẽ với gia đình, địa bàn đóng quân để phát hiện, xử lý kịp thời những phát sinh, mâu thuẫn trong cuộc sống, công việc; lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ, giữ vững sự ổn định, đoàn kết trong đơn vị làm mẫu số chung để tỏa sáng văn hóa quân nhân của sĩ quan trẻ trong thời kỳ mới.

Xây dựng những mối quan hệ văn hóa quân nhân trong sáng, lành mạnh, phong phú, đa dạng, không có biểu hiện của sự đố kỵ, cạnh tranh, ganh đua giữa các sĩ quan trẻ với nhau. Các mối quan hệ đó, dù phức tạp đến thế nào đi chăng nữa, phải lấy mẫu số chung là giữ vững sự đoàn kết, ổn định và phát triển của đơn vị, hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nội dung của phong trào thi đua. Các chủ thể lãnh đạo, quản lý và bản thân sĩ quan trẻ cần tích cực, chủ động tạo ra bầu không khí dân chủ, chân thành trong các hoạt động ở đơn vị; tạo sự tin tưởng, gần gũi giữa sĩ quan trẻ với cán bộ cấp trên, giữa sĩ quan trẻ với cơ quan các cấp; phát huy năng lực, sở trường của sĩ quan trẻ ở từng nhiệm vụ được giao; nhìn nhận, đánh giá đúng mức độ cống hiến cho đơn vị của sĩ quan trẻ, để khen thưởng, bổ nhiệm, sắp xếp vị trí, cho đi đào tạo, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.

Tích cực, chủ động đấu tranh chống sự xâm nhập của sản phẩm văn hóa độc hại vào đơn vị. Cấp ủy, chỉ huy các cấp, cơ quan chính trị cần tập trung tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về tác hại và sự nguy hiểm của sản phẩm văn hóa độc hại, chú trọng bồi dưỡng năng lực tự nhận thức, tự đánh giá để chủ động đấu tranh với các khuynh hướng sai trái, lạc hậu, tha hóa, phản động; xây dựng bản lĩnh chính trị, phẩm chất cách mạnh và trình độ toàn diện cho sĩ quan trẻ; duy trì thường xuyên các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tạo sân chơi bổ ích, thiết thực trong đơn vị. Làm tốt công tác sơ, tổng kết đánh giá, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng điển hình tiên tiến với những tập thể, cá nhân có những thành tích nổi bật trong xây dựng môi trường văn hóa quân sự, bồi dưỡng văn hóa quân nhân. Chú trọng đến những gương người tốt, việc tốt, có những sáng kiến, tham mưu, đề xuất đúng để xây dựng đơn vị ngày càng chính quy, tiên tiến, mẫu mực, thu hút được đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia.

Có thể nói, giá trị văn hóa quân nhân mang tính định hướng xuyên suốt cho toàn bộ sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa quân sự Việt Nam trong điều kiện mới. Bồi dưỡng hệ giá trị văn hóa quân nhân cho các sĩ quan trẻ ở đơn vị cơ sở có ý nghĩa to lớn trong việc hình thành sức sống bên trong và diện mạo bên ngoài của mỗi tổ chức quân sự.

____________

Tài liệu tham khảo:

1. Hà Đức Long, Đấu tranh chống “xâm lăng văn hóa” trong tình hình hiện nay, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 14-9-2017.

2. Nguyễn Thanh Tú, Ba giải pháp đấu tranh chống “xâm lăng văn hóa, Báo Quân đội nhân dân, ngày 5-8-2012.

3. Đoàn Minh Huấn, Phát triển văn hóa – xã hội Việt Nam trước các biến động lớn của khu vực và thế giới hiện nay, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 22-12-2017.

4. Hồ Hiền, Một số vấn đề bài trừ tệ nạn xã hội, văn hóa độc hại, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Tạp chí Cảnh sát nhân dân, số tháng 9-2017.

Tác giả: Trịnh Thái Lai

Nguồn: Tạp chí VHNT số 425, tháng 11-2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *