Bức tranh xã hội Thái ở Thanh Hóa qua truyện thơ Khăm Panh và Ú Thêm

     1. Mâu thuẫn trong xã hội Thái

     Tác giả Phan Đăng Nhật cho rằng truyện thơ ra đời theo nhu cầu lịch sử của thời đại. Lúc bấy giờ trong xã hội các dân tộc thiểu số đã xuất hiện nhiều mâu thuẫn, mâu thuẫn giữa tình yêu chân chính của đôi lứa với đòi hỏi khắt khe, lạnh lùng nhiều khi tàn bạo của gia đình và xã hội, mâu thuẫn giữa người nghèo khó với kẻ giàu sang, mâu thuẫn giữa chính nghĩa và phi nghĩa. Lúc này, vấn đề thân phận của con người được đặt ra và đòi hỏi phải giải quyết thỏa đáng. Trong xã hội phân chia giai cấp, có mâu thuẫn giữa người nghèo và kẻ giàu, giữa chính nghĩa và phi nghĩa, lúc đó truyện thơ ra đời và phát triển (1).

     Quan điểm của tác giả Võ Quang Nhơn cũng tương đồng với ý kiến của tác giả Phan Đăng Nhật khi ông khẳng định sự phân biệt giàu nghèo và theo đó là sự xuất hiện giai cấp và đấu tranh giai cấp là một trong những tiền đề để truyện thơ ra đời. Như vậy, mâu thuẫn xã hội là tiền đề để truyện thơ ra đời và mâu thuẫn xã hội được phản ánh chân thực và cụ thể trong từng truyện thơ (2).

     Cũng giống như truyện thơ Mường, hiện thực xã hội được phản ánh trong truyện thơ Thái chứa nhiều mâu thuẫn. Tuy nhiên, nếu như ở truyện thơ Mường chủ yếu phản ánh mâu thuẫn giữa tình yêu tự do với tập tục ép duyên, gả bán thì truyện thơ Thái lại tập trung phản ánh mâu thuẫn giữa chính nghĩa và phi nghĩa. Điều đó được thể hiện rất rõ trong truyện Khăm PanhÚ Thêm.

     Truyện thơ Khăm Panh xoay quanh mâu thuẫn không thể điều hòa giữa hai dòng họ: dòng họ Khăm Panh và dòng họ Khun Ha. Nếu như dòng họ Khăm Panh đại diện cho chính nghĩa thì dòng họ Khun Ha đại diện phi nghĩa, cho kẻ thù xâm lược. Nếu dòng họ Khăm Panh là dòng họ của những con người có công lớn trong việc xây dựng mường Khoòng thì dòng họ Khun Ha là những tên cướp nước. Nếu như dòng họ Khăm Panh hội tụ đầy đủ phẩm chất tốt đẹp của người Thái thời xưa với đức tính siêng năng, chăm chỉ, thủy chung, tình nghĩa, tài giỏi,… thì dòng họ Khun Ha lại là những kẻ tham lam, độc ác, mưu mô, xảo quyệt.

     Khăm Panh, Khăm Khiền, Khăm Lụa, Khăm Kéo rồi nàng Mứn – đại diện cho dòng họ Khăm Panh được xây dựng trong truyện thơ là những người đã cùng nhau vượt qua khó khăn, gian khổ, xây dựng mường Khoòng giàu đẹp, yên vui. Tuy nhiên, trước sự giàu đẹp của mường Khoòng, Khun Ha đã âm mưu xâm chiếm, biến gia đình Khăm Panh thành gia đình của mình, biến mường Khoòng thành bản mường của mình. Bằng âm mưu thâm độc, hắn lần lượt thực hiện từng bước kế hoạch của mình: giả làm anh thợ bạc để vào đất mường Khoòng, lấy lòng gia đình Khăm Panh và nhân dân mường Khoòng, xin cưới Khăm Xao làm vợ,… Khi đã có tất cả trong tay, hắn đuổi vợ chồng Khăm Panh ra khỏi mường Khoòng, rồi chiếm đất mường Khoòng, khiến cho Khăm Xao tự vẫn. Khun Ha từ chỗ không có gì trong tay, chỉ là một anh thợ bạc bình thường trở thành người làm chủ đất mường Khoòng. Còn Khăm Panh xuất phát điểm là người làm chủ Mường Khoòng, có một gia đình hạnh phúc lại bị đuổi đi, gia đình ly tán. Mâu thuẫn giữa Khăm Panh và Khun Ha bắt đầu nảy sinh từ đây, Khăm Panh và Khun Ha trở thành kẻ thù không đội trời chung với nhau.

     Nếu mâu thuẫn trong truyện thơ Khăm Panh chỉ đơn giản là mâu thuẫn xã hội thì với truyện thơ Ú Thêm, vừa xuất hiện mâu thuẫn gia đình vừa xuất hiện mâu thuẫn xã hội. Tính chất phức tạp, đột biến của xã hội được truyền tải trong truyện thơ khiến cho mâu thuẫn được thể hiện phức tạp hơn rất nhiều. Mâu thuẫn xã hội được phản ánh trong truyện thơ Ú Thêm chính là mâu thuẫn giữa vua Chăm Pa và nhân dân Chăm Pa với mường quỷ và lũ giặc Phăng Đô. Nếu như nhà vua và nhân dân Chăm Pa đại diện cho lẽ phải, cho chính nghĩa; thì giặc Phăng Đô và mường quỷ là đại diện cho những kẻ xâm lược. Đất nước Chăm Pa xinh đẹp và yên bình dưới sự lãnh đạo của nhà vua Chăm Pa nhưng lại bị mường quỷ và giặc Phăng Đô tìm mọi cách quấy phá và xâm chiếm. Quỷ Pha Nha Nhặc từ lâu nuôi hận, muốn làm cho đất nước Chăm Pa điêu đứng. Còn lũ giặc Phăng Đô đưa quân đến đánh Chăm Pa với mục đích hòng muốn cướp nước Chăm Pa xinh đẹp. Với sức mạnh hơn hẳn, chúng đã gây nên cảnh tan tác, đau thương, đầu rơi máu đổ trên đất nước Chăm Pa. Cuộc giao chiến giữa Ú Thêm với mường quỷ, giữa Xi Thuần với lũ giặc Phăng Đô là đỉnh điểm của mối mâu thuẫn không thể điều hòa ấy.

     Mâu thuẫn được phản ánh trong truyện thơ Ú Thêm không chỉ là mâu thuẫn xã hội mà còn là mâu thuẫn gia đình. Đó là mâu thuẫn giữa Khăm Ca và sáu bà vợ, mâu thuẫn giữa Xo Nôm và Pho No Hoa, mâu thuẫn giữa gia đình vua Trời và vợ chồng Xi Thuần – Pho No Hoa. Mâu thuẫn thứ nhất và mâu thuẫn thứ hai chính là mâu thuẫn giữa vợ cả và vợ lẽ thường diễn ra trong gia đình truyền thống của người Thái. Khăm Ca chính là con gái của vua Quỷ, đã dùng mĩ nhân kế làm say lòng vua Chăm Pa, khiến vua Chăm Pa vô tình lấy về làm vợ. Nhưng không dừng lại ở đấy, Khăm Ca còn tiến thêm một bước trong âm mưu của mình. Để chiếm trọn nhà Vua và đất nước Chăm Pa, Khăm Ca đã móc mắt Xum Phu và năm người vợ còn lại, khiến họ rơi vào cảnh mù lòa. Mâu thuẫn giữa Xum Phu cùng năm bà nàng với Khăm Ca càng được đẩy lên cao khi Khăm Ca được vua Chăm Pa “thế làm chị cả”, được vua chiều chuộng, yêu mến; còn Xum Phu và các bà nàng bị đem bỏ vào rừng sâu hoang vắng. Từ chỗ là “sáu bông hoa rừng đẹp nhất” của đất nước Chăm Pa đã trở thành những kẻ mù lòa, sống một cuộc đời nghèo khổ, tăm tối, và dần dần bị lãng quên. Từ chỗ là những người vợ cả với tất cả những uy quyền trong tay, bỗng chốc trở thành những kẻ tội đồ của đất nước. Và, kết quả của việc giải quyết mâu thuẫn trong truyện thơ Thái chính là sự chiến thắng hoàn toàn của chính nghĩa: dòng họ Khăm Panh lại được làm chủ đất mường Khoòng, mường quỷ bị tiêu diệt, giặc Phăng Đô bị đẩy lùi khỏi biên ải Chăm Pa, Xum Phu giành lại gia đình và địa vị đã mất, Pho No Hoa tái hợp Xi Thuần,… Duy chỉ có Xi Thuần cuối cùng đã không thể dành chiến thắng hoàn toàn trong cuộc đấu tranh bảo vệ hạnh phúc gia đình. Cái chết của Xi Thuần ngoài việc khẳng định sức mạnh bất khả xâm phạm của mường trời và sự ngăn cách của mường trời với mường người còn khẳng định quyền lực vô biên của những ông cậu trong tổ chức gia đình – dòng họ Thái. Ú Thêm đã chiến thắng được mường quỷ, chiến thắng được giặc Phăng Đô, giết được vua Trời nhưng chàng không thể chiến thắng được lung ta – một lực lượng được xã hội Thái trao cho sức mạnh.

     2. Tổ chức xã hội của người Thái

     Như chúng ta đã biết, tổ chức xã hội truyền thống theo thiết chế mường – bản là nét văn hóa tiêu biểu của người Thái. Mỗi không gian sống có tính độc lập tương đối chính là cơ sở để tạo thành một mường, một kiểu xã hội của người Thái, cũng là phạm vi sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng dân cư.

     Trong xã hội mường của người Thái được phân chia thành 2 đẳng cấp chính là tạo, páy. Tạo được xác định là chủ cai quản cả mường, có quyền lực nhất trong tất cả các lĩnh vực từ đối nội, đối ngoại, đất đai, tài nguyên, dân cư, toàn quyền cai quản, sai khiến. Đối với người Thái, người và dòng họ được xem là tạo phải là người có đóng góp lớn, đứng đầu trong việc tạo ra mường. Và sau đó, họ phân chia anh em, họ hàng trong nhà tạo tiếp tục kiến tạo, đứng đầu cai quản các bản, người Thái gọi là quan bản. Bộ máy giúp việc cho các nhà tạo được phân chia chức danh rất cụ thể. Páy: là cách gọi đối với người dân thường gồm cả người làm ruộng, làm các nghề khác như thày cúng, săn bắn, đánh cá…

     Tổ chức xã hội của người Thái được thể hiện khá rõ nét trong truyện thơ Khăm Panh Ú Thêm. Tuy nhiên, ở mỗi truyện thơ, vấn đề đó được phản ánh với sắc thái khác nhau.

     Ở truyện thơ Khăm Panh, tổ chức xã hội được phản ánh chưa thực sự rõ nét. Tác phẩm chưa phản ánh bộ máy hoàn chỉnh của xã hội người Thái trước đây, mà chỉ đề cập đến vai trò của người làm chủ trong một phạm vi mường bản nhất định.

     Khăm Panh chính là người đứng đầu của mường Khoòng, cai quản mường Khoòng, chịu trách nhiệm chính về sự an nguy của mường Khoòng. Sau thời gian chạy loạn, Khăm Panh đã cùng Khăm Khiền, Khăm Kéo, Khăm Lụa trở về đất mường Khoòng dựng đất, dựng mường. Từ một vùng đất hoang vu, loạn lạc; cùng với nàng Mứn và ba em trai, Khăm Panh đã “cầm quân đi vỡ đất”, “khai phá rừng rậm”, rồi “trồng lúa, trỉa ngô”, dựng nhà, dựng cửa. Dưới sự lãnh đạo của Khăm Panh và nàng Mứn, mường đã có “cơm đầy núi”, “có của đầy nhà”. Khi đã ổn định cuộc sống cho cả bản với hàng “nghìn người”, Khăm Panh mới đặt tên bản, tên mường là mường Khoòng yêu dấu (với ý nghĩa là sự giàu có).

     Khi lãnh đạo binh mường, không chỉ chú ý chăm lo một cuộc sống đủ đầy cho người dân, Khăm Panh còn chú ý đến việc bảo vệ bản mường trước sự dòm ngó của kẻ thù. Lời dặn dò của Khăm Panh với nàng Mứn như lời truyền dạy “Tôi muốn dặn nàng cho người rèn súng/ Để người đi rèn dảo, rèn dao/ Chặt cây tre to trong thung làm gậy/ Lo đuổi giặc giữ bản/ Lo đánh tan cướp để giữ lấy cơm”. Dưới sự lãnh đạo khéo léo, tài tình của Khăm Panh, mường Khoòng ngày càng trở nên giàu có, vững mạnh.

     Nếu ở giai đoạn đầu, vai trò của Khăm Panh với mường Khoòng chủ yếu là nhiệm vụ xây dựng bản mường, thì ở giai đoạn sau lại là nhiệm vụ chiến đấu với kẻ thù để bảo vệ bản mường. Khi Khun Ha trở mặt là tên cướp nước, Khăm Panh mặc dù tóc đã bạc, vẫn “mài gươm dưới Pha Háng đêm ngày”, còn nàng Mứn dẫu còng lưng “vẫn dạy đàn cháu con múa rìu, giương ná”; rồi khi đất mường Khoòng bị loạn dưới bàn tay của Khun Ha, Khăm Panh đã ra lệnh cho dân mường di tản vào rừng để bảo toàn lực lượng “Xin mường lánh vào núi/ Xin mường chạy vào rừng. Dân mường Khoòng và gia đình Khăm Panh vào rừng lánh nạn…

     Nếu như ở truyện thơ Khăm Panh, tổ chức xã hội của người Thái mới phản ánh ở mức độ mờ nhạt với vai trò chính của người làm chủ bản mường, thì với truyện thơ Ú Thêm, xã hội Thái hiện lên với đầy đủ thiết chế xã hội lúc bấy giờ.

     Người đứng đầu mường trần gian là Vua Chăm Pa (3). Đây là một đức vua anh minh, lấy lợi ích của thần dân trăm họ, của đất nước Chăm Pa làm trọng. Bên cạnh vua là hoàng hậu Xum Phu và sáu bà nàng (kể cả Khăm Ca). Dưới quyền vua Chăm Pa là các quan hậu cần. Họ là những người trực tiếp tham gia vào việc triều chính, bàn định kế sách trị nước an dân cùng đức vua, họ ăn bổng lộc vua ban. Cuối cùng trong hệ thống thiết chế xã hội ấy là nhân dân lao động của đất nước Chăm Pa. Họ là những người lao động bình thường, giản dị, ân tình, ân nghĩa,…

     Đất nước Chăm Pa dưới sự cai quản của đức vua Chăm Pa luôn phồn thịnh “cung vàng, điện ngọc”, vàng bạc đầy kho, rộn rã tiếng hát, tiếng cười của trai gái bản trên mường dưới. Pha Nha quyền cao hơn hết nhưng không độc đoán mà “mọi việc nhỏ to thần dân vẫn được chung bàn”. Bởi vậy, tất cả đều chung sức đồng lòng và cuộc sống của đất nước Chăm Pa được no ấm, hạnh phúc, bình yên. Ngay cả người vợ thứ bảy mà vua lấy thêm cũng là do nhân dân lao động quý mến dâng cho. Dường như, ở nhân vật vua Chăm Pa, ta thấy thấp thoáng ước mơ của nhân dân về vị vua tài ba, nhân hậu, sẽ mang đến một cuộc sống ấm no, hạnh phúc (4).

     Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, trong xã hội của người Thái lúc bấy giờ còn tồn tại nhiều bất công, ngang trái. Cụ thể là hình ảnh những vị quan của đất nước Chăm Pa được xây dựng là những kẻ nhẫn tâm, độc ác. Chính các vị quan này đã thưa với vua Chăm Pa “tìm nơi” đưa các bà nàng đi lánh nạn. Vậy mà, vì ngại “rừng lắm lợn lòi nhiều hổ/ Đường cheo leo lắm dốc nhiều khe/… ”, họ nhẫn tâm làm trái lời đức vua “không đưa người nào đến” chăm sóc, giúp đỡ các bà nàng, cũng không đem thức ăn hay lương thực đến cho họ trong những ngày tăm tối nhất. Hành động độc ác của họ đã vô tình đẩy sáu bà hoàng hậu vào cảnh sống đói khổ, đến mức năm bà nàng đã chết, còn Xum Phu sống lay lắt, thoi thóp,…

     Một trong những biểu hiện rõ nhất về tổ chức xã hội theo quan niệm của người Thái là hình ảnh chiếc cột mường (lắc mường). Người Thái quan niệm, Mường là một cái nhà lớn. Trong ngôi nhà rộng lớn ấy, có cột mường, tức là cột hồn mường, là trụ cột của đất nước. Cột thiêng ở bên phía quản, nơi dành riêng cho đàn ông và thờ cúng. Khi dựng nhà, bao giờ cây cột này cũng được dựng trước, rồi mới dựng đến cột ở gian thờ. Người Thái có câu: “Púc sau hẹ khửn cón/ Púc sau hóng nắm lăng (Cột thiêng dựng trước/ Cột gian thờ dựng sau)”. Cột hồn mường được cụ thể hóa bằng gỗ lõi không mối mọt, đặt trang trọng trong mâm lễ cúng bản, cúng mường – “xên bản, xên mường”. Sau khi cúng xong, ông mo và người đứng đầu mường bí mật đem chôn ở bốn góc của đất “chiềng”. Trong quan niệm của người Thái “cột mường tượng trưng cho sự vững mạnh của chúa đất, của bản mường. Ở vùng Thái, mỗi mường đều có cột mường (lắc mường).

     Truyện thơ Ú Thêm cũng có nói đến hình ảnh cột mường, đó là hình ảnh chiếc cột mường nơi mường quỷ Cùm Phum. Chiếc cột chứa linh hồn mường này ngoài thể hiện quan niệm về tổ chức xã hội, bản mường; còn thể hiện quan niệm của người Thái về cõi hư vô nơi trú ngụ của linh hồn. Linh hồn của cả mường quỷ đều được tập trung ở chiếc cột mường.

     3. Phong tục tập quán của người Thái

     Phong tục tập quán được thể hiện khá phong phú và đa dạng trong truyện thơ Thái. Đó là phong tục đám cưới, tang ma, tục ở rể, tục ăn thề, tục cống nạp, tục kiêng kỵ,… Những phong tục tập quán đó thể hiện rõ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Thái.

     Phong tục đám cưới

     Dân tộc Thái coi trọng vấn đề hôn nhân. Theo phong tục của người Thái, qua thời kỳ tìm hiểu, chàng trai nào chọn được bạn tình của mình rồi thì sẽ quyết định đi đến hôn nhân.

     Ở truyện thơ Khăm Panh, Khăm Panh sau một thời gian tìm hiểu nàng Mứn, biết nàng là người con gái đẹp người đẹp nết, Khăm Panh đã tiến tới hôn nhân cùng nàng. Để thổ lộ tình cảm của mình, Khăm Panh đã khặp những “bài thưa ý nhắn” ước được “so đũa ngồi cùng nàng Mứn một mâm”. Nàng Mứn cũng khặp lại để tỏ ước mong chung đôi cùng Khăm Panh. Đám cưới của Khăm Panh và nàng Mứn được tổ chức linh đình: có nghìn chum rượu tăm, có mười lăm con trâu đực, có bốn mươi gánh bạc nén,… Người nướng thịt, người vật trâu, người đong rượu, người gánh xôi nếp lên từng bậc đá, người vác thịt hổ lên sàn, kẻ lại thổi khèn, rủ trai gái mường khặp mơi, khặp bao xao, hạn khuống,… Cả mường Khoòng ăn mừng đám cưới đông vui, tấp nập “chật sàn, chật cỏ”.

     Đặc biệt, để chính thức thành vợ thành chồng, Khăm Panh và nàng Mứn đã thực hiện những nghi lễ truyền thống mang đậm bản sắc của dân tộc, đó là cùng “ăn trầu chung lá”, “ăn quả một cành đã bẻ đôi”, “ăn cơm bông đanh đã chung một mủng”,… Họ “thành chụ, nên mia”, chính thức là vợ chồng. Một chi tiết rất đáng chú ý trong truyện thơ Khăm Panh khi nói về phong tục hôn nhân của người Thái, đó là chi tiết nàng Mứn “búi tóc ngược sừng trâu” khi đồng ý theo Khăm Panh về mường Khoòng mở đất dựng mường chứng tỏ nàng đã chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn mới trong cuộc đời mình, đó là giai đoạn hôn nhân.

     Phong tục tang ma

     Trong đời sống tín ngưỡng của người Thái, một trong những phong tục được người Thái coi trong nhất, là phong tục tang ma. Người Thái quan niệm việc tham gia vào đám ma là một sự bắt buộc đối với toàn thể nhân dân trong bản, đây là một sự bắt buộc theo hương ước và cũng là tình cảm trách nhiệm giữa con người với con người và nhân dân trong bản. Đối với con cháu trong nhà, ngoài khoản tiền phải đóng góp mỗi người con không phân biệt dâu, rể, con đẻ mỗi người phải đóng góp cho người quá cố một con lợn người nào kinh tế khá thì lợn to, chĩnh rượu,…

     Phong tục tang ma của người Thái phần nào cũng được thể hiện qua truyện thơ Thái, cụ thể là truyện thơ Khăm Panh với chi tiết: khi Khun Ha chết, Khun Ý Lân đã cho nổi “chiêng ba”, lệnh pha “cồng bảy” để gọi mường dưới, mường trên, gọi người già, người trẻ kéo về làm ma. Để làm ma, Khun Ý Lân đã sai dân mường mang nào gà, nào gạo, nào trăm con trâu đực, nào trăm con lợn, trăm chĩnh rượu cần ngon, một ngàn vuông vải trắng, trăm tấm vài nhuộm chàm,.. Đặc biệt, Khun Ý Lân còn cho mời đạo em sinh sống khắp nơi về chịu tang cho bố.

     Phong tục gọi hồn, gọi vía

     Tục “sửa hồn”, “gọi hồn”, “làm vía” (pank khuôn, khek khuôn, hêt khuôn) của người Thái được thể hiện khá rõ nét trong truyện thơ. Phong tục đó được xem như một nét tín ngưỡng cổ sơ liên quan đến quan niệm về cuộc sống, về thế giới của người Thái.

     Người Thái quan niệm mỗi cá thể con người có 30 hồn ở phía trước và 50 hồn ở phía sau, trong đó hồn chủ ngụ trên chỏm tóc hay trên đỉnh đầu. Khi bên thể xác hồn là cái bóng nhưng lúc tách khỏi thân mình hồn lại là ma. Trong trường hợp tách rồi lại nhập (tách tạm thời) thì chỉ biểu hiện thành ma hồn. Ngược lại, nếu hồn tách hẳn khỏi thể xác khi người chết thì các hồn sẽ tan biến thành các “phi” ngụ tại những vị trí khác nhau trong mường phi. Như vậy, theo quan niệm của người Thái thì linh hồn không phải lúc nào cũng dính vào thể xác. Nếu hồn tạm thời tách rồi lại nhập người ta phải làm lễ gọi hồn trở lại. Nếu hồn tách hẳn khỏi thể xác (tức người đã chết), người Thái cũng gọi hồn theo để thờ cúng (5). Người Thái thường gọi hồn, gọi vía cho người còn sống trong những trường hợp sau: Khi ốm đau, lúc giật mình, khi đi vào rừng, khi đi đưa đám ma, khi có người thân đi xa lâu ngày mới về,…

     Truyện thơ Ú Thêm miêu tả khá kỹ về phong tục gọi hồn, làm vía. Cụ thể là chi tiết vua Chăm Pa làm lễ gọi hồn cho các bà vợ chết trong rừng và làm vía cho mẹ con Ú Thêm, chi tiết vua Trời làm lễ làm vía cho người con gái thất lạc nhiều năm, chi tiết vua Chăm Pa làm vía cho hai cháu nội Ú Liêng và Ú Lương từ mường Trời về trần gian đoàn tụ. Ngoài chi tiết gọi hồn, truyện thơ Khăm Panh còn có chi tiết nói về tục gọi vía của người Thái. Đó là chi tiết Khun Ý Lân làm vía cho Khun Ha khi xây xong nhà mới với hy vọng mong muốn Khun Ha có một cuộc sống mạnh khỏe, bình an,… Làm vía ở trường hợp này thực chất là việc con cái trong gia đình động viên, khích lệ người được làm vía để họ phấn chấn, vui vẻ vượt qua những tai ương trong cuộc sống.

     Tục lệ cống nạp

     Theo quan niệm của người Thái xưa, xã hội chia thành hai tầng lớp rõ rệt: tầng lớp thống trị và tầng lớp bị trị. Tầng lớp thống trị là các Chẩu Mường, là các Phìa Tạo… Còn tầng lớp bị trị là nhân dân lao động. Tầng lớp bị trị bị bóc lột về sức lao động và hằng năm phải có nghĩa vụ đóng góp, cống nạp cho tầng lớp thống trị.

     Truyện thơ Khăm Panh phản ánh khá cụ thể tục lệ này. Đó là khi Khun Ha chiếm đất mường Khoòng, chúng bóc lột nhân dân mường Khoòng bằng tục lệ cống nạp hằng năm. Khun Ha bắt nhân dân mường Khoòng phải nộp sừng nai, nộp mật gấu, nộp mật ong, nộp cá khếnh, nộp thịt gà, nộp rượu,… Không chỉ thế, con gái đẹp trong bản phải đến hầu hạ, đến giã gạo cho nhà Khăm Panh; người khỏe mạnh phải đi làm cửa, làm ruộng, chặt gỗ, đánh cá cho nhà Khăm Panh…

     Tục lệ ăn thề

     Trong truyện thơ Thái có đề cập đến tục lệ ăn thề của người Thái trong xã hội thời xưa. Tục ăn thề được thể hiện ở chi tiết Khun Ha yêu cầu binh mường sắm “một nhìn con gà lông vàng”, sắm “một nghìn con gà lông trắng” để ăn thề lấy đất mường Khoòng, để ăn thề cùng họ Chao Lục (một dòng họ cổ, sinh sống lâu đời ở mường Khoòng). Khun Ha đã âm mưu dùng tục lệ “ăn thề” hòng dựa vào họ Chao Lục để vơ vét, cướp bóc và thực hiện mọi mưu đồ chiếm đoạt người, của, đất nước của hắn.

     Tục kiêng kỵ

     Theo quan niệm của người Thái, khi làm nhà, dựng cột phải dựng gốc xuống đất, ngọn lên trời. Ngược lại, nếu dựng cột nhà ngọn xuống đất, gốc lên trời là một điều hết sức kiêng kị với gia chủ, sẽ làm cho gia chủ gặp điều xấu trong tương lai.

     Trong truyện thơ Khăm Panh, Khun Ha đã bắt nhân dân mường Khoòng khi dựng nhà cho Khăm Đum phải chú ý “Cột mạy liêng cho ngọn xuống đất/ Cột mạy lý trỏ gốc lên trời”. Khun Ha biết rõ rằng “Trồng cột trở ngọn xuống đất đã kiêng/ Nhà làm chẳng nên giàu nên có” nên cố tình sai nhân dân mường Khoòng làm theo, nhằm mục đích tiêu diệt dòng họ Khăm Panh.

     Với tất cả những phong tục tập quán được trình bày ở trên, có thể khẳng định rằng truyện thơ Thái phản ánh khá cụ thể phong tục tập quán của người Thái trong xã hội phong kiến. Đó là những bản sắc văn hóa độc đáo của người Thái được hình thành trong quá trình tồn tại và phát triển.

_______________

1. Phan Đăng Nhật, Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam (trước Cách mạng tháng Tám 1945), Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1981.

2. Võ Quang Nhơn, Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1983.

3. Theo Nguyễn Từ Chi trong Vũ trụ quan Mường thì “Xã hội Mường cổ truyền không có vua, nhưng vì nhiều lý do lịch sử khái niệm “vua” rất quen thuộc với người Mường”.

4, 5. Nguyễn Ngọc Anh, Truyện thơ Ú Thêm nhìn từ góc độ thế giới nhân vật, Luận văn Thạc sĩ văn học, Đại học Sư phạm Hà Nội, 2005.

 

Tác giả: Lê Thị Hiền

Nguồn: Tạp chí VHNT số 415, tháng 1 – 2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *