Bước chuyển từ chủ nghĩa yêu nước sang chủ nghĩa cộng sản

Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, người chiến sĩ cộng sản kiên trung của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới. Người đã để lại cho dân tộc ta, nhân dân ta di sản về mặt tư tưởng, lý luận toàn diện và hệ thống, trong đó có lý tưởng về con đường cứu nước – con đường cách mạng vô sản.

Gần 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước (1911-1941), Người được tiếp thu những cái hay, cái đẹp ở xứ người. Đó là một chặng đường đầy gian truân và vất vả, và cũng trong khoảng thời gian đó, Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(1).

Thoạt đầu, Hồ Chí Minh nảy ý định đi ra nước ngoài không nằm ngoài mục đích chính là “…muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ tự do – bình đẳng – bác ái” và “…phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”(2). Người muốn sang các nước phương Tây, trước hết là nước Pháp, nơi có những thành tựu đỉnh cao về khoa học kỹ thuật và cũng là cái nôi của tự do dân chủ trên thế giới để coi thử họ làm như thế nào mà có được những kỳ tích đó, rồi sau đó học hỏi kinh nghiệm về giúp ích cho đất nước mình. Đây là những suy nghĩ đầy tính triết lý của Người, khi mà các phong trào cách mạng Việt Nam trong những thập niên đầu của TK XX đang rơi vào tình trạng bế tắc và khủng hoảng về đường lối lãnh đạo.

Theo dấu chân hành trình của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành, từ bến cảng nhà Rồng (Sài Gòn), con tàu Đô đốc Latutsơ Tơrêvin đã đưa Người sang nhiều châu lục và nhiều quốc gia trên thế giới, và ở đâu Người cũng thấy áp bức và bất công, đói rách và nghèo khổ, ngay cả trên đất Pháp vốn được xem là đỉnh cao tự do, dân chủ. Nhìn những người dân nghèo sống trong cảnh sống không ra sống, chết không ra chết, Người cảm thấy chạnh lòng. Sau nhiều chuyến đi, Người đúc kết “…những người Pháp ở Pháp phần nhiều là tốt. Song những người Pháp thực dân rất hung ác, vô nhân đạo. ở đâu chúng nó cũng thế … Đối với bọn thực dân, tính mạng của người thuộc địa, da vàng hay da đen đều không đáng một xu…”(3); và rút ra được một kết luận khá rõ nét về xã hội đương thời trên thế giới:“Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người, giống người bóc lột và giống người bị bóc lột và cũng có một tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”(4).

Những tháng ngày nơi đất khách, quê người là chừng ấy khoảng thời gian mà Bác phải nếm trải biết bao đắng cay của cuộc đời, từ gió rét thành Ba Lê cho đến sương mù thành Luân Đôn, từ những đất tự do cho đến những trời nô lệ. Do đó, hình ảnh quê hương luôn ẩn hiện lên trong tâm trí của Người. Người thổn thức, trằn trọc và băn khoăn về một ngày nào đó đồng bào ta “…ai cũng có cơm ăn, áo mặc và được học hành”(5).Tấm lòng của Bác là thế đấy: cao hơn trời, rộng như biển lớn và mênh mông như đại dương. Đó chính là tấm lòng của một con người suốt đời vì dân vì nước, phấn đấu không ngừng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Trên hành trình của con tàu đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh đã làm rất nhiều công việc, từ những công việc tưởng chừng như nhỏ bé, tầm thường. Chẳng hạn như đánh giày, bán báo… cho đến những công việc sang trọng hơn như viết báo, đi dạy….

Năm 1917, trong lúc chiến tranh thế giới thứ nhất đang ngày càng lún sâu vào đáy bùn tội lỗi thì cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác – Lênin giành thắng lợi vẻ vang. Tiếng vang thắng lợi vĩ đại này đã giúp Người lần đầu tiên làm quen với chủ nghĩa Mác – Lênin. Từ đó, Người không ngừng học tập, tìm tòi và nghiên cứu về cách mạng tháng Mười Nga, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm của cách mạng tháng Mười mang lại.

Sau khi chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, ngày 18 và 19-6-1919, các nước đế quốc thắng trận họp nhau ở Véc xây để phân chia lại phạm vi ảnh hưởng. Nhân cơ hội này, sau khi được sự đồng thuận của nhà yêu nước Phan Chu Trinh và luật sư Phan Văn Trường, Hồ Chí Minh lấy bút danh Nguyễn Ái Quốc đã thay mặt cho những người Việt Nam yêu nước ở Pháp đích thân soạn thảo và gửi đến Hội nghị bản yêu sách gồm 8 điểm (thường gọi là bản yêu sách của nhân dân An Nam) để đòi các quyền dân tộc cơ bản cho nhân dân Việt Nam như tự do, dân chủ, bình đẳng, tự quyết dân tộc,… “Lần đầu tiên, người ta nghe dân tộc Việt Nam cất cao tiếng nói. Đó là tiếng nói của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, người Việt Nam đầu tiên và cũng là người Việt Nam duy nhất lúc đó anh dũng đứng lên ngay giữa Pari đòi quyền lợi dân tộc trước mắt bọn cá mập thực dân…”(6). Qua thực tiễn cách mạng, Bản yêu sách của nhân dân An Nam được xem là văn bản chính trị đầu tiên thể hiện tư tưởng của Hồ Chí Minh trong tiến trình tìm đến với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Kể từ khi đó, tên tuổi Nguyễn Ái Quốc ngày càng thường xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Người viết bài gửi báo chí với ước vọng là dùng tiếng nói của mình để tố cáo chính sách thuộc địa hà khắc của các nước đế quốc ở thuộc địa và phản ánh khát vọng tự do của nhân dân Việt Nam. Chẳng hạn như báo Nhân đạo, báo tia sáng, báo Đời sống thợ thuyền… và kiêm chủ bút tờ báo Người cùng khổ. Nguyễn Ái Quốc đã tự tạo ra cho mình một uy tín và tên tuổi. Người trở thành người dẫn đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam. Và cũng từ giờ phút này đã đánh đấu một bước trưởng thành vượt bậc cả về chất và lượng trên vũ đài chính trị của Hồ Chí Minh.

Cũng cùng thời điểm này, Nguyễn Ái Quốc tham dự Hội nghị của Quốc tế Cộng sản II với tư cách là đại biểu chính thức cho tiếng nói của một dân tộc thuộc địa. Tại hội nghị này, Quốc tế cộng sản cũng đã tiến hành thảo luận một số vấn đề cấp bách của phong trào cách mạng thế giới thông qua một số quyết định quan trọng, trong đó có việc thành lập một tổ chức mới để bảo vệ quyền lợi của nhân dân lao động và nhấn mạnh “vô sản tất cả các nước đoàn kết lại”. Cuộc bàn luận đã kéo dài mấy ngày, nhưng vẫn không đi đến một sự nhất quán. Với tư cách là đại biểu duy nhất của Đông Dương dự hội nghị, Bác rất nóng ruột và thấy tình hình của hội nghị ngày càng căng thẳng. Bác đứng lên phát biểu: “Các bạn thân mến! Các bạn đều là những người xã hội, rất tốt! Tất cả các bạn đều muốn giải phóng giai cấp công nhân? … Trong khi các bạn tranh luận thì đồng bào chúng tôi đang rên xiết ở Việt Nam…”. Khi Bác vừa nói xong thì mọi cặp mắt đều hướng về Nguyễn Ái Quốc với một sự đồng tình và cảm thông sâu sắc. Hình như thông qua con mắt Nguyễn Ái Quốc, họ tìm thấy sự đồng cảm với một người đồng chí tuổi đời còn non trẻ. Liền sau khi Bác vừa nói xong thì có một đồng chí nói nhỏ với Bác: “Anh Nguyễn, cũng hơi khó giải thích cho anh rõ, vì anh là một người mới. Nhưng tôi chắc chắn rằng sau này anh sẽ hiểu tại sao chúng tôi thảo luận như thế, vì nó quan hệ đến tiền đồ của giai cấp công nhân”(7). Từ đó, Nguyễn Ái Quốc cứ mãi nghi vấn về vấn đề là tại sao đồng chí đó lại nói như vậy. Và sự thật, sau khi nghe đích thân Lênin phân tích tình hình thế giới và làm rõ lý do thành lập Quốc tế Cộng sản III thì Bác mới thật sự sáng suốt nhìn nhận vấn đề. Khi được báo chí hỏi “Tại sao đồng chí lại bỏ phiếu cho Quốc tế III?”. Bác khẳng khái trả lời: “Rất đơn giản. Tôi hiểu rõ một điều là Quốc tế thứ ba rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa. Quốc tế thứ ba nói sẽ giúp đỡ các dân tộc bị áp bức giành lại tự do và độc lập của họ… Vì vậy tôi đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ ba”(8). Điều này càng chứng tỏ rằng Bác là một con người có lối tư duy nhạy bén và thông thoáng, óc xử trí linh hoạt, có thể thích ứng tốt với mọi hoàn cảnh.

 

Niềm vui này chưa nguôi thì hạnh phúc khác lại đến, trong một lần tình cờ, Người bỗng nhiên bất ngờ và ngạc nhiên khi được tận mắt đọc được những trang viết đầy tâm huyết của bản sơ thảo lần thứ nhất Luận cương các vấn đề dân tộc và các vấn đề thuộc địa của Lênin trích đăng trên báo Nhân đạo số ra ngày 16 và 17-7-1920. Nội dung cơ bản của Luận cương là nêu ra những vấn đề cấp bách của phong trào cách mạng trên thế giới hiện nay và hướng đi cho các nước thuộc địa lựa chọn là con đường chủ nghĩa tư bản hay phi chủ nghĩa tư bản. Luận cương của Lênin như “mặt trời chân lí” chói qua trái tim Bác, làm cho Bác “…rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao” và Bác mừng rỡ nói to: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”(9).

Kể từ ấy, Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu con đường, đường lối giải phóng dân tộc của Lênin, thấy được viễn cảnh của dân tộc, tìm thấy được một ngày mai tươi sáng, tìm thấy được một chân trời mới mà ở đó có sự tự do, dân chủ và bình đẳng. Chủ nghĩa yêu nước đã dẫn dắt Bác đến với chủ nghĩa Mác – Lênin và chỉ có chủ nghĩa Mác – Lênin với chính Đảng của giai cấp công nhân mới đảm bảo cho cách mạng giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi. Đặc biệt, từ bản Luận cương này, Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(10). Từ đó, Bác hoàn toàn đi theo lý tưởng cộng sản của Lênin vạch ra, tin theo Quốc tế thứ ba.

Đồng thời với việc nghiên cứu Luận cương, Bác còn đọc thêm một số văn kiện của Quốc tế Cộng sản. Chính điều này đã đánh dấu một bước nhảy vọt về nhận thức và tư tưởng ở Hồ Chí Minh: từ nhận thức về áp bức dân tộc đến áp bức giai cấp và mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản với vô sản; từ nhận thức về quyền độc lập tự do của các dân tộc bị áp bức đến quyền tự do dân chủ của con người, về vấn đề giải phóng con người và giải phóng loài người; từ chỗ xác định chủ nghĩa đế quốc tư bản là thù của các dân tộc thuộc địa đến nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quốc tế cao cả của giai cấp vô sản…

Như vậy, sự lựa chọn và hành động của Bác khi ấy thật phù hợp với xu thế tiến hóa và vận động của bánh xe lịch sử. Sự chuyển biến từ chủ nghĩa yêu nước sang chủ nghĩa cộng sản trong con người của Bác đã chứng tỏ cho hàng triệu trái tim yêu nước ở Việt Nam thấy rằng “chủ nghĩa Mác – Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái cẩm nang thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”(11).

Sự trưởng thành về con đường cứu nước được định hình rõ nét nhất sau sự kiện Bác tham dự đại hội lần thứ 18 tại thành phố Tua (12-1920) của Đảng Xã hội Pháp. Tại đại hội này, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành việc thành lập Đảng Cộng sản Pháp thay thế cho Đảng Xã hội Pháp và chính thức gia nhập Quốc tế III. Đây chính là cánh cửa mở ra một thế giới mới trong con người của Bác. Điều này lại càng chứng tỏ cho mọi người thấy rõ rằng Nguyễn Ái Quốc đã từ chủ nghĩa yêu nước, qua quá trình học tập, lao động, rèn luyện và hoạt động thực tiễn, đến với chủ nghĩa cộng sản, và Người đã tìm thấy ở đó dáng hình đất nước của mình, nói đúng hơn là Người đã tìm thấy trong đó con đường dẫn dắt dân tộc mình đến một tương lai tươi sáng hơn, ở đó không có đói rách và nghèo khổ, áp bức và bất công, chỉ có tự do và bình đẳng, ấm no và hạnh phúc, công bằng và dân chủ…

Những mốc lịch sử quan trọng trên đã phần nào phản ánh được sự chuyển biến trong tư tưởng lẫn hành động của Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước sang chủ nghĩa xã hội khoa học, hay nói đúng hơn là từ chủ nghĩa yêu nước sang chủ nghĩa quốc tế vô sản, đánh dấu sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về đường lối giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người; về đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế; về phương pháp chỉ đạo cách mạng…

Tóm lại, từ khi rời bến nhà Rồng xa quê hương cho đến lúc tìm đến với chủ nghĩa Mác – Lênin là một quá trình chuyển biến từ chủ nghĩa yêu nước sang chủ nghĩa quốc tế vô sản. Đó chính là những năm tháng bôn ba đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã tìm ra con đường giải phóng đúng đắn cho dân tộc trong ánh sáng trí tuệ của thời đại, ánh sáng chủ nghĩa Mác – Lênin, ánh sáng cách mạng tháng Mười Nga.

_______________

1, 10. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.314, 31.

2, 4. Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.19, 34.

3, 7. Bác Hồ kính yêu, Nxb Kim Đồng, Hà Nội, 2007, tr.14, 23.

5. Bộ GDĐT, Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.256.

6. Tạp chí Cộng sản, số 781, tháng 11-2007, tr.26.

8, 9. Ban Tuyên giáo Trung ương, Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.21.

11. Bộ GDĐT, Giáo trình lịch sử Đảng, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006, tr.38.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 324, tháng 6-2011

Tác giả : Dương Văn Út

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *