Khi nghiên cứu cách sử dụng đồ gốm trong những khối cộng đồng đương đại, quan sát xem việc sử dụng đó có liên quan như thế nào đến cách tổ chức của những khối cộng đồng này và từ chỗ đó đi ngược về quá khứ “để xem có thể nói gì về đồ gốm thời trước”, G.Solheim Wilhelm (1) cho rằng, đồ gốm ở Đông Nam Á đã đảm đương một số chức năng nhất định trong xã hội, “những chức năng ấy được phân loại ra ba bình diện khác nhau xét trên quan điểm của đồ gốm: chức năng của nó đối với người sử dụng, nghĩa là những chức năng vật chất của đồ gốm; chức năng của nó đối với người sản xuất, nghĩa là chức năng kinh tế và tâm lý; chức năng của nó đối với xã hội, cộng đồng, trong nội bộ khối cộng đồng cũng như bên ngoài khối, trong những mối quan hệ giữa khối này với khối khác…” và, “xét trên bình diện sử dụng, chức năng của đồ gốm phải được phân nhỏ hơn nữa…”.
G.S.Wilhelm đã phân chia chức năng sử dụng (chức năng vật chất) của đồ gốm thành hai tiểu loại là thực dụng và lễ nghi, nhưng sau đó, lại tỏ ra phân vân về cách chia này. Tác giả cũng thử đưa ra một cách phân chia khác với việc dùng hai thuật ngữ thế tục và linh thiêng thay cho thực dụng và lễ nghi, nhưng rồi tự loại bỏ và kết luận: “Ở mỗi bình diện phân chia tiểu loại đều có những khó khăn tương tự” và “… ta còn gặp những khó khăn khác khi cần xếp một chức năng loại biệt nào đó vào tiểu loại này haytiểu loại khác. Chẳng hạn, việc sử dụng đồ gốm như một vật phẩm biểu trưng cho sự sang trọng được xếp thành một tiểu loại trong nhóm nghi lễ vì ở Đông Nam Á, đồ gốm hay đóng vai trò quan trọng trong những dịp lễ lạc…”. Đúng như G.S.Wilhelm đã nhận định, ở những cấp phân loại mang tính trừu tượng, nhiều khi việc phân loại chỉ là sự võ đoán.
Khi viết về chức năng của đồ gốm, lúc đầu, chúng tôi cũng có ý định tiếp thu cách phân loại của G.S.Wilhelm, nhưng nhận thấy phương pháp này không khả quan trong việc nghiên cứu đồ gốm của người Việt. Người Việt không phân loại, định vị chức năng cho đồ gốm và dường như cũng không quá khắt khe trong các nguyên tắc sử dụng đồ gốm. Cách phân chia chức năng sử dụng của đồ gốm thành hai tiểu loại là thực dụng và lễ nghi còn “khiến người ta có cảm giác là nhóm đồ gốm này có giá trị thực dụng, còn nhóm kia thì không” như G.S.Wilhelm đã nhận định. Bởi trên thực tế, có những vật phẩm nghi lễ có giá trị sử dụng và ngược lại. Như trường hợp một chiếc bình, lọ cắm hoa: nếu đặt lên ban thờ, nó có chức năng nghi lễ, nếu để ở nơi khác, nó là vật trang trí, thậm chí, là “vật biểu trưng sang trọng” (chữ dùng của G.S.Wilhelm). Hoặc một sản phẩm thông dụng khác là chiếc chén: nó có thể được dùng hàng ngày để uống trà hoặc rượu, song, nếu đặt trên ban thờ, nó trở thành “vật biểu trưng” cho lễ nghi (như nghi thức dâng trà, hoa, tửu vào dịp tế thành hoàng làng). Người Việt có riêng một loại sản phẩm (chén hoặc chóe) được thiết kế cho việc đựng nước thờ, nhưng trong nhiều trường hợp, người ta dùng ngay những đồ gia dụng để làm đồ thờ, miễn là phải sạch và mới. Như vậy, do quan niệm và tư duy dân gian (cũng là tư duy của người sử dụng) về cái thiêng/sự linh thiêng, ranh giới giữa các chức năng của đồ gốm rất hẹp và cũng rất uyển chuyển.
Rất ít sản phẩm gốm Việt chỉ có một chức năng, hoặc nói đúng hơn, chức năng của chúng không hoàn toàn cố định. Nếu chỉ khảo riêng về chức năng của đồ gốm Việt vùng đồng bằng sông Hồng, chúng ta đã có thể có một công trình nghiên cứu dày dặn. Với một số loại đồ gốm, có thể có những chức năng khác nhau trong các thời điểm và môi trường khác nhau. Nhưng, nhìn một cách tổng quan, trong tiến trình phát triển, chức năng của các dạng sản phẩm này ngày càng được phân định một cách rạch ròi, cụ thể hơn.
1. Chức năng chứa, đựng
Ngay từ thời kỳ đá mới, khi còn ở dạng thô (xương gốm chưa hoàn toàn thiêu kết, vẫn còn bị ngấm nước), đồ gốm đã được dùng để chứa, đựng, tích lũy, cất giấu lương thực, thực phẩm. Đây là chức năng quan trọng nhất, thậm chí, có thể là chức năng đầu tiên khi đồ gốm xuất hiện. Tất nhiên, đồ gốm xuất hiện với những chức năng khác nhau ở những thời điểm và vùng miền khác nhau (như quan điểm có một thời đá mới trước gốm – trước khi đồ gốm xuất hiện, những người làm nghề nông vẫn có đồ đựng bằng tre, gỗ…). Với đồ gốm của người Việt, chức năng này được dẫn giải, minh chứng từ những hiện vật gốm sớm tìm thấy ở vùng đồng bằng ven biển (gốm Đa Bút, Cái Bèo, Quỳnh Văn…). Bùi Vinh, khi đặt đồ gốm Đa Bút (niên đại 7.000 năm trước CN) trong bối cảnh chung của thời tiền sử Việt Nam, đã khẳng định, đây là một trong những đại diện gốm cổ có niên đại sớm nhất và mang tính cổ sơ nhất . “Đó là loại đồ đựng có đáy tròn, miệng đứng hoặc hơi loe, thành miệng cao và mép bằng, thân hình trụ…”(2). Đồ gốm tuy xuất hiện ở đồng bằng châu thổ muộn hơn so với vùng duyên hải, nhưng lại có điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh hơn. Việc con người sử dụng đồ gốm để tích trữ lương thực, thực phẩm đã phản ánh tiềm năng kinh tế của họ (có của ăn của để) và phản ánh việc hình thành tập quán cư trú ổn định của những người làm nghề nông trong các giai đoạn lịch sử. Bởi nếu không định cư, con người không làm được nghề gốm.
Sự ưu việt của loại chất liệu dùng làm đồ đựng này được phát hiện từ rất sớm. Với một đất nước nông nghiệp nhiệt đới, các sản phẩm nông – ngư nghiệp rất dễ bị hư hỏng, ẩm mốc, mối mọt, thiu thối… Loại đồ đựng, đồ bảo vệ bằng gốm (có chức năng bổ sung, tăng cường cho các đồ đựng đan bằng mây tre – loại sản phẩm được coi là ra đời trước đồ gốm) sẽ giúp ích đắc lực để tránh tác hại của chuột bọ, côn trùng…, sinh vật của miền khí hậu nóng ẩm, gió mùa. Đồ đựng bằng gốm khiến vật được chứa đựng không bị ô nhiễm, không ngấm nước, không độc hại và hạn chế quá trình lên men, thậm chí, trong một số trường hợp, còn khiến cho thực phẩm có chất lượng cao hơn trong quá trình tích lũy, ngâm ủ (như nậm, vò sành đựng rượu trắng, rượu cần; vò, lọ, hũ đựng hạt giống cho mùa sau; chum, vò đựng nước mắm, mắm tôm; chum vại làm tương, muối cá, muối dưa cà,…).
Sau này, khi những đồ đựng bằng hợp kim, nhựa… lần lượt ra đời và tỏ ra có những ưu thế về giá thành và sự tiện dụng, loại hình đồ đựng bằng gốm vẫn được sử dụng trong rất nhiều trường hợp. Đặc biệt, đối với ngư dân, các sản phẩm chum, vại sành có sức chứa lớn (khoảng 500 lít) dùng để bảo quản hải sản là những đồ đựng không thể thay thế.
2. Chức năng ẩm thực
Trong lĩnh vực văn hóa ẩm thực, có lẽ chức năng đầu tiên của đồ gốm là dùng để nấu chín thức ăn. Các loại nồi đất nung trong văn hóa Đa Bút, Cái Bèo, Quỳnh Văn, nền văn hóa của cư dân đồng bằng ven biển, lấy kinh tế khai thác hải sản làm phương thức sinh hoạt chủ yếu, là một ví dụ. Đồ ăn từ các loại hải sản sẽ bớt tanh khi được nấu chín. Khi người Việt dần định cư ở vùng đồng bằng, những món ăn từ ngũ cốc và từ những động, thực vật mang bản sắc của châu thổ Bắc Bộ được nấu bằng nồi, niêu đất nung với nhiều hình thức (luộc, kho, ninh, hầm, xáo, bung…) còn được bảo lưu đến ngày nay. Cơm niêu, cá kho bằng nồi đất nung; trà ướp sen, ướp nhài được giữ hương trong những vò, lọ gốm miệng nhỏ, nút lá chuối khô; rượu nếp cái hoa vàng ủ lâu năm trong be sành, chum sành (và chôn xuống đất)… là những đồ ăn thức uống mang lại hương vị đặc biệt. Và chính điều đó đã tạo nên sắc thái riêng, độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người Việt.
Nhưng quan trọng hơn, đồ gốm làm cho con người tiến một bước xa trong lịch sử văn hóa, văn minh và giúp họ nhanh chóng vượt qua thời kỳ tiền sử. Nấu chín thức ăn trong những nồi đất nung theo nhiều kiểu chứ không chỉ bằng cách nướng trên than lửa như người nguyên thủy, đựng thức ăn bằng bát, đĩa thay cho việc dùng những chiếc lá rừng, rồi sử dụng đũa, thìa thay cho việc ăn bằng tay (ăn bốc), con người dần bỏ xa thời kỳ mông muội, ăn lông ở lỗ… để bước vào kỷ nguyên mới. Trần Quốc Vượng, sau khi triết lý về cái nồi đã đúc kết rất ngắn gọn: “Ẩm thực của loài vật: ăn sống nuốt tươi. Ẩm thực loài người: chế biến qua lửa”, “với lửa, từ nướng đến nấu, thức ăn có thể để dành” (3). Từ khi có lửa (cách đây khoảng 1,5 triệu năm), con người đã biết nướng chín thức ăn. Như vậy, chỉ xét từ góc độ ẩm thực, đồ gốm đã đóng vai trò quan trọng trong nấc thang tiến hóa của loài người.
Không chỉ có người Việt, cách thức sử dụng đồ gốm của các dân tộc Đông Nam Á đều liên quan đến thức ăn. Đồ gốm không chỉ được dùng để đựng mà còn để vận chuyển, tàng trữ (bảo tồn), ủ cho lên men, đun nấu, dọn và lấy thức ăn, thức uống ra dùng.
Trong số các chức năng của đồ gốm, chức năng ẩm thực làm cho đồ gốm trở nên đa dạng và phong phú nhất. Nói cách khác, nhờ trí sáng tạo của con người, đồ gốm đã được thể hiện, phát huy tiềm năng một cách tối đa trong vai trò ẩm thực. Để nấu chín thức ăn, có các loại nồi, niêu, chõ, sanh, chảo, trách, trã bằng đất nung. Để dùng làm đồ đựng thức ăn, có các loại âu, liễn, tô, phạng… bằng gốm men hoặc sứ. Để ngâm ủ, lên men, tích lũy có các chóe, chum, chĩnh, vò, vại… bằng sành. Để dùng bày đặt, thưởng thức trong yến tiệc và ẩm thực hàng ngày có bát, đĩa, thìa, tước, gùa, ly, nậm rượu… và các bộ đồ trà bằng gốm men, sứ. Để chế biến thức ăn, có các loại cối sành dùng để nghiền hạt, giã cua, giã vừng, lạc, đỗ, gạo… Cảm tưởng chung khi xem xét cách thức tích trữ thức ăn là đồ gốm thường dùng cho thức ăn nước nhiều hơn là thức ăn khô. Ở đây, việc dự trữ là chủ yếu, mà muốn bảo tồn, dự trữ những chất hữu cơ trong môi trường ẩm thấp thì cần phải thoáng khí để tránh nấm mốc. Rượu được ủ trong chum sành rồi chôn sâu xuống đất, có những trường hợp tới 50 năm để chờ những dịp trọng đại. Ngày nay, khi rượu ngoại tràn ngập thị trường, một bộ phận người Việt vẫn giữ được thói quen này.
Thời Bắc thuộc, người Việt vẫn uống rượu bằng bát (gùa). Đến những thế kỷ đầu thời Đại Việt, đồ dùng để ăn và uống mới có sự phân biệt (ví dụ, một số chiếc ấm đất nung, sành, gốm men kích thước lớn với niên đại TK XI – XIV dùng để pha trà xanh, nụ vối… được tìm thấy trong các di chỉ ở Hải Dương, Quảng Ninh, Hòa Bình). Cùng xuất hiện với nghệ thuật thưởng trà là sự ra đời của các loại ấm, chén, tách… Việc uống rượu bằng những chiếc cốc, chén (và sau này là loại ly có chân đế cao…) chắc chắn làm cho con người trở nên văn minh hơn việc dùng bát. Mặt khác, phong tục, tập quán và nét riêng trong phong cách ăn uống của mỗi gia đình, cộng đồng và vùng miền đã chi phối cách thức sử dụng đồ gốm. Trên thực tế, đẳng cấp xã hội được thể hiện qua việc sử dụng đồ gốm. Trong văn hóa ẩm thực, điều này cũng phản ánh khá rõ. Giữa đồ gốm ngự dụng và dân dụng có sự phân biệt rõ rệt. Tư liệu khảo cổ học cho biết, đồ gốm ngự dụng thời Lý thường có màu sắc và hoa văn trang trí trang nhã, nhưng cũng rất cầu kỳ, tinh tế. Hình tượng trang trí được sử dụng nhiều nhất vẫn là hoa sen, hoa cúc, hình rồng, tiên nữ… Thời Lê, đồ gốm ngự dụng tráng men trắng mỏng trang trí hình rồng có chân 5 móng sắc nhọn, khỏe khoắn, ở giữa in chữ quan, và đồ gốm hoa lam cao cấp vẽ hình rồng, phượng với đường nét rất tinh xảo được đánh giá là đạt đến đỉnh cao của sự hoàn hảo. Đồ sứ trắng mỏng thời Lê chủ yếu là loại bát đĩa nhỏ, có xương gốm mỏng như vỏ trứng, khi soi trước ánh sáng có thể nhìn thấy hoa văn trang trí lớp trong. Rồng 5 móng in nổi là biểu tượng của đế vương, dấu hiệu rõ ràng nhận biết rằng đó là đồ ngự dụng. Chữ quan ở giữa lòng đĩa có thể hiểu là sản phẩm của lò quan (quan diêu), hay đồ dùng dành cho vua quan (quan dụng). Do được chế tạo với loại xương gốm rất mỏng nên trọng lượng của những vật dụng này rất nhẹ. Bên cạnh đồ sứ trang trí hình tượng rồng 5 móng dành riêng cho nhà vua, tại khu vực Hoàng Diệu, các nhà khảo cổ còn tìm thất rất nhiều đồ gốm được trang trí bằng hình chim phượng là đồ dùng của các bà hoàng (4). Chỉ riêng việc phân biệt lò quan với lò dân đã phần nào phản ánh các đặc quyền, đặc lợi của tầng lớp vua quan, quý tộc trong việc sử dụng đồ gốm, trong đó có lĩnh vực ẩm thực.
Theo tiến trình lịch sử, đồ gốm ngày càng tham gia nhiều hơn vào đời sống ẩm thực, đồng thời cũng làm đẹp, làm hấp dẫn hơn các món ăn hàng ngày. Đến nay, sau gần một vạn năm gắn bó với gốm, người ta chưa tìm thấy nguyên liệu hay loại hình sản phẩm nào có thể thay thế được tính ưu việt của các loại bát, đĩa, ấm, chén trong lĩnh vực ẩm thực. Với loại hình đa dạng, trang trí bằng các loại men màu và họa tiết hoa văn phong phú, đồ gốm vừa làm sang cho những bữa tiệc vương giả, vừa trở nên gần gũi, ấm cúng trong những sinh hoạt đời thường. Có thể nói, trong lĩnh vực sản xuất những đồ dùng ẩm thực, những người thợ gốm đã phát huy triệt để năng lực và óc sáng tạo để có được những đồ gốm tuyệt mỹ như ngày nay cho chúng ta sử dụng và chiêm ngưỡng.
3. Chức năng công cụ sản xuất
Những công cụ bằng gốm thuộc thời đại đồ đá mới ở nước ta hiện vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu. Người ta nói đến chức năng này một cách dè dặt. Nhưng trên thực tế, cách đây khoảng 5.000 năm, đồ gốm đã trở thành công cụ dùng để in – trang trí hoa văn. 30 con dấu đất nung tìm thấy trong di chỉ văn hóa Hoa Lộc là một ví dụ điển hình. Đến thời đại đồ đồng, với sự phát triển của kỹ thuật pha chế kim loại, từ giai đoạn Phùng Nguyên đến Đồng Đậu, Gò Mun, đồ gốm có thêm chức năng là những công cụ làm khuôn, tạo dáng cho đồ đồng. Không thể phủ nhận đóng góp của các công cụ gốm trong lĩnh vực luyện kim với thành tựu rực rỡ của nghệ thuật Đông Sơn sau này. Chúng ta thấy có những công cụ bằng gốm liên quan đến nghề dệt như dọi xe chỉ, nghề đánh cá như các loại chì lưới, nghề luyện kim như muỗng nấu, thìa rót, khuôn, hay nghề buôn như quả cân. Đặc biệt, các công cụ của nghề gốm trước đây phần lớn được làm bằng gốm đất nung, như trục bàn xoay, khuôn, ắc, những dụng cụ để đập, mài, xoa, nén…, những chiếc giác để vận chuyển gốm ướt, những mảnh sành để dằn (chỉnh sửa, tạo hình) miệng gốm, các con kê gốm,... Tuy nhiên, trong vai trò công cụ sản xuất, đồ gốm không có những ưu thế như đồ đồng, đồ sắt và cũng không được bảo trì lâu dài như các loại công cụ này. Vì vậy, ở các giai đoạn sau, chức năng công cụ sản xuất của đồ gốm ngày càng bị thu hẹp, hiện chỉ còn được bảo lưu trong một số lĩnh vực như nghề đánh cá (chì lưới), nghề luyện kim (khuôn), nghề gốm và trong các công nghiệp hóa chất, điện dân dụng, điện tử,…
4. Chức năng mai táng hài cốt
Quan tài gốm là loại đồ đựng được dùng để mai táng cho người chết (thi thể hoặc di cốt, hài cốt) cùng với các hiện vật tùy táng khác. Việc dùng đồ gốm làm quan tài không chỉ có ở Việt Nam mà còn phổ biến nhiều nơi ở châu Á và châu Phi. Cách sử dụng này xuất hiện từ thiên niên kỷ V đến thiên niên kỷ II trước CN ở vùng Lưỡng Hà và có thể cả Trung Quốc… và là một trong những tập tục lâu đời của những người làm nghề nông cổ đại. Có thể nói, quan niệm về một cuộc sống khác ở thế giới bên kia, sống gửi, thác về là một trong những nguyên nhân hình thành tín ngưỡng mai táng người chết và hài cốt của họ.
Theo Marilynn Larew (5), suy ngẫm của các nhà triết học về sự vận động của trần thế đã dẫn đến sự ra đời của một lý thuyết cho rằng, phần hồn người bao gồm 2 phần: phần vong hồn (hun) thì lìa xa khỏi người chết và phần linh hồn (po) thì ở lại cùng phần xác trong mộ. Cả hai đều cần phải được cho ăn và đều cần có mọi thứ cần thiết cho cuộc sống vĩnh hằng của họ. Nếu không được cho ăn, chúng có thể trở thành những con ma đói, đi lang thang trong trần thế và gây ra những tai họa cho gia đình mình và người khác. Điều này có thể dẫn đến sự ra đời của táng tục và “những thay đổi trong táng thức dẫn đến sự thay đổi loại hình đồ tùy táng”(6).
Về kích thước, đây là loại đồ gốm lớn nhất trong thời tiền sơ sử ở nước ta. Về hình dáng, quan tài gốm được phân thành các dạng: chum và vò (hoặc nồi). Cách chôn phổ biến được hình dung là kiểu gập người (ở tư thế ngồi) trong một chiếc chum to có nắp đậy (nắp có các loại: hình nón, hình nấm, hình nón cụt,…). Các nhà khảo cổ học Việt Nam phát hiện chức năng này của đồ gốm qua các địa điểm khảo cổ học ở Sa Huỳnh, Hang Gòn…, đặc biệt là hàng loạt mộ nồi, vò úp vào nhau ở khu mộ táng làng Vạc (Nghệ An). Tại đây, có cả một khu mộ táng riêng cho loại quan tài bằng gốm. Thông thường, người ta dùng những chiếc vò úp vào nhau để chôn trẻ em, hoặc dùng vò đựng tro xương theo tục hỏa táng. Loại hình mộ vò gốm xuất hiện và được sử dụng cách ngày nay khoảng 5.000 năm, trong cư dân văn hóa Bàu Tró (7).
Theo một nghiên cứu của Phạm Minh Huyền, ngoài chức năng chôn cất người chết hoặc hài cốt, còn có thể ghi nhận hai hiện tượng khác nhau liên quan đến tập tục này: một là dùng những đồ gốm nguyên đập ra trong lúc làm lễ để chôn theo người chết (tác giả gọi đây là tục hạ sát hiện vật). Cách này hiện vẫn còn phổ biến ở các dân tộc ít người vùng Tây Nguyên. Các dân tộc ở miền núi phía Bắc còn tục chia của (để ở nhà mồ) cho người chết cũng đập phá các đồ vật nguyên… Hiện tượng này được tác giả lý giải là “một phản ứng tâm lý sợ người khác lấy mất”. Hai là dùng những mảnh gốm vỡ rải dưới đáy mộ. Việc dùng gốm rải mộ, tuy hiện nay chúng ta chưa hiểu được ý nghĩa, nhưng về mặt lịch sử nó đã tồn tại lâu đời và phổ biến rộng hơn là việc dùng những mảnh gốm để chống lầy. Nếu chỉ giải thích đây là một biểu hiện của đức tính căn cơ, cần kiệm của những người Việt cổ trong việc tận dụng các phế liệu thì mới đúng chứ chưa đủ. Tại sao người ta lại dùng gốm để rải (lót) mộ mà không dùng loại vật liệu khác? Tại sao trong thời đại công nghiệp ngày nay, khi đồ dùng được làm bởi rất nhiều loại nguyên liệu, nhưng riêng với đồ tùy táng, chỉ có thể là đồ sành (đựng xương cốt) hoặc đồ sứ (đựng tro) mà không phải là các loại nhôm, nhựa, kim loại, thủy tinh…? Đây là một vấn đề khá hóc búa mà tư liệu dân tộc học và khảo cổ học hiện nay chưa giúp chúng ta giải mã được.
Bên cạnh việc sản xuất đồ mai táng, người ta còn sản xuất gốm minh khí, dùng để chôn theo người chết (khác với đồ tùy táng, phó táng là những vật dụng người chết sử dụng khi còn sống, cũng thường được chôn theo). Đây là những sao bản gốm được làm và nung sơ sài dùng cho linh hồn của người chết – phần hồn còn lại với thi hài và sống trong mộ. Người Việt cổ quan niệm, sinh khí là vật tùy thân và các đồ dùng hàng ngày của linh hồn người chết, còn minh khí là các bản sao của sinh khí (8).
Từ một dụng cụ dùng để cất giữ, tích lũy lương thực, thực phẩm đến việc cất giữ hài cốt, chắc chắn phải có một mối dây liên hệ mật thiết nào đó về tập quán xã hội mà hiện nay chúng ta chưa thể lý giải. Nhưng điều quan trọng là, tập quán dùng đồ gốm để chôn người chết hoặc hài cốt của họ đã đưa đến việc hình thành một ngành sản xuất thủ công chuyên làm những sản phẩm có chức năng này. Hầu hết các làng gốm sành vùng đồng bằng sông Hồng (Thổ Hà, Phù Lãng, Quế, Vân Đình, Hương Canh, Hiển Lễ…), sớm hoặc muộn, đều sản xuất hàng tiểu sành, tiểu lồng – loại sản phẩm dùng để mai táng hài cốt. Một số làng khác như Vân Đình, Quao, cách đây vài chục năm còn sản xuất loại vò, nồi hông, nồi đình cỡ lớn cũng có chức năng như tiểu sành.
(Còn nữa)
_______________
1. G.S.Wilhelm, Những chức năng của đồ gốm ở Đông Nam Á từ hiện tại ngược trở về quá khứ, Tư liệu dịch của Viện Khảo cổ học, ký hiệu TL/695.
2, 7. Bùi Vinh, Các trung tâm gốm tiền sử đầu tiên ở Việt Nam, trong Một thế kỉ khảo cổ học Việt Nam, tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004, tr.74, 81.
3. Trần Quốc Vượng, Nguyễn Thị Bảy, Đồ gốm trong văn hóa ẩm thực Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin & Viện Văn hóa, 2006, tr.14.
4. www.hoangthanhthanglong.vn
5, 6, 8. Marilynn Larew, Trở lại với Jansé: Đồ tùy táng ở Thanh Hóa, trong Một thế kỷ khảo cổ học Việt Nam, tập 2, Nxb Khoa học Xã hội, 2005, tr.23-46.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 338, tháng 8-2012
Tác giả : Trương Minh Hằng
Bài viết cùng chủ đề:
Thiết kế bao bì trong xây dựng thương hiệu
Tượng chân dung trong quần thể lăng mộ thời lê – trịnh ở bắc bộ
Nghệ thuật trang trí và kiến trúc tại quần thể di tích thờ mẫu ở phủ dày