Các di tích thờ Tứ pháp của người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ


Thờ Tứ Pháp là tín ngưỡng độc đáo, chiếm vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của người Việt ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, tín ngưỡng thờ Tứ Pháp luôn trường tồn với thời gian bởi những dấu ấn văn hóa và giá trị riêng, từ những tư liệu ngữ văn dân gian như truyền thuyết, truyện kể, thơ ca dân gian… cho đến hệ thống di tích thờ tự và các nghi thức, nghi lễ. Trong đó, minh chứng rõ nhất cho thấy sự tồn tại của tín ngưỡng này trong đời sống của người Việt từ xưa đến nay là sự hiện diện của các di tích thờ Tứ Pháp. Bài viết khảo sát, phân tích về số lượng, sự phân bố di tích, đặc điểm loại hình và bố trí điện thờ Tứ Pháp…, từ đó thấy được vai trò, sự ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ Tứ Pháp trong đời sống văn hóa của người Việt, góp phần giữ gìn những giá trị lịch sử văn hóa mà cha ông để lại.

Chùa Dâu (Bắc Ninh) – Ảnh: internet

1. Số lượng và sự phân bố các di tích thờ Tứ Pháp vùng đồng bằng Bắc Bộ

Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi, hiện nay trên toàn vùng đồng bằng Bắc Bộ có khoảng 58 di tích thờ Tứ Pháp, phân bố ở những địa phương: Bắc Ninh (5 di tích), Hà Nội (10 di tích), Hưng Yên (31 di tích), Hà Nam (11 di tích), Bắc Giang (1 di tích). Cụ thể:

Nhóm chùa Tứ Pháp ở Bắc Ninh: Theo nhiều nguồn tư liệu, vùng Dâu (Luy Lâu) nay là địa bàn các xã Thanh Khương, Trí Quả, Hà Mãn (thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) vẫn là trung tâm của tín ngưỡng thờ Tứ Pháp, nơi khởi phát/ vùng gốc của tín ngưỡng thờ Tứ Pháp. Có thể nói, đây là trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của nước ta ngay từ những thế kỷ đầu công nguyên, là nơi chính quyền đô hộ Trung Quốc đã đóng đô, đặc biệt, từ giai đoạn Thái thú Sỹ Nhiếp – xây dựng thành Luy Lâu, khoảng TK I trước TCN, là trụ sở hành chính và đồn trú quân đội. Mặt khác, với những điều kiện thuận lợi, vùng đất này chính là trung tâm Phật giáo nước ta những năm đầu công nguyên (nơi đầu tiên tiếp nhận văn hóa Phật giáo). Chính tại đây, Phật giáo đã bản địa hóa bằng cách tiếp hợp với tín ngưỡng dân gian, với sự tôn thờ các nữ thần có sức mạnh siêu nhiên của cư dân nông nghiệp để hình thành một tín ngưỡng độc đáo của người Việt: tín ngưỡng thờ Tứ Pháp. Lịch sử hình thành và phát triển của tín ngưỡng thờ Tứ Pháp qua câu chuyện truyền thuyết Man Nương, chùa Dâu tại đây đã được nhiều người quan tâm, ghi chép, nghiên cứu. Hiện nay, tại vùng Dâu (Bắc Ninh) có 5 di tích: chùa Tổ (chùa Mãn Xá), chùa Dâu, chùa Đậu (Thành Đạo tự), chùa Tướng (chùa Phi Tướng), chùa Dàn (thờ Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện và Mẫu Tổ Man Nương). Về sau, qua nhiều thế kỷ, tín ngưỡng này đã được lan tỏa ra các vùng đồng bằng Bắc Bộ: Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam… hình thành nên các trung tâm thờ Tứ Pháp lớn.

Nhóm chùa Tứ Pháp ở Hà Nội: chủ yếu phân bố ở huyện Thường Tín với di tích: chùa Đậu, chùa Pháp Vân, chùa Văn Hội và huyện Thanh Trì, Gia Lâm, tiêu biểu: chùa Sét, chùa Keo (xã Kim Sơn), chùa Nành (xã Ninh Hiệp).

Nhóm chùa Tứ Pháp ở Hưng Yên: hiện nay Hưng Yên là vùng đất có số lượng di tích thờ Tứ Pháp rõ nét nhất với 31 chùa, trong đó tập trung nhiều ở huyện Văn Lâm (8 di tích), Yên Mỹ (6 di tích), Mỹ Hào (4 di tích), Ân Thi (4 di tích), Kim Động (5 di tích), Phù Cừ (2 di tích), Văn Giang (1 di tích). Các chùa thờ Tứ Pháp tập trung chủ yếu ở các huyện phía Bắc của tỉnh (huyện Văn Lâm, Yên Mỹ, Mỹ Hào), ở những làng nằm quây quần trên dòng sông Nghĩa Trụ và các chi lưu của nó. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Toan Ánh, sở dĩ như vậy vì mảnh đất này là loại chiêm khê mùa lụt nên khi lụt thì nước luôn ngập trắng đồng. Do vậy, khi Tứ Pháp xuất hiện thì người dân rất hưởng ứng, đón nước phép Phật ban cho, mong luôn luôn được phong đăng hòa cốc, an cư lạc nghiệp. Ngoài ra, xét trên phương diện địa lý, những vùng thờ Tứ Pháp này có vị trí tiếp giáp với huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh – được xem là trung tâm gốc của tín ngưỡng thờ Tứ Pháp. Theo diễn trình lịch sử, huyện Văn Lâm, xưa là đất của huyện Siêu Loại thuộc trấn Kinh Bắc – nằm trong vùng văn hóa Luy Lâu. Các huyện Yên Mỹ, Mỹ Hào, Ân Thi vốn là cửa ngõ của xứ Đông, trấn Sơn Nam và cách vùng Dâu không xa. Các chùa thờ Tứ Pháp thuộc huyện Kim Động, Phù Cừ đều nằm trên đôi bờ sông Cửu An và một số chi lưu của sông này. Phần lớn các ngôi chùa đều quần tự trong một khu vực nhất định, có các cụm chùa thờ bốn vị thần Tứ Pháp.

Nhóm chùa Tứ Pháp ở Hà Nam: tập trung ở những làng dọc hai bờ sông Đáy, theo chân núi đá vôi của dãy Cửu Trùng sơn thuộc địa phận hai huyện Kim Bảng, Thanh Liêm và thị xã Phủ Lý. Tín ngưỡng thờ Tứ Pháp ở Hà Nam có nhiều điểm tương đồng so với thờ Tứ Pháp ở Bắc Ninh. Theo truyền thuyết kể lại, việc thờ Tứ Pháp ở đây cũng do rước chân nhang ở xứ Kinh Bắc về thờ.

Căn cứ theo tài liệu niên đại ở các chùa Tứ Pháp cho thấy sự hình thành các chùa Tứ Pháp ở các vùng là khác nhau. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng hệ thống chùa Tứ Pháp ở Bắc Ninh được ra đời sớm nhất. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Cường: Quá trình hình thành hệ thống Tứ Pháp hay cái cơ tầng tâm linh Việt – Ấn có những yêu cầu bức bách của xã hội lúc đó mà đáng lưu ý nhất là giai đoạn Sỹ Nhiếp hay Sỹ Vương làm thái thú ở Luy Lâu từ năm 187 sau CN đến năm 225 sau CN (1). Về sau, các chùa Tứ Pháp lan tỏa ra các vùng lân cận, chủ yếu xây dựng vào thời Lý (TK XI – XII), thời kỳ Phật giáo cực thịnh hoàng kim ở nước ta cùng với nhu cầu huy động những giá trị văn hóa truyền thống trong công cuộc xây dựng quốc gia độc lập.

Trong số các chùa ở Hưng Yên, dấu tích sớm phải kể đến cụm di tích có niên đại kiến trúc thời Trần và pho tượng Phật Tứ Pháp có niên đại TK XVI-XVII, đó là chùa Thái Lạc và tượng Pháp Lôi thôn Nhạc Miếu (xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm), cụm chùa thờ Tứ Pháp ở xã Lạc Đạo và tượng Pháp Vân thôn Lạc Đạo (xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm). Cụm thờ tại di tích khu vực huyện Kim Động có niên đại muộn hơn, trên cây hương đá chùa Đồng Lý có niên đại năm Vĩnh Hựu thứ 5 (1739), điều này cũng trùng hợp với các pho tượng Tứ Pháp mang phong cách tượng TK XVIII ở các chùa khu vực này: Lương Hội, Đồng Lý, Bằng Ngang, Động Xá (xã Lương Bằng, huyện Kim Đồng).

Một điều có thể nhận thấy là các di tích thờ Tứ Pháp đều thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ mà không có sự lan tỏa ra các vùng miền khác (như Trung Bộ, Nam Bộ). Vậy câu hỏi được đặt ra là tạisao tín ngưỡng này lại phát triển ở đồng bằng Bắc Bộ chứ không phải ở những vùng khác? Về mặt lịch sử khai thác đồng bằng, ta biết rằng người Việt cổ sinh ra ở trung lưu đồng bằng sông Hồng. Từ buổi sơ khai ấy, ông cha ta đã lựa chọn được cây lúa nước là cây cung cấp lương thực cho mình bởi đó là cây lương thực phù hợp với đất đai, khí hậu của đồng bằng Bắc Bộ. Có lẽ, cây trồng này đã trải qua nhiều thế hệ trải nghiệm mới được lựa chọn phù hợp với thực tế. Đồng bằng Bắc Bộ được bồi đắp bởi hai hệ thống sông: sông Hồng và sông Thái Bình. Đất đai ở đây rất phì nhiêu, địa hình tương đối bằng phẳng. Vùng này nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa nóng và ẩm. Nhiệt độ trung bình năm trên 230C; số giờ nắng trong năm lớn, tổng lượng nhiệt hoạt động đạt 8.000-10.000 độ/ năm. Với điều kiện lượng nhiệt như vậy cây trồng có thể phát triển quanh năm, không có thời kỳ nghỉ đông. Bên cạnh đó, khí hậu đồng bằng Bắc Bộ là khí hậu gió mùa. Một năm có 2 mùa gió hoạt động: gió mùa đông nam hoạt động vào mùa hạ, mang theo lượng mưa lớn mà nông nghiệp được cung cấp nước tưới. Nền nông nghiệp trồng lúa nước độc canh đã phát triển dựa trên những thuận lợi đặc biệt của địa hình, đất đai và khí hậu như vậy. Bên cạnh đó, từ xa xưa nền nông nghiệp của ông cha ta cũng gặp vô vàn khó khăn, nhất là về khí hậu. Cụ thể, về mùa đông có mùa đông lạnh do hoạt động của gió mùa đông bắc. Gió mùa đông bắc rất lạnh tạo nên sương muối giá rét gây khó khăn cho cây trồng vật nuôi nhiệt đới. Đặc biệt mùa đông còn gây hạn hán, rất ít mưa, nhất là đầu mùa. Cuối đông chỉ có mưa phùn. Vì vậy, sản xuất lúa nước thiếu trầm trọng về nguồn nước trong mùa đông. Còn mùa hạ, gió đông nam gây mưa lớn nhưng lại có sự kết hợp với bão nhiệt đới cộng hưởng với địa hình ô trũng ở một số nơi trong đồng bằng Bắc Bộ như Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định nên đồng bằng này bị úng lụt. Hơn nữa, hai hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình lại cấu tạo hình nan quạt, tập trung lũ trước khi ra biển nên nạn lũ lụt được tăng cường trên đồng bằng này. Các con sông về mùa khô cũng rất ít nước. Tác hại của sông ngòi, ta thấy rất rõ đối với sản xuất nông nghiệp, vì với kỹ thuật canh tác thô sơ con người không hạn chế được lũ lụt. Còn về mùa khô, dù sông có mật độ lớn, vẫn có nước, nhưng không thể lấy được nước để tưới trồng do không có các công trình thủy lợi dẫn nước tưới nên sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn về nguồn nước về mùa đông. Như vậy, nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp (lúa nước) của ông cha ta từ xưa đều trông chờ vào nước mưa chứ không phải nước sông. Ngoài ra, khí hậu của vùng này hết sức thất thường, năm rét nhiều, năm rét ít, năm rét sớm, năm rét muộn, năm hạn hán… Có năm mưa nhiều, bão lớn gây lũ lụt, úng ngập làm cho sản xuất nông nghiệp mất mùa. Nền nông nghiệp độc canh lúa nước gặp khó khăn về nước, phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, vào những lực lượng huyền bí trong tự nhiên. Trong dân gian ở đồng bằng Bắc Bộ đã hình thành tục thờ nữ thần mây, mưa, sấm, chớp. Người ta biết rằng, trời muốn có mưa đầu tiên phải có mây, có mây sẽ có mưa, và mưa sẽ có kèm sấm sét. Người xưa cũng hiểu rằng sấm sét rất uy linh làm cho con người sợ hãi nhưng cũng đem lại lợi ích vô cùng to lớn cho cây lúa. Sau mỗi trận giông lốc đầy sấm sét, lúa cũng trở nên tốt tươi hơn: Lúa chiêm lấp ló đầu bờ/ Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên.

Khi Phật giáo Ấn Độ vào nước ta, các nữ thần được thờ và thành Phật Tứ Pháp. Hệ thống các chùa thờ Tứ Pháp được xây dựng rất nhiều ở đồng bằng Bắc Bộ là do các nguyên nhân trên. Con người ở đồng bằng Bắc Bộ xây dựng những ngôi chùa, là nơi thờ tự những gì ảnh hưởng sâu sắc nhất, trực tiếp nhất đối với sản xuất nông nghiệp. Ở đây chính là Mây, Mưa, Sấm, Chớp. Các vị này ngay từ tín ngưỡng dân gian đã được coi là nữ thần, thể hiện cho sự sinh sôi, nảy nở của muôn loài.

2. Loại hình di tích

Trong tổng số 58 di tích đã thống kê, có thể nhận thấy, hầu hết Tứ Pháp đều được thờ ở trong chùa (chỉ một trường hợp cá biệt là thôn Tần Tranh ở Hưng Yên đặt tượng Pháp Vũ trong hậu cung đình làng, phối thờ cùng các vị Thành Hoàng). Theo nhiều nhà nghiên cứu, đền thờ thần tự nhiên có trước, khi đạo Phật du nhập vào những đền thờ này được cải thành chùa thờ Tứ Pháp. Điều đó có nghĩa: “Không phải người ta đặt tượng Tứ Pháp vào các chùa thờ Phật mà người ta đặt bàn thờ Phật vào các đền Tứ Pháp, từ đền thờ các thần nông nghiệp đã có từ trước. Và đến lượt các nữ thần này được Phật hóa, trở thành Phật Bà” (2).

Nếu căn cứ theo tư duy phân loại về tín ngưỡng, tôn giáo thì dường như điều này không phù hợp. Vì thông thường, chùa là nơi thờ Phật; đình, đền là nơi thờ thành hoàng làng (thần/ thánh); những người có công với đất nước, đền, phủ, điện là những cơ sở dành cho thờ thánh Mẫu. Do đó, tín ngưỡng Tứ Pháp vốn là tín ngưỡng thờ các vị thần tự nhiên sẽ được thờ ở các cơ sở tín ngưỡng dân gian. Vậy tại sao Tứ Pháp lại được thờ trong chùa? Như chúng ta biết, đặc trưng của văn hóa dân gian nói chung và tín ngưỡng nói riêng luôn là một chỉnh thể, được hợp thành từ nhiều thành tố/ bộ phận khác nhau và giữa các thành tố luôn có mối quan hệ với nhau. Chính vì vậy, giữa các thành tố truyền thuyết, di tích, lễ hội trong sự hình thành tín ngưỡng, Tứ Pháp luôn gắn bó trong mối quan hệ tác động qua lại. Để giải thích lý do tại sao Tứ Pháp được thờ trong chùa mà không phải đình, đền, miếu… chúng tôi căn cứ vào sự tích Tứ Pháp và thấy rằng, sự hình thành Tứ Pháp trên cơ sở kết hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng bản địa của người Việt.

Điều đặc biệt là tại các vùng thờ Tứ Pháp đều lập thành quần thể di tích bao gồm nhiều chùa, mỗi chùa thờ một trong bốn vị Tứ Pháp và giữa các chùa có mối liên hệ với nhau. Chùa Tứ Pháp ở các vùng đều có mối quan hệ nhất định với hệ thống Tứ Pháp ở Luy Lâu. Trong ngày lễ hội, các làng thường rước các vị từ chùa này sang chùa khác tạo nên cuộc gặp gỡ, giao hiếu giữa các vị.

Các ngôi chùa thờ Tứ Pháp có kiến trúc của một ngôi chùa Phật giáo với những kiến trúc đa dạng, phong phú theo hình chữ “tam”, “công” hoặc “nội công ngoại quốc” (chùa Sét, chùa Đậu – Hà Nội), chữ “đinh” (chùa Dâu Thượng Phúc – Hà Nội)… Dù bố trí dưới dạng kiến trúc nào thì cũng vẫn đủ ba tòa chính: tiền đường, thiêu hương và thượng điện, được nối liền nhau làm nơi bài trí Phật điện, chiếm vị trí trung tâm là tượng Tứ Pháp.

Các ngôi chùa đều nằm ở diện tích rộng, địa thế thông thoáng, có sông ngòi hay hồ nước tụ thủy. Do lịch sử hình thành và phát triển, các ngôi chùa thờ Tứ Pháp được xây dựng trong những khoảng thời gian khác nhau. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Cường, căn cứ vào tài liệu niên đại ở các chùa Tứ Pháp cho thấy hệ thống các chùa Tứ Pháp được chia thành hai hệ thống có niên đại sớm muộn khác nhau: nhóm chùa Tứ Pháp ở Bắc Ninh có niên đại cuối TK II đến TK III sau CN, rồi liên tục phát triển ở thế kỷ sau; nhóm Tứ Pháp ngoài Bắc Ninh, thường có niên đại khoảng từ TK X trở về sau. Mộtsố di tích thờ Tứ Pháp chưa xác định được niên đại rõ ràng, còn lưu giữ nhiều đồ thờ tự cổ xưa nhưng có di tích bị đốt phá không còn (nay chỉ còn dấu tích) hoặc được xây mới gần đây, trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo nên không rõ di tích (3).

3. Bố trí điện thờ

Do lịch sử hình thành và quá trình phát triển khác nhau nên cấu trúc mô hình, cách thức bài trí điện thờ ở các ngôi chùa Tứ Pháp cũng khác nhau. Ngay trong chính một ngôi chùa, cấu trúc điện thờ cũng thay đổi theo thời gian. Ví dụ: Phật điện chùa Dâu thay đổi theo xu hướng từ ít đến nhiều tượng; thượng điện chùa Thái Lạc (Hưng Yên) nay được làm mới, đưa thêm các pho tượng khác vào (có thể đủ 4 bà).

Có thể nhận thấy, cấu trúc điện thờ ở các chùa Tứ Pháp mang đặc trưng của bộ phái Phật giáo Bắc Tông: gồm các tòa, thượng điện chia làm nhiều bệ thờ. Trong chùa có thờ Tứ Pháp và thờ Phật, Tứ Pháp luôn chiếm vị trí trung tâm, được đặt ở vị trí cao hơn tượng Phật, tượng cũng được làm to hơn tượng Phật. Đây là một kiểu kiến trúc gọi là “tiền Thánh hậu Phật”. Nhìn chung, điện thờ và hệ thống tượng ở các chùa Tứ Pháp không hoàn toàn giống nhau nhưng về cơ bản: trung tâm bao giờ cũng là tượng Tứ Pháp, trước sau và bên cạnh có thể là tượng Khâu Đà La, Đức Thánh Tải (con của Tứ Pháp), Kim Đồng – Ngọc Nữ. Đáng chú ý là cạnh Tứ Pháp còn có hòn đá thiêng (có thể được làm thành tượng) gọi là Đức Quang Phật. Ở một số nơi có phối thờ thần địa phương. Số lượng các ngôi chùa thờ Pháp Vân và Pháp Vũ khá nhiều, vượt trội hơn so với Pháp Lôi và Pháp Điện. Các tượng Tứ Pháp được tạc khá tinh xảo, mang giá trị điêu khắc và tâm linh. Điều này có thể thấy ở tượng Bà Pháp Vân (chùa Dâu – Bắc Ninh), Pháp Lôi (chùa Phi Tướng – Bắc Ninh), Pháp Vân (chùa Thái Lạc – Hưng Yên), Pháp Vân (chùa Đại Bi – Hưng Yên), Pháp Vũ (chùa Đậu – Hà Nội)… Hầu hết pho tượng Tứ Pháp được bày trong chùa chủ yếu được làm bằng gỗ, sơn son thiếp vàng cầu kỳ với màu nâu đỏ đặc trưng, nghệ thuật tạc tượng khá chỉnh chu. Tượng Tứ Pháp mang gương mặt nữ tính, bầu bĩnh, hiền hậu giống gương mặt của các cô thôn nữ nhưng dáng vẻ dong dỏng cao, tướng nam giới, không có ngực nhô ra như tượng nữ thông thường.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, hình tượng nữ có lẽ đã được ẩn trong sự hòa nhập với Phật giáo. Dường như hình ảnh các bà hiện ra trong các vị Phật. Điều này cho thấy tín ngưỡng Tứ Pháp thể hiện sự kết hợp giữa 2 nền văn hóa Đại Việt và Ấn Độ xưa và ngay trong những pho tượng cũng thể hiện sự giao thoa ấy. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phong cách tượng Phật và tư duy về hình tượng Mẫu cho thấy Phật giáo khi vào Việt Nam đã được Việt hóa tạo nên hình tượng Phật Mẫu trong tâm thức của người Việt. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền, tượng Tứ Pháp ở vùng Bắc Ninh cũ được tạo hình theo phong cách của tượng Phật: “tượng tuân thủ những nguyên tắc của một pho tượng Phật thông thường, cũng Unisa nổi khối tượng trưng cho trí tuệ vô biên, vẫn tóc xoắn ốc biểu hiện cho những chữ thánh chứa đầy huyền lực…”(4). Về sau, nhà nghiên cứu Võ Hoàng Lan khẳng định: “nhưng khi đã vượt sông Hồng sang đến bờ bên này (bờ Nam) thì các ngài đã hóa Bồ Tát bởi đầu tượng đã đội Thiên quan Bồ Tát (chùa Sét – Hoàng Mai, chùa Đậu – Thường Tín). Sự biến hóa này (từ Phật sang Bồ Tát) đã phản ánh một sự thực lịch sử: tôn giáo tín ngưỡng muốn tồn tại luôn phải biến đổi để thỏa mãn được những đòi hỏi của các tín đồ” (5).

Có thể nói, không gian di tích thờ Tứ Pháp mang màu sắc linh thiêng, trầm mặc. Hầu hết chùa thờ Tứ Pháp có niên đại từ hàng ngàn năm nay, mang vẻ đẹp cổ kính, nhuốm màu thời gian. Trong chùa (nhất là những ngôi chùa cổ) còn lưu giữ được nhiều di vật, đồ thờ tự quý giá được các cụ ngày xưa để lại, những bức tượng Tứ Pháp, tượng Phật uy nghiêm, vừa mang vẻ đẹp kiến trúc vừa chứa đựng trong đó những giá trị tâm linh sâu sắc. Tất cả đã tạo nên không gian thờ tự linh thiêng, mang màu sắc tín ngưỡng tôn giáo khiến cho những người đến đây không khỏi thành kính, tâm niệm hướng về thần, Phật.

 

_________________

1. Nguyễn Mạnh Cường, Chùa Dâu – Tứ Pháp và hệ thống các chùa Tứ Pháp, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2003, tr.63.

2. Hà Văn Tấn, Chùa Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993.

3. Nguyễn Mạnh Cường, Chùa Dâu – Tứ Pháp và hệ thống các chùa Tứ Pháp, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2003.

4. Trần Lâm Biền, Vài suy nghĩ về di tích nghệ thuật ở Bắc Ninh thời tự chủ, in trong Vùng văn hóa quan họ Bắc Ninh, Viện Văn hóa Thông tin – Sở Văn hóa Thông tin Bắc Ninh, 2006, tr.21.

5. Võ Hoàng Lan, Về tục thờ Tứ Pháp của người Việt, Tạp chí Di sản Văn hóa, số 2, 2012, tr.36.

Tài liệu tham khảo

1. Trần Lâm Biền, Vài suy nghĩ về tượng Tứ Pháp ở Hà Bắc, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 7, 1995, tr.12-13.

2. Nguyễn Văn Huyên, Chống hạn trong tập quán Việt Nam, in trong Góp phần nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, tập II, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1996.

3. Hoàng Mạnh Thắng, Thờ Tứ Pháp ở Hưng Yên, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 9, 2007, tr.35-40.

4. Phan Cẩm Thượng, Chùa Dâu và nghệ thuật Tứ Pháp, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2002.

Tác giả: Ths Nguyễn Thị Thanh Mai

Nguồn: Tạp chí VHNT số 467, tháng 7-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *