Ảnh: cổng thông tin điện tử quận Tây Hồ
Phú Gia nay là một làng thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội (nằm ở phía Tây Bắc, cách trung tâm thành Thăng Long khoảng 9km), tại đây tọa lạc một ngôi đình mang tên Phú Gia – di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia mang nhiều giá trị tiêu biểu. Đình Phú Gia là nơi thờ Thành Hoàng làng có tên là thần Khai Nguyên – một vị tướng thời Hùng Vương thứ sáu, có tên húy là Nhự hay còn gọi là thần Già La. Theo cuốn Bản xã thần ký hiện lưu trong đình, Ngài là vị thổ thần có công chống giặc ngoại xâm bảo vệ chủ quyền đất nước, đồng thời là vị thần linh ứng giúp cho người dân chặn nạn hồng thủy đem đến ấm no, hạnh phúc cho mọi nhà. Với công lao to lớn và sự hy sinh hiển hách, Ngài đã được tôn là “Tối linh thượng đẳng thần” và được ban tặng 24 sắc phong qua các triều đại từ năm 1285 đến năm 1925.
Di tích đình Phú Gia là sản phẩm vật chất và tinh thần của các thế hệ đi trước, được hình thành trong không gian, thời gian nhất định nên ở đó hàm chứa những giá trị tiêu biểu về mặt lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục và du lịch.
Giá trị về mặt lịch sử
Di tích đình Phú Gia chứa đựng nhiều giá trị lịch sử gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của vùng đất giàu truyền thống Phú Gia – làng Gạ. Đặc biệt, trong đình Phú Gia còn bảo lưu một số lượng di vật tiêu biểu mang giá trị lịch sử, nghệ thuật, văn hóa, khoa học với số lượng di vật đồ sộ, đa số có niên đại sớm từ TK XVII-XIX. Đáng chú ý đình còn lưu giữ bài vị thời Mạc.
Năm 2001, Phòng Văn hóa Thông tin quận Tây Hồ phối hợp với Ban Quản lý Di tích Danh thắng thuộc Sở Văn hóa Thông tin (nay là sở VHTT) Hà Nội đã tiến hành nghiên cứu toàn bộ di tích, điều tra cơ bản và lập danh mục các di vật tại di tích, xác định niên đại, giá trị của từng di vật. Công việc nghiên cứu này được tiến hành chính xác, khoa học và đã xác định được một số di vật, cổ vật có niên đại lâu đời như:
Bảng 1: Niên đại các di vật trong đình
Không chỉ vậy, Phòng Văn hóa Thông tin quận Tây Hồ cũng như Tiểu Ban quản lý di tích đình Phú Gia đã mời cán bộ Viện Hán Nôm đến trực tiếp nghiên cứu, ghi chép, xác định niên đại của 24 sắc phong tại đình, cụ thể:
Bảng 2: Các sắc phong trong đình qua các triều đại (1285-1925)
Những giá trị lịch sử hàm chứa trong di tích đình Phú Gia là những tư liệu lịch sử vô giá, có vai trò to lớn trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Giá trị về văn hóa, nghệ thuật
Di tích đình Phú Gia chứa nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Phú Gia nói riêng và của người dân Việt Nam nói chung, đó chính là lòng hướng thiện, tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, tôn thờ những người có công với nước, với dân làng. Di tích đình Phú Gia bao đời nay luôn là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng dân cư nơi đây, mà đỉnh cao là các lễ hội của đình. Lễ hội đình Phú Gia diễn ra trong ba ngày mùng 8, mùng 9 và mùng 10 tháng Giêng hằng năm. Lễ hội, đó là dịp để người dân thể hiện đức tin, lòng tôn kính của mình với Thành Hoàng làng và cầu mong cho một năm bình yên, no ấm. Những buổi sinh hoạt, lễ hội, đó là những dịp chung vui, góp phần hình thành sợi dây cố kết cộng đồng, đem lại sự cân bằng cho đời sống tâm linh của cư dân sau những ngày lao động vất vả. Thông qua việc tìm hiểu các giá trị ẩn chứa trong di tích, người dân không chỉ thấy được sự phát triển của lịch sử mà còn thấy được truyền thống văn hiến, các giá trị chân, thiện, mỹ của vùng đất nói riêng và dân tộc nói chung. Qua đó trau dồi đạo đức, lối sống, niềm tự hào dân tộc, lòng yêu nước, yêu lao động, lòng biết ơn để từ đó sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới tốt đẹp. Di tích đình Phú Gia có lịch sử xây dựng từ lâu đời, đến nay đã trải qua nhiều lần tu sửa, nhưng những kiến trúc nghệ thuật độc đáo của di tích vẫn là những bức tranh sống động giúp ta thấy được nhiều dấu ấn riêng của từng thời kỳ lịch sử, phản ánh nét tài hoa, khéo léo của người dân nơi đây. Đồ thờ trong đình Phú Gia mang giá trị cao về văn hóa, nghệ thuật. Hoa văn trang trí, linh vật trang trí đều mang giá trị nghệ thuật cao và hướng tới cầu mong cuộc sống tốt đẹp cho sự phát triển, yên bình, lòng nhân ái cho mỗi con người. Hơn nữa, người xưa tin rằng có thể qua đó đi vào cõi linh thiêng nhằm tiếp cận với thần linh, tìm lại chính mình ở nơi trái tim nhân từ, trí tuệ minh triết. Quan sát chi tiết một số di vật tại đây, ta có thể thấy rõ điều đó.
Đó là nhang án gỗ (TK XVII) cao 120cm, mặt trước bề ngang 162cm, mặt bên rộng 88cm. Trên thân được trang trí một hàng hoa sen dẹt xếp cạnh nhau tạo thành một đường diềm ôm lấy phần này. Mặt nhang án là các đường gờ chỉ nhỏ nhô ra, thụt vào đã làm mất đi sự thô cứng tạo vẻ đẹp mềm mại. Tiếp đến là mạng chạm kiểu chân quỳ dạ cá. Phần trên nở rộng ở đây chân quỳ để lửng, phần dạ cá được uốn lượn bởi một đường gờ. Trung tâm dạ cá là hình bông hoa cúc mãn khai với hai đao mác bay ngang, hai bên có hình chạm lân dưới dạng long mã chầu vào. Điểm xuyết dưới chân lân là sóng nước kiểu vây rồng cùng các cụm mây xoắn như tạo thế chuyển động vần vũ cho linh vật của bầu trời. Sát phía ngoài chân lửng là hai khối chạm bong kênh hình rồng chạy xuống, đầu ngóc lên ngang thân, mặt quay ra ngoài. Trên chân lửng các cụm mây xoắn tỏa đao mác đứng cạnh nhau xòe ra như bông hoa. Mảng phía dưới dạ cá được chạm thủng với chủ đề rồng chầu mặt trời, từ thân rồng một hệ thống đao mác nhỏ được tạo tác tinh xảo bay chéo lên trên. Kết thúc phần đầu của nhang án là một “rang” có đôi rồng cuốn chầu vào bông hoa cúc mãn khai nhìn nghiêng. Phần thân của nhang án được nâng đỡ bởi hai trụ chính, từ hai bên của chân trụ, một chiếc chân lửng bám vào một mảng chạm, đầu trên chân lửng ăn nhập với mảng chạm của chiếc dạ cá, điều này khiến cho các phần đầu và thân có sự liên kết chặt chẽ với mặt cấu trúc. Phần cuối của chiếc chân lửng này được làm kiểu trái giành vừa phá đi sự thô cứng trong tạo tác, vừa như điểm nhấn trong tạo hình làm hài hòa cho toàn bộ nhang án. Mặt trước và 2 bên của thân nhang được bố cục nhiều ô hộc, phân chia bởi các đường gờ nổi lớn, chắc khỏe. Trên thân gờ được trang trí hình rồng cuốn, chầu hoa cúc. Bên trong ô hộc được tạo nên từ nhiều đề tài theo phong cách chạm thủng, chạm nổi với những hoa văn như hình chiếc lá đề, bao quanh là các đao lửa dưới dạng vây rồng, trong hình lá chạm hình lân phượng chầu hoa cúc, ở các ô phía dưới được chia khác với ô bên trên nhằm phá đi sự trùng lặp đơn điệu. Trong các ô hộc này có hình ảnh tam linh (long, lân, phượng) cùng hoa cúc trở nên phổ biến, là phần hoa đặc sắc của toàn bộ nhang án.
Sập thờ gỗ (TK XVII) cạnh dài 167cm, chiều cao 32cm. Mặt sập lát gỗ, hai góc trước bổ trụ tạo lan can, trên lan can có hoa văn tạo tác nằm ở ván nổi giữa các trụ. Mặt trước và hai cạnh bên của sập được trang trí rồng và hoa văn cách điệu, ở giữa là bông hoa cúc mãn khai nhìn nghiêng cánh hoa được tạo thành những đao mác to khỏe. Hoa cúc được kê trên đấu vuông thót đáy, từ bông hoa cúc có một đường gờ nổi lớn dạng cong vỏ măng uốn lượn chạy ra hai đầu của mạng chạm từ phần đầu này là những vân xoắn và sóng nước. Thân rồng chầu vào bông cúc như được nâng đỡ bởi dải chạm này. Trên thân rồng có nhiều đao mác bay ra, cuối mảng chạm là các đao nhỏ hơn bay ngược chiều với đao mác từ thân rồng tạo nên điểm nhấn trong mảng chạm. Mặt sau của sập được trang trí bằng đề tài phượng chầu hoa cúc: Phượng được nâng lên, cánh xòe rộng trong tư thế múa, lông đuôi và thân đao mác bay ra như các mảng trước, cuối cùng là những đao mác nhỏ bay ngược lại tạo sự mềm mại uyển chuyển.
Đôi phượng gỗ (TK XVII): có kích thước cao 197cm, bề ngang 90cm, phượng đứng ở hai bên nhang án (TK XVII) chầu mặt vào trung tâm, hai chân phượng trong tư thế đứng trang nghiêm, có mỏ vẹt đầu tròn, mắt giọt lệ, lông vũ, đuôi công, thân hình mập mạp ấm áp. Điểm xuyết toàn thân nhiều đao mác. Theo cuốn Trang trí trong mỹ thuật truyền thống (công trình khoa học cấp Bộ năm 1997) của tác giả Trần Lâm Biền: Đao mác là hiện thân của chớp sức mạnh tầng trên. Phượng mang ý nghĩa là một linh vật vũ trụ với hai mắt là nhật nguyệt, đầu đội công lý và đức hạnh, lưng cõng bầu trời, đuôi là tinh tú cánh là gió, lông là cây cỏ, chân là đất hiện thân là thánh nhân. Thông qua đó mà người xưa muốn cầu mong có người tài giúp nước hoặc cầu mong chính vị thần thờ tại di tích của họ là thánh nhân đem điều phúc đến cho đời.
Đôi lân gỗ: có cùng niên đại với đôi phượng (TK XVII). Lân trong tư thế ngồi ở hai bên trước nhang án lên cao 80cm, ngang 40cm. Miệng ngậm viên ngọc, đầu ngẩng nhe lộ hai nanh nhọn, mũi sư tử, trán bướu bạt về phía sau, mắt mở to, dưới cằm là hai đao mác xoán nhau, mũi mác đi thẳng xuống đất trong tư thế ngồi. Từ khuỷu chân, đao mác bay ra tạo vẻ uy nghiêm. Theo các học giả, lân đại diện cho tầng trên, đứng trước nhang án đại diện cho chân lý tuyệt đối thanh bạch.
Bài vị: trong đình còn 5 bài vị được đặt trên nhang án và sập thờ nhưng chúng tôi chỉ đi sâu vào bài vị có niên đại sớm nhất. Với chiều cao 115cm được chia làm 3 phần: Phần trên là mảng ván hình bầu dục bố cục chéo ra phía trước, mặt sau sơn đỏ, mặt trước kết hình lá sồi bao quanh là những diềm răng cưa lớn. Chính tâm giữa là hình mặt trời dạng bầu dục, bao quanh mặt trời là hệ thống vân xoắn từ đó bay ra những đao mác, viền theo mép là đôi rồng lộn đuôi lên tận đỉnh, chạy xuống rồi chầu vào phần giữa của thân, bài vị với đường trang trí, bao lấy phần trang trí là hình da cá. Trên hình da cá chạm đôi rồng theo thể chạy xuống rồi ngóc đầu vào giữa, phía dưới là vân xoắn. Đây là phong cách phổ biến thời Mạc. Đỉnh của mặt được chạm rồng dưới dạng hồi long hai bên đều chạm rồng chầu mặt trời ở chính giữa ghi hàng chữ Hán: Khai Nguyên địch giáo long chứ uy hiển trung võ linh hiên phổ hóa hùng nghị trang mục khâm tĩnh dục vận dương hóa chiêu ứng nghi trịnh ý đại vương… Ngoài ra, trong đình còn nhiều đồ thờ có giá trị tiêu biểu đặc sắc.
Những giá trị tiềm ẩn trong di tích cần được gìn giữ để chúng mãi là giá trị bất biến cho các thế hệ đi sau nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử phát triển của vùng đất cổ này.
Giá trị giáo dục
Từ trong lịch sử hình thành và tồn tại, qua quá trình sử dụng, di tích đình Phú Gia đã hội tụ chức năng là trung tâm sinh hoạt văn hóa chung của cộng đồng làng xã. Tại đây luôn là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng dân cư làng xã, mà đỉnh cao là các lễ hội làng. Những buổi sinh hoạt đó là những dịp chung vui, góp phần hình thành sợi dây cố kết cộng đồng, đem lại sự cân bằng cho đời sống tâm linh của cư dân sau những ngày lao động vất vả. Thông qua các giá trị ẩn chứa trong di tích đình Phú Gia giúp cho mọi người không chỉ thấy được sự phát triển của lịch sử mà còn thấy được truyền thống văn hiến, các giá trị chân, thiện, mỹ của dân tộc. Qua đó giáo dục, trau dồi đạo đức, lối sống, niềm tự hào dân tộc, lòng yêu nước, yêu lao động, lòng biết ơn để từ đó sáng tạo ra nhiều giá trị văn hóa mới, tạo nên “sức đề kháng” trước những sản phẩm văn hóa độc hại, lối sống không lành mạnh, tạo ra một xã hội phát triển vững bền.
Giá trị du lịch
Theo định hướng phát triển của Thành phố Hà Nội, toàn bộ quận Tây Hồ thuộc khu vực phát triển của thành phố trung tâm. Như vậy, trong tương lai, quận Tây Hồ sẽ là khu vực trung tâm của Thủ đô Hà Nội. Với vị trí đó, đình Phú Gia có điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn lực (bao gồm cả nguồn vốn tài chính, nguồn nhân lực và khoa học công nghệ) để thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế, xã hội của quận Tây Hồ nói riêng và của Thủ đô Hà Nội nói chung. Di tích đình Phú Gia gắn liền với sự phát triển của vùng đất nơi đây, vì vậy cần được khai thác như một nguồn lực để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế quận theo hướng thương mại, du lịch. Để khai thác được nguồn lực đầy tiềm năng này, cần có những biện pháp để gìn giữ bảo tồn, vừa phải gắn với việc phát huy các giá trị văn hóa để phục vụ công tác giáo dục truyền thống, gắn kết với việc phát triển kinh tế. Với thế mạnh của hệ thống văn hóa vật thể và phi vật thể hiện có, quận Tây hồ đã thu hút được một số lượng du khách đến khảo sát, tìm hiểu và tham quan du lịch. Vào những dịp lễ, tết, ngày rằm, mồng một… đình Phú Gia thu hút đông đảo nhân dân đến lễ phật và du ngoạn cảnh đình. Ngoài ra, trong những ngày diễn ra lễ hội đình và lễ hội xôi truyền thống cũng thu hút đông đảo người dân khắp nơi tới tham dự.
Toàn bộ khuôn viên của đình được tính từ hậu cung ra đến cửa Nghè đều quay hướng chính Nam. Đến nơi đây khách thập phương sẽ say đắm trước cảnh đẹp vừa trang nghiêm, vừa tĩnh lặng, yên bình của khuôn viên đình. Trước cửa đình là chiếc ao sen vuông vức mang hình chiếc ấn. Phía bờ Nam của ao là bốn cột đồng trụ như một nghi môn sừng sững trong thế “tả thanh long, hữu bạch hổ”. Hai cây đa đại cổ thủ đứng hai bên vừa mang ý nghĩa cây thiên mệnh vừa che chở bóng mát cho đình. Nối giữa ao đình với cửa nghè là một khoảng sân đình ngoài rộng như một minh đường thoáng đãng tạo cảm giác trong lành trước khi bước vào chốn linh thiêng. Hai bên sân đình được giới hạn bởi hai cổng đình Đông và cổng đình Tây to lớn, uy nghi. Liền kề với hai cổng là tàu voi và tàu ngựa. Chính giữa là cửa nghè to lớn, kỳ vĩ. Giữa cửa nghè với trung tâm tế lễ là khoảng sân đình trong. Tại trung tâm thờ cúng gồm ba khối nhà riêng biệt nhưng lại được liên kết liền khối, tạo thế vững chắc liên hoàn. Đó là ba gian tiền tế nối tiếp với ba gian trung cung. Đây là những gian để bài trí nhang án, linh vật, linh khí và khoảng không gian để tiến hành các nghi thức tế lễ. Từ tiền tế vào đến trung cung là hai dãy cột gỗ giữa được trang trí bởi những câu đối với những nội dung ca ngợi công lao to lớn và sự linh thiêng của Đức Thành Hoàng làng. Tòa hậu cung được nối với trung cung theo hình chữ T. Đây là phần linh thiêng nhất của ngôi đình, nơi đặt Thánh tượng uy nghi, lẫy lừng… Cũng thông qua di tích, nhiều loại hình văn hóa mang tính dân tộc được quảng bá thu hút khách tham quan.
Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di tích đình Phú Gia trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ rất cần thiết, đòi hỏi sự quan tâm thỏa đáng của các cấp chính quyền địa phương, và nhân dân trong vùng. Công tác quản lý đình, quản lý lễ hội đình Phú Gia cần có các giải pháp hữu hiệu: nâng cao chất lượng công tác bảo quản, trùng tu, tôn tạo di tích; tăng cường nguồn nhân lực trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa; nâng cao vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa; khuyến khích, đẩy mạnh, nâng cao công tác nghiên cứu khoa học, in ấn xuất bản phẩm, quảng bá di tích đình Phú Gia trên các phương tiện thông tin đại chúng; nâng cao chất lượng hướng dẫn tham quan di tích; đẩy mạnh sinh hoạt, giáo dục lịch sử, văn hóa, truyền thống; bảo tồn, phát huy giá trị của di tích gắn với phát triển du lịch bền vững; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về di sản văn hóa theo quy định. Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý đình Phú Gia được đưa ra cần có sự nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo dựa trên đặc điểm tình hình cư dân, giá trị lịch sử, nghệ thuật của đình. Từ đó có những giải pháp tốt nhất, đưa giá trị của đình Phú Gia vượt ra khuôn khổ của làng, của phường và lan tỏa rộng khắp.
________________
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Chí Bền, Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể Thăng Long – Hà Nội, Nxb Hà Nội, Hà Nội, 2010.
2. Công Phương Điệp, Quê tôi Phú Gia – làng Gạ, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2018.
3. Trịnh Thị Minh Đức, Bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2007.
4. Tiểu ban quản lý di tích đình chùa Phú Gia, Di tích lịch sử – văn hóa đình Phú Gia, Nxb Lao Động, 2016.
5. Nguyễn Anh Tuấn, Bảo tồn và phát huy giá trị di tích, Tạp chí Du lịch Việt Nam, số 6, 2015.
6. Đặng Thị Tuyết, Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 4 (89), 2015.
HÁN THỊ KIM OANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 479, tháng 11-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%