Các giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình


   ​​​​​​​Sau nhiều năm đổi mới, Việt Nam đang đẩy nhanh nhịp độ tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trong xu thế phát triển đó, con người được khẳng định vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển. Trong bối cảnh đó, vai trò của gia đình với việc giáo dục nhân cách con người, đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ em là một vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi đạo đức xã hội và đạo đức cá nhân đang có những biểu hiện sa sút nghiêm trọng, thì vai trò của gia đình, giáo dục trong gia đình đối với việc hình thành và nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách cũng như bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ bị xâm hại trở nên quan trọng hơn lúc nào hết.

 

   Thực tế cho thấy, bên cạnh những thành tựu về phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống, gia đình Việt Nam đang đứng trước những nguy cơ và thách thức không nhỏ. Tình trạng ly hôn, ly thân, sống thử, không đăng ký kết hôn ngày càng tăng; tệ nạn xã hội dễ dàng xâm nhập vào gia đình; tình trạng tảo hôn, phụ nữ lấy chồng nước ngoài qua môi giới bất hợp pháp; tình trạng buôn bán người, bạo lực và xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp; xuất hiện vấn đề tình dục và hôn nhân đồng giới; đặc biệt, gần đây xảy ra nhiều vụ bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em gây bức xúc dư luận, phá vỡ nền tảng giá trị đạo đức trong gia đình, làm băng hoại các chuẩn mực của đạo đức xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm sinh lý, sự phát triển của trẻ em và hạnh phúc, bình yên của mỗi gia đình.

   Trước thực trạng đó, trong những năm qua, Bộ VHTTDL đã triển khai thực hiện Luật trẻ em, các nhiệm vụ về phòng, chống bạo lực, xâm hại trong đó có xâm hại trẻ em với nhiều hình thức, nội dung, chú trọng đến vai trò quản lý nhà nước về công tác gia đình; tuyên truyền, phát huy vai trò của gia đình trong việc nuôi dưỡng, giáo dục, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, đặc biệt là phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; sáng tác các tác phẩm, tổ chức biểu diễn các chương trình nghệ thuật về đề tài thiếu nhi phục vụ trẻ em; phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa thể thao trong việc phục vụ, thu hút thiếu nhi đến tham gia sinh hoạt; bảo vệ trẻ em trong các hoạt động du lịch…

   1. Các hoạt động nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em

   Hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng của các thành viên trong gia đình

   Bộ VHTTDL đã chỉ đạo các địa phương đưa nội dung bảo vệ, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong gia đình là một nội dung quan trọng của công tác gia đình và lồng ghép nội dung này vào các hoạt động của toàn ngành văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch. Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, từ năm 2014, chủ đề công tác gia đình Xây dựng nhân cách người Việt Nam bắt đầu từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình với nội dung chính là chăm sóc, bảo vệ, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình… đã được Bộ VHTTDL hướng dẫn các địa phương đưa vào thực hiện đến năm 2020.

   Trong các đợt truyền thông trọng điểm nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20-3 với chủ đề Yêu thương, chia sẻ, Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 với chủ đề Bữa cơm gia đình, ấm áp yêu thương, Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình với chủ đề Gia đình – nguồn lực và trách nhiệm trong phòng, chống bạo lực gia đình, những thông điệp như: bảo vệ trẻ em an toàn ngay tại gia đình là trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, bạo lực gia đình làm suy giảm khả năng học tập và sự phát triển toàn diện của trẻ em, bảo vệ trẻ em trong gia đình bằng hạnh phúc, bình yên… được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên hệ thống băng rôn, áp phích ở 63/63 tỉnh, thành trên cả nước. Các chương trình, tin bài về trẻ em đã tạo được sự lan tỏa, hưởng ứng, quan tâm của đông đảo người dân và cộng đồng. Cũng nhân các dịp này, nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức gặp mặt tôn vinh gia đình văn hóa tiêu biểu; tuyên dương những gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên nuôi con tốt, dạy con ngoan; tọa đàm trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng gia đình văn hóa, gia đình hạnh phúc, gia đình không bạo lực…

   Bộ VHTTDL cũng thực hiện, phối hợp thực hiện các hoạt động tuyên truyền về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình trên các phương tiện truyền thông đại chúng:

   Phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam trong hai năm 2017, 2018 tổ chức 80 chương trình phát thanh về giáo dục đạo đức, lối sống và phòng, chống bạo lực gia đình tại các chuyên mục.

   Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức các chương trình truyền thông chuyên đề, diễn đàn, đối thoại chính sách, chạy chữ thông điệp truyền thông về gia đình nhân ngày 28-6 hằng năm.

   Phối hợp với Bộ LĐTBXH tổ chức các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về gia đình hạnh phúc trên Tạp chí Gia đình và Trẻ em, Báo Gia đình Xã hội, phát hành với số lượng lớn, đến với bạn đọc là các gia đình, cán bộ thực hiện công tác gia đình và đông đảo đối tượng khác.

   Ký kết hằng năm và định kỳ nhiều chương trình phối hợp với: Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Người cao tuổi, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy ban Dân tộc nhằm tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên diện rộng, phủ khắp các nhóm đối tượng trong xã hội.

   Công tác phòng, chống bạo lực gia đình

   Bộ VHTTDL đã đẩy mạnh việc thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình đối với trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương và không có khả năng tự vệ trong gia đình khi có bạo lực. Năm 2017, mở đầu cho các hoạt động của Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Bộ đã tổ chức Lễ phát động Chiến dịch truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình tại Vĩnh Phúc. Tại lễ phát động, các địa phương đại diện các tỉnh thành phố, các vùng miền trong cả nước đã ký cam kết nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình, chú trọng người yếu thế trong gia đình là phụ nữ và trẻ em, để gia đình thực sự là nơi an toàn nhất của mỗi người.

   Đặc biệt, năm 2018, Bộ đã tổ chức Hội thảo khoa học và Tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình, đánh giá toàn diện, khách quan những việc đã làm và chưa làm được, đưa ra những giải pháp, kiến nghị để thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới. Đồng thời, đó cũng là cơ sở để Bộ nghiên cứu, xây dựng Đề án sửa đổi luật trình Quốc hội vào năm 2022.

   Công tác phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình theo Quy chế của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai hiệu quả (1). Từ năm 2017-2018, các Bộ, ngành đều họp theo định kỳ 6 tháng, 1 năm để đánh giá những kết quả đã đạt được và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tiếp theo. Trong đó, tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em trong gia đình gây bức xúc dư luận được quan tâm, đưa thành nội dung quan trọng của công tác phòng, chống bạo lực gia đình của từng Bộ, ngành.

   Theo thống kê số liệu về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình của Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố, số nạn nhân bị bạo lực gia đình là trẻ em có xu hướng giảm dần qua các năm, cụ thể như sau:

 

 

   Công tác tập huấn, xây dựng tài liệu

   Hằng năm, Bộ VHTTDL tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ, cung cấp những kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình cấp tỉnh và một số bộ, ban, ngành liên quan. Qua đó nâng cao hiệu quả việc thực hiện công tác gia đình nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình nói riêng (2). Các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở, cho đối tượng là già làng, trưởng bản đã cung cấp những kiến thức, kỹ năng để thực hiện công tác này tại địa bàn hiệu quả hơn, góp phần vào việc thực hiện các quyền của trẻ em được quy định tại luật phòng, chống xâm hại trẻ em.

   Bộ đã hoàn thiện các tài liệu để nâng cao, hoàn thiện trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp, cung cấp cho các thành viên gia đình những kiến thức kỹ năng xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống và hình thành nhân cách, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong gia đình:

   Đã hoàn thành 2 cuốn tài liệu tập huấn công tác gia đình và đã triển khai trong các lớp tập huấn năm 2017-2018.

   Năm 2017, đã xây dựng tài liệu về giáo dục đời sống gia đình, triển khai đến 63 tỉnh, thành và các cơ quan liên quan. Trong đó có nội dung cung cấp cho các thành viên trong gia đình các kiến thức, kỹ năng chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em; những việc cần làm khi phát hiện trẻ em bị xâm hại, bạo lực; cung cấp cho trẻ em kỹ năng để tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ bị xâm hại, bạo lực.

   Đang chỉnh sửa, hoàn thiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình với tiêu chí ứng xử chung là: tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ; nhấn mạnh tiêu chí ứng xử của cha, mẹ với con, ông, bà với cháu là gương mẫu, yêu thương. Chính tình yêu thương của ông bà cha mẹ dành cho con cháu sẽ là yếu tố đầu tiên để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị bạo lực, xâm hại trong gia đình và ngoài xã hội.

   Nội dung của các tài liệu trên đã được phổ biến, tiếp cận với người dân bằng nhiều hình thức khác nhau như trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa phát thanh, tài liệu tại các hệ thống thư viện, qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc, Phòng, chống bạo lực gia đình, trong các buổi họp tổ, thôn, xóm…

   Công tác nghiên cứu khoa học

   Bộ VHTTDL đã hoàn thành đề tài khoa học Giáo dục gia đình đối với trẻ em ở khu công nghiệp hiện nay; đưa ra thực trạng giáo dục gia đình đối với trẻ em trong gia đình công nhân trẻ tại các khu công nghiệp hiện nay. Đặc biệt, nhóm thực hiện đề tài đã đề xuất mô hình Câu lạc bộ gia đình công nhân nuôi dạy con. Theo đó, một câu lạc bộ có khoảng 15-20 gia đình công nhân trong một khu công nghiệp sẽ tổ chức các buổi sinh hoạt tập thể, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm, kỹ năng trong việc nuôi dạy con, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn; không chỉ dạy con ngoan ngoãn, lễ phép mà còn những kiến thức, kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ bản thân trước những hành động xâm hại, lạm dụng của người khác. Hiện nay, Bộ đang thực hiện đề tài Nghiên cứu đánh giá tiêu chí gia đình hạnh phúc để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác gia đình và trẻ em…

   Tuy nhiên, đến nay, việc thực hiện công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình vẫn còn những hạn chế

   Việc triển khai công tác gia đình có vai trò quan trọng với việc phòng, chống xâm hại trẻ em. Tuy nhiên hiện nay, đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình đang thiếu về số lượng và kinh nghiệm, chưa có đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở.

   Công tác phối hợp trong lĩnh vực gia đình và trẻ em giữa Bộ VHTTDL với các bộ, ban, ngành liên quan chưa thường xuyên và hiệu quả.

   Kiến thức chung về kỹ năng chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em trong gia đình, nhất là ở những vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số còn rất hạn chế.

   Kinh phí cho việc thực hiện nhiệm vụ về phòng, chống xâm hại trẻ em chưa có. Các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL đang lồng ghép nội dung này vào các nhiệm vụ chuyên môn và lấy kinh phí từ nguồn văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch để thực hiện trong phạm vi rất ít, chứ chưa có kinh phí riêng cho nhiệm vụ này.

   2. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình

   Đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả các văn bản, đề án về công tác gia đình, công tác trẻ em đã được phê duyệt.

   Khi xây dựng, ban hành và trình ban hành các văn bản về công tác gia đình phù hợp với giai đoạn mới (sửa đổi Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Chương trình giáo dục đời sống gia đình…), Bộ VHTTDL cần đưa vào những nội dung về trẻ em để đảm bảo quyền trẻ em.

   Phối hợp với các bộ, ban, ngành, đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động cụ thể về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong gia đình; xây dựng và tuyên truyền, phổ biến tài liệu hướng dẫn cha mẹ các kiến thức, kỹ năng chăm sóc, bảo vệ, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

   Các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL tăng cường thực hiện công tác trẻ em theo trách nhiệm được giao tại Luật trẻ em năm 2016 và các văn bản liên quan, lồng ghép nội dung vào nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị. Đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ phòng, chống bạo lực, xâm hại và lạm dụng trẻ em khi thực hiện các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và du lịch; về vai trò của gia đình là nơi bắt đầu trong việc hình thành, giáo dục đạo đức, nhân cách con người Việt Nam.

   Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trong đó có nội dung về bảo vệ, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng; lồng ghép nội dung này trong các buổi họp tổ, sinh hoạt nhóm, câu lạc bộ về gia đình trên địa bàn dân cư. Duy trì và nhân rộng các mô hình về gia đình, đưa nội dung về phòng, chống xâm hại trẻ em vào hoạt động của mô hình để tiếp cận được đông đảo người dân.

   Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó nhấn mạnh đến trách nhiệm, vai trò của gia đình, của ông, bà, cha, mẹ và các thành viên khác trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

   Khuyến khích sáng tác các tác phẩm; biểu diễn các chương trình nghệ thuật và tổ chức các hoạt động ở khu di tích, khu du lịch, địa điểm vui chơi giải trí có đưa nội dung phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Qua đó tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này.

   Thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại 12 tỉnh, thành phố và chỉ đạo các địa phương căn cứ vào điều kiện thực tiễn địa phương xây dựng và triển khai thí điểm bộ tiêu chí trên địa bàn.

   Tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan, gắn bó chặt chẽ mối quan hệ giữa gia đình – nhà trường – xã hội trong việc thực hiện công tác trẻ em. Đưa nội dung về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong các lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình, văn hóa cơ sở và cho đối tượng là các già làng, trưởng bản.

_______________

   1. Quyết định số 21/2016/QĐ-TTg ngày 17-5-2016 ban hành Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình.

   2. Năm 2017, tập huấn và cấp giấy chứng nhận cho 75 học viên, năm 2018 là 153 học viên.

 

Tác giả: Trần Tuyết Ánh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 422, tháng 8-2019

 

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *