Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) được dự đoán là đang và sẽ diễn ra với tốc độ nhanh, nhiều diễn biến khó lường, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Việc ứng dụng các xu hướng công nghệ tiên tiến như: trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, chuỗi khối, công nghệ in 3D, công nghệ sinh học… sẽ làm cho lực lượng sản xuất phát triển mạnh mẽ, cách thức sản xuất thay đổi theo chiều hướng tích cực và hiệu quả hơn. Một trong xu hướng tiên tiến đó là công nghệ in 3D đang được ứng dụng, phát triển rộng rãi trên thế giới. Bài viết phân tích một số dự báo tác động của CMCN 4.0, cụ thể là công nghệ in 3D, đến di sản văn hóa làng nghề truyền thống ở Việt Nam, qua trường hợp làng nghề tranh dân gian Đông Hồ.
1. Dự báo tác động của công nghệ in 3D đến việc bảo tồn di sản văn hóa làng nghề truyền thống ở Việt Nam
Công nghệ in 3D là một trong những đại diện của xu hướng về sự thay đổi của công nghệ vật lý – chiếm vai trò chủ đạo trong CMCN 4.0. Gần đây, do những bước đột phá trong nguyên liệu in cũng như cách thức in khiến cho công nghệ in 3D khẳng định được vị thế trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang và sẽ diễn ra. “Công nghệ in 3D là công nghệ bao gồm việc tạo ra một đối tượng vật lý bằng cách in theo các lớp từ một bản vẽ hay một mô hình 3D có trước” (1). Nó khác với kỹ thuật in trước đó, bởi “công nghệ in 3D bắt đầu với vật liệu rời và sau đó tạo ra một sản phẩm ở dạng ba chiều từ mẫu kỹ thuật số” (2). Công nghệ in 3D có tiềm năng tạo ra các sản phẩm rất phức tạp mà không cần các thiết bị phức tạp (3). Theo thời gian, máy in 3D sẽ vượt qua những trở ngại về tốc độ, chi phí, kích thước và trở nên phổ biến hơn. Lần đầu tiên trên thế giới, người ta đã in và sản xuất được xe ô tô bằng công nghệ in 3D. Dự báo, đến năm 2025: 84% số người được hỏi dự kiến điểm tới hạn này sẽ xảy ra. Gartner đã cho thấy các giai đoạn khác nhau của công nghệ in 3D và tác động thị trường của chúng và đánh dấu việc hầu hết các doanh nghiệp sẽ sử dụng công nghệ này khi bước vào chu kỳ “sườn dốc sáng tỏ” (4).
Tác động tích cực đến quy trình ra mẫu sản phẩm
Nhìn chung, tất cả các sản phẩm thủ công của làng nghề truyền thống đều trải qua các công đoạn tạo mẫu, sản xuất, phân phối, tiêu thụ và đánh giá chất lượng. Máy in 3D có thể giúp rút ngắn thời gian tạo mẫu prototype – vật mẫu đầu tiên (5), tăng độ chính xác cho vật thể in, tiết kiệm chi phí đầu tư và đáp ứng được nhu cầu thị trường cạnh tranh hiện nay. Doanh nghiệp hay cá nhân khi sở hữu một chiếc máy in 3D chắc chắn sẽ cải tiến phương thức sản xuất, phát huy khả năng sáng tạo và tăng năng suất lao động. Nếu trang bị một chiếc máy in 3D tại nơi làm việc, một nghệ nhân sản xuất tranh Đông Hồ thủ công trên giấy dó hay khắc tranh dương bản trên gỗ thị có thể tạo nhanh các vật mẫu mà không cần mất hàng tuần cho việc lên ý tưởng hay sáng tác trước. Trong tương lai, chúng ta sẽ có những máy in công nghiệp sản xuất ra hàng loạt sản phẩm hàng hóa, kể cả các mặt hàng thủ công mỹ nghệ trước đây thuần làm bằng tay. Máy móc có thể thay thế con người trong sản xuất và sáng tạo ở các làng nghề thủ công. Từ đó, tạo ra nhiều việc làm mới, sản phẩm mới, tạo mẫu ra đời nhanh hơn, năng suất lao động tăng cao, hiệu quả kinh tế vượt trội trong thời công nghệ.
Tác động tích cực đến công cụ và quá trình sản xuất
Trước tiên, có thể khẳng định rằng, với sự cải tiến công nghệ in 3D như hiện nay, giá thành của một chiếc máy này không quá cao (6). Vì thế, không chỉ doanh nghiệp lớn mà ngay cả những cá nhân cũng có thể sở hữu nó. Với bản vẽ thiết kế 3D và chiếc máy in 3D, các nghệ nhân sẽ sở hữu một vật mẫu in sau vài giờ với các thông số kỹ thuật có thể đạt mức chính xác gần như tuyệt đối. Thứ đến, máy in 3D không chỉ phục vụ được cho các làng nghề thủ công đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác cao, mà cả với nghề sản xuất hàng loạt những vật thể kích thước lớn hay đa dạng hình khối. Chúng ta có thể áp dụng đồng thời cả kỹ thuật in 3D, 4D (7) trong việc chế tác mẫu và đo đếm khả năng biến đổi kích thước theo thời gian, chiều thứ tư của sản phẩm trong thực tế điều kiện môi trường bên ngoài. Kết hợp công nghệ in 3D, 4D sẽ giúp nhiều làng nghề truyền thống sử dụng đa chất liệu như: đất gốm sứ, sắt, gỗ, giấy, tre, bạc… có thể hiện thực hóa khả năng tự động hóa của máy móc, thay thế con người, mà sản phẩm vẫn đảm bảo chất lượng thẩm mỹ và nghệ thuật tạo hình. Hiện nay, bằng những công nghệ hiện đại nhất, với việc ứng dụng công nghệ in 3D trên các vật liệu khác nhau, người ta đã sáng chế nhiều loại máy in có thể tạo được sản phẩm từ gỗ, gốm như: máy in CRC, máy cắt, khoan, đục gỗ; từ sáu mũi khoan, máy có thể tạo ra đồng thời 6 sản phẩm đẹp mắt, giống y hệt nhau. Điều đó cho phép các làng nghề thủ công truyền thống có thể tự động hóa trên dây truyền sản xuất hiện đại.
Tác động tích cực đến vùng nguyên liệu và sự phân phối sản phẩm
Thực tế, hiện nay nơi sản xuất hàng thủ công truyền thống khá xa vùng nguyên liệu. Trong tương lai, các ngành nghề thủ công gắn với nền văn minh nông nghiệp như, nghề mây tre đan, nghề làm nón lá… có thể tiến gần hơn đến các vùng nguyên liệu (thường ở vùng nông thôn, miền núi xa thành phố). Bởi khi đó, công nghệ in 3D, 4D trở nên phổ biến hơn, tạo thuận lợi cho người dân vùng sâu, vùng xa phát triển hơn về mặt sản xuất và phân phối nguyên liệu cũng như sản phẩm. Vì thế sẽ thu hẹp hơn khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn, miền núi và đô thị, sự phát triển xã hội sẽ tương đối công bằng hơn.
Tác động tích cực lên phương thức bảo tồn di sản văn hóa
Tác động tích cực của công nghệ in 3D không chỉ trên phương diện phương pháp, kỹ thuật in 3D hay ở chất liệu in 3D mà còn ảnh hưởng đến các phương thức bảo tồn di sản văn hóa: bảo tồn nguyên trạng, bảo tồn kế thừa và bảo tồn phát huy. Từ mục tiêu và phương thức bảo tồn đó sẽ quyết định việc ứng dụng công nghệ in 3D, trong bảo tồn di sản văn hóa đó như thế nào. Ví dụ như làng nghề tranh dân gian Đông Hồ, với những bản khắc tranh cổ, quý hiếm còn lại, nếu chúng ta ứng dụng kỹ thuật, chất liệu và cách thức in 3D, sẽ giữ gìn được nét tinh túy đó của di sản mãi về sau. Bởi các bản khắc gỗ cổ qua thời gian sẽ bị hao mòn, cùng với cách bảo quản tự nhiên như hiện nay, khó có thể đảm bảo nguyên vẹn. Nếu được ứng dụng kỹ thuật in 3D trên chất liệu gỗ và tạo ra được nhiều bản khắc cổ giống y hệt bản gốc thì chắc chắn, nghề tranh dân gian Đông Hồ sẽ vẫn bảo lưu được vốn di sản quý của cha ông để lại.
Tác động tiêu cực đến thị trường lao động, chất lượng nguồn nhân lực và đầu ra sản phẩm
Khi công nghệ in 3D trở nên phổ biến, có thể đe dọa đến người lao động trong các lĩnh vực sản xuất bởi nhu cầu về người có kỹ năng với máy móc công nghệ sẽ tăng cao, trong khi người lao động thủ công chưa kịp thích ứng với sự thay đổi của công nghệ mới. Từ đó đặt ra cho người lao động các thách thức về năng lực tiếp cận thông tin và khả năng xử lý các vấn đề đặt ra cho sự phát triển của nghề thủ công truyền thống đó. Nguy cơ thất nghiệp cho người lao động thủ công đơn thuần, nếu như máy móc được thay thế toàn bộ quá trình sản xuất thủ công và phân phối sản phẩm. Sản phẩm khó cạnh tranh khi nhu cầu sử dụng không tăng lên. Thị trường đầu ra của sản phẩm cũng gặp khó khăn hơn về tiêu thụ khi máy móc in 3D, 4D có thể làm hết được mọi loại sản phẩm.
Tác động tiêu cực đến vấn đề bản quyền tác giả
Sự phổ biến của công nghệ in 3D có mặt trái của nó như vấn đề đạo đức nghề nghiệp, chữ tín trong doanh nghiệp làm nghề thủ công. Bởi các sản phẩm công nghệ lúc đó sẽ được sản xuất đại trà, giống nhau, không có sự độc đáo và độc nhất, không thể hiện được rõ nét tâm hồn của chủ thể sáng tạo. Vấn đề vi phạm bản quyền và bí quyết nghề nghiệp, hàng nhái, hàng thật khó phân biệt và vấn nạn sao chép, làm hàng giả trở nên tinh vi, khó kiểm soát. Ví dụ ở làng nghề tranh Đông Hồ, nếu việc in bản tranh khắc cổ diễn ra bằng công nghệ máy in 3D được thực hiện, sẽ tạo ra những bản sao chép công nghệ vi phạm tác quyền và bảo mật, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín và thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp cũng như nghệ nhân làm nghề. Chúng ta sẽ khó thấy được tính lịch sử trong mỗi sản phẩm nghề truyền thống. Khi đó, di sản văn hóa làng nghề truyền thống sẽ chỉ còn trong ký ức, hoặc sẽ được phổ biến rộng rãi hơn theo nhiều cách khác nhau. Đó là bài toán quản lý đặt ra trước thách thức nhân bản rộng rãi này. Ví dụ tranh Đông Hồ không chỉ được sản xuất ở Đông Hồ nữa mà sẽ ở nhiều nơi khác, vậy đâu là cốt lõi của di sản văn hóa làng nghề truyền thống này, làm thế nào để quản lý được sự mô phỏng bắt chước, làm giống y hệt ở một nơi khác?
Tác động tiêu cực, gia tăng cạnh tranh giữa các vùng nguyên liệu
Mặt trái của sự thay đổi ở các làng nghề truyền thống trong tương lai khi ứng dụng công nghệ in 3D vào sản xuất là sự cạnh tranh giữa các vùng nguyên liệu sẽ tăng lên, dẫn đến những mâu thuẫn kinh tế và xã hội mới. Bởi, nguyên liệu là thứ cốt lõi làm nên sản phẩm văn hóa và thương hiệu cho mỗi làng nghề. Vì vậy, khi máy móc và công nghệ in 3D, 4D tiên tiến trở nên phổ biến, việc tìm kiếm các vùng nguyên liệu cũng trở nên khó khăn hơn. Đặc biệt là vùng nguyên liệu cho sản phẩm làng nghề truyền thống như gốm sứ, tranh khắc gỗ, nón lá, mây tre… sẽ tham gia vào cuộc chạy đua để khẳng định thương hiệu và sức mạnh cung ứng ra thị trường. Trong tương lai, vùng nguyên liệu tại chỗ khó có thể đáp ứng được hết các nhu cầu của con người, do vậy sẽ là sự tìm kiếm và thay thế liên tục bằng những nguyên vật liệu mới.
Tác động tiêu cực đến xu hướng biến đổi của di sản văn hóa thời hiện đại
Văn hóa truyền thống Việt Nam đang bị tác động bởi các ứng dụng công nghệ hiện đại, như trường hợp tranh Đông Hồ được sáng tạo để làm nền cho công nghệ smartphone (thương vụ thành công của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế – làng tranh Đông Hồ với thương hiệu cà phê nổi tiếng Highlands, kết quả của dự án Đương đại hóa tranh Đông Hồ cùng Highlands Coffee). Theo tôi, sẽ có hai khả năng xảy ra, một là di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ sẽ được nhiều người biết đến ở góc nhìn sáng tạo công nghệ mới và trở nên nổi tiếng hơn (văn hóa phù hợp với công nghệ) (8); hai là giá trị văn hóa truyền thống của tranh Đông Hồ sẽ bị thay đổi theo hướng tiêu cực về mặt nhận thức bởi những người trẻ hay thế hệ sau này (hiện đại hóa và mặt trái của công nghệ). Phải chăng, khi tranh Đông Hồ đã định hình được thương hiệu rõ nét, người chủ sở hữu di sản có quyền chuyển nhượng tác quyền mà không cân nhắc đến mục đích và nội dung sự sáng tạo, hay đó là sự thức thời, đón kịp xu thế đổi mới của họ trong tương lai của CMCN 4.0 khi “cá nhân là trung tâm”(9).
2. Một số giải pháp phát huy lợi thế, hạn chế tiêu cực của CMCN 4.0 với việc bảo tồn di sản văn hóa làng nghề
Sự tác động hai mặt của CMCN 4.0 lên di sản văn hóa dân tộc, di sản văn hóa làng nghề truyền thống đòi hỏi có giải pháp kịp thời, đúng hướng. Bên cạnh giải pháp chung được đưa ra theo Chỉ thị số 16/CT-TTg “về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (10), cần thiết chú trọng một số giải pháp cụ thể nhằm hạn chế mặt trái của công nghệ in 3D đến việc bảo tồn di sản văn hóa làng nghề truyền thống:
Nâng cao nhận thức, khuyến khích người dân sáng tạo, đồng thời có chế tài quản lý hiệu quả bằng những phần mềm ứng dụng công nghệ tiên tiến. Bởi khi công nghệ số bùng nổ, cuộc chơi là công bằng, không phân biệt vùng, miền, lứa tuổi, giới tính…
Chú trọng phân vùng nguyên liệu và kiểm soát hệ thống bằng phần mềm công nghệ như: dữ liệu lớn, vạn vật kết nối hay ứng dựng blockchain… Tránh sự phát triển tự phát, chồng chéo không kiểm soát, lấy trộm dữ liệu, vi phạm bản quyền làm bất lợi cho doanh nghiệp làng nghề làm ăn chân chính. Khi thị trường nguyên vật liệu ngày càng mở rộng và đặt trong môi trường cạnh tranh gắt gao, cần tìm ra những nguyên liệu tốt nhất có thể để sử dụng cho các loại máy công nghệ cao như 3D, 4D trong các làng nghề truyền thống.
Nhà nước cần bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Cần có phần mềm quản lý vấn đề tác quyền, bí quyết nghề nghiệp ở các làng nghề truyền thống, đăng ký bảo hộ sản phẩm, quy định tên tuổi, định vị khoa học của cá nhân, doanh nghiệp trên mỗi sản phẩm họ làm ra.
Với chủ nhân sở hữu di sản văn hóa làng nghề, nhà nước cần có chính sách khuyến khích cập nhật những kỹ năng và công nghệ mới; tổ chức kết nối mạng lưới và trao cho họ quyền tự chủ, tự quyết định những bước đi mới, sáng tạo, phù hợp với hiện đại mà không mất đi giá trị văn hóa truyền thống.
Ứng phó với sự gia tăng tình trạng thất nghiệp của lao động thủ công trong các làng nghề truyền thống khi máy móc công nghệ thay thế sức người, cần sự chung tay, góp sức trong việc tạo ra nhiều việc làm mới liên quan đến lĩnh vực công nghệ, dịch vụ; đồng thời đào tạo kỹ năng mới cho họ bằng các ứng dụng công nghệ số; hỗ trợ về vốn và giải pháp kỹ thuật giúp cho những nghệ nhân, người chủ sở hữu di sản, lao động làng nghề vững vàng, tự tin làm chủ thời thế.
Bài toán quản lý với lĩnh vực lịch sử hóa sản phẩm làng nghề được đặt ra trong thời đại công nghệ số. Khi sản phẩm sẽ được làm ra đồng loạt, tại nhiều địa điểm khác nhau trên cả nước, làm sao để quản lý được sản phẩm làm ra ở nơi này mà không phải nơi khác? Làm sao để phân biệt được hàng thật và hàng giả? Giải pháp công nghệ số bằng mã vạch, ký hiệu sẽ phần nào giải quyết được khó khăn trên. Với các làng nghề truyền thống có đặc thù về chất liệu, lịch sử ra đời và quá trình phát triển, nhà nước cần có quy định chặt chẽ, rõ ràng mang tính quy ước (như quản lý bằng mã vạch, con số và ký hiệu mật mã trên hệ thống thông tin số…). Khi đó, người tiêu dùng sẽ nhận biết được sản phẩm của mỗi làng nghề, hiểu biết về nền văn hóa truyền thống đằng sau những mã vạch và tôn trọng lịch sử phát triển đó.
Giải pháp đối phó với sự thay đổi trục trung tâm – ngoại vi giữa cá nhân và cộng đồng, khi cá nhân là trung tâm và cộng đồng là vệ tinh xoay quanh đó. Nhà nước cần thay đổi cách quản lý và tạo ra hành lang pháp lý trong lĩnh vực văn hóa, để mỗi cá nhân vừa duy trì được cá tính của mình, đồng thời tìm được nguồn gốc đa dạng và dân chủ trong thời đại kỹ thuật số. Các làng nghề cần phải thay đổi căn bản trên cơ sở lấy sản phẩm làm trung tâm và sự ứng dụng công nghệ trong dây chuyền sản xuất làm nền tảng của sự phát triển.
Cuộc CMCN 4.0 sẽ thay đổi nhận thức của con người, tái tạo lại thế giới và đặt ra yêu cầu về sự hiểu biết, định hướng đúng đắn về những điều cần thiết phải thay đổi nếu không muốn bị đào thải, thụt lùi trong xã hội mới. Công nghệ in 3D là một trong những nhân tố chủ đạo của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Công nghệ in 3D sẽ không chỉ là tương lai của ngành in ấn mà sẽ tạo ra những đột phá và tạo ra tương lai cho cả cuộc sống của tất cả chúng ta. Trong đó, CMCN 4.0 nói chung và công nghệ in 3D nói riêng sẽ có những tác động tích cực và tiêu cực đến việc bảo tồn các di sản làng nghề truyền thống của Việt Nam.
_______________
1, 2. Trần Thị Vân Hoa (chủ biên), Cách mạng công nghiệp 4.0 – vấn đề đặt ra cho phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam (sách chuyên khảo), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2017, tr. 30, 31.
3. stratasys.com
4. Dan Worth, Thương mại hóa việc sử dụng công nghệ in 3D đi trước hiểu biết của người tiêu dùng nhiều năm, v3.co.uk, 19 – 8 – 2014.
5. Một nguyên mẫu là một đầu mẫu, vật thể mẫu, hoặc phát hành một sản phẩm được xây dựng để thử nghiệm một khái niệm hoặc quá trình hoặc hoạt động như một điều cần được nhân rộng hoặc rút ra. Việc tạo ra các nguyên mẫu sẽ khác với việc tạo ra sản phẩm cuối cùng theo một số cách cơ bản về vật liệu, quy trình, xác minh…
6. Gần 133.000 máy in 3D đã được bán trên thế giới trong năm 2014, tăng 68% so với năm 2013. Phần lớn các máy in được bán với giá dưới 10.000 USD, do đó áp dụng phù hợp tại những phòng thí nghiệm và trường học cho tới các doanh nghiệp sản xuất nhỏ. Kết quả là quy mô của các ngành công nghiệp vật liệu và dịch vụ in 3D tăng trưởng mạnh, lên mức 3,3 tỷ USD (Những phân tích của Mitek và Zogby, Millennial Study, tháng 9 – 2014).
7. Công nghệ in 4D là phiên bản mới của in 3D, với chiều thứ tư chính là khả năng “tự lắp ráp”. Theo một cách hiểu khác, chiều thứ tư ở đây là “thời gian” tăng thêm để hoàn thiện hình dạng vật thể. Nếu máy in 3D in chồng từng lớp vật liệu thành khối để tạo vật thể ba chiều thì in 4D cũng sử dụng kỹ thuật chồng lớp này. Nhưng khác với máy in 3D tạo ra vật thể “tĩnh”, sản phẩm của máy in 4D là những mô hình “thông minh” được lập trình để có thể tự biến đổi và lắp ráp thành nhiều hình dạng theo thiết kế khác nhau.
8. Klaus Schwab, The Fourth Industrial Revolution, 2016, tr.24. (Nguyên bản tiếng Anh và dịch sang tiếng Việt – dịch giả: Đồng Thị Bích Ngọc, Trần Thị Mỹ Anh). Theo Klaus Schwab: “Các quy tắc cạnh tranh của các nền kinh tế trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là khác với các giai đoạn trước. Để giữ thế cạnh tranh, phải đạt tới giới hạn của sự đổi mới trong mọi hình thức, phải tập trung xây dựng hệ sinh thái đổi mới một cách phù hợp”.
9. sđd, tr.72, theo Klaus Schwab: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ làm thay đổi những gì chúng ta làm mà còn thay đổi việc chúng ta là ai” đặc biệt là sự nổi lên của xã hội “cá nhân là trung tâm” – một quá trình cá nhân hóa và sự xuất hiện của những hình thức phụ thuộc và cộng đồng mới.
10. Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 4 – 5 – 2017.
Tác giả: Nguyễn Thị Hạnh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 414, tháng 12 – 2018
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%