Cách tiếp cận mới về Nàng Kiều trên sân khấu thử nghiệm


Với 3.254 câu thơ lục bát viết bằng chữ Nôm, Truyện Kiều đã trở thành một tài sản văn học chung của thế giới, được dịch ra hàng chục thứ tiếng. Cho đến nay, Truyện Kiều vẫn luôn là một đề tài, nguồn cảm hứng vô tận cho giới mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh… Vẻ đẹp ngôn ngữ cùng giá trị hiện thực và nhân văn sâu sắc của Truyện Kiều đã trở thành một phần của di sản văn hóa Việt và thế giới. Ngài Wilfried Eckstein – Giám đốc Viện Goethe tại Hà Nội đã nhận xét rằng: “Tất cả chúng ta và cả nàng Kiều nữa đều sống chung một cõi” (1). Nhưng liệu hình ảnh người phụ nữ như Kiều còn phù hợp với thời đại ngày nay? Và đặc biệt, những chất liệu kinh điển nào của tác phẩm có thể đưa lên sân khấu đương đại?

Đó là những câu hỏi xuyên suốt dự án Nàng K…Cách tiếp cận mới về một di sản văn hóa mà Viện Goethe hợp tác cùng các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực trong suốt 3 năm qua để cùng giải mã Kiều. Bên cạnh nhiều hoạt động như: hội thảo Đọc lại Truyện Kiều, triển lãm Nàng K… với các tác phẩm cắt kéo và khắc gỗ của nữ nghệ sĩ Franca Bartholomäi…, điểm nhấn của chuỗi dự án này chính là bốn tác phẩm sân khấu Nàng Kiều với 4 cách tiếp cận mới mẻ của 4 vị đạo diễn nổi tiếng: Amélie Niermeyer (CHLB Đức), Trần Lực, Bùi Như Lai, Hồng Vân, để dựng nên những lát cắt về thân phận người phụ nữ theo cách nhìn hiện đại.

Buổi họp báo ngày 08-10-2019 tại Viện Goethe, Hà Nội

Năm 2019, có thể được coi là một năm của sân khấu Kiều. Không hẹn mà gặp, tháng 6-2019, vở Múa Kiều của nữ đạo diễn, biên đạo múa người Hàn Quốc, bà Yoo Oh Chun ra mắt với hình ảnh 3 nàng Kiều tượng trưng cho quá khứ, hiện tại và tương lai. Đến cuối tháng 9-2019, lần đầu tiên Truyện Kiều được đưa lên sân khấu nhạc kịch với kịch bản được dịch sang tiếng Pháp do các nghệ sĩ tài năng của Pháp và Việt Nam thể hiện tại Trung tâm Văn hóa Pháp – L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội, sân khấu kịch Idecaf và Trung tâm Văn học nghệ thuật TP.HCM. Nhà hát Múa rối Việt Nam dàn dựng vở Thân phận nàng Kiều, mang đầy tính thử nghiệm, sáng tạo và giành Huy chương vàng vở diễn, giải đạo diễn xuất sắc, giải họa sĩ xuất sắc… trong Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm tháng 10 vừa qua. Rõ ràng, nếu chỉ kể lại đơn thuần tác phẩm Truyện Kiều trên sân khấu, thì không còn phù hợp với thời đại hiện nay nữa. Với tham vọng khai thác tác phẩm Truyện Kiều từ những góc nhìn khác nhau về nàng Kiều thông qua nghệ thuật sân khấu, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến – Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, người được phân công điều phối dự án này chia sẻ: “Chương trình này không phải đưa Kiều trở lại như một tác phẩm văn chương của quá khứ, mà làm thế nào để tạo ra cuộc đối thoại cùng con người hôm nay, để tìm ra sự liên quan giữa các câu chuyện tưởng như xưa cũ về những vấn đề xoay quanh tình yêu, đạo hiếu, công lý, tha hóa quyền lực…” (2).

Điểm đặc biệt của dự án chính là việc tìm ra 4 vị đạo diễn với những cách khai thác độc đáo về Truyện Kiều. Amélie Niermeyer là một nữ đạo diễn người Đức đến từ nền văn hóa phương Tây, có nhiều tác phẩm về phụ nữ, còn nữ đạo diễn Hồng Vân đến từ Sân khấu kịch Hồng Vân, TP. HCM. Đạo diễn Trần Lực đến từ Đoàn kịch Lực Team, gần đây đã mang lại luồng gió mới cho sân khấu miền Bắc với những cách tân trong hình thức dàn dựng, biểu diễn, gây được sự chú ý của công chúng. Còn đạo diễn Bùi Như Lai vừa tròn 40 tuổi, đã làm việc 20 năm tại Nhà hát Tuổi trẻ, anh đã có nhiều vở diễn đáng chú ý trong một số dự án có sự tài trợ của nước ngoài về đề tài giới trẻ, giới tính.

Với một đề bài khá thú vị, dự án yêu cầu mỗi tác phẩm có thời lượng khoảng 20 – 25 phút, mỗi đạo diễn tự lựa chọn tái hiện một giai đoạn trong cuộc đời của nàng Kiều hoặc kết cấu Truyện Kiều theo một cách riêng để biểu đạt được ý đồ sáng tạo của mình. Lăng kính của đạo diễn cũng như phong cách dàn dựng của từng đơn vị nghệ thuật là yếu tố quyết định đến sự thành công của tác phẩm. Điều này đã tạo nên sự cạnh tranh trong nghệ thuật và sự hào hứng đối với từng đạo diễn khi tham gia dự án. Từ góc nhìn đương đại, mỗi đạo diễn đã khai thác và giải mã Truyện Kiều theo một cách riêng, để từ đó tìm được sợi dây kết nối giữa quá khứ với những vấn đề hiện hữu trong xã hội hiện đại.

Đạo diễn Amélie Niermeyer chia sẻ, lần đầu tiên đọc Truyện Kiều cách đây 2 năm, bà đã rung động với câu chuyện đoạn trường của Kiều. Không mạo hiểm thuật lại một tác phẩm mà người Việt Nam đã hiểu sâu sắc, bà hướng tới đối thoại để giúp người xem hiểu ngày nay người ta đọc Truyện Kiều, suy nghĩ về Kiều như thế nào. Bằng cách sử dụng sân khấu tài liệu, vở diễn của Amélie Niermeyer bàn đến những vấn đề còn mang tính thời sự trong Truyện Kiều như cách đàn ông đối xử với phụ nữ, suy nghĩ của mọi người đối với những mối quan hệ ngoài hôn nhân…

Một cảnh trong vở diễn của Đạo diễn Amélie Niermeyer 

Lấy bối cảnh tại một nhà hàng, nơi cô Quỳnh được chồng tổ chức sinh nhật và tặng một cuốn Truyện Kiều, đạo diễn Amélie Niermeyer đã kết nối khá khéo léo sự tương đồng giữa nhân vật trên trang sách và xã hội hiện đại để trình bày quan điểm của mình. Tại đây, một cuộc thảo luận sôi nổi diễn ra giữa những người trẻ tuổi về Truyện Kiều, từ đó tìm ra được những điểm tương đồng giữa các nhân vật trong xã hội hiện đại, về mối quan hệ giữa Thúy Kiều – Thúc Sinh – Hoạn Thư. Diễn viên Thu Quỳnh – đảm nhận vai Hoạn Thư chia sẻ: “Trong mối quan hệ ba người, người sai không phải Hoạn Thư hay Kiều mà là Thúc Sinh. Vậy tại sao mọi người lại bỏ qua khía cạnh về người đàn ông khi xét đến câu chuyện này?” (3).

Đặt mối tình tay ba giữa Thúy Kiều – Thúc Sinh – Hoạn Thư vào bối cảnh hiện đại, không phải ở TK XVIII như nguyên tác, Amélie Niermeyer không muốn khai thác tấn bi kịch của cuộc đời nàng Kiều mà bà muốn “gửi bức thông điệp mới cho khán giả, đặc biệt là những người phụ nữ hiện đại, để họ tìm thấy mình trong các nhân vật ở vào những thời điểm khó khăn của cuộc đời, từ đó cảm thấy tự tin và mạnh mẽ đương đầu với các thử thách hiện tại” (4).

Sau tiết mục mở màn của nữ đạo diễn người Đức, người xem bị cuốn hút vào bản dựng của NSƯT Trần Lực với dấu ấn đặc biệt bằng sự thể nghiệm kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Với phong cách ước lệ biểu hiện, thủ pháp đưa nghệ thuật tuồng vào sân khấu đương đại, cách kể của NSƯT Trần Lực đầy thú vị, lôi cuốn người xem. Tại buổi họp báo, đạo diễn Trần Lực chia sẻ: “Ngôn ngữ sân khấu của tôi vẫn là ước lệ biểu hiện. Nó vẫn là gốc, là từ sân khấu truyền thống tuồng chèo của Việt Nam cộng hưởng thêm những yếu tố mang tính đương đại của châu Âu. Cụ Nguyễn Du nổi tiếng thế giới bằng câu chuyện về Kiều và bằng thơ lục bát. Trong kịch bản tôi và anh Đỗ Trí Hùng cũng viết theo thể thơ lục bát. Đây không phải là kịch thơ, mà tự dưng thoại của diễn viên cũng có giai điệu, có nốt. Tức là chúng tôi ước lệ cả trong nghệ thuật tiếng nói. Cái này thực ra chèo tuồng thì đầy rồi, mình đưa vào sân khấu kịch đương đại thôi” (5).

Nàng Kiều trong trang phục vest đen hiện đại bước ra sân khấu trên nền nhạc của bộ trống gõ. Không khai thác sự bi lụy, truân chuyên của thân phận nàng Kiều mà mong muốn mang tới cho khán giả một hình tượng nhân vật tràn đầy nghị lực, sức sống, dẫu có bị cuộc đời vùi dập tới đâu. Những gã đàn ông xung quanh Kiều, dù là anh hùng như Từ Hải, hay gian xảo như Sở Khanh đều yếu đuối khi đứng trước Kiều. Mọi cuộc đối thoại giữa Từ Hải, nàng Kiều và Sở Khanh vẫn bám sát nội dung Truyện Kiều với lời thoại viết theo thể lục bát, nhưng lại đầy ắp thông tin thời đại về chuyện môi giới, ngã giá với chân dài, lừa lọc những cô gái trẻ nhẹ dạ bước chân vào showbiz…

Chính nghệ thuật biểu diễn truyền thống của Việt Nam, những yếu tố mang tính đương đại của Châu Âu và thoại kịch được kết hợp hài hòa trên sân khấu đương đại, đã mang lại cho người xem những cảm nhận rất thú vị về Truyện Kiều theo phong cách Lực Team. Thông điệp mà đạo diễn Trần Lực muốn gửi gắm đó là: “Trải qua bao cuộc bể dâu, bao nhiêu biến cố mà nàng Kiều vẫn mạnh mẽ, yêu đời, khát khao sống. Những người phụ nữ như vậy xứng đáng có được cuộc sống hạnh phúc” (6).

Được coi là một trong những người khai phá loại hình kịch đương đại, đạo diễn NSƯT Bùi Như Lai mang đến bản dựng thu hút người xem từ cách xây dựng kịch bản, tuyến nhân vật, đến trang trí sân khấu. Tác phẩm của NSƯT Bùi Như Lai gây ấn tượng mạnh về thị giác, với rất nhiều bậc thang, dây dợ, các nhân vật đối thoại với nhau một cách gay gắt, và có nhiều biểu hiện của bạo lực. Đạo diễn trẻ muốn hướng đến một sân khấu mở với quan điểm về niềm khát khao tự do của thân phận người phụ nữ. Những sợi dây thừng được xem như sự giam cầm, trói buộc của định kiến trong xã hội. Đạo diễn sử dụng rất nhiều công nghệ hiện đại, như điện thoại thông minh, đài cassette và đài loa kết nối bluetooth… để thể hiện sự tác động của truyền thông, những vấn đề liên quan đến định kiến của con người, của xã hội. Điểm nhấn trong diễn xuất của các nhân vật chính là cảm xúc. Ngôn ngữ đối thoại được hạn chế tối đa, thay vào đó là các bước chuyển động của nghệ thuật hình thể kết hợp với âm nhạc. Đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai cho biết: “Tôi lấy tinh thần từ trong nhân vật Kiều của Nguyễn Du. Ở đó, tôi nhìn thấy rất rõ vấn đề định kiến và vấn đề bạo lực trong câu chuyện. Ở bản dựng của tôi, các bạn có thể nhìn thấy rất nhiều dây thừng. Tôi quan niệm dây thừng ở đây là sự trói buộc và cũng là những quy định và định kiến. Và thân phận của người phụ nữ trong tác phẩm của tôi, không rõ ra là Kiều, chỉ đơn thuần là thân phận của người phụ nữ và người đàn ông. Có những người đàn ông sinh ra, tạo ra định kiến. Và bản thân họ cũng gặp bi kịch vì chính định kiến do họ tạo ra. Kể cả nhiều phụ nữ hiện đại bây giờ, cho đến những phụ nữ trước chúng ta rất lâu, đều gặp vấn đề là: bị sống trong những định kiến do những người xung quanh tạo ra” (7).

Một cảnh trong vở diễn của Đạo diễn Amélie Niermeyer

Với khoảng thời gian 25 phút, bối cảnh: rất nhiều dây thừng, bàn ghế, loa đài và nhiều người đàn ông vây quanh, vở kịch chỉ có hình ảnh hai người phụ nữ: một truyền thống, một hiện đại, xuất hiện cạnh nhau, quấn quýt vào nhau rồi lại tách rời, bị đọa đày. Khai thác được thế mạnh giữa kịch hình thể và kịch nói, đạo diễn đã mang lại những phân đoạn cao trào và ám ảnh. Xoay quanh 4 chủ đề chính: thân phận, tình yêu, định mệnh và tự do, vở kịch ám ảnh người xem với câu hỏi: “Phụ nữ đã sinh ra thế giới, cớ sao thế giới lại đạp họ xuống bùn đen? Đến bao giờ phụ nữ được là chính mình, được yêu và được tôn thờ?”.

Cuối cùng là tác phẩm Ngẫm Kiều của đạo diễn Hồng Vân (kịch bản: Lê Quốc Nam). Vở diễn thể hiện theo lối nhạc kịch truyền thống, gồm người dẫn chuyện (do diễn viên Ốc Thanh Vân đóng) đọc những câu thơ và nhân vật minh họa cho lời thơ đó. NSND Hồng Vân chia sẻ: “Tiết mục của chúng tôi mang đến sự dung dị, chân phương. Cách chúng tôi làm là vận dụng âm nhạc, nhấn vào ca khúc, ca từ. Giai điệu, nhạc phối cho tác phẩm đều do nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung viết” (8). Khác hoàn toàn với 3 tác phẩm trên, vở diễn đến từ phương Nam khai thác mối quan hệ giữa Thúy Kiều, Đạm Tiên và Hoạn Thư trong các phân cảnh Kiều gặp Đạm Tiên và Kiều báo ân báo oán Hoạn Thư. Thúy Kiều trong vở kịch hiện lên đa chiều, cô biết ơn sâu nặng những người đã cứu giúp, trả thù những kẻ đã hãm hại mình và có những toan tính, thù hận riêng. Theo tác giả kịch bản Lê Quốc Nam, hình tượng Hoạn Thư và Đạm Tiên như bản ngã của Thúy Kiều về tình yêu và sự buông bỏ, thứ tha. Điểm khác biệt của vở kịch chính là yếu tố kinh dị được lồng ghép trên nền màu sắc liêu trai, tạo nên mạch nối giữa các quyết định của Kiều. Tác phẩm có những phá cách khi sử dụng thủ pháp quay ngược lại thời gian để sáng tạo một giấc mơ Kiều, mà ở đó, Kiều được sống hạnh phúc mãi mãi bên Từ Hải. Với tiết mục này, đạo diễn Hồng Vân mong muốn: “Mọi người cùng suy ngẫm số phận nàng Kiều, và tất cả chúng ta ở đây là do thiên định hay nhân định?”.

Dự án sân khấu thử nghiệm Nàng Kiều thực sự đã thành công. Dù chọn những cách thể hiện khác nhau, nhưng cả 4 bản dựng đều đặt vấn đề về sự tự do, quyền bình đẳng của người phụ nữ. Người xem, đặc biệt những người phụ nữ hiện đại đã tìm thấy sự kết nối giữa bản thân và nàng Kiều trong cách con người ứng xử trước thời cuộc, các mối quan hệ xã hội, quyền lực, thiết chế, luân lý, truyền thống… Một tác phẩm ra đời từ TK XVIII nay lại được đặt giữa các dòng chảy về văn hóa, tư tưởng, các hệ giá trị Đông – Tây trong đời sống xã hội của TK XXI đã cho thấy dù nhìn qua nhiều nền văn hóa, xã hội khác nhau, thì Truyện Kiều đến nay vẫn là câu chuyện mang giá trị thời đại.

_______________

1, 4. Tất cả chúng ta và cả nàng Kiều nữa đều sống chung một cõi!, antgct.cand.com.vn, truy cập ngày 17-9-2019.

2, 3, 5, 6,7. Các ý kiến chia sẻ tại buổi họp báo diễn ra vào ngày 8-10-2019 tại Viện Goethe, Hà Nội.

8. Phát biểu tại đêm diễn Nàng Kiều, ngày 11-10- 2019 tại Nhà hát Tuổi trẻ, Hà Nội.

Tác giả: Nguyễn Liên Hương

Nguồn: Tạp chí VHNT số 425, tháng 11-2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *