Cai guo qiang, vụ nổ lớn


      Ông là nghệ sĩ đương đại Trung Quốc. Cái tên này luôn được nhắc đến như là nghệ sĩ đương đại Trung Quốc đầu tiên, nổi tiếng nhất, tiền phong nhất trong thế giới nghệ thuật đương đại toàn cầu. Cái tên của người đàn ông tràn đầy năng lượng này chưa bao giờ bị mờ nhạt, ngay cả khi xuất hiện nhiều hơn các nghệ sĩ đương đại Đại lục với những tác phẩm mà giá bán tăng vùn vụt như pháo thăng thiên.

Cai Guo Qiang di cư sang Nhật năm 1986 và 9 năm sau, ông định cư ở New York. Cai là một nhân vật hàng đầu trong số những nghệ sĩ di cư của Trung Quốc kể từ nửa cuối thập niên 80, khi chính phủ nước này có những quan điểm ứng xử kiên quyết và không thân thiện với xu hướng nghệ thuật thử nghiệm (trào lưu Shiyan Yishu), bao gồm các nghệ sĩ Gu Wenda, Xu Bing, Huang Yongping, Chen Zhen…, các curator Fei Dawei, Gao Minglu, Hou Hanru và Wu Hung…

Những thành tựu của Cai, được hầu hết những tổ chức và cá nhân có uy tín trong giới trên toàn cầu biết đến, đã khiến cho bảo tàng Guggenheim New York (1) quyết định tổ chức một triển lãm nhìn lại chặng đường nghệ thuật với thật nhiều thành tựu và cũng lắm chông gai của ông…

Những dự án về sự sống bên ngoài trái đất

Cai được biết đến nhiều nhất với những sự kiện vụ nổ mà ông bắt đầu trình bày trước khán giả đông đảo từ năm 1989 tại Nhật Bản. Những sự kiện này chỉ xảy ra trong một vài giây song đem lại một cảm giác kịch tính dữ dội cho người chứng kiến. Cùng lúc, cảm thức của họ bị đánh động mạnh mẽ bởi rất nhiều chuyện kể ẩn dụ thể hiện mối quan tâm rộng lớn của tác giả về các vấn đề văn hóa, xã hội, chính trị tùy cấp độ khác nhau. Bởi vậy, dạng tác phẩm này đã được nâng cấp thành những serie kết nối với nhau và diễn ra trong một thời gian dài. Ở Nhật Bản, ông bắt đầu với một serie tác phẩm mà sau này được biết đến dưới cái tên Những dự án về sự sống bên ngoài trái đất. Tác phẩm thứ ba trong serie, xảy ra ở Pourrieres, Aix en Provence, Pháp (năm 1990), đã đem lại danh tiếng vang dội cho Cai. Nói về serie tác phẩm này, ông cho hay: “Khi đến Nhật Bản, va chạm của tôi với các lý thuyết về vật lý học thiên thể của TK XX đã có ý nghĩa nổi bật đối với nhận thức của tôi về thế giới. Những khái niệm về big bang, hố đen, sự ra đời của các vì sao, cái gì tồn tại bên ngoài vũ trụ, những dòng thời gian, làm thế nào để vượt qua những quãng cách rộng lớn của thời gian và không gian rồi đối thoại với một sự vật nào đó hiện tồn ở nơi cách xa ta vô cùng tận,… tất cả những ý tưởng này hầu như chưa từng được biết đến rộng rãi ở Trung Quốc khi đó. Chúng như thể đã mở mắt cho tôi một lần nữa. Tôi mong muốn những vụ nổ của tôi được xảy ra ở trong các không gian mở rộng lớn, như thể được thiết kế để ai đó ở bên trên trái đất cũng nhìn thấy được…”. Liên quan đến các thử nghiệm nghệ thuật và vật lý này, cùng trong năm 1990, ông còn tìm đến và trao đổi cùng nhà vật lý học nổi tiếng Stephen Hawking.

Trong serie về sự sống bên ngoài trái đất, ông còn gián tiếp đề cập đến sự tồn tại của những người ngoài hành tinh siêu thông minh. Theo ông, nghệ thuật là một sự trải nghiệm của niềm tin tưởng vào một cái gì đó không tồn tại hoặc tồn tại như một thực thể khác. Song song với những hàm ý về một thế giới siêu nhiên cùng đĩa bay và người ngoài hành tinh, các tác phẩm vụ nổ của Cai còn gợi đến rất nhiều thứ khác, như những truyền thuyết lịch sử, huyền thoại dân gian, hình ảnh ngày tận thế và sự hàn gắn, big bang, hố đen, và cả những hành động khủng bố,… tất cả hòa lại một cách đa dạng để thúc đẩy, kích thích và thách thức những lối tư duy quen cũ của chúng ta.

Tác phẩm No 10Dự án mở rộng Vạn Lý Trường Thành 10.000m của Trung Quốc, được diễn ra ở sa mạc Gobi, bắt đầu từ Vạn Lý Trường Thành thuộc tỉnh Gansu với một vụ nổ tạo ra từ khoảng 60kg thuốc súng. Nó được thiết kế để ứng dụng các nguyên tắc phong thủy. Mục đích là thúc đẩy vòng xoay của năng lượng song hành cùng “thiên đỉnh rồng” và sau đó, chuyển nó vào vũ trụ. Trong việc sử dụng biểu tượng con rồng truyền thống, một con vật huyền thoại, nửa chim nửa bò sát, Cai đã tìm kiếm cách thức biểu đạt cho được những nỗ lực mạnh mẽ của loài người để đạt được mọi khát vọng, sự giàu có và bất diệt.

Không kém phần kinh hoàng là tác phẩm No 14 – Đường chân trời từ Liên – Thái Bình Dương, kích hoạt “một đường chân trời bằng thuốc súng” ở khu vực Thái Bình Dương, dài 30.000m từ Numanouchi tới Yotsukura thuộc bờ biển Iwaki, Fukushima, Nhật Bản. Đường chân trời đó nổ bùng trong vòng chỉ 100 giây buổi đêm, khi biển trời hòa lẫn vào nhau trong bóng tối. Người xem nhìn thấy một đường sáng và lửa chói lóa chạy ngang qua vòng uốn cong của quả đất, xác lập lại một đường phân cách giữa trái đất và các phần khác trong vũ trụ.

Thế kỷ của những đám mây hình nấm và khủng bố

Trong triển lãm này, chúng ta còn được xem serie tác phẩm đầu tiên của Cai ngay khi đến Mỹ định cư mang tên Thế kỷ với những đám mây hình nấm: Dự án cho TK XX (năm 1996). Những đám mây hình nấm gợi nhắc người ta đến những quả bom nguyên tử rải xuống Hiroshima và Nagasaki trong thế chiến II, là một biểu tượng mang tính phê phán của TK XX đồng thời còn là một khuyến cáo về sự nguy hiểm của chiến tranh hạt nhân. “Như một biểu tượng của sự tiến bộ và chiến thắng của khoa học, những đám mây hình nấm, với tất cả những tác động thị giác của nó, có sức ảnh hưởng vật chất và tinh thần khủng khiếp đến xã hội loài người. Tất cả các chúng tộc người, cá nhân, quốc gia đều có rất nhiều phản ứng với đám mây hình nấm mà ta có thể thấy trước và đó sẽ vẫn tạo nên một hiện tượng có tính biểu tượng của cuộc sống đương đại”. Nghệ sĩ đã phát biểu như vậy khi đề cập đến serie sáng tác này. Điều đó cũng lý giải thay cho việc vì sao ông luôn có ý sáng tác những tác phẩm hướng công chúng rộng rãi đến một nhận thức cao hơn, mạnh mẽ hơn về rất nhiều vấn đề chính trị xã hội đương đại mang tính nhân loại.

Tháng 6-2002, Bảo tàng nghệ thuật hiện đại ở Manhattan đã đặt ông làm một tác phẩm phục vụ cho buổi khai trương chi nhánh bảo tàng ở Queens. Dự án này là một sự kiện pháo hoa đầu tiên được cho phép sau biến cố 11-9. Rất nhạy cảm với tính chất trọng đại của chương trình, Cai đã chọn môtip cầu vồng để biểu tượng hóa sự tái sinh và hứa hẹn. Cây cầu vồng thoáng qua gồm 1.000 cây pháo bông hình hoa mẫu đơn đủ màu sắc, tạo đường vòng cung như cầu vồng, tỏa sáng trên bầu trời bên sông East giữa hai vùng Manhattan và Queens. Sự phát sáng của chúng ánh xạ trên mặt sông đã tạo nên một vòng sáng hình cánh cung trên bầu trời.

Có thể nói, những vụ nổ với Cai không phải chỉ luôn có nghĩa là chiến tranh, khủng bố. Sự thực là có những kẻ dùng các vụ nổ để giết người, gây chiến, song Cai lại dùng chúng để sáng tạo nghệ thuật. Ông thực sự quan tâm đến nguồn năng lượng lành mạnh, sáng tạo và giàu tinh thần xây dựng. “Những vụ nổ mà tôi làm bằng thuốc súng viện dẫn tới những hình ảnh về sự khởi nguyên của chúng ta, không chỉ có loài người mà còn của cả vũ trụ này; ví dụ là vụ nổ lớn (big bang) đã đem lại cuộc sống của chúng ta”.

Tranh vẽ bằng bột thuốc súng

Trong khi làm việc với dự án những vụ nổ, Cai đồng thời làm các tác phẩm hai chiều: tranh vẽ bằng bột thuốc súng. Ông giải thích: những bức vẽ này đến cả trước và sau việc tiến hành một vụ nổ. Nó biến đổi theo từng dự án. Nếu tôi vẽ một bức tranh trước một vụ nổ, tôi rất tự do bởi vì nó dựa theo một ý tưởng hoặc một sự tưởng tượng của tôi và tôi dùng nó để phát triển lên thành khái niệm của vụ nổ. Loại hình tác phẩm này rất khác với bức tranh mà tôi làm sau khi vụ nổ nào đó đã diễn ra, cái này lại dựa vào trải nghiệm và là cách mà tôi để một cái gì đó còn lại từ trải nghiệm vụ nổ vừa qua cho riêng tôi”.

Ông là người đầu tiên thử nghiệm dùng bột thuốc súng làm chất liệu vẽ tranh ở Trung Quốc như một cách bày tỏ thái độ “nổi loạn” trước những áp chế của chính thể Trung Quốc đối với một bộ phận nghệ sĩ có cá tính và có cái nhìn khác về sự biến thiên xã hội như Cai, trong thời đại của thế hệ ông: “Tôi bắt đầu làm việc với thuốc súng để thúc đẩy nhanh hơn nữa sự tự phát và đối kháng lại với những truyền thống kiểm soát nghệ sĩ và nhiệt độ xã hội khi đó ở Trung Quốc. Sử dụng thuốc súng và làm những bức tranh có thể đốt cháy được chính là một sự mở rộng giấc mơ trở thành họa sĩ từ thời thơ ấu của tôi. Cũng trong khoảng thời gian đó, tôi luôn nhớ đến thanh âm của pháo hoa. Ở thành phố quê hương tôi, người ta đốt pháo trong bất kỳ một sự kiện nổi bật nào của cuộc đời, cho dù vui hay buồn: về nhà mới, đám cưới, đám tang, ngày chào đời của một đứa trẻ,… Pháo hoa cũng được dùng nhân những sự kiện chính trị xã hội quan trọng, chẳng hạn như các cuộc bầu cử. Pháo hoa như là “anh mõ” của thành phố, thông báo về bất kỳ điều gì đang diễn ra. Thuốc súng trong tiếng Trung Quốc còn có nghĩa là “thuốc- lửa”, nó có tiềm năng chữa bệnh.” Đó là cách ông chỉ ra truyền thống “nổ” của Trung Quốc và sử dụng nó để sáng tạo nên một cái gì đó mới một cách triệt để, bao gồm cả một phương pháp nghệ thuật hoàn toàn mới. Hơn thế nữa, ông cũng nhận thức được rằng, mục tiêu chủ chốt của nghệ thuật đương đại và tiền phong là phá hủy những biên giới giữa nghệ thuật và đời sống. Với chiến lược tận dụng chính sự phá hủy như một quy trình nghệ thuật, ông đã đẩy ý tưởng này tiến xa hơn một bước và thành công trong việc xóa nhòa những đường biên giữa nghệ thuật và chiến tranh, áp dụng một nguyên tắc cổ truyền trong thuật luyện giả kim và làm thuốc của Trung Hoa là: lấy độc trị độc, dùng hỏa tiếm hỏa.

Quả thực, quy trình tạo nên một bức vẽ bằng thuốc súng của ông thường được ví như những thực hành nghi lễ của một thầy y hoặc một nhà luyện giả kim, người cầu khấn những mãnh lực có tiềm năng tàn phá của một thế giới không nhìn thấy được (những quyền năng siêu nhiên) để minh chứng cho những kết quả đầy khát vọng trong một thế giới có thể nhìn thấy. Cai dùng những tấm giấy dệt bằng sợi gai dầu Nhật Bản hoặc những tấm giấy cuộn có cấu trúc theo thớ (như vải bông), được thiết kế nhằm chịu được và hấp thu được tác động của sự nổ, nhằm đạt được hiệu quả thị giác cao nhất. Đặt tấm giấy trên mặt đất, ông sắp chỗ cho những ngòi nổ thuốc súng có độ dài ngắn khác nhau, bột thuốc súng xốp, những khuôn tô để tạo bóng đổ trên bề mặt, cùng với những bảng gỗ để phân tán các mẫu hình được tạo bởi khói cùng tác động của vụ nổ, và đá để tạo trọng lượng buộc mọi thứ vào đúng vị trí. Khi tất cả đã được sắp xếp hoàn tất, ông châm lửa cho một ngòi nổ đặt ở điểm cuối của tấm giấy. Bột thuốc súng bắt lửa xé toạc tấm giấy với tiếng rú ầm ĩ, chiếu sáng tất cả sự sắp xếp các chất nổ theo mô hình định trước, đẩy nghệ sĩ và người xem vào một sự đối diện trong chớp nhoáng với một thế giới hỗn loạn thuở hồng hoang. Vài giây sau, tấm giấy nằm trong đống khói, những ánh than hồng bị dập tắt và tấm tranh vẽ được treo dựng đứng để mọi người quan sát.

Những bức vẽ còn lại ở dạng tập hợp vật chất hoặc như bản đồ của quy trình chuyển hóa và nguồn sức mạnh tham gia vào sự sáng tạo của nghệ sĩ, dưới hình thức là thuốc súng, nổ tung thành nguồn năng lượng thuần túy, và sau đó trở lại dạng vật chất dưới một dạng thức mới là bức vẽ cháy thành than.

Những sắp đặt dễ thay đổi

Kể từ thập niên 90, TK XX, cho đến nay, Cai đã và tiếp tục tạo nên một dòng chảy ngày càng mạnh mẽ các tác phẩm sắp đặt điêu khắc mang tính phúng dụ cao, thể hiện một cách tự do về nguồn cội văn hóa cũng như rất nhiều vấn đề lớn có tính toàn cầu; từ thần thoại cổ xưa đến lịch sử quân sự, vũ trụ học theo quan điểm Lão giáo, triết học Phật giáo, y học cổ truyền Trung Hoa, phong thủy, và cả những phương pháp của bạo lực khủng bố cũng như của rất nhiều hiện tượng xã hội đương thời khác. Tất cả những yếu tố đó cấu thành nên các dạng thức thế giới vô hình và cả hữu hình, bất kể phương Tây hay Đông, truyền thống hay đương đại, trung tâm hay ngoại biên, nhân tạo hay tự nhiên, dã man hay văn minh.

“Tôi không bận tâm đến những giới hạn giữa các nền văn hóa và tự do khám phá cũng như vượt qua giữa Trung Quốc, Đông và Tây hoặc bất cứ một thế giới nào mà ở đó có văn hóa. Tôi có thể sáng tạo nên một thứ hoàn toàn ở ngoài bối cảnh của nó và đặt nó vào trong một bối cảnh hoàn toàn khác, bất chấp tất cả mọi giới hạn hay sự cấm đoán do xã hội tạo ra”.

Một trong những tác phẩm mà bảo tàng Guggenheim coi là quan trọng trong tiến trình nghệ thuật của Cai có tên Cry Dragon/Cry Wolf: the Ark of Genghis Khan. Đây là một trong những tác phẩm có thể thay đổi và di chuyển dễ dàng tùy vào không gian triển lãm và đồng thời thu hút một lượng khán giả kỷ lục ngay khi được bày tại Guggenheim New York, tháng 11-1996. 108 chiếc túi da cừu, cành cây, mái chèo gỗ, dây thừng, và ba động cơ xe hơi Toyota được tập hợp lại để tạo nên một hình ảnh giống như hình một con rồng đang bay vút lên, sải căng toàn bộ cơ thể, sẵn sàng và tự tin nghênh chiến – sắp đặt này ngụ ý rõ ràng về những nỗi sợ hãi của châu Âu trước sự thống trị của châu Á. Nó gợi nhắc đến khả năng của Trung Quốc trong việc thay thế Mỹ trở thành một siêu cường, như trong lịch sử, khi Thành Cát Tư Hãn với thế bay vút lên của một con rồng và sự dã man tàn ác của một con sói đã thôn tính từ châu Á qua hết Đông Âu.

Theo Cai, tác phẩm này gợi đến biểu tượng con rồng Trung Hoa với hai yếu tố. Thứ nhất, là trong lịch sử, binh lính của Thành Cát Tư Hãn đã dùng những cái túi bằng da cừu thuộc. Bình thường, họ dùng thứ đó để đựng nước uống khi di chuyển, song khi phải đối mặt với một con sông rộng, họ nhanh chóng thổi đầy không khí vào đó rồi tập hợp chúng lại để kết bè, giúp họ có khả năng nhanh chóng vượt qua một khu vực rộng lớn, xa xôi như Âu châu và đến tận biên giới Hi Lạp. Yếu tố thứ hai ám chỉ một phương thức vận chuyển hiện đại hơn nhiều: xe hơi Nhật Bản, đáng chú ý là thương hiệu Toyota chắc chắn, kinh tế và vô cùng phổ biến. Việc sản xuất được những chiếc xe hơi như vậy khiến Nhật Bản lọt vào danh sách những nước vĩ đại nhất thế giới – một sự xâm lược của châu Á theo cách khác.

Năm 1997, những biểu tượng truyền thống của Trung Quốc còn được tái xuất hiện như một nguồn năng lượng tươi mới trong một tác phẩm sắp đặt khác được trưng bày tại bảo tàng Nghệ thuật Queens (New York) và một năm sau đó, phiên bản ngoài trời của nó được trưng bày tại bảo tàng Naoshima (Nhật Bản), có tên Cultural Melting Bath: Project for the 20th Century. Chín khối đá vôi lớn (từ hồ Tai, gần Suzhou thuộc tỉnh Jiangsu) đã được sử dụng để tạo nên một công viên nghệ thuật truyền thống Trung Quốc. Những phiến đá, có hình dạng giống như những con thú đầy chất tưởng tượng, đã được sắp xếp trong một địa hình dựa theo phong thủy để tạo nên một không gian mà trong đó, năng lượng sống có thể lưu chuyển một cách tự do. Một hình thái tắm suối khoáng của Mỹ, được đặt ở trung tâm không gian, có chứa nước pha hòa với thảo mộc, đem lại lợi ích cho làn da. Một tấm màn trong suốt lớn, như một tấm lưới, ngăn cách tác phẩm với phần còn lại của bảo tàng, với những con chim còn đang sống trong lưới, đã đem lại một không gian kỳ lạ đối với khách tham quan bảo tang. Cai đã tái tạo một truyền thống lâu đời và có tính chất phổ biến – việc tắm theo nghi lễ để cầu mong sức khỏe và thanh lọc bản thân, cũng như tạo nên một không gian công cộng cho các tương tác mang tính xã hội.

Một vài trong số những sắp đặt phức tạp nhất của Cai có tên Inopportune: stage one (Không may mắn: giai đoạn 1) và Inopportune: Stage Two (Không may mắn: giai đoạn 2), được làm năm 2004 theo đơn đặt hang của bảo tàng nghệ thuật đương đại Massachusetts, thể hiện cái nhìn viễn cảnh của ông về tình trạng hiện tại của những sự kiện có tính chất toàn cầu.

Không may mắn: giai đoạn 1 thể hiện một vụ đánh bom xe hơi kinh hoàng. Chín chiếc xe hơi màu trắng giống hệt nhau xuất hiện trong tư thế đổ nhào theo hình cánh cung dọc suốt không gian gallery, giống như serie các hình ảnh chụp một chiếc xe đang đổ ở nhiều tư thế. Mỗi chiếc nổ và phụt đi theo chuỗi, trong một thứ ánh sáng đầy màu sắc đến hoa mắt, tựa một cây pháo bông khổng lồ, phóng chiếu bởi hàng trăm chiếc que trong suốt cắm vào từng chiếc xe. Chiếc xe cuối cùng xuất hiện và được hạ xuống đất an toàn, không vết xước. Tác phẩm diễn đạt một cách trực tiếp rằng những vụ đánh bom xe hơi và khủng bố có hình thức theo một chuỗi vòng xoay nhỏ hẹp và lặp lại…

Tại sao Cai lại sáng tác tác phẩm này? Kể từ thập niên 90, ông đã chứng kiến giới nghệ thuật vô tâm thế nào trước các vấn đề xã hội. Một phần nữa là ông thấy các vụ tấn công khủng bố thường chỉ được nhìn từ một phía. “Những vụ đánh bom xe hơi không đúng, chính xác là vậy. Song nó chẳng khác nào việc giết hổ. Trong quá khứ, khi con người còn yếu ớt, việc làm này là một hành động anh hùng. Nhưng nay, với rất nhiều loại vũ khí khác nhau và với sự suy giảm của số lượng động vật hoang dã thì việc giết hổ đã không còn đúng đắn nữa, nó thậm chí còn bị coi là một tội ác”. Theo dòng tư duy này, tác phẩm Không may mắn: giai đoạn 2 đã sử dụng hình ảnh hổ; chín con hổ, như trong đời thực, trong nhiều tư thế như cúi mình tránh bị tấn công, đang tấn công con mồi, hoặc nhảy chồm lên trong không trung, bị đâm thủng bởi hàng trăm mũi tên tre khiến trông như thể chính những mũi tên này nâng các con hổ lên cao khỏi mặt đất. Hình ảnh đầy tưởng tượng đó gợi nhắc đến một câu chuyện cổ tích Trung Quốc TK XIII về người anh hùng Wu Song, vốn là một tên cướp song đã cứu cả một ngôi làng thoát khỏi nanh vuốt một con hổ chuyên ăn thịt người.

Theo Cai, trong thời đại này, mỗi người đều có tư tưởng hoài nghi bất cứ một dạng anh hùng nào. “Hiển nhiên, câu chuyện về Wu Song chỉ là một cái cớ (để diễn đạt) rằng đối với tôi, những con hổ đã bị hành hạ bởi các mũi tên. Tôi cảm thấy sự vật lộn, nỗi thống khổ và nỗi đau của nó, áp lực tâm lý của nó cùng với cách hành xử không phải lối của con người đã đẩy lũ hổ vào nỗi đau này – đây là lý do mà tôi quan tâm”.

Cần phải nói là cho dù các tác phẩm của Cai đưa ra những vấn đề liên quan đến thực tiễn chính trị xã hội, song chúng không bao giờ trở thành dạng tuyên truyền thuần túy. “Nghệ thuật của chúng ta được sinh ra trong thế giới và thời đại ngày nay. Chúng ta cần phải dựng nên nghệ thuật từ đó. Cần phải có những khoảng cách cần thiết giữa thực tiễn đời sống thường nhật với cái mà bạn đang sáng tạo nên. Tôi luôn trở lại với xuất phát điểm này: nghệ thuật không phải chỉ trình bày lại những gì ta thấy và việc ta sống thế nào, nghệ thuật cần phải đưa ra được một viễn cảnh, một khoảng cách (với đời thực)”.

Để nói về nghệ thuật của ông, những tư tưởng phía sau nó, có lẽ là vô cùng. Song nó có thể được chính ông gói lại trong lời cuối phát biểu nhân triển lãm: “Theo phối cảnh Trung Hoa, nghệ thuật không đơn thuần là cái bạn miêu tả, nó còn chính là phần bạn để trống, không đả đụng tới. Trong một bức họa Trung Hoa, mực để miêu tả một sự vật trên giấy song không chỉ đơn giản có vậy. Khi anh vẽ một ngọn núi, thì cái khoảng không gian trống bên cạnh sự vật – ngọn núi ấy cũng quan trọng ngang bằng với chính sự vật; bởi nó tạo nên một khu vực cho trí tưởng tượng của anh. Đối với tôi, phía tối của một vầng trăng có tầm quan trọng hơn ánh sáng của vầng trăng ấy. Bởi vậy, trong nhiều phân tích về các hình thức nghệ thuật và thông điệp khái niệm dành cho các tác phẩm của tôi mà có thể ai đó đã tiếp xúc. đôi khi, nội dung thực sự lại nằm ở phía nhẹ bẫng như cái búng tay, ở phía vô hình…”.

Nguồn: www.c-artsmag.com (website của tạp chí chuyên về nghệ thuật đương đại châu Á C-Arts)

_______________

           1. Triển lãm gồm 18 sự kiện gây nổ, 10 tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, 13 bức tranh thuốc súng, 7 dự án xã hội dựa trên 150 tác phẩm lớn của ông trong vòng 2 thập niên qua.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 298, tháng 4-2009

Tác giả : Eddy Soetriyono (Thảo My trích dịch)

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *