Cảm hứng sáng tác của nhà văn trương tửu


 

Cảm hứng “là trạng thái tâm lý đặc biệt khi có cảm xúc và sự lôi cuốn mãnh liệt, tạo điều kiện để óc tưởng tượng sáng tạo, hoạt động có hiệu quả”(1). Trương Tửu đã nắm bắt mạch nguồn cảm hứng để sáng tác, để bày tỏ sự cảm thông thương xót. Ngòi bút nhà văn đã ghi và phản ánh lại một cách chân thực, khách quan về cuộc sống của người lao động và người trí thức trong giai đoạn trước năm 1945. Ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, muốn ngày càng phát triển đều phải chú trọng tới hai nguồn nhân lực này. Còn ở nước ta, họ trở thành những bằng chứng cho một giai đoạn lịch sử mà “nhân dân lao động bị bần cùng hóa, xã hội phân hóa ngày càng sâu sắc” (2).

Trước cách mạng tháng 8-1945, Trương Tửu như nhiều nhà văn đương thời chịu ảnh hưởng của trào lưu sáng tác lãng mạn. Buổi đầu cầm bút, ông chủ yếu tập trung ở mảng phê bình văn hoc. Nhưng rồi, ông không thể quay lưng trước nhiều cảnh đời khổ đau trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Chứng kiến hiện thực cuộc sống diễn ngay trước mắt về những người lao động nghèo khổ, những trí thức đang quằn quại với nỗi đau nhân cách đã khiến dòng cảm hứng của ông bật lên thành câu, thành lời.

Với những cảm xúc về người lao động, Trương Tửu thấy ở họ sự mòn mỏi trong cuộc sống nghèo khổ. Ông đã tìm cho mình hướng viết bằng cái tâm, cái tài, bằng lựa chọn chính xác cho con đường tranh đấu vì học thuật, khi ông áp dụng cả những điều mới mẻ của quá trình tự tìm tòi, học hỏi. Sâu xa hơn, trong mỗi trang viết, ông gửi gắm thông điệp tố cáo chính sách cai trị của nhà nước thực dân nửa phong kiến. Vậy là ông đã tìm đến với phương pháp sáng tác hiện thực để phản ánh, khái quát sinh động cuộc sống nghèo khổ của người dân lao động diễn ra trong sự bế tắc vây quanh.

Khác với Nguyễn Công Hoan và Nam Cao, Trương Tửu viết về cuộc sống của những con người nghèo khổ mà không cần dùng đến sự cường điệu hóa, không lấy mục đích đả kích, châm biếm làm trọng, không xây dựng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình, nhưng mỗi số phận, mỗi cảnh đời như từng thước phim quay chậm khiến người xem phải đau đáu về một xã hội nhớp nhúa. Ngô Tất Tố có cái nhìn từ trên xuống của một người trí thức vẫn còn phảng phất chút Nho học nhân văn, luôn đượm niềm thương tâm trước nỗi khốn cùng của người nông dân, còn Trương Tửu viết về nỗi khốn cùng ấy như viết về tấn bi kịch của mình. Cái tôi của ai (tâm sự) gần với tùy bút – triết lý hơn là một truyện vừa. Một con người tự phân tích cái tôi của mình để thấy rõ hơn bản chất, thế giới nội tâm cũng như những hành vi ứng xử của mình. Cái tôi con người, như phân tích của tác giả, là một phức thể: có cái tôi bên ngoài, cái tôi bên trong, và cả cái tôi đạo đức nữa. “Trong người tôi, hình như đã có sẵn một cái tôi bên ngoài – có thể gọi là cái tôi xã hội – sống cạnh nách với cái tôi bên trong… Có khi nó làm xong, cái tôi bên trong mới can thiệp vào để tán thành hay phản đối. Nhưng có một điều này tôi cho là rất lạ, là bao giờ cũng như bao giờ, cái tôi xã hội cũng chỉ làm lợi cho cái tôi bên trong…” (3). Một vài câu chuyện được kể lại chứng minh cho những xét đoán của tác giả. Với đồng lương của một thày ký còm tháng hai ba chục, tôi phải bảo vợ bớt tiền chợ. Nhưng rồi cô em họ đến chơi, chứng kiến bữa cơm đạm bạc. Tôi xấu hổ, mắng vợ và khi thấy vợ tức tưởi khóc, tôi lại thấy hối hận. Vậy là, hôm qua tôi là cái đầy tớ của cái tôi bên trong, hôm nay lại là cái đầy tớ của cái tôi xã hội. Và khi tôi hối hận vì đã mắng vợ vô lý, thì lại có cái tôi thứ ba nữa: cái tôi đạo đức, đóng vai quan tòa của lương tâm mình.

Tác giả cũng đề cập tới sự ích kỷ của cái tôi. Cái tôi ích kỷ ấy khiến cho tôi đã có lần tham một gói kẹo của ai đó để quên trên xe điện. Sự ích kỷ tham lam của tôi có căn nguyên chính là do nghèo túng khiến một thày ký lương tháng đôi ba chục đồng cũng trở nên quẫn bách: “Thú thật với anh, lúc ấy tôi hoàn toàn có tâm địa ăn cắp” (4). Cái tôi ích kỷ ấy của tôi cũng nhận được bài học quý báu. Có lần tôi bị ốm mà không còn đồng xu dính túi, lại chẳng có ai thân thuộc giữa đất Hà Nội. Gia đình bán hàng nước dưới nhà – gia đình bác Nhỡ đã tận tình chăm sóc, khiến tôi cảm thấy ân hận vì trước đây mình vẫn luôn nghi ngờ lòng tốt của mọi người. Gia đình bác Nhỡ sau cũng gặp hoạn nạn, ly tán càng để lại cho tôi những suy nghĩ thấm thía, khiến cho tôi thấy muốn làm những việc tốt đẹp, vô tư cho mọi người “đã sa vào kiếp người, tôi chỉ biết có con người, chỉ sợ có sự trừng phạt của lương tâm tôi thôi, anh ạ” (5).

Cơ sự đói nghèo của những con người lao động cứ ám ảnh trong những trang văn của tác phẩm. Con người ai cũng có thể gặp lúc đói, lúc khốn khổ, nhưng khốn khổ như Thiện và Thanh thì thật ám ảnh… Thanh bị đói nghèo làm cho tiều tụy, thảm thương. Vì đói nghèo cô phải đến nhà chủ để khất tiền thuê nhà và cái thân của cô bị hành hạ, làm nhục. Trong khi đó, tiền một xu không có, mẹ vào nhà thương, anh bị giải bóp… Cứ nghĩ đến đấy lòng cô lại đau quặn như bị kim châm, rồi sực nhớ đến cái thai trong bụng mà lòng dạ rối bời. Không nơi nương tựa, gạo hết, tiền không. “Ngày mai cũng như ngày nay… Ngày kia cũng như ngày mai… Cái số phận nằm đầu cầu xó chợ, bị gậy kêu than lạy người qua kẻ lại… đang chờ nàng… Nàng muốn chết vì nàng thấy đời sống của nàng đã bị dồn vào một con đường tắc tị” (6). Và cuối cùng, cô treo cổ để tự giải thoát khỏi kiếp sống khốn cùng.

Anh trai của Thanh là Thiện đã yêu Mỹ. Mỹ có tình yêu nồng nàn, cao thượng và tấm lòng son sắt thủy chung. Mỹ là một tiểu thương nhỏ kiếm sống bằng nghề buôn cau. Cô đã cố gắng duy trì cuộc sống cho mình và người thân trong cơn đói kém. Cô buôn bán cau trầu nên có chút tiền lo cho Thiện và giúp cả gia đình của người yêu. Với tấm lòng như Mỹ, lẽ ra cô và Thiện có thể gây dựng một hạnh phúc bé nhỏ, nhưng giữa những điêu linh của số phận, cuối cùng Mỹ chết đau đớn.

Xã hội đầy bất công, khi những kẻ lấy đồng tiền để hà hiếp người dân nghèo khổ mà vẫn sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, như tên Cử Mùi. Nhà văn không khắc họa Cử Mùi thành nhân vật điển hình, mà qua đó thông điệp của tác giả đưa đến bạn đọc: trong xã hội Việt Nam những năm đầu TK XX, còn biết bao kẻ giàu có đã cướp bóc trắng trợn người nghèo. Chúng cướp đi phẩm hạnh của họ và cướp cả chút tiền công ít ỏi của người làm thuê. Tên chủ thầu nơi Thiện làm, đã nuốt chửng số tiền công mặc cho anh van xin số tiền đó về làm ma cho người vợ xấu số. Những kẻ xấu xa đê hèn khiến xúc cảm của nhà văn đẩy lên đỉnh điểm với hàng chuỗi sự kiện diễn ra căng thẳng, ngột ngạt. Tác giả đã thể hiện sinh động và rõ nét về số phận của kẻ nghèo hèn bằng cách riêng qua những trang văn thấm nước mắt, trĩu nặng ưu tư, khiến người đọc không khỏi so sánh cuộc sống trong quá khứ và cuộc sống hiện tại. Lời văn của Trương Tửu tuy chưa sắc nhọn như Nam Cao với Chí Phèo, Một bữa no… song không thể phủ nhận những hình ảnh của người dân lao động đã để lại trong sáng tác của ông những trang thật thấm thía.

Người trí thức trong xã hội đương thời cũng đã khơi nguồn cảm hứng sáng tác cho nhà văn. Trong văn học Việt Nam, người trí thức được xây dựng theo quan niệm của mỗi giai cấp khác nhau. Nếu như với Nguyễn Đình Chiểu, nhân vật Lục Vân Tiên là mẫu người thanh niên trí thức văn võ toàn tài, có lý tưởng sống cao đẹp theo quan niệm của Nho giáo, thì trong nền văn học lãng mạn sau này người trí thức là lớp thanh niên mới có học thức như Lộc, Mai (Nửa chừng xuân của Khái Hưng). Họ đấu tranh chống lại lễ giáo phong kiến để giải phóng cá nhân và tự do hôn nhân. Nhưng, để phản ánh một cách chân thực về nhân vật trí thức thì chỉ có ở văn học hiện thực phê phán. Trong những tác phẩm văn xuôi của Trường Tửu, người trí thức dưới cách nhìn của ông được phản ánh rõ qua nhân vật Liêu, Hiền trong tác phẩm Thanh niên S.O.S Một chiến sĩ.

Thanh niên S.O.S ta gặp Liêu, một chàng trai trẻ đang theo đuổi con đường học vấn, anh ta cũng khát khao yêu đương. Tình yêu với những người trẻ tuổi được công nhận như một sự phát triển bình thường của bản năng, nhưng Liêu quá khát khao ái tình, đặc biệt là nhục dục. Đầu óc anh ta quay cuồng với những ý nghĩ táo tợn về lạc thú. Xung quanh Liêu, những người bạn của anh khiến ta có thể hình dung cả một thế hệ trẻ sa lầy, sống trụy lạc, không lý tưởng, không mục đích. Họ như những con thuyền chông chênh trên sóng nước, không người lái, không biết đâu là bến bờ. Sống qua ngày đoạn tháng, họ tìm đến sự trụy lạc như một thói quen. Nam nữ thanh niên ở tuổi dậy thì trong Thanh niên S.O.S: “Phàm một người con gái phải trải qua một thời kỳ mà cơ thể kêu gào một khoái cảm, khoa học gọi là thời kỳ động tình. Trong thời kỳ đó, không gì làm người con gái hoạt bát, có duyên, tươi tỉnh, lẳng lơ bằng đứng trước mặt một người con trai… Sự có mặt của người con trai làm thức tỉnh cái tinh lực tiềm tàng trong cơ thể người con gái. Người ta gọi nó là tinh lực dâm đãng” (7). Ở với những người bạn như vậy, không bao lâu Liêu đã giỏi và nghiện những lạc thú như một thói hư khó bỏ. Liêu không xấu, nhưng anh ta không tỉnh táo. Vị đốc tờ đã nói thay lời nhà văn: “Nếu tôi không nhầm thì cậu Liêu nhà ta hay lui tới những chốn ăn chơi. Vì trác táng lâu ngày, tạng phủ trong người mòn yếu… Những bệnh nhân trẻ tuổi đến tĩnh dưỡng ở bệnh viện của tôi như cậu Liêu kể có non nghìn người… đủ các chứng bệnh tinh thần. Mà tôi xét ra không phải họ làm việc thái quá bằng tâm trí mà sinh ra thế. Tất cả đều đã hoặc đang mắc bệnh hoa liễu. Họ say đắm nhiều quá những thú vui dâm dục… Họ sống thuần bằng những mộng dâm đãng, những mưu cơ lừa dối. Bởi vậy nên thân thể và tinh thần họ suy vi rất mau chóng. Tôi chắc cậu Liêu cũng ở vào ca đó” (8). Như vậy với Thanh niên S.O.S, nhà văn đã minh chứng cho thấy sự ảnh hưởng mãnh liệt của hoàn cảnh đối với cá nhân.

Khác với Liêu, Hiền trong Một chiến sĩ lại là trí thức cầu tiến mang nét đẹp của một chàng trai sống có lý tưởng cao đẹp, kiên định bền lòng với lý tưởng ấy. Khát vọng của Hiền là được cống hiến cho xã hội, được tham gia tranh đấu vì xã hội và nhân dân cần lao. Chàng yêu lý tưởng và cũng rất yêu người con gái có tên Như Lan. Những cuộc đấu tranh giằng xé giữa cái hạnh phúc bình dị với người thân, khi viết thư để lại cho cha mẹ xong, “thiếu niên lại gục mặt xuống bàn khóc nức nở. Chàng đã dùng hết nghị lực để chiến đấu với đau đớn” (9), phải dứt bỏ người yêu và tương lai với một gia đình hạnh phúc, hy sinh tất cả để dâng hiến tâm hồn cho hoạt động đấu tranh vì mọi người, vì xã hội. Hiền nói với người yêu: “Em còn chưa hiểu rằng anh không thể ngồi yên hưởng hạnh phúc khi quanh mình anh còn bao nhiêu kẻ thiếu cơm ăn áo mặc, sống như súc vật trong các xó tối nhơ nhớp. Anh đã thấy ba bốn kẻ khó tranh nhau một đống xơ mít người ta vứt ở vỉa đường… Anh đã thấy những thợ thuyền dân cày túng quẫn bữa cơm, bữa cháo, rút cục chết phanh thây dưới bánh xe của máy móc hay chết thiêu trong đồng chiêm… Còn những cảnh thương tâm như thế đầy rẫy quanh mình thì anh không bao giờ có thể ngồi yên” (10). Những suy nghĩ, những cách ứng xử của Hiền thật đáng để người ta khâm phục. Suy nghĩ của nhân vật chân thực, bởi nó không quá gò ép. Có nhiều đoạn Trương Tửu miêu tả nội tâm của Hiền rất chân thành, tinh tế. Đó là khi anh bị giằng xé dữ dội giữa lý tưởng cao đẹp với trách nhiệm, nghĩa vụ và bổn phận với gia đình, giữa lý tưởng với tình yêu sôi nổi, chân thành. Chàng nhiều lần đau khổ khi thấy Như Lan bộc lộ tình yêu chân thành, sâu đậm với chàng. Những cái hôn cháy bỏng, ánh mắt tha thiết và cả những giọt nước mắt của người yêu, quả đã có lúc khiến chàng mềm lòng. “Chàng nhận thấy phần trách nhiệm to lớn của mình trong sự ốm yếu của Như Lan. Từng hồi từng lớp, những gợn hối hận cứ xoáy vào lương tâm chàng, tác động như mũi dao bén miết vào một ung thư nung mủ… chàng có cảm tưởng bị cấu xé tàn bạo bởi trăm nghìn nanh vuốt vô hình” (11). Cái tinh tế của Trương Tửu là ở chỗ ấy. Nhà văn xây dựng người thanh niên trí thức, người chiến sĩ không thể chỉ sống bằng lý trí. Trái tim và tình cảm của nàng cũng góp phần giúp cho anh có những quyết định sáng suốt mà không tàn nhẫn. Hiền có cách ứng xử để thực hiện theo đúng lý tưởng mà vẫn đầy tình người. Có lẽ không phải chỉ vì Như Lan là cô gái tốt, mà chính Hiền đã giúp cho cô hiểu và cảm thông, rồi đồng lòng với lý tưởng trong sâu thẳm trái tim anh. Con đường của Hiền chọn là tranh đấu cải tạo xã hội cho dù phía trước có những gian truân, vất vả. Qua Một chiến sĩ và liên hệ đến những tư liệu về Trương Tửu, ta thấy nhân vật Hiền như có bóng dáng của chính nhà văn, một chàng thanh niên say mê những hoài bão lớn và dám tranh đấu, dám hy sinh vì lý tưởng.

Những trí thức được phản trung dưới cây bút của Nam Cao là những người sống trong cảnh nghèo nàn tù túng và bế tắc. Điền (Trăng sáng), Hộ (Đời thừa), Hài (Quên điều độ)… đều muốn đem hết tài năng ra thực hiện mong ước của mình. Hộ đã từng “mang một hoài bão lớn. Hắn khinh những người lo lắng tủn mủn về vật chất. Hắn chỉ lo vun trồng cho cái tài của hắn mỗi ngày một thêm nảy nở” (12). Hắn ”nghĩ đến một tác phẩm nó sẽ làm mờ hết tất cả các tác phẩm khác cùng ra một thời” (13), một tác phẩm ”vượt lên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn”. Nói chung, đó là những ước mơ chân chính, hướng tới một mục đích sự nghiệp thành đạt rực rỡ. Thế nhưng, chế độ thực dân phong kiến đã bóp chết những tài năng, đẩy người trí thức vào ngõ cụt, không có lối thoát. Ngòi bút hiện thực phê phán của Nam Cao đã nói lên ý nghĩa sâu sắc qua những người trí thức trong sáng tác của ông. Người trí thức bế tắc trong sự mâu thuẫn chính với bản thân họ. Đây cũng là điểm khác biệt rõ nét với Trương Tửu. Vũ Ngọc Phan nêu quan điểm “Đọc Một chiến sĩ, người ta nhận thấy Trương Tửu là một nhà văn lời lẽ hùng hồn, thống thiết. Những lời ấy nó đánh vào tình cảm người ta hơn vào lý trí người ta, mà người đời thường vị tình hơn theo lý. Trong tiểu thuyết của ông, nhiều chỗ văn ông trác luyện, sáng suốt, lối văn thích hợp cho người muốn bênh vực thuyết của mình. Những đoạn Hiền bày tỏ sự hoài bão của mình cho Như Lan nghe để nàng hiểu mình, đừng có sầu não quá độ là những đoạn thấm thía, dễ cảm người đọc…”(14).

Suy nghĩ, hành động, của nhân vật ẩn hiện hình dáng của nhà văn trong đó. Hiền, Hảo đã có những lời nói đầy tin tưởng say sưa về mục đích tranh đấu cao cả vì dân tộc, vì nhân dân cần lao. Hiền hoàn toàn khác Liêu. Đó là chàng trai trẻ, đầy nhiệt huyết, mang nhân cách của người trí thức trong xã hội đương thời. Với chàng, “bỏ tranh đấu, tức là chết. Sống cái đời sát đất của những kẻ hèn nhát, Hiền sẽ héo người đi mà chết. Địa hạt sinh hoạt của chàng là tranh đấu – cuộc đấu tranh nguy hiểm không ngừng” (15). Hiền ôm lý tưởng và hoài bão vì nhân dân cần lao khốn khổ, nhưng đó không duy lý trí. Có rất nhiều sự níu giữ của cuộc đời như tình yêu, gia đình, hạnh phúc bình dị, những đoạn miêu tả cuộc giằng xé nội tâm của Hiền được Trương Tửu viết thật đặc sắc, xúc động. Nhân vật say mê và tôn thờ lý tưởng, nhưng cũng rất đa cảm và có trái tim khao khát yêu đương.

Chàng trai trí thức đã muốn khả năng của mình được dùng vào con đường của lý tưởng đấu tranh. Hiền là thanh niên cấp tiến, ghét đời sống cằn cỗi của những kẻ phụng thờ miếng cơm manh áo hay cam tâm làm nô lệ cho tập tục. Chàng ghê tởm cái đời tầm thường những người lấy vinh thân phì gia làm mục đích. Đó cũng là một chàng trai trung thành với lý tưởng, chấp nhận mọi khó khăn đến mức: “Những con đường nào thiên hạ đã lát đá phẳng lỳ, chàng không muốn bước vào. Trong khu rừng um tùm, chàng muốn tự tay khai phá một lối đi mới. Rồi trong lối đi này chàng nghênh ngang tiến bước, đầu cao mắt sáng, luôn chiến đấu với những nguy hiểm bất ngờ” (16). Chính vì mục đích sáng rõ, và nhân cách cao đẹp mà những trí thức trẻ như Hiền, Hảo trong tác phẩm này đã thể hiện cái say sưa, sôi nổi chân thành của nhà văn. Thanh niên nào bị cuốn vào vòng xoáy quẩn quanh, rơi vào bế tắc, họ để cho những vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể mà không kháng lại được, tất yếu sẽ bị suy vong như Liêu trong Thanh niên S.O.S, Thông trong Trái tim nổi loạn.

Như vậy, những mảnh đời của người dân lao động khốn cùng và những hình ảnh người trí thức trong xã hội đương thời đã khơi nguồn cảm hứng sáng tác cho nhà văn. Ngòi bút của ông đã miêu tả chân thực về cuộc sống mưu sinh cơ cực của những người nghèo khổ. Dù là người lao động hay trí thức trong sáng tác của Trường Tửu, đều mang ý nghĩa khái quát thể hiện rõ đời sống xã hội Việt Nam những năm đầu TK XX. Trong Văn xuôi Trương Tửu có những con người lương thiện, thấu tình đạt lý, nhưng lại bị nhào nặn trong xã hội ấy, và nếu không đủ dũng cảm họ sẽ bị cuốn đi theo dòng nước lũ giữa muôn mặt Tây, Tầu đảo lộn. Mặt khác, người nào mang hoài bão, lý tưởng, dám tranh đấu dẫu chọn cho mình con đường dù chông gai nhưng sẽ thỏa chí trai vì ngày mai tươi sáng, vì những con người cùng khổ, lầm than, vì vận mệnh dân tộc.

_______________

1. Hoàng Phê (Chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2000, tr.106.

2, 3. Đinh Xuân Lâm (Chủ biên), Đại cương lịch sử Việt Nam, Tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2001, tr.122, 561.

4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 15, 16. Nguyễn Hữu Sơn (Sưu tầm và biên soạn), Trương Tửu – Tuyển tập văn xuôi, Nxb Lao động, Hà Nội, 2009, tr.571, 577, 455-456, 69, 117, 220, 192-193, 199, 153, 137.

12, 13. Hà Minh Đức (Biên soạn), Tuyển tập Nam Cao, Tập 2, Nxb Văn học, Hà Nội, 2002, tr.8, 18.

14. Vũ Ngọc Phan, Nhà văn Việt Nam hiện đại (tái bản), Nxb Thăng Long, Sài Gòn, 1960, tr.1123-1136.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 359, tháng 5-2014

Tác giả : Nguyễn Thị Thanh Vân

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *