Người mẹ trước vành móng ngựa được NSND Doãn Hoàng Giang phóng tác từ tiểu thuyết nổi tiếng Madame X của nhà văn Mỹ Michael Avallone. Lấy bối cảnh của nước Mỹ vào khoảng thập niên 70 của TK XX, vở diễn nói về cuộc đời bất hạnh của một người phụ nữ thuộc tầng lớp bình dân, nàng Holly xinh đẹp. Nàng đã yêu và trở thành phu nhân của chàng Clayton thuộc dòng họ Aderson danh tiếng bậc nhất nước Mỹ. Clayton nhanh chóng đi xa, theo đuổi danh vọng của một nhà ngoại giao, đặt sự nghiệp và con đường tiến thân lên trên hết…
Cảnh trong vở kịch nói Người mẹ trước vành móng ngựa – Ảnh: Liên Hương
Ngày 1-7-2019, Nhà hát Kịch Việt Nam đã khởi công xây dựng vở diễn Người mẹ trước vành móng ngựa. Sau hơn hai tháng chờ đợi, cuối cùng, vở kịch đã chính thức ra mắt đông đảo khán giả thủ đô, tối ngày 19-9-2019 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Người mẹ trước vành móng ngựa được NSND Doãn Hoàng Giang phóng tác từ tiểu thuyết nổi tiếng Madame X của nhà văn Mỹ Michael Avallone. Lấy bối cảnh của nước Mỹ vào khoảng thập niên 70 của TK XX, vở diễn nói về cuộc đời bất hạnh của một người phụ nữ thuộc tầng lớp bình dân, nàng Holly xinh đẹp. Nàng đã yêu và trở thành phu nhân của chàng Clayton thuộc dòng họ Aderson danh tiếng bậc nhất nước Mỹ. Clayton nhanh chóng đi xa, theo đuổi danh vọng của một nhà ngoại giao, đặt sự nghiệp và con đường tiến thân lên trên hết… bỏ lại nàng Holly một mình sinh con và mòn mỏi đợi chờ nhiều năm trời, cô đơn trong tòa lâu đài tráng lệ của gia đình chồng ở “miền đất xanh”. Câu chuyện kịch xoay quanh những biến cố của số phận nhân vật Holly khi phải đối diện với quan điểm thiếu môn đăng hộ đối trong gia đình chồng, bị mẹ chồng ép chết giả rồi sống ê chề trong thân phận gái làng chơi. Cô bị tống tiền khi bị phát hiện thân phận, chấp nhận hy sinh để giữ danh tiếng cho nhà chồng, trở thành người đàn bà không tên dù phải đối mặt với án tử hình… Con đường biến một phu nhân quyền quý thành người đàn bà không tên và phải đối mặt với án tử hình chứa đựng nhiều uẩn khúc. Đây là điểm mấu chốt tạo nên kịch tính trong vở diễn, thu hút sự tò mò của người xem.
Vở diễn phản ánh những góc khuất của xã hội nước Mỹ, nơi có không ít thân phận người phụ nữ thuộc tầng lớp bình dân bị vùi dập. Nhưng qua đó lại toát lên lòng vị tha, nhân hậu của người mẹ, người vợ sẵn sàng nhận về mình những hy sinh, mất mát.
Theo NSƯT Xuân Bắc – Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Kịch Việt Nam, nhà hát lựa chọn dàn dựng vở Người mẹ trước vành móng ngựa tại thời điểm này bởi nhiệm vụ của nhà hát là dàn dựng những tác phẩm kinh điển, những tác phẩm nổi tiếng thế giới để phục vụ nghiên cứu, biểu diễn. “Tuy nhiên, Hội đồng Nghệ thuật Nhà hát Kịch Việt Nam luôn hướng tới tiêu chí: tác phẩm đỉnh cao, kinh điển phải sống được trong lòng độc giả chứ không chỉ để cất kho”. Cũng theo NSƯT Xuân Bắc, vở kịch liên quan tới đề tài hôn nhân, gia đình, đây là đề tài muôn thuở. Bất kỳ ai cũng có quyền mong muốn cho mình một cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp hơn.
Người mẹ trước vành móng ngựa được đánh giá là vở diễn khó, dựa trên một tiểu thuyết kinh điển của thế giới. Nếu không phải được dàn dựng bởi bàn tay của đạo diễn gạo cội, tài năng như NSND Doãn Hoàng Giang thì thật khó lột tả được những tầng lớp ý nghĩa ẩn chứa trong vở kịch. NSND Doãn Hoàng Giang chia sẻ: “Dù lấy bối cảnh nước Mỹ nhưng tôi tin khi xem, khán giả sẽ không cảm thấy xa lạ. Những mặt trái của xã hội (sự phân biệt giàu – nghèo, sang – hèn…) đã đẩy không ít phận người, đặc biệt là người phụ nữ, vào bước đường cùng. Hiện thực ấy không chỉ có ở nước Mỹ”.
Bên cạnh những diễn viên quen thuộc như: NSND Lan Hương, NSƯT Trịnh Mai Nguyên, Phú Đôn, vở diễn còn quy tụ dàn diễn viên trẻ như: Việt Hoa, Thế Nguyên, Trọng Trí, Hồng Phúc, Quang Đạo… Đặc biệt, nhân vật chính Holly với cuộc đời đầy biến động, tâm lý diễn biến phức tạp, được diễn viên Việt Hoa, một gương mặt trẻ nhiều triển vọng của Nhà hát Kịch Việt Nam đảm nhiệm.
Góp phần tạo nên sự thành công và ấn tượng của vở diễn, chính là phục trang của mỗi diễn viên. Đây là vở diễn được Bộ VHTTDL đặt hàng nên Nhà hát Kịch Việt Nam quyết định đầu tư kỹ lưỡng. Ngoài việc mời đạo diễn nổi tiếng NSND Doãn Hoàng Giang, lãnh đạo nhà hát còn mời nhà thiết kế (NTK) chuyên nghiệp Đỗ Trịnh Hoài Nam thiết kế phục trang cho vở diễn này. Mặc dù rất nổi tiếng trong làng thiết kế thời trang với gần 30 năm cống hiến, thiết kế các bộ sưu tập cho nhiều tuần lễ thời trang trong nước, thiết kế trang phục cho các diễn viên Việt Nam tham gia Liên hoan Phim Cannes… nhưng NTK Hoài Nam luôn dành một tình cảm đặc biệt cho sân khấu. NTK Hoài Nam tâm sự: “Tôi rất yêu sân khấu, luôn muốn cống hiến và đây là cơ hội, là sân chơi để tôi được thỏa mình cống hiến”.
Kịch bản Người mẹ trước vành móng ngựa của NSND Doãn Hoàng Giang đã từng được chuyển thể và công diễn trên sân khấu ca bài chòi của Đoàn ca kịch Bài chòi Bình Định. Tuy nhiên, việc dàn dựng trên sâu khấu Nhà hát Kịch được kỳ vọng sẽ trở thành hiện tượng của sân khấu kịch Việt Nam năm 2019. Êkip thực hiện hy vọng thông điệp, giá trị nhân văn của vở diễn sẽ chạm tới trái tim của nhiều khán giả. Dù trong thời đại nào, xã hội nào những câu chuyện về tình cảm gia đình, sự hy sinh trong tình yêu… cũng không bao giờ cũ. Đâu là giới hạn của việc hy sinh hạnh phúc cá nhân cho người mình yêu? Liệu rằng sự hy sinh ấy có mang lại hạnh phúc cho người khác như kỳ vọng không? Đó là câu hỏi đặt ra và xoáy sâu vào tâm trí khản giả khi xem vở diễn đặc sắc này.
Tác giả: Nguyễn Liên Hương
Nguồn: Tạp chí VHNT số 424, tháng 10 – 2019
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn